Ai có quyền ‘đi nhờ’ chuyên cơ nguyên thủ?
Công luận Việt Nam ngày 25/9 càng “dậy sóng”dữ dội hơn sau khi Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí rằng 9 người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc trong chuyến công tác của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân là “đi nhờ”. Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, người từng có kinh nghiệm tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải trong một chuyến công tác sang Nhật, nói với VOA rằng bà “buồn cười” về câu trả lời “coi thường dư luận” của quan chức Việt Nam. “Đó là chuyên cơ chứ có phải tàu chợ đâu mà nói thế. Nếu là chuyên cơ thì từng người một đều mang danh nghĩa là thành phần của đoàn Việt Nam sang Hàn Quốc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (trái)
bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
“9 người này không thuộc thành phần đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam mà thuộc đoàn của Diễn đàn đề nghị đi nhờ chuyên cơ sang kia”, báo Thanh Niên dẫn lời Tổng thư ký Quốc hội trả lời báo giới ngày 25/9 về vụ “vượt biên bằng chuyên cơ” của các thành viên trong đoàn tháp tùng chuyến công tác của Chủ tịch QH Việt Nam đến Hàn Quốc vào cuối năm ngoái. Theo người phát ngôn của Quốc hội, những người bỏ trốn “không thuộc thành phần đoàn ngoại giao của Quốc hội Việt Nam và không được cấp visa ngoại giao”.Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, người từng có kinh nghiệm tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải trong một chuyến công tác sang Nhật, nói với VOA rằng bà “buồn cười” về câu trả lời “coi thường dư luận” của quan chức Việt Nam.
“Đó là chuyên cơ chứ có phải tàu chợ đâu mà nói thế. Nếu là chuyên cơ thì từng người một đều mang danh nghĩa là thành phần của đoàn Việt Nam sang Hàn Quốc. Tôi nghe như thế thì thấy rất buồn cười. Không thể nào nói như vậy được. Rất coi thường dư luận”.
Mặc dù đã xảy ra từ tháng 12 năm ngoái, nhưng thông tin về vụ bỏ trốn của các thành viên trong phái đoàn công tác Việt Nam chỉ được công chúng biết đến sau khi báo chí Hàn Quốc hôm 23/9 loan tin cho biết 2 trong số 9 người bỏ trốn đã bị trục xuất khỏi nước này và 7 người còn lại vẫn “mất tích”.
"Đâu có đi free"
Vụ “vượt biên” bằng chuyên cơ nguyên thủ đã khiến công luận Việt Nam đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh những chuyến đi công tác tiêu tốn hàng tỉ tiền thuế của người dân của các quan chức Việt Nam.
Theo doanh nhân Lê Hoài Anh, việc được tháp tùng các nguyên thủ đi công tác nước ngoài là một cơ hội tốt trong công việc kinh doanh, nhờ không khí thân mật trong chuyến chuyên cơ giữa các thành viên cũng như điều kiện thuận lợi để làm việc tại quốc gia điểm đến.
Tuy nhiên, các doanh nhân muốn đăng ký đi tháp tùng nguyên thủ phải là những gương mặt nổi bật trong các lĩnh vực thương mại liên quan tại quốc gia điểm đến, và họ phải đóng tiền mua vé máy bay như khi đi máy bay thương mại.
Với vụ bỏ trốn đang gây chấn động dư luận, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc hôm 25/9 nói rằng phía Quốc hội “không biết” thông tin gì về những chi phí mà 9 người bỏ trốn đã đóng góp cho chuyến đi.
“Toàn bộ sinh hoạt đi lại, ăn ở khách sạn chúng tôi cũng không biết vì đều do Bộ KH-ĐT lo”, ông Phúc nói và cho biết thêm rằng sau khi làm việc tại Hàn Quốc thì những người tháp tùng Chủ tịch QH lại “đi nhờ về”.
Sau lời giải thích của ông Phúc, nhiều ý kiến trên mạng xã hội không những không bị thuyết phục mà còn tỏ ra nghi ngờ về việc có hay không một đường dây “vượt biên” qua đường chuyên cơ, và đâu là động cơ thực sự của những người đã bỏ trốn.
“Điều em rất thắc mắc là ban tổ chức chuyến đi này đã thu được bao nhiêu tiền??? Mấy đồng chí ấy đâu có đi free [miễn phí] được. Và tại sao tới khi Hàn Quốc phát giác mình mới tỏ tè”, tài khoản Facebook tên Nguyễn Võ Anh Trường viết.
Trong khi đó, nhà báo Huy Đức, trong một bài đăng trên Facebook liên quan đến vụ việc, lại đặt câu hỏi về những chuyến chuyên cơ mà theo ông “chỉ riêng tiền thuê sân đỗ đã là một con số khổng lồ với ngân sách của Việt Nam.
“Tại sao bà Ngân (và những người trong bộ tứ) lại dùng hẳn một chuyên cơ cho các chuyến công du?” khi “những người thực sự đi làm việc cùng họ có khi không đủ để xếp một khoang hạng nhất”, nhà báo Huy Đức viết, đồng thời dẫn chứng nhiều trường hợp nguyên thủ của các quốc gia G7 cũng thường dùng máy bay thương mại để đi công tác, thậm chí là máy bay giá rẻ như Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore.
Ai được “đi nhờ”?
Bình luận về lý do “đi nhờ” chuyên cơ, nhà báo Trương Châu Hữu Danh nói việc tiếp cận “tứ trụ” ở “cự ly gần” là không dễ dàng.
“Những lần họp báo mà có tứ trụ, anh em phóng viên phải qua 2 cửa an ninh, rồi còn kiểm tra trực tiếp máy tính máy ảnh”, nhà báo tại Việt Nam cho biết trên trang Facebook.
Theo anh, việc “quá giang” được chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội còn khó hơn tiếp cận Hàn Quốc bằng những con đường khác (như đầu tư, học tập, hay xuất khẩu lao động). Vì vậy, việc 9 nhân vật chọn bỏ trốn theo con đường khó khăn này phải có vấn đề.
Một số ý kiến trên mạng xã hội cũng bày tỏ sự nghi ngờ tương tự khi cho rằng việc đi du lịch Hàn Quốc là khá dễ dàng khi chi phí đi tour chỉ khoảng 13 triệu đồng (gần 560 đôla).
Lên tiếng về trách nhiệm tổ chức đoàn tháp tùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, trong cùng ngày, trả lời với báo giới rằng Bộ này đã “làm hết trách nhiệm” trong việc chọn lọc những người đi theo chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội.
“Chúng tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc như thế, chẳng may có một cuộc có một số trường hợp trốn lại rất là đáng tiếc. Chúng tôi cũng buồn lắm”, ông Dũng nói với Vietnamnet..
Doanh nhân Lê Hoài Anh cũng xác nhận với VOA về quá trình xét duyệt khá chặt chẽ trước đây, vốn do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam – VCCI phụ trách, trong đó các doanh nhân đăng ký tham gia vào đoàn tháp tùng đều phải trải qua các thủ tục quy định về kiểm tra lý lịch và an ninh.
Nhưng dưới sự quản lý của Bộ KHĐT và câu trả lời của người đứng đầu Bộ này, nữ doanh nhân này không khỏi đặt câu hỏi vì sao “con voi lại có thể chui qua lỗ kim” trong vụ bỏ trốn mà bà gọi là “nỗi nhục quốc thể” này.
“Nếu chỉ 1, 2 người tôi còn tin họ bất chợt nổi hứng bỏ trốn chứ đến 9 người thì cháu tôi nó cũng cười khẩy!” bà Hoài Anh nói với VOA.
“Là 1 một người chạy ăn từng bữa nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện trốn lui trốn lủi ở nước ngoài kiếm sống tủi nhục chứ huống gì những vị được ‘chọn lọc, thẩm định hết sức cẩn thận, xem xét từng đối tượng’ như ông Dũng nói. Chỉ có những kẻ chuẩn bị từ trước, có tiền bạc, địa vị và chạy trốn vì lý do nào đó chứ không phải sang đó kiếm từng won mới lọt vào được danh sách thẩm định kỹ càng này”.
"Người dân chúng tôi rất muốn biết những vị đi nhờ là như thế nào? Bằng cách nào họ lọt được vào đoàn và cuối cùng trốn lại?", bà Lê Hoài Anh nói với VOA.
Hiện danh tính của 9 người bỏ trốn vẫn chưa được các quan chức Việt Nam công bố, mặc dù theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ này vẫn còn đang giữ hộ chiếu của tất cả những người này.
Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Hàn Quốc tham dự diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc diễn ra vào ngày 7/12/2018. Đi cùng bà có hơn 160 người, trong đó có 20 quan chức cấp cao, theo đài truyền hình Hàn Quốc MBC.
Khánh An
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét