Báo Phụ Nữ, Sun Group và ‘tự do báo chí’ ở Việt Nam
23 tháng 9 2019 - Báo Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/9 gây xôn xao dư luận khi đăng cùng lúc hai bài lên án tập đoàn Sun Group. Lời giới thiệu của tòa soạn, nêu quan điểm chính thức của tờ báo, nói Sun Group "được che chắn từ hạ giới có tên là im lặng của chính quyền từ trung ương đến địa phương". Do một nhóm doanh nhân người Việt trở về từ Ukraine thành lập, khởi nghiệp tại Đà Nẵng, Sun Group hiện là một tập đoàn nổi tiếng về du lịch, bất động sản…
Cầu Vàng tại Sun World Ba Na Hills, do Sun Group đầu tư
Bài báo tựa "Sun group - 'ông trời' không từ trên cao" lên án một khu du lịch của tập đoàn: "Bà Nà - nơi nghỉ mát, tĩnh dưỡng - là câu chuyện quá khứ. Còn bây giờ là chỉ riêng khu vui chơi, trải nghiệm, quay cuồng, ăn, hát, lăn lộn thỏa thuê trong diện tích hơn 60ha rừng đã bị san phẳng."Bài thứ hai lấy tựa "Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo". Trong bài này, phóng viên cáo buộc một nhà sư, đại đức Thích Thanh Toàn, có những hành vi "bẩn thỉu" và dường như có quan hệ thân thiết với một Phó chủ tịch Tập đoàn Sun Group.
Bài báo cũng mô tả về cuộc gặp với vị Phó chủ tịch này, và sau đó, một chiếc túi Dior "với giá 2.500 euro" được Sun Group gửi cho phóng viên.
Sun Group, và Đại đức Thích Thanh Toàn, chưa lên tiếng phản hồi về những cáo buộc trong hai bài báo.
Chủ tịch tập đoàn Sun Group là ông Lê Viết Lam, sinh năm 1969 tại Thanh Hóa.
Theo tiểu sử chính thức, năm 1993, ông Lê Viết Lam cùng ông Phạm Nhật Vượng (người sáng lập Vingroup sau này), bà Phạm Thúy Hằng và bà Phạm Thu Hương và một số người khác thành lập công ty Technocom, kinh doanh lĩnh vực thức ăn đóng gói, chủ yếu là mì ăn liền với thương hiệu Mivina.
Năm 2007, ông Lam thành lập Sun Group ở Đà Nẵng, tập trung vào đầu tư xây dựng, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng.
Công ty của ông có các khu du lịch lớn ở Việt Nam như Sun World Ba Na Hills, Sun World Danang Wonders tại Đà Nẵng, Sun World Fansipan Legend tại Lào Cai, Sun World Hon Thom Nature Park tại Phú Quốc, Sun World Halong Complex ở Quảng Ninh..
Năm 2018, báo chí nước ngoài đăng nhiều tin, hình ảnh đẹp về việc ra mắt của Cầu Vàng tại Sun World Ba Na Hills, được xem là một điểm nhấn du lịch.
Sun Group cũng điều hành các khu du lịch hạng sang ở Việt Nam, như InterContinental Danang Sun Peninsula (Đà Nẵng) và JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay (Phú Quốc).
Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải, Sun Group còn gây tiếng vang với ba dự án ở Quảng Ninh. Đó là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.
Phản ứng trên mạng xã hội
Do tầm vóc của Sun Group, hai bài của tờ Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh lập tức gây tranh luận.
Viết trên Facebook cá nhân, nhà báo Hàn Ni chia sẻ: "Lâu nay Sun Group, Vingroup vốn là "vùng cấm" đối với nhiều phóng viên vì các công ty này bỏ ra hàng tỷ đồng/năm để "hợp tác truyền thông" với lãnh đạo các báo nên phóng viên có viết cũng chẳng được đăng."
"Đó là lý do, loạt bài điều tra của Báo Phụ Nữ lần này được đánh giá cao là vậy!"
Còn bà Nguyễn Lan Anh, giám đốc điều hành của Endeavour Vietnam và có nhiều năm kinh nghiệm làm báo, cho rằng "có quá nhiều điều chưa ổn về nghiệp vụ báo chí" trong hai bài của Phụ Nữ.
"Tôi hy vọng tờ Phụ Nữ sẽ thể hiện nghiệp vụ chuyên nghiệp hơn ở những bài kế tiếp," bà Lan Anh nhận định.
Báo Phụ Nữ TPHCM từng chỉ trích Vingroup
Tổng biên tập báo Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh là bà Lê Huyền Ái Mỹ, sinh năm 1974.
Tốt nghiệp đại học sư phạm ở Huế, bà Ái Mỹ làm việc ở báo Phụ Nữ từ 1997, lên đến Phó tổng biên tập phụ trách nội dung trước khi trở thành lãnh đạo cao nhất của báo năm 2014.
Tháng 8/2018, báo Phụ Nữ đã từng gây dư luận khi đăng bài phê phán Vingroup, trong đó có bài "Central Park giống hệt cái 'mỏ hàn' đe dọa sông Sài Gòn".
Tờ này còn đăng bài, với câu khẳng định: "Câu hỏi: công viên Vinhomes Central Park có vi phạm hành lang bảo vệ kênh, sông, rạch không? Có! Rõ ràng là lấn sông, dù họ xây dựng năm 2016, trước khi có quyết định về hành lang kênh rạch của TP.HCM."
Các bài viết về Vingroup của tờ Phụ Nữ vẫn còn nguyên trên trang của họ.
Báo chí Việt Nam 'có tự do'
Về Sun Group, trước loạt bài của tờ Phụ Nữ, một báo khác là Người Đô Thị cũng từng đăng các bài phê phán Sun Group.
Ví dụ một bài tháng 11/2018 của Người Đô Thị viết: "Dự án công viên Đại Dương Sơn Trà của tập đoàn Sun Group có dấu hiệu tái khởi động sau một thời gian im tiếng. Phải gọi thẳng bản chất của dự án này là rắp tâm chiếm nốt phần vùng biển đẹp nhất khu vực biển Đà Nẵng khi yêu cầu giao toàn bộ 100 ha đất ở khu vực Thọ Quang."
Một số nhà báo tại TPHCM trao đổi với BBC, cho rằng cần có cái nhìn phân tích khác về tình hình báo chí hiện nay ở Việt Nam.
Các tổ chức cổ vũ tự do báo chí như Phóng viên không biên giới thường xuyên xếp Việt Nam ở chót bảng.
Còn chính phủ Việt Nam lại khẳng định Việt Nam hoàn toàn có tự do báo chí.
Một nhà báo nói với BBC: "Sự thật có lẽ là màu xám, chứ không phải đen hay trắng."
"Ngoại trừ các vấn đề vẫn phải chờ chính quyền cho phép như Trung Quốc, tham nhũng cấp cao…, các vấn đề khác - trong đó có điều tra về các tập đoàn tư nhân - hoàn toàn do ban biên tập các báo tự quyết định."
Báo chí Việt Nam đang chịu sức ép vì mất độc giả báo in
Một lý do là vì báo chí Việt Nam, từ mấy năm qua, chịu sức ép của việc ngày càng mất độc giả trong lĩnh vực báo in.
Nhiều tờ báo, từng một thời bán hàng trăm ngàn bản, thì nay chứng kiến số bản in rút ngắn, trong bối cảnh ngày càng nhiều người đọc tin qua mạng và Facebook.
Ngẫu nhiên, chính sức ép này buộc báo chí Việt Nam tìm kiếm các chủ đề mà độc giả quan tâm.
Một mặt trái của hiện tượng này là sự nổi trội của các nội dung gây sốc - hậu trường, tình ái ngôi sao - để "câu view".
Nhưng mặt khác, để duy trì độc giả, một số tờ báo cũng cố gắng làm các loạt bài điều tra của riêng họ.
Một nhà báo khác, quen thuộc với loạt điều tra của tờ Phụ Nữ về Vingroup năm 2018, đồng ý.
Người này cho BBC hay sau khi Phụ Nữ đăng các bài, những người phụ trách truyền thông của Vingroup quyết định không can thiệp hay gây sức ép với báo.
"Vingroup muốn xóa đi ấn tượng rằng họ không cho báo chí 'nói xấu'."
"Gần đây tờ Financial Times đăng bài dài về Vingroup, và sau đó, tác giả bài này vẫn đi lại vào Việt Nam, viết bài bình thường."
Gần đây, viết trên BBC, cây bút Hoàng Trúc phân tích hiện tượng các báo và doanh nghiệp Việt Nam ký "hợp đồng truyền thông".
"Khi đặt tôi viết bài, các tòa soạn ở Việt Nam cũng căn dặn không nêu tên các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sungroup, Masan, VietJet… cũng đâu trên dưới chục cái tên như vậy.
Đây cũng là lý do tại sao báo chí Việt Nam thiếu những bài về chênh lệch địa tô, chúa đất mới, người dân mất đất vì dự án, những dự án tàn phá môi trường, tai nạn lao động… thậm chí chất lượng hàng hóa của một loại ô tô hiện nay cũng là điều cấm kỵ số một, còn hơn cả chúa trời, không thể nhắc đến, dù một chữ hay hình ảnh trong bài báo," tác giả viết.
Theo góc nhìn này, việc điều tra các doanh nghiệp tư nhân - được phép hay không - có thể là nằm trong quyền hạn, khả năng, ý chí của ban biên tập một tờ báo.
"Cái gì cũng đổ cho kiểm duyệt, cho Đảng, trong khi viết hay không viết về các nhóm lợi ích, nhiều trường hợp, chỉ là do ban biên tập có dám hay không," một nhà báo nói với BBC.
Một lý do là vì báo chí Việt Nam, từ mấy năm qua, chịu sức ép của việc ngày càng mất độc giả trong lĩnh vực báo in.
Nhiều tờ báo, từng một thời bán hàng trăm ngàn bản, thì nay chứng kiến số bản in rút ngắn, trong bối cảnh ngày càng nhiều người đọc tin qua mạng và Facebook.
Ngẫu nhiên, chính sức ép này buộc báo chí Việt Nam tìm kiếm các chủ đề mà độc giả quan tâm.
Một mặt trái của hiện tượng này là sự nổi trội của các nội dung gây sốc - hậu trường, tình ái ngôi sao - để "câu view".
Nhưng mặt khác, để duy trì độc giả, một số tờ báo cũng cố gắng làm các loạt bài điều tra của riêng họ.
Một nhà báo khác, quen thuộc với loạt điều tra của tờ Phụ Nữ về Vingroup năm 2018, đồng ý.
Người này cho BBC hay sau khi Phụ Nữ đăng các bài, những người phụ trách truyền thông của Vingroup quyết định không can thiệp hay gây sức ép với báo.
"Vingroup muốn xóa đi ấn tượng rằng họ không cho báo chí 'nói xấu'."
"Gần đây tờ Financial Times đăng bài dài về Vingroup, và sau đó, tác giả bài này vẫn đi lại vào Việt Nam, viết bài bình thường."
Gần đây, viết trên BBC, cây bút Hoàng Trúc phân tích hiện tượng các báo và doanh nghiệp Việt Nam ký "hợp đồng truyền thông".
"Khi đặt tôi viết bài, các tòa soạn ở Việt Nam cũng căn dặn không nêu tên các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sungroup, Masan, VietJet… cũng đâu trên dưới chục cái tên như vậy.
Đây cũng là lý do tại sao báo chí Việt Nam thiếu những bài về chênh lệch địa tô, chúa đất mới, người dân mất đất vì dự án, những dự án tàn phá môi trường, tai nạn lao động… thậm chí chất lượng hàng hóa của một loại ô tô hiện nay cũng là điều cấm kỵ số một, còn hơn cả chúa trời, không thể nhắc đến, dù một chữ hay hình ảnh trong bài báo," tác giả viết.
Theo góc nhìn này, việc điều tra các doanh nghiệp tư nhân - được phép hay không - có thể là nằm trong quyền hạn, khả năng, ý chí của ban biên tập một tờ báo.
"Cái gì cũng đổ cho kiểm duyệt, cho Đảng, trong khi viết hay không viết về các nhóm lợi ích, nhiều trường hợp, chỉ là do ban biên tập có dám hay không," một nhà báo nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét