Thứ Năm, 12 tháng 9, 2019

Bài rất hay - Nhìn lại Cộng đồng tưởng tượng

Mục tiêu chiến lược cơ bản của Mỹ từ sau Thế chiến thứ hai đến nay là loại bỏ các nước châu Âu (Anh, Pháp, Hà Lan...) ra khỏi châu Á và thay thế các nước đó bằng bá quyền toàn diện của Mỹ. Không một nước nào của châu Âu có khả năng và mục tiêu lớn như thế. Nước duy nhất từng có tham vọng đó là Nhật Bản. Từ 1942 đến 1945, Nhật từng bước tiến hành chiếm đóng quân sự trên toàn Đông Nam Á. Tuy nhiên Nhật không đủ khả năng để duy trì sự chiếm đóng đó.
Nhìn lại Cộng đồng tưởng tượng
(Bài giảng của Anderson tại Đại học Waseda)
Lời dẫn: Trong thời gian tham dự hội thảo quốc tế “Toàn cầu hóa và châu Á hiện đại” do Đại học Waseda tổ chức vào ngày 22 và 23 tháng 4 năm 2005, Benedict Anderson đã có hai bài nói chuyện quan trọng. Chủ đề buổi nói chuyện thứ nhất xoay quanh Cộng đồng tưởng tượng. Chủ đề buổi nói chuyện thứ hai tập trung vào chủ nghĩa dân tộc, toàn cầu hóa và phong trào vô chính phủ diễn ra tại châu Á giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - những nội dung sẽ được Anderson trình bày chi tiết trong công trình được xuất bản vào cuối năm 2005 Dưới ba ngọn cờ: Phong trào vô chính phủ và tưởng tượng chống thực dân(Under three flags: Anarchism and the Anti-Colonial Imagination). Cả hai bài nói chuyện đều được Umemori Naoyuki dịch sang tiếng Nhật và đưa vào phần đầu cuốn sách Benedict Anderson bàn về toàn cầu hóa (ベネディクトアンダーソングローバリゼーションを語る, Umemori Naoyuki biên soạn, Kobunsha xuất bản, 2007).*
Trong hai bài nói chuyện này, bài nói chuyện thứ nhất liên quan trực tiếp hơn cả đến Cộng đồng tưởng tượng, nơi tác giả trình bày lý do trở thành nhà nghiên cứu so sánh, quá trình viết Cộng đồng tưởng tượng, sự khác biệt giữa cuốn sách và các công trình khác xuất bản cùng thời điểm, đặc biệt là việc điều chỉnh và tự phê phán của tác giả sau khi công trình nhận được sự phê bình và đánh giá rộng rãi từ nhiều lĩnh vực chuyên ngành. Nhận thấy đây là một bài nói chuyện quan trọng có thể giúp độc giả hiểu rõ hơn Cộng đồng tưởng tượng và tác giả của nó, chúng tôi quyết định dịch ra tiếng Việt để bạn đọc tham khảo. Các ký tự Latin (I, II…) là do người dịch thêm vào.

Xin cảm ơn lời giới thiệu hết sức nhiệt tình của giáo sư Yabushita Shirō(1). Cảm ơn tất cả các bạn đã đến nghe bài nói chuyện của tôi trong ngày xuân tuyệt đẹp này. Tôi rất hạnh phúc và vinh dự trước sự có mặt tại đây của mọi người.

Cộng đồng tưởng tượng đã bỏ trốn

Hôm nay tôi được đề nghị nói về cuốn Cộng đồng tưởng tượng. Cuốn sách này đã có hai mươi hai năm tuổi đời. Có đúng là hai mươi hai năm? Đúng vậy, cuốn sách đã trải qua hai mươi hai năm kể từ khi được xuất bản.

Trước hết tôi muốn nói đến một thực tế mà bất cứ ai từng xuất bản sách đều biết và những ai công bố nghiên cứu của mình chắc chắn sẽ biết trong tương lai. Thực tế đó hết sức giản dị. Nếu đã xuất bản một cuốn sách nào đó thì cuốn sách đó sẽ thoát khỏi sự kiểm soát của bạn. Vì vậy một khi đã xuất bản, nó không còn là thứ của riêng bạn nữa. Với Cộng đồng tưởng tượng, tôi luôn nhận thấy điều đó. Nó cũng giống như đứa con mà tôi rất mực yêu quý bỗng nhiên bỏ trốn cùng người tình xa lạ. Và như vậy tôi chỉ còn biết cách cầu nguyện cho người đàn ông xa lạ kia sẽ coi trọng đứa con của mình. Con tôi đã không còn thuộc về tôi nữa. Tôi đang nhớ lại đứa con hai mươi hai tuổi đời này. Đó là một người con đã biết tự lập và có lẽ nó sẽ tồn tại với những đứa con của riêng mình. Giữa tôi và nó không còn sự đồng cảm nữa. Điều này tôi sẽ đề cập đến sau.

Có một điều nữa mà tôi muốn nói đến trước hết. Tôi đã viết về quãng thời gian thanh niên của tôi trong bài viết gửi tới mọi người, song không phải vì tự hào mà tôi viết cho các bạn như vậy. Lý do tôi đề cập đến tiểu sử của bản thân là vì có nhiều người đang hiểu sai về tôi.

Mọi người đều nghĩ tôi là người Mỹ. Nhưng thực tế không phải. Nhiều người cho tôi là một nhà nhân học, điều này cũng không chính xác. Tôi cũng bị gán nhầm thành sử gia, bị hiểu nhầm thành nhà phê bình văn học. Vì vậy tôi chỉ muốn loại bỏ những hiểu lầm đó mà thôi.

Tôi đã vượt lên những giới hạn chuyên ngành và kinh qua nhiều lĩnh vực, tôi cũng vượt qua biên giới quốc gia và di chuyển khắp đó đây. Đó là điều mà tôi cảm thấy rất vui. Tuy nhiên xét về mặt logic, có thể nói tôi được đào tạo trong hai lĩnh vực là khoa học chính trị và nghiên cứu cổ điển (classical languages) (2). Sau khi xác định hai lĩnh vực này là chuyên môn của mình, tôi đã trở thành một nhà nghiên cứu hết sức lệch tâm. Bởi vậy tôi trở thành một ví dụ rõ rệt cho khái niệm lai ghép (hybrid).

Hoàn cảnh gia đình phức tạp và giáo dục phổ thông


Một điều may mắn là tôi xuất thân từ một bối cảnh gia đình phức tạp. Cha tôi là người Ireland, mẹ tôi là người Anh. Trước 1921, Ireland từng là thuộc địa của Anh. Thời điểm Ireland giành được độc lập, cha tôi mới 28 tuổi. Xét theo một ý nghĩa nào đó, bản thân cha tôi cũng có thể coi là một hiện tượng lai ghép. Dòng dõi bà tôi là những tín đồ Cơ đốc chính cống xa xưa ở Ireland, họ đều là những thành viên hoạt động sôi nổi cho phong trào dân tộc chủ nghĩa từ 1799 đến 1890, bất kể hợp pháp hay phi pháp. Trong khi đó dòng dõi ông tôi đã có được đất định cư từ nửa sau thế kỷ XVII, họ là những “người nhập cư”, dần trở thành “những cư dân Ireland gốc Anh trung thành” và cung cấp nhiều binh sĩ cho Đế quốc Anh ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Sự kết hợp giữa hai dòng dõi này diễn ra vào khoảng 1850. Phả hệ dân tộc chủ nghĩa đã kết hợp cùng phả hệ đế quốc chủ nghĩa. Chính vì sự kết hợp này, cha tôi đã sinh ra trong một gia đình thiếu tá của Đế quốc Anh vào năm 1893 tại Penang. Đó là nơi tập trung những quân nhân không còn tại ngũ. Ngoài ra, dòng dõi Ireland còn là sự pha trộn giữa các tín đồ Tin lành và Cơ đốc. Ngay từ nhỏ tôi đã được lui tới giữa giáo hội hai bên.

Phần lớn cuộc đời cha tôi sống tại Trung Quốc. Từ 1914 đến 1941, cha tôi là viên chức hải quan của Đế quốc Anh, có thể nói và sử dụng thành thạo Trung văn. Mặc dù yêu quý Trung Quốc và người Trung Quốc, cha tôi lại căm ghét bộ máy chính quyền mà mình làm việc. Tôi đã sinh ra tại Côn Minh của Trung Quốc vào năm 1936 trong bối cảnh gia đình như thế.

Ngay trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, cha tôi lâm bệnh nặng và mong muốn đưa cả gia đình trở về Ireland. Tuy nhiên do cuộc chiến tranh tàu ngầm đang diễn ra dữ dội ở Đại Tây Dương, gia đình chúng tôi buộc phải ở lại Mỹ ba năm. Em gái tôi đã ra đời tại đó. Tôi được đi học lần đầu tại một ngôi trường tồi tệ ở California.

Năm 1945, chúng tôi rốt cuộc cũng được trở về quê nhà. Năm sau cha tôi mất, khi tôi mới mười tuổi. Sau khi cha mất, mẹ tôi quyết định ở lại Ireland và cho tôi đi học dưới sự kèm cặp của một gia sư dạy tiếng Latin. Cuối cùng tôi được học tại một trường tiểu học tốp đầu của Anh. Cảm giác của tôi lúc đó vẫn rất Ireland. Tại đây tôi đã giành được một suất học bổng để đến học tại trường trung học danh tiếng nhất nước Anh (3). Trường tôi học lúc đó dĩ nhiên chỉ là trường dành cho nam sinh và toàn bộ chương trình đều dạy về nghiên cứu cổ đại cổ điển, ngôn ngữ và văn học hiện đại, và lịch sử châu Âu. Tôi đã học tập trong một môi trường giáo dục như thế và tương đối thành thạo tiếng Hy Lạp và tiếng Pháp.

Ảnh hưởng của giáo dục đại học
Tôi học một năm kinh tế học tại đại học Cambridge. Song tôi chẳng có mấy hứng thú và tâm đắc. Bởi vậy tôi đã quyết định trở lại với nghiên cứu cổ điển. Vì lĩnh vực đó đơn giản đối với tôi.

Lúc đó tôi đã dành hầu hết thời gian để đọc những cuốn sách mà mình thấy hứng thú, hơn một nửa trong số đó là sách liên quan đến văn học và lịch sử châu Âu. Tôi cũng học một ít tiếng Nga và tiếng Đức. Điều cần nói ở đây là nền giáo dục mà tôi được thu nhận này, một nền giáo dục nhằm biến thanh niên thành quan chức, nhà ngoại giao và giáo sư, lại cực kì truyền thống và bảo thủ. Tuy nhiên ngay sau khi tôi tốt nghiệp, nền giáo dục đó đã được hiện đại hóa. Nghiên cứu cổ điển bị đẩy ra ngoài lề, trong khi những chuyên ngành mới như nhân học và xã hội học đã bắt đầu xuất hiện. Hơn nữa vào thời điểm tốt nghiệp, ngoài ý nghĩ không muốn trở thành công chức, tôi cũng không thật rõ mình nên làm gì tiếp theo.

Tình cờ tôi được rủ rê làm việc một năm tại đại học Cornell của Mỹ. Đó là giúp một người bạn dạy chính trị học. Nhưng dạy chính trị học lại là công việc mà tôi hoàn toàn không có chút nền tảng.

Đó là thời kỳ mà Indonesia gây náo động tin tức(4), bởi lẽ CIA đang đứng sau ủng hộ cuộc nội chiến kéo dài từ 1958 đến 1959. Đại học Cornell vào thời điểm ấy có George Kahin,5 một chuyên gia nổi tiếng về chính trị Đông Nam Á, cũng là nơi xây dựng một trong hai chương trình nghiên cứu Đông Nam Á duy nhất trên thế giới.6 Đây là lĩnh vực mà tôi cảm thấy hết sức thú vị. Tôi hứng thú với các giáo viên và hào hứng được học tiếng Indonesia hiện đại.

Như vậy để thực hiện chương trình tiến sĩ chính trị học, tôi đã quyết định ở đây. Nước Mỹ lúc bấy giờ đang ở vào thời kỳ diễn ra chiến tranh Việt Nam và phong trào đòi quyền công dân. Cả hai đều có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Điều tình cờ là ý thức chính trị của tôi lại chính là chủ nghĩa chống đế quốc và chủ nghĩa dân tộc thân Á thuần phác.

Hôm nay tôi sẽ chia ra một số phần để nói như sau. Trước hết, tôi sẽ trình bày một cách giản lược tại sao tôi trở thành nhà nghiên cứu so sánh và trở thành như thế nào, mặc dù tôi hoàn toàn không chủ ý.
Thứ hai tôi sẽ trình bày chi tiết Cộng đồng tưởng tượng đã được hoàn thành ra sao.

Thứ ba điều mà tôi hy vọng các bạn sẽ hứng thú -là tôi sẽ nói về đứa con của tôi đã thay đổi như thế nào sau khi rời tay tôi, nghĩa là Cộng đồng tưởng tượng đã được bạn đọc tiếp thu ra sao.


Và cuối cùng, có lẽ cũng là điều quan trọng nhất, là tôi muốn phê phán một chút bản thân tôi. Tôi đã bị phê phán như thế nào? Phản ứng của tôi trước các phê phán ra sao? Tôi cho rằng một tật xấu của giới học giả là không thừa nhận ai cũng “từng sai”. Sẽ là ngu ngốc nếu vẫn giữ mãi điều mà hai mươi năm trước từng nói hoặc tìm cách nói rằng mình đã liều mạng phát ngôn nó. Tôi nghĩ rằng một người mà ngày hôm nay vẫn luôn nói về những điều đã nói hai mươi năm trước thì người đó cần thấy hổ thẹn với bản thân mình. Ngược lại giờ đây cũng có người vờ như cái điều mà họ đã phát ngôn mười năm trước chỉ là do lỡ lời, dù thực tế không có chuyện đó. Sở dĩ tôi tự phê phán ở đây, xét theo một ý nghĩa nào đó, là bởi tôi muốn tuyên bố rằng bất cứ lúc nào chúng ta cũng cần có sự chuẩn bị để nói rằng mình “từng sai”.

Tôi muốn điều chỉnh những nhầm lẫn mà mình đã phạm phải. Bởi lẽ mắc sai sót tuyệt nhiên không phải là điều gì xấu xa.

I. KHỞI ĐẦU CỦA NGHIÊN CỨU SO SÁNH

Chủ nghĩa đế quốc và nghiên cứu so sánh

Trước hết tại sao tôi lại trở thành người nghiên cứu so sánh? Ngoài lý do sinh ra tại Trung Quốc, cha mẹ có xuất thân từ các nước khác nhau và được giáo dục trong một hệ thống văn hóa và giáo dục mà chính việc học ngôn ngữ được cho là điều quan trọng nhất, tôi xin được nói về những lý do quan trọng hơn. Tôi cũng loại trừ lý do mình được đào tạo về cổ điển. Tất nhiên, lĩnh vực nghiên cứu so sánh này cũng đòi hỏi phải có một cảm giác nhạy bén đối với thời cổ đại cổ điển.

Bước ngoặt thực sự đối với tôi diễn ra vào thời điểm quyết định trở thành nhà chính trị học tại Hoa Kỳ sau những năm 1950. Điều cần nhấn mạnh hơn, đó đồng thời cũng là quyết định trở thành một chuyên gia về Indonesia.

Điều cần nói ở đây là xét theo nhiều ý nghĩa, tôi là một sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Ở đây cần phải hiểu rằng lập trường của Mỹ ở khu vực châu Á khác với hầu hết lập trường của các quốc gia đế quốc chủ nghĩa khác. Mỹ là nước duy nhất có tham vọng kiểm soát toàn bộ châu Á (hiện nay vẫn thế). Nghĩa là Philippines chỉ là một nhân tố nhỏ của tham vọng đó mà thôi.

Thứ hai, mục tiêu chiến lược cơ bản của Mỹ sau Thế chiến thứ hai về căn bản là loại bỏ các nước châu Âu: Anh, Pháp, Hà Lan ra khỏi châu Á và thay thế các nước đó bằng bá quyền toàn diện của Mỹ. Không một nước nào của châu Âu có khả năng và mục tiêu lớn như thế. Nước duy nhất từng có tham vọng đó là Nhật Bản. Từ 1942 đến 1945, Nhật từng bước tiến hành chiếm đóng quân sự trên toàn Đông Nam Á. Tuy nhiên Nhật không đủ khả năng để duy trì sự chiếm đóng đó.

Điều này có nghĩa rằng chương trình nghiên cứu Đông Nam Á tại Mỹ lúc đó không chỉ có đối tượng là thuộc địa của Mỹ, tức không chỉ có Philippines. Khi chuyên về Đông Nam Á, nếu bạn là sinh viên Hà Lan, bạn sẽ tìm hiểu về Đông Ấn thuộc Hà Lan (nay là Indonesia), nếu là sinh viên của Anh bạn sẽ nghiên cứu về Myanmar và Singapore, nếu là sinh viên của Pháp bạn sẽ tìm hiểu Việt Nam và Campuchia. Tuy nhiên nếu là người Mỹ, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, thì bạn sẽ nghiên cứu tất cả các nước này. Điều này giải thích tại sao nghiên cứu Đông Nam Á lại được triển khai trước hết tại Nhật Bản và Mỹ. Chỉ có hai nước này mới có tham vọng đế chế áp đặt toàn bộ khu vực dưới sự kiểm soát của mình.

Từ góc nhìn của người học, ưu điểm lớn nhất của hình thái nghiên cứu này là bạn không được phép chỉ học về một nước nào đó. Nghĩa là việc giảng dạy thường được thực hiện dựa trên cơ sở so sánh: nhân học so sánh, chính trị học so sánh, sử học so sánh, kinh tế học so sánh. Dù không thích đọc sách về Singapore, bạn cũng phải đọc về Singapore. Dù không hứng thú với Việt Nam, bạn cũng phải đọc sách về Việt Nam. Chủ nghĩa đế quốc Mỹ đã thúc đẩy tất cả chúng tôi trở thành những nhà nghiên cứu so sánh.

Khởi đầu của nghiên cứu Đông Nam Á


Ở Mỹ lúc đó lĩnh vực chi phối nghiên cứu Indonesia cũng như nghiên cứu Đông Nam Á nói chung trước hết là nhân học xã hội văn hóa, tiếp đến là chính trị học, cuối cùng là sử học và kinh tế học. Không có chuyên ngành nào liên quan đến văn học hiện đại. Bởi vậy tôi đã đọc nhiều tài liệu, đặc biệt là về nhân học. Và vì rất thích nhân học, tôi cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ chính lĩnh vực này.

Tôi học chung với một người bạn thân là Siegel James (7). Ông là một nhà nhân học vĩ đại, thực sự sáng tạo, chuyên nghiên cứu về Indonesia (8). Nghiên cứu Đông Nam Á ở đại học Cornell đã xuất hiện một cách nổi bật trong bối cảnh có tính quốc tế như thế. Trong những người mà tôi được học có giáo viên người Mỹ, người Anh và người Pháp. Dạy hay nhất trong số đó là một giáo viên người Nga lưu vong gốc Do Thái. Bà là một trí thức kỳ lạ, một vũ công chuyên nghiệp, đồng thời là một nhà phê bình nghệ thuật. Bà cũng từng sống nhiều năm tại Indonesia thời kỳ thuộc địa. Sinh viên đến học cũng xuất thân từ nhiều quốc gia. Ngoài sinh viên Mỹ, còn có sinh viên Canada, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và sinh viên của gần như tất cả các nước Đông Nam Á. Hầu như không có khóa học nào chỉ dạy về một nước duy nhất. Gần như tất cả đều so sánh trong nội bộ Đông Nam Á. Chúng tôi, như thế, đã được đào tạo để vượt qua biên giới quốc gia và vượt qua các lĩnh vực chuyên ngành.

Đối với những người được đào tạo về ngôn ngữ và văn học thì vị giáo viên người Nga Holt Clare (9) đó là một người rất đặc biệt. Chúng tôi đã trò chuyện với nhau về nhiều vấn đề của văn học châu Âu, văn hóa Java, nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật truyền thống. Vào thời điểm đó, trên thế giới chỉ có tại đây mới mở ra khả năng này cho người học.

Hình ảnh của Việt Nam và Indonesia

Cũng có cái lợi khi trở thành người nghiên cứu so sánh. Thời kỳ chiến tranh Việt Nam - phần đông chúng tôi lúc đó đều phản đối chiến tranh - chúng tôi không hề thấy ngại ngùng, vẫn đi khắp nơi và tỏ vẻ là những chuyên gia về Việt Nam để diễn giảng về Việt Nam. Nhưng tuyệt đối không có chuyện chúng tôi tự nhận mình là những chuyên gia về Việt Nam. Chúng tôi chỉ có thể gọi mình là “những nhà nghiên cứu Đông Nam Á trẻ tuổi”. Khi đó những người Mỹ tốt tính đã nói thế này: “Ồ, đó là nơi nào vậy? Việt Nam cũng nằm ở đó à? Vậy là đủ rồi”. Thực tế chúng tôi là những nhà nghiên cứu Đông Nam Á, không phải chuyên gia về Việt Nam, nhưng dù sao bằng cách đó, chúng tôi đã có cơ hội được diễn thuyết về Việt Nam. Đây là một điều may mắn và là một trong những lợi thế quan trọng nhất.

Một lý do nữa của việc trở thành người nghiên cứu so sánh, như tôi vừa nói, là ở Mỹ lúc đó gần như không tồn tại sự cạnh tranh và ngăn cách giữa các lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến Đông Nam Á, khu vực mà mọi người hầu như đều không biết đến. Bên cạnh việc học các chủ đề về kinh tế, tất cả chúng tôi còn tham gia các lớp nhân học, kinh tế học và sử học. Trên thực tế, các luận văn cao học xuất sắc được thực hiện không phải trong lĩnh vực chính trị học mà chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế học và nhân học. Mọi người đều có một cảm giác linh động như thế đối với các lĩnh vực chuyên ngành mới. Tôi cũng may mắn khi được hưởng lợi từ đó.

Tuy nhiên hệ thống đó cũng có khuyết điểm nghiêm trọng. Nghiên cứu Đông Nam Á của Mỹ ngay từ đầu đã là một dự án đế quốc chủ nghĩa. Trước khi thâm nhập khu vực này, Mỹ hầu như không quan tâm đến Đông Nam Á. Những nội dung về văn học và văn hóa hoàn toàn không được để mắt tới. Từ những năm 1950 đến đầu những năm 1960, ở Mỹ không hề có một khóa học nào về những nội dung văn hóa (trong đó có văn học) của khu vực này. Những khóa học như thế là vô ích và cũng không có ai quan tâm.

Đây là những lý do giải thích tại sao tôi buộc phải trở thành người nghiên cứu so sánh. Nhưng cũng phải nói thêm một lý do nữa.

Năm 1962, tôi qua Indonesia, đất nước mà tôi đã đem lòng yêu mến. Trong hai năm rưỡi lưu trú tại Indo, tôi đã trải qua một khoảng thời gian tuyệt diệu và vui vẻ. Lúc đó tôi tin rằng mình sẽ dành toàn bộ phần đời còn lại để sống trong tư cách một chuyên gia về Indonesia.

Nhưng một cuộc chính biến bi kịch đã diễn ra tại Indo lúc đó. Hẳn trong số các bạn cũng có người vẫn nhớ, ngày mùng 1 tháng 10 năm 1965, một cuộc đảo chính đã được trù tính, khiến một số tướng lĩnh quân đội bị sát hại. Sau đảo chính, Suharto lên nắm quyền lực. Suharto đã thực hiện hàng loạt vụ tàn sát, khiến ít nhất 500 ngàn người được cho là của phe cánh tả bị giết chết. Sau khi lật đổ chính quyền Sukarno, Suharto đã thiết lập một chính quyền độc tài kéo dài 32 năm.

Sự kiện này đã ảnh hưởng tới tôi theo nhiều ý nghĩa. Ảnh hưởng lớn nhất là việc tôi bị trục xuất khỏi Indonesia và bị cấm nhập cảnh trong vòng 27 năm (10) (chuyện này tôi đã viết trong sách, nếu các bạn đã đọc thì tôi không cần phải giải thích thêm). Ngay từ đầu tôi đã dự đoán việc cấm nhập cảnh sẽ kéo dài. Vì vậy lúc đó tôi phải quyết định mình sẽ làm gì tiếp theo. Việc nghĩ tới nghiên cứu các quốc gia khác của khu vực Đông Nam Á là một điều tự nhiên. Bởi vậy tôi đã nghiên cứu Thái Lan từ những năm 1970 đến đầu những năm 1980, sau đó xúc tiến nghiên cứu Philippines đến đầu những năm 1990.

Nhờ có Suharto, tôi có được cơ hội hết sức thú vị để so sánh ba quốc gia này (11). Indonesia là một nước Hồi giáo, theo thế chế cộng hòa, và nếu mượn lời của Tổng thống Bush, là một cựu thuộc địa. Thái Lan là quốc gia Phật giáo, theo chế độ quân chủ và không có kinh nghiệm bị thực dân hóa. Philippines là một cựu thuộc địa, theo Thiên chúa giáo, đang dần chuyển đổi sang thế chế cộng hòa. Việc đối sánh giữa ba quốc gia được thực hiện một cách ráo riết và điều đó đã khiến cho suy tư so sánh trở nên kích thích và thú vị.

Du hành để hiểu bản thân

Một tiểu thuyết gia nổi tiếng của Na Uy từng nói “Cơ hội duy nhất để hiểu chính mình là khi lên tàu và ngắm nhìn phong cảnh xa xăm”. Theo nhà văn này, những chuyến đi chính là nguồn cội cho một dạng tự nhận thức nào đó. Điều này là sự thực.

Khi ở Indonesia, trong đầu tôi thường xuất hiện suy nghĩ rằng “Đây thực sự là một thế giới mới đối với tôi. Ở đây tôi sẽ cảm nhận ra sao cái thế giới mà tôi đã từng sống?”

Khi nói lên cảm giác này tôi thường sử dụng ẩn dụ về kính viễn vọng. Nếu thử nhìn qua kính viễn vọng, những chỗ mà ta thấy nhỏ sẽ nhanh chóng được phóng to. Nhưng giả sử quay ngược kính viễn vọng thì điều gì sẽ xảy ra? Những nhà khoa học như chúng tôi chính là những kẻ đi tìm những điều như thế. Nếu nhìn em trai và em gái ở gần mình qua những thấu kính lớn thì điều gì sẽ xảy ra? Họ sẽ trở nên nhỏ xíu. Chúng ta hãy thử nhìn nước Mỹ qua kính viễn vọng. Đất nước duyên dáng này sẽ trở nên rất nhỏ. Sự khác biệt này là do chúng ta nhìn kính viễn vọng từ phía nào.

Dự án so sánh của tôi không chỉ là dự án có tính hình thức. Học cái gì tại nơi đã đến thì phải mang cái đó trở về, rồi đối sánh nơi mà “mình” đang sống với nơi mà “mình” đang nghiên cứu, là những điều mà tôi nghĩ tới trong dự án. Có người nói với tôi “Hầu hết các nghiên cứu của ông đều giống một sự phiên dịch”. Ý người đó muốn nói là “À kể ra cũng tốt, nhưng không phải là những nghiên cứu quan trọng”. Nhưng khi bị nói như thế, tôi lại thấy rất hài lòng. Bởi đó là điều mà tôi muốn làm. Bởi lẽ khi tự mình nghiên cứu, tôi chỉ muốn đưa trở về châu Âu và Mỹ những điều đã phát hiện được.

II. SỰ LAN TRUYỀN CỦA NGHIÊN CỨU CHỦ NGHĨA DÂN TỘC

Thời kỳ tăm tối của nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc

Trên đây là nội dung đầu tiên. Nội dung tiếp theo là về việc viết Cộng đồng tưởng tượng. Tôi sẽ trình bày một cách hết sức ngắn gọn, bởi mọi người đều biết nhiều thông tin về cuốn sách. Điều tôi muốn nói đến là điểm sau đây.

Trên thực tế kể từ sau khi kết thúc Thế chiến thứ hai cho đến những năm 1980, chủ nghĩa dân tộc chỉ là một khái niệm đáng ngờ. Việc chứng kiến trực tiếp những hành động tàn bạo của Hitler, của nhiều nhà dân tộc chủ nghĩa và các chính quyền Phát xít chính là nguyên nhân dẫn đến điều này. Một lý do khác là sự xuất hiện của chủ nghĩa đế quốc theo đường hướng quân phiệt chủ nghĩa của Nhật Bản. Ngoài ra nhiều hành động ghê rợn cũng được thực hiện tại Trung Quốc và nhiều khu vực khác. Hệ quả là khái niệm chủ nghĩa dân tộc, trong một ý nghĩa nào đó, bị coi là một khái niệm phản động, lạc hậu, không còn có giá trị nghiên cứu. Hơn nữa, viễn cảnh thành lập cộng đồng châu Âu cũng gia cố cho khuynh hướng này.

Hoa Kỳ hiển nhiên có những phản ứng cực kỳ dân tộc chủ nghĩa đối với những người ngoại lai, nhưng lại hứng chịu một cú sốc như thể bị tấn công bởi cơn sóng thần của Đức quốc xã, chủ nghĩa Phát xít và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Họ không hề nghĩ họ thuộc về chủ nghĩa dân tộc. Họ nghĩ họ thuộc về chủ nghĩa dân chủ. Bởi chủ nghĩa dân chủ mang tính phổ biến, không phải tính địa phương. Vì vậy họ không hề trải nghiệm trực tiếp chủ nghĩa dân tộc.

Thời tôi là sinh viên, trường đại học không có một khóa học nào về chủ nghĩa dân tộc. Tôi đã hỏi một đồng sự người Mỹ - một người phụ nữ rất xuất sắc và tuyệt vời - “bà có thể giới thiệu cho tôi một cuốn sách tốt nhất viết về chủ nghĩa dân tộc Mỹ được không?”. Bà nhìn tôi với một ánh mắt hoài nghi như thể tôi vừa hỏi một câu hỏi rất điên rồ. Sau đó bà đưa cho tôi mấy cuốn sách được viết vào thế kỷ XIX và nói với tôi “Có lẽ có cái để đọc trong những cuốn sách này”. Thú thực là tôi rất ngạc nhiên. Hầu hết những cuốn sách mà bà gửi tôi đều mang một chủ nghĩa dân tộc đẹp đẽ và về cơ bản đều được viết từ quan điểm của Mỹ hoặc Anh. Tôi cảm thấy một sự gần gũi nhau giữa các nước thân cận. Trong khi đó người ta nghĩ rằng cũng tồn tại một chủ nghĩa dân tộc xấu xí. Nó trở nên xấu xí tới mức lan sang cả phía Đông: Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Nhật Bản. Càng tiến về phía Đông nó càng nhanh chóng bị coi là một thứ xấu xí. Cái được cho là nghiên cứu thực thụ trở nên lúng túng và không có tính lý thuyết.

Làn sóng mới của chủ nghĩa dân tộc


Tuy nhiên đến những năm 1970, tình hình bắt đầu thay đổi. Thực sự phải đến thời điểm đó. Từ những năm 60 đến những năm 70, nhiều khu vực trên khắp thế giới đã giành được độc lập từ tay thực dân. Thời kỳ giải phóng thuộc địa kết thúc bằng sự sụp đổ của đế quốc Bồ Đào Nha từ năm 74 đến năm 75. (12). Tính đến năm 75, hầu hết các thuộc địa đều giành được độc lập. Vì lý do này mà ngày nay có gần 200 nước là thành viên Liên hợp quốc (13). Chúng ta không thể bỏ qua cư dân những nước mới giành được độc lập này.

Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn là nhiều chủ nghĩa dân tộc đã bắt đầu hình thành bên trong các quốc gia dân tộc chủ yếu của châu Âu: Scotland, Wales, Catalonia và Basque của Tây Ban Nha, Bretagne, Sicilia (14). Ai cũng kinh ngạc trước điều này. Mọi người đều phát hiện thấy một phong trào dân tộc chủ nghĩa của khu vực đã bùng phát một cách mạnh mẽ không ngờ tới ngay tại các quốc gia mà chủ nghĩa dân tộc bị coi là đã phát triển đến điểm lạc hậu.

Giả sử tờ Ashahi đăng những bản tin kiểu như “các phong trào đòi độc lập của Shikoku bất ngờ nổ ra” hay “phải là Hokkaido vì người Hokkaido” thì mọi người sẽ sửng sốt đúng không? Tuy nhiên ai cũng cảm thấy thế trước cú sốc lúc này. Mọi người đều hoang mang và bất an. Nhờ hai yếu tố là độc lập của thuộc địa và chủ nghĩa dân tộc khu vực, mọi người sẽ nhận thức khác đi về tầm quan trọng của một cách hiểu mới về chủ nghĩa dân tộc.

Thế nhưng điều này không hề ảnh hưởng tới Mỹ, bởi ở Mỹ không tồn tại các phong trào dân tộc chủ nghĩa mới. Nhìn chung Mỹ không có đóng góp gì cho sự phát triển của lý thuyết chủ nghĩa dân tộc. Một điều ngẫu nhiên là nơi hiện diện đông nhất các nhà nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc - có lẽ nằm ngoài suy đoán - không phải là Pháp hay Đức mà là Anh.

Vào đầu những năm 1980, không chỉ cuốn sách của tôi mà còn nhiều công trình nổi tiếng sau đó về chủ nghĩa dân tộc cũng được xuất bản. Đó là cuốn sách chọn mốc nghiên cứu từ sau 1788 của Hobsbawm (15) và nhiều công trình của các tác giả khác.

Một điều rất thú vị liên quan đến tác giả của những cuốn sách được xuất bản vào thời kỳ này đó là phần đa họ đều là người Do Thái và phần đa họ đều có những trải nghiệm sống lâu dài ở châu Âu đại lục. Anthony D. Smith( 16) cũng nằm trong số đó. Gellner (17) có xuất thân Tiệp Khắc cũ, còn Hobsbawm từng sống tại Áo và Đức trong phần lớn thời kỳ thanh niên. Tất cả họ đều có những suy nghĩ được coi là chân lý của thời đại đó, tức đều duy trì một nhận thức rằng chủ nghĩa dân tộc là mối đe dọa đối với người Do Thái, chủ nghĩa dân tộc đồng nghĩa với chủ nghĩa bài Do Thái. Bởi vậy họ đều cảm thấy gắn bó với những đơn vị chính trị tồn tại trước chủ nghĩa dân tộc. Đế quốc Áo Hung và đế quốc Anh, do tính chất ấy, không được coi là dân tộc, và vì thế không phải là một quốc gia dân tộc.

Cuộc tranh luận tại Anh và cuộc chiến tranh của châu Á

Tôi vẫn nhớ năm 1982 - và có lẽ các bạn cũng nhớ - Tom Nairn (18) đã viết một cuốn sách quan trọng Sự tan rã của Vương quốc Anh, cho rằng vương quốc liên hiệp Anh sẽ dần tan rã - kỷ nguyên của Đại Anh đã kết thúc, đế quốc sẽ bị giải thể, Scotland, xứ Wales sẽ giành được độc lập. Lý do Tom Nairn viết cuốn sách này là vì bản thân ông cũng là một nhà dân tộc chủ nghĩa. Ông là một nhà dân tộc chủ nghĩa nhiệt thành của Scotland.

Tất nhiên cuốn sách này được viết từ một góc nhìn mới. Công trình của Nairn được viết với ý đồ tạo nên một cú sốc gây chấn động, và xét theo một ý nghĩa tích cực, nó đã tạo nên một cú sốc như thế. Ai cũng tham gia tranh luận xoay quanh cuốn sách này.

Trong bối cảnh đó, em trai tôi (19) - người biên tập tạp chí New Left Review -đã đề xuất với tôi “Anh thử nói một cái gì đó để góp thêm tranh luận xem sao”. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao Cộng đồng tưởng tượng lại được viết để hướng đến độc giả của Anh. Nó được viết với mục đích đó vì New Left Review chính là nơi diễn ra các tranh luận nảy lửa nhất về cuốn sách của Nairn.

Có một chuyện thú vị khi đó. Tôi nhận được một bức thư tuyệt vời của một nhà phê bình nọ, trong thư bà viết rằng “Tôi rất thích cuốn sách của ông, song nó lại thiếu công bằng khi không dành sự tôn xưng cho các thành viên của hoàng gia Anh”. Khi đề cập đến danh xưng của tất cả các quý tộc vương hầu châu Âu ngoại trừ Anh, tôi thường viết “Luis XIV”, “Wilhelm III”, nhưng khi đề cập đến các thành viên của hoàng gia Anh, tôi đã không xưng theo lệ thường mà xưng “Anna Stuart”, “Elizabeth Tudor”. Nhà phê bình đã gửi cho tôi bức thư đó coi đây là một hành động rất khiếm nhã. Hiển nhiên đó là mục đích của tôi. Khiếm nhã ư, có gì là xấu?

Cộng đồng tưởng tượng đã được viết trong bối cảnh như thế, song trên thực tế còn có một lý do nữa khiến tôi chấp bút.

Giai đoạn 1979-1980 đã nổ ra các cuộc xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam, giữa Việt Nam và Campuchia, ba nước cộng sản từng có cam kết với phong trào dân tộc chủ nghĩa của quốc tế. Không một nước nào trong số ba nước này hợp thức hóa các cuộc chiến tranh bằng một khái niệm Marxist có thể biện hộ cho chính họ. Với tư cách một nhà nghiên cứu Đông Nam Á, tôi buộc phải suy nghĩ tại sao chúng lại nổ ra. Chính quyền của ba nước này đã đưa ra những lý do rất đáng chú ý. Họ chắc chắn đề cao chủ nghĩa Marx, nhưng thay vì khẩu chiến về khái niệm đoàn kết quốc tế, họ lại phát động chiến tranh bằng cách thức tương tự các nước châu Âu. Tại sao xung đột lại nổ ra như vậy, đó là điều buộc tôi phải suy nghĩ.

Vượt qua biên giới và nghiên cứu


Bây giờ tôi sẽ trình bày một chút suy nghĩ của mình về sự khác biệt giữa Cộng đồng tưởng tượng và các cuốn sách khác được ấn hành cùng thời gian.

Trước hết các tác giả khác hầu như không có trải nghiệm ở thế giới ngoài châu Âu. Gellner nghiên cứu Bắc Phi, nhưng tôi không nghĩ ông hiểu chính xác tiếng Ả rập. Anthony D. Smith và Hobsbawm học về Mỹ và biết tiếng Tây Ban Nha, nhưng một từ tiếng Indonesia cũng không biết. Không một ai trong số họ hiểu về châu Á. Đây là một khác biệt lớn. Với tôi, châu Á khi đó đã hiện diện trong tư cách một khu vực quan trọng cần được phân tích về mặt lý thuyết.

Thứ hai, các tác giả khác nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc trong tư cách một ý thức hệ chính trị, hay nói cách khác xem chủ nghĩa dân tộc như một chất keo gắn kết xã hội, chẳng hạn trường hợp Gellner, trong khi tôi lại chú ý nhiều hơn đến tính tự trị của xã hội. Nghĩa là Cộng đồng tưởng tượng lý giải chủ nghĩa dân tộc như là một hiện tượng văn hóa. Hiện tượng văn hóa đó sẽ cho thấy chủ nghĩa dân tộc có mối quan hệ như thế nào với hiện đại hóa.

Tôi không tin lắm vào quan điểm của các tác giả khác. Bởi lẽ trong lập luận của mình, họ không thể giải thích vì sao người ta lại cuồng nhiệt và gắn kết như thế với chủ nghĩa dân tộc, lại sẵn sàng hi sinh, bất chấp cả sự sống của mình và dâng hiến không biết mệt mỏi. Để làm rõ được vấn đề này đòi hỏi phải lý giải ở một cấp độ sâu sắc hơn khoa học. Tức là cần phải giải thích sâu sắc hơn, thay vì những nghiên cứu lịch sử thường xuyên có tính bề mặt. Nói cách khác, suy nghĩ của tôi lúc đó là cần phải giải thích chủ nghĩa dân tộc từ góc độ nhân học.

Khác biệt thứ ba là tất cả những nhà nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc này, ngoại trừ Smith, không hẳn đều am hiểu chủ nghĩa Marx. Chắc chắn những công trình của Gellner đã xem xét các khái niệm chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa tư bản trong tư cách những khái niệm quan trọng. Tuy nhiên những gì mà Gellner viết ra lại là một thứ chủ nghĩa tư bản hết sức trừu tượng và cực kỳ mơ hồ. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với Cộng đồng tưởng tượng.

Tôi cảm thấy khái niệm chủ nghĩa tư bản được dùng để lập luận quá rộng và quá chung chung. Bởi vậy tôi đã tập trung vào việc gắn chủ nghĩa tư bản với xuất bản in ấn. Xuất bản, giống như đường và xe ô tô, là những hàng hóa quen thuộc trong cuộc sống. Nhưng đó lại là một hàng hóa hết sức kỳ diệu. Bởi nó có thể trò chuyện, có thể đối thoại với mọi người. Tôi đã sáng tạo ra khái niệm chủ nghĩa tư bản in ấn và đặt khái niệm này vào trung tâm của lập luận.

Trong Cộng đồng tưởng tượng, tôi đã trình bày các lập luận đúng như lý lịch nghiên cứu hỗn hợp của mình. Tôi không chỉ chú ý đến chính trị và kinh tế mà còn chú ý cả văn học.

Không có các thảo luận về văn học trong các nghiên cứu về chủ nghĩa dân tộc lúc đó. Có vẻ như không một ai quan tâm đến lĩnh vực này. Nhưng với tôi tiểu thuyết lại có vai trò quan trọng và tôi tin vào sự tồn tại của một mối quan hệ cơ bản mang tính cấu trúc giữa tiểu thuyết, báo chí và các tự sự về dân tộc. Ba loại hình này xuất hiện gần như cùng lúc. Ta sẽ rút ra một điều gì đó từ thực tế rằng ba loại hình này có hình thức giống nhau về mặt cấu trúc, hơn nữa dù không bị thao túng chúng vẫn có hình thức như thế. Nhờ đem văn học làm một luận điểm quan trọng, Cộng đồng tưởng tượng về sau đã gây hứng thú và nhận được sự chào đón không chỉ từ các chuyên gia chính trị học mà còn từ các chuyên gia phê bình văn học.

Nhận thức về thời gian và không gian

Và cuối cùng, khác với phần đa các tác giả khác, tôi tin rằng để lý giải được chủ nghĩa dân tộc chúng ta cần phải dừng ở cấp độ chiều sâu tinh thần của con người, tức là cấp độ diễn ra nhận thức cội rễ của kinh nghiệm.

Trong cuốn sách này, tôi đã nghiên cứu ý thức về thời gian. Tức là tôi tập trung tìm hiểu con người đã quan niệm như thế nào về thời gian. Vấn đề mà tôi phân tích là nhận thức của con người đã thay đổi ra sao qua thời gian tôn giáo, thời gian thế tục, thời gian của chúng ta dịch chuyển theo lịch biểu và thời gian được đo bằng máy móc số thức.

Về sau tôi mới nhận ra một điều rằng cần phải tìm hiểu cả địa lý bằng cách thức tương tự. Đó là vấn đề không gian, tức không gian đã được quan niệm như thế nào. Mặc dù không có vệ tinh nhân tạo, không có thiên đường, nhưng bằng cách sử dụng hình học người ta vẫn có thể mường tượng ra các quốc gia của mình. Người ta hệt như quan sát từ góc nhìn của Chúa. Cũng giống như bản đồ Nhật Bản nhìn từ vũ trụ.

Còn một điều nữa mà tôi cần nói đến, bởi thời gian sắp hết.

Những người viết sách lý thuyết, xét ở hầu hết ý nghĩa, đều là những người theo chủ nghĩa hiện đại. Gellner, tôi cũng như Hobsbawm đều cho rằng chủ nghĩa dân tộc là một hiện tượng hiện đại. Chỉ có Smith mới tin rằng chủ nghĩa dân tộc là một đơn vị đã tồn tại từ thời cổ đại, phát triển dần dần trong một khoảng thời gian dài.

Tuy nhiên điều cần nói ở đây là nếu như với các học giả quan điểm hiện đại chủ nghĩa này có vị trí chủ đạo, thì với đông đảo mọi người những quan điểm như Smith hiện vẫn chiếm ưu thế áp đảo. Tức là nhiều người vẫn thực sự tin rằng người Trung Quốc đã là người Trung Quốc từ 6.000 năm trước, người Việt Nam vẫn là người Việt Nam từ cổ xưa. Song hầu hết các học giả đều không tin như thế. Bản thân tôi cũng không tin.

Nhưng ở đây có một điều mà Hobsbawm và Gellner khác với tôi, đó là họ có khuynh hướng cho rằng lịch sử cổ đại là những tạo tác thuần túy và không hề có ý nghĩa. Nhờ được đào tạo về mặt văn học bao quát những suy tư của quá khứ (20), tôi cho rằng quá khứ này không phải là một bịa tạo hay tạo tác đơn thuần mà là một hiện tượng hiện thực xét theo một ý nghĩa nhất định nào đó, dù không phải đa phần chân thực. Chẳng hạn, những nhân vật xuất hiện trong các truyện kể như Huckleberry Finn, Hamlet, Hikaru Genji (21), bất kể có thực hay không, đều có vai trò rất quan trọng trong việc lý giải nền văn hóa mà những nhân vật đó thuộc về.

III. NHỮNG BÌNH LUẬN VỀ CỘNG ĐỒNG TƯỞNG TƯỢNG

Sự kết thúc của chiến tranh lạnh và lĩnh vực học thuật mới

Bây giờ tôi sẽ chuyển sang bàn về nội dung thứ ba. Tôi muốn trình bày một cách vắn tắt việc Cộng đồng tưởng tượng đã được tiếp nhận như thế nào. Tức là tôi sẽ nói câu chuyện đứa con của mình đã lớn khôn và điều gì xảy ra đối với nó.

Ban đầu Cộng đồng tưởng tượng được viết nhằm mục địch giới thiệu cuộc tranh luận tại Anh về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa Stalin. Sau khi xuất bản, cuốn sách nhanh chóng nhận được những phê bình thiện chí trên các tờ báo tri thức đương thời (22). Hiện nay ở Anh không còn một tờ báo tri thức nào, nhưng thời đó chắc chắn đã tồn tại một giới báo chí như thế. Điều rất thú vị là ngay sau khi được xuất bản, cuốn sách đã nhận được những bài phê bình của các nhà nhân học văn hóa có lẽ nổi tiếng nhất tại Anh lúc đó, những nhà báo trẻ tuổi ưu tú của Scotland, các cây bút của New Left Review và những nhà Marxist xuất thân từ quần đảo Tây Ấn.

Nếu như ở Anh cuốn sách nhận được sự chào đón của đông đảo các học giả thì ở Mỹ nó hoàn toàn không được tiếp nhận. Không đâu có bài phê bình Cộng đồng tưởng tượng. Ngoài New Left Review và những người ủng hộ Verso - vốn là nhà xuất bản cuốn sách - không một ai biết đến sự tồn tại của Cộng đồng tưởng tượng. Một sự trái ngược rất rõ. Ở phía bên kia Đại Tây Dương, đa phần mọi người đều hứng thú và đều nhanh chóng phản ứng. Trong khi ở phía đối diện, không hề có động tĩnh và không có bất cứ phản ứng nào đối với cuốn sách.

Chỉ một người duy nhất - mà mọi người có lẽ đều biết - đã viết bài phê bình cuốn sách là Ernst Haas (23) của đại học California, học giả từng có một số công trình về cộng đồng châu Âu. Ông viết rằng “Điều duy nhất có thể bình luận ở cuốn sách này là tiêu đề gây chú ý của nó”.

Tuy nhiên tình trạng này đã thay đổi sau đó vì một số lý do thú vị. Lý do đầu tiên và cũng là lý do mà tôi nghĩ quan trọng nhất là thắng lợi của Mỹ trong chiến tranh lạnh. Nói cách khác đó chính là sự sụp đổ của bức tường Berlin.

Những đế quốc dân tộc có quy mô lớn như Mỹ luôn cần những kẻ thù. Nếu như kẻ thù trong quá khứ của nó là chủ nghĩa cộng sản đã biến mất thì cần phải có một đối tượng nào đó đảm trách vai trò kẻ thù. Lúc đó Osama Binladen vẫn chưa xuất hiện. Từ thời điểm bức tường Berlin sụp đổ cho đến khi Osama Binladen xuất hiện, được phân vai kẻ thù của Mỹ là chủ nghĩa dân tộc. Tất nhiên không phải chủ nghĩa dân tộc của Mỹ mà là chủ nghĩa dân tộc của ai đó ngoài Mỹ.

Ở đây tôi xin được kể một câu chuyện thú vị. Vào khoảng năm 1990, các đại học lớn -mà tôi không tiện nêu tên ở đây - đã nhận được những cuộc điện thoại từ các đại học vốn là những viện nghiên cứu lớn chuyên về Xô Viết. Họ có nhờ tôi nói chuyện cho họ. Tôi trả lời “Tôi đâu dám. Tôi không hề biết gì về Liên Xô”. Họ nói “Không phải chuyện đó. Chúng tôi hiểu rất rõ Liên Xô. Ở đây chúng tôi muốn nhờ ông nói chuyện về chủ nghĩa dân tộc”. Tôi hỏi tại sao thì họ trả lời “Tình hình rất khó khăn. Chúng tôi nghiên cứu Liên Xô, nhưng Liên Xô đã tan rã. Sinh viên đã không có, lại chẳng mấy ai quan tâm đến chúng tôi. Không thể kêu gọi được bất cứ ai và bất cứ đâu. Không thể đến Washington, kinh phí nghiên cứu thì bị cắt, tiền nghiên cứu cũng không nhận được, tình hình nói chung rất tồi tệ. Tôi hỏi “Điều đó thì có liên quan gì đến chủ nghĩa dân tộc?”. Họ trả lời tôi một cách thản nhiên “Cần phải đổi mới trang bị. Vì dù sao chủ nghĩa dân tộc cũng là một mối đe dọa mới. Ông có thể đến đây và giúp chúng tôi một tay để thu hút nguồn kinh phí, sinh viên và các nguồn lực khác được không?...”

Điều may mắn là thời kỳ đó đã trôi qua và ngày nay mọi người đang thỏa mãn với kẻ thù mới là chủ nghĩa khủng bố của Hồi giáo. Nhưng trước đây một thời kỳ như thế đã từng tồn tại.

Sự xuất hiện của chủ nghĩa hậu thực dân

Lý do thứ hai khiến cho chủ nghĩa dân tộc nhận được sự chú ý là sự sụp đổ liên tiếp của các quốc gia. Pakistan phân tách thành hai quốc gia, Nam Việt Nam bị sát nhập vào Bắc Việt, đế quốc Ethiopia của châu Phi sụp đổ (24). Canada cũng đứng bên bờ vực tan rã trong những năm 1990 (25). Có nhiều nguyên do khiến chủ nghĩa dân tộc nhận được sự quan tâm. Đó không chỉ là sự gia tăng những nguy cơ mới. Việc chủ nghĩa cộng sản không còn tồn tại (26), ở một ý nghĩa nào đó, cũng là nguyên nhân chính khiến cho chủ nghĩa dân tộc trở thành một đối tượng nghiên cứu thực sự, làm tăng thêm tầm quan trọng của nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc.

Tuy nhiên, điều thực sự thú vị là cùng với mối quan tâm ngày một sâu sắc đối với chủ nghĩa dân tộc, Cộng đồng tưởng tượng đã nhận được sự phê bình từ nhiều lĩnh vực chuyên ngành. Những phê bình quan trọng hầu như không xuất phát từ chính trị học vốn là lĩnh vực chuyên ngành của tôi. Chúng được viết từ lĩnh vực nhân học, sử học (xét theo một ý nghĩa nào đó) và kỳ lạ thay cả phê bình văn học. Tôi không ngạc nhiên trước các phê bình liên quan đến nhân học. Bởi khi xây dựng các ý tưởng của Cộng đồng tưởng tượng, tôi đã sử dụng nhiều khảo sát của nhân học. Hơn nữa bạn bè của tôi trong lĩnh vực nhân học cũng đông đảo. Tôi cũng không hề bất ngờ trước các phê bình trong lĩnh vực lịch sử. Nhưng tôi lại ngạc nhiên bởi các bài viết trong lĩnh vực phê bình văn học.

Mặc dù đã nghiên cứu nhiều về văn học, nhưng tại sao các nhà phê bình trong lĩnh vực này lại chú ý đến cuốn sách của tôi? Có thể đưa ra một giải thích thú vị về điều này. Ở đây chúng ta thử nghĩ đến đặc trưng học thuật của nước Mỹ. Nếu nhìn vào bản đồ học thuật của các trường đại học Mỹ, có thể thấy hình thành nên trung tâm các lĩnh vực học thuật có vẻ như quan trọng nhất của người Mỹ là khoa học tự nhiên, kinh tế học và xã hội học. Hầu hết những ai chuyên về những lĩnh vực học thuật này đều nghiên cứu ở Mỹ. Nhưng nếu học nhân học người ta chỉ có thể nghiên cứu ở những quốc gia ngoài Mỹ, bởi ở Mỹ không thể làm nghiên cứu về lĩnh vực này. Chính vì vậy các nhà nhân học thường có một cảm quan hết sức quốc tế. Còn với trường hợp phê bình văn học, có lẽ phải chỉ ra rằng đây là một lĩnh vực học thuật chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng hiện đại Pháp, chẳng hạn Foucault, Derrida, Baudrillard (27). Ở lĩnh vực này có nhiều người thường rải ăng ten để bắt sóng các xu hướng học thuật của châu Âu.

Hơn nữa tôi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của một nhóm phê bình văn học của Mỹ, nhóm này tập trung nghiên cứu văn hóa học và văn hóa bình dân, chủ trương chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, mà nhân vật khơi mào là Stuart Hall (28) của Đại học Birmingham, một di dân đến từ quần đảo Tây Ấn. Trong bối cảnh này, cuốn sách của tôi được tiếp nhận trước hết trong tư cách một cuốn sách văn hóa học. Cũng có người nói cuốn sách chịu ảnh hưởng rõ rệt của Derrida và Foucault, tức chịu ảnh hưởng của các tác giả hậu cấu trúc và hậu hiện đại. Nhưng khi viết cuốn sách này cả Derrida và Foucault tôi đều chưa hề đọc.

Tuy nhiên tôi buộc phải thú thực như vậy. Đứa con của tôi đã khởi hành lên đường. Nó đã kết hôn với Derrida, đã bỏ tôi sau khi ngoại tình với Stuart Hall. Một điều thú vị phải không? Bản thân tôi nghĩ rằng Cộng đồng tưởng tượng là một công trình thực thụ của chủ nghĩa cấu trúc và chủ nghĩa Marx, nhưng độc giả lại không tiếp nhận như vậy. Thành thử tôi đã thất bại trong cuộc hôn phối với chủ nghĩa cấu trúc và chủ nghĩa Marx.

Chủ nghĩa dân tộc của phiên dịch

Kể từ đây Cộng đồng tưởng tượng bắt đầu được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Ta có thể thấy một số mô thức thú vị trong việc phiên dịch cuốn sách. Về cơ bản Cộng đồng tưởng tượng lan tỏa nhờ ba làn sóng sau:

Làn sóng thứ nhất là Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ. Bản dịch tiếng Nhật do được thực hiện bởi hai cựu sinh viên của tôi nên đây là một công trình chung của hai người (29). Bản dịch tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha không phải được xuất bản tại châu Âu mà tại Mỹ Latin. Lý do nằm ở việc đặt vấn đề của các nhà dân tộc chủ nghĩa Mỹ Latin và lịch sử kháng cự lâu dài tại đó. Xuất hiện sau bản Anh văn là bản dịch tiếng Đức. Ở Đức lúc đó, trí thức Anh và văn hóa Anh đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, do tác động của phong trào cánh tả, đồng thời do là một khu vực có sự gắn kết mật thiết, người ta cũng đòi hỏi sự xuất hiện của một bản dịch Cộng đồng tưởng tượng.

Làn sóng tiếp theo diễn ra theo một đường hướng kỳ lạ. Làn sóng này dâng cao do sự đòi hỏi đối với chính chủ nghĩa dân tộc. Chẳng hạn sau khi bản dịch tiếng Thụy Điển xuất hiện, người Na Uy nói họ cần một bản dịch riêng. Người Đan Mạch sau đó cũng nói tương tự. Ba ngôn ngữ này (tiếng Đan Mạch, tiếng Thụy Điển, tiếng Na Uy) trên thực tế có thể tương thông nhau và sự xuất hiện của ba bản dịch thực chất không cần thiết. Tuy nhiên họ lại muốncó các dịch phẩm chỉ của riêng họ. Hơn nữa các bản dịch cũng được bán với các bìa sách khác nhau.

Tại sao lại xuất hiện bản dịch tiếng Ả rập của cuốn sách này? Tôi có thể hiểu được lý do. Đó là vì sự ra đời của bản dịch tiếng Do Thái. Tại sao lại xuất hiện bản dịch tiếng Hàn? Có lẽ vì sự có mặt có bản dịch tiếng Nhật. Bản dịch tiếng Hàn khiến tôi thực sự chú ý. Bởi lẽ bìa bản dịch là bức ảnh tuyệt đẹp chụp những thanh niên đang reo hò cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Hàn Quốc trong kỳ Worldcup. Cuốn sách về chủ nghĩa dân tộc so sánh cuối cùng đã có được một trang bìa dân tộc chủ nghĩa hoàn mỹ.

Cuối cùng, chúng ta thử xem xét đứa con của tôi sẽ như thế nào nếu nó bỏ trốn theo kẻ xấu. Điều thực sự đáng mừng là sự xuất hiện của George Soros trên vũ đài cách đây tầm bốn năm (30). Ông đã quyết tâm khai hóa cho các nước từng thuộc Liên Xô. Ông triệu tập và thành lập một ủy ban gồm 100 học giả nổi tiếng và yêu cầu họ chọn ra 100 cuốn sách quan trọng nhất cần dịch sang ngôn ngữ của tất cả các nước Liên Xô cũ (tiếng Gruzia, tiếng Chechnya…). Danh sách mà họ đề xuất có cả Cộng đồng tưởng tượng.

Dự án của Soros đã tài trợ 50 phần trăm kinh phí cho những người tham gia dịch và xuất bản những đầu sách này. Nằm trong dự án, Cộng đồng tưởng tượng đã được dịch sang những ngôn ngữ mà tôi không ngờ tới. Thực tế cũng có những ngôn ngữ mà tôi không rõ có người đọc hay không, nhưng dù sao đó cũng là sự đầu tư của George Soros.

IV. TỰ PHÊ PHÁN CỘNG ĐỒNG TƯỞNG TƯỢNG

Tầm quan trọng của tự phê phán


Vậy thì chúng ta hãy nhanh chóng đi đến kết luận. Không nên trình bày dài như thế. Tôi muốn nói đến việc tự phê phán liên quan đến cuốn sách này.

Nhờ những nghiên cứu được thực hiện từ 1993 đến quãng 1998, tôi đã ý thức một cách rõ rệt những nhược điểm của Cộng đồng tưởng tượng. Việc sửa chữa cuốn sách là chuyện hiển nhiên. Nếu tất có lỗ thủng thì bạn phải may và bịt lại đúng không? Điều chỉnh những thiếu sót của Cộng đồng tưởng tượngcũng giống như vậy.

Bản in lần hai năm 1991 của Cộng đồng tưởng tượng đã bổ sung thêm hai chương hoàn toàn mới. Một chương là phản hồi của tôi đối với phê phán cho rằng bản in đầu chưa nhận thức đầy đủ các nguyên tắc của nhà nước thuộc địa đã tác động đến sự hình thành chủ nghĩa dân tộc. Chương còn lại là phản hồi trước phê phán cho rằng tôi chưa khảo sát đầy đủ vấn đề “ký ức được lựa chọn”. Vấn đề “ký ức được lựa chọn” trả lời câu hỏi các nhà dân tộc chủ nghĩa đã kể về lịch sử của mình như thế nào, cái gì không được họ viết ra, tại sao nó lại có hình thái đó và đâu là đặc thù được thừa nhận của nó.

Hai vấn đề này thực chất là những nội dung không tương thích với bản đầu. Chúng đòi hỏi tác giả phải sửa chữa cuốn sách một cách tổng thể. Nhưng ở đây chúng tôi quyết định làm một kẻ lười biếng. Chúng tôi gán những nội dung đó vào bìa sách cũ và chỉ gọi là bản tái bản bổ sung.

Sau khi được trải nghiệm một cách tuyệt diệu công việc điều chỉnh Cộng đồng tưởng tượng và khi thế kỷ đã chuyển mình, tôi xuất bản thêm một cuốn sách nữa. Đó là cuốn Bóng ma của những so sánh (31). Cuốn sách bao gồm năm chương có tính lý thuyết. Đây cũng là câu trả lời của tôi trước những phê phán và nhược điểm của Cộng đồng tưởng tượng, điều mà một số người đã chỉ ra và bản thân tôi cũng dần dần nhận thấy.

Cuốn sách này đã trả lời những phê phán hết sức giản đơn sau. Người ta nói rằng “Cộng đồng tưởng tượng tuy biện minh là sách lý thuyết, nhưng thực tế lại ít bàn về lý thuyết. Ông đã quá đồng tình chủ nghĩa dân tộc. Cần phải phân tích lạnh lùng và giữ thái độ khách quan từ xa hơn. Hơn nữa ông không thực sự bàn về bức tranh toàn cảnh của chủ nghĩa dân tộc. Vấn đề di dân xuyên biên giới quốc gia và toàn cầu hóa đã diễn ra như thế nào? Ông không đề cập gì đến những vấn đề này”. Tôi đã trả lời những nghi vấn này trong cuốn sách đó. Nếu có dịp xin các bạn hãy đọc.

Phản biện và vấn đề mới


Còn một vấn đề rất quan trọng nữa, đó là tôi đã tiến hành điền dã từ những năm 1980 đến những năm 1990. Vì thế tôi từng nhiều lần qua Philippines trong khoảng thời gian này. Philippines là một nước lớn trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, biểu thị qua tỷ lệ xuất khẩu lao động ra nước ngoài cao nhất thế giới. Người Philippines ngày nay đanglan tỏa trong tư cách những di dân có mặt khắp mọi nơi trên thế giới. Khi lên kế hoạch viết một cuốn sách về chủ nghĩa dân tộc Philippines, điều tôi phải suy nghĩ đó là mình có thể nói gìvề tình trạng này, về những cư dân tuy là người Philippines nhưng lại cảm thấy không thể cư trú ở Philippines. Họ có mối quan hệ ra sao với cố hương và với quốc gia mới mà mình di trú?

Trong giai đoạn này lần đầu tiên tôi đọc Derrida, Foucault và Baudrillard. Những công trình mà tôi viết sau những năm 90 tuy không phải là những công trình lớn, nhưng chắc chắn có thể thấy một vài dấu vết ảnh hưởng của các tác giả đó. Điều may mắn cho tôi là lúc đó chủ nghĩa hậu hiện đại đã qua thời đỉnh cao và đang hướng đến chỗ hội tụ. Tôi đã tạo ra một công việc thực sự thú vị. Sau đó, do ngày càng có nhiều việc mang tính chất mô phỏng, tôi cảm thấy như thể mất đi bầu nhiệt huyết sôi nổi dành cho công việc mà mình từng làm trong những năm 90.

Tuy nhiên ở đây vẫn còn hai phê phán lớn đối với Cộng đồng tưởng tượng. Bản thân tôi cũng thường xuyên tự phê phán, điều này các bạn có lẽ cũng đã rõ. Ở đây tôi chỉ trình bày một cách giản lược.

Thứ nhất là phản biện hoàn toàn hợp lý từ phía các nhà nữ quyền luận. Bởi cuốn sách của tôi hầu như không xuất hiện phụ nữ và nếu có xuất hiện cũng chỉ xuất hiện một cách hiếm hoi. Tôi bị phê phán là không khảo sát về mặt lý thuyết mối quan hệ giữa phụ nữ và chủ nghĩa dân tộc cũng như phụ nữ trong các quốc gia dân tộc. Đây thực sự là một phản biện xác đáng.

Tuy nhiên, tôi không những không thấy phiền toái trước vấn đề này mà thực tế còn suy ngẫm nó trong một thời gian dài. Có lẽ phải thú nhận rằng một trong những lý do khiến tôi không bàn luận trực tiếp vấn đề này là sự lười biếng của bản thân tôi. Khi được hỏi tại sao thì đơn giản tôi chỉ trả lời rằng“Tại sao tôi phải làm điều đó trong khi có rất nhiều phụ nữ xuất sắc trên đời. Phụ nữ nên viết về phụ nữ thì tốt hơn. Tôi không phù hợp”. Một trong những vấn đề đi kèm với sự phát triển mạnh mẽ của nữ quyền luậnlại không nằm ở các nhà nữ quyền luận mà nằm ở sự lười biếng của nam giới. Song nếu bắt tay vào xử lý vấn đề đó, tôi lại thấy có chút hổ thẹn. Bởi vậy nếu có thể tôi muốn người khác giải quyết nó.

Thứ hai là phản biện từ phía chính trị căn cước. Tôi phải làm thế nào khi bị các học giả da màu nói rằng, vì ông là người da trắng nên dù có được đào tạo đến đâu đi nữa ông vẫn không thể hiểu được kinh nghiệm của người da màu? Tôi cảm thấy rất buồn khi bị nói như thế và nghĩ rằng mình không nên viết về người da màu mà chỉ nên viết về những gì mà bản thân mình hiểu rõ hơn. Tôi không thể giải thích một cách thỏa đáng những phê phán ở khía cạnh này. Có lẽ phải thú nhận rằng tôi luôn nhút nhát và trốn tránh trách nhiệm trong vấn đề này.

Sức nặng của dân tộc


Cuối cùng chúng ta hãy thảo luận tiếp một vấn đề phức tạp. Đó là vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa dân tộc và tự do hóa.

Vấn đề có tính phương pháp luận trong trường hợp nghiên cứu so sánh chủ nghĩa dân tộc, hay có thể nói vấn đề chung của lý thuyết so sánh, là xác định như thế nào đơn vị so sánh. Trước hết phải xác định được đơn vị so sánh, đo được sức nặng của nó, rồi mới có thể gắn kết các đơn vị với nhau để tạo nên các tập hợp. Để nghiên cứu so sánh các dân tộc, cần phải ý thức dân tộc như một đơn vị đã được phân ranh giới: đơn vị Canada, đơn vị Nhật Bản, đơn vị Ireland.

Ngay cả trường hợp các đơn vị không tồn tại trên thực tế và có hình thức khác, để sử dụng so sánh như một phương pháp hiệu quả, chúng ta vẫn cần phải xem xét các dân tộc trong tư cách những đơn vị đã được phân ranh giới thực sự. Indonesia, Philippines, Peru, Brazil đều đượcnhìnnhận trong trạng thái này. Chúng ta phải tiến hành như thế. Đó là phương pháp luận so sánh có tính chuẩn mực.

Vấn đề là trong thực tế, khác với táo và cam trên bàn, dân tộc không cho phép so sánh một cách đơn giản. Cam màu vàng, táo màu đỏ. Nhưng đơn vị có tên là dân tộc lại tự thay đổi và tương tác thường xuyên với các đơn vị khác trong quá trình vận động liên tục. Vì vậy rõ ràng, so sánh dân tộc là một kiểu so sánh thực sự mang tính bổ trợ. So sánh được xác lập để củng cố một dạng thức bất biến và thống nhất nào đó. Nhưng không tồn tại một dân tộc bất biến và thống nhất như thế.

Đó là một nghiên cứu ngây thơ, giống như trẻ em ngắm sao trên trời đêm. Trẻ con có thể quan sát thấy rất nhiều sao khi nhìn lên bầu trời. “A, đằng kia có một ngôi sao lớn. Đằng này có một ngôi màu đỏ đáng yêu. Phía kia cũng có một ngôi lớn nữa”. Trẻ con nghĩ rằng những vì sao chỉ nằm rải rác trên trời và tồn tại như một sự thực của tự nhiên. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn được học hành, trẻ con sẽ hiểu rằng những vì sao đó không phải là những vật thể chỉ đứng yên một chỗ, và chúng có thể đối sánh các vì sao trong tính tương quan. Nơi các vì sao chuyển động là một trường trọng lực không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trọng lực đó đang giữ các vì sao trong mối quan hệ dịch chuyển.

Như vậy để so sánh và luận giải về chủ nghĩa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu, chúng ta phải chỉ ra trường trọng lực mà chủ nghĩa dân tộc sinh thành, biến chuyển và tương tác lẫn nhau.

Hướng đến các chủ đề nghiên cứu mới


Công trình hiện giờ tôi đang viết là tổng hợp những suy nghĩ của mình về giai đoạn khởi đầu của toàn cầu hóa (32)

Đó là một thế giới được kết nối bằng điện tín, một phương tiện giao tiếp toàn cầu đầu thế kỷ, có thể truyền tin tức một cách nhanh chóng. Lúc này nhân loại có thể truyền đạt thông tin nhanh chóng hơn bất cứ hình thức vận chuyển thực tế nào của động vật và con người. Một trăm ba mươi năm trước, hình thức giao tiếp này đã phát huy tác dụng. Nhờ sự khởi đầu và mở rộng của giao thông đường biển (một cách quy mô và an toàn), nhân loại khi đó đã suy tư, di chuyển, gặp gỡ và xây dựng mạng lưới quan hệ với tốc độ nhanh chóng không ngờ tới. Cũng có thể nói rằng, chính vì thế mà con người thường xuyên va chạm nhau.

Hiện tại tôi đang viết một cuốn sách tập trung nghiên cứu thế giới giai đoạn đó (từ 1870 đến 1900). Khi viết cuốn sách này, tôi chọn trọng tâm là vài ba nhân vật dân tộc chủ nghĩa thế hệ đầu tiên của Philippines, khảo sát xem cái cách mà họ đã vượt biển, thăm New Orleans, Liverpool, Thượng Hải, Yokohama, di chuyển bằng tàu hỏa khắp châu Âu và châu Mỹ lục địa và gửi thông tin bằng điện tín như thế nào. Tôi xem xét sự giao lưu này đã ảnh hưởng ra sao đến họ. Cuộc đấu tranh giành độc lập của Cuba, cuộc chiến tranh của người Boer ở Nam Phi, sự sát nhập Đài Loan của Nhật Bản, cuộc chiếm đóng Hawaii của Mỹ và sự thống trị của Bismarck đã có tác động như thế nào đến Tôn Trung Sơn, người anh hùng dân tộc của Trung Quốc. Đó cũng là những chủ đề của cuốn sách này.

Đặc biệt nhân tố then chốt của trường trọng lực đó -phe cánh tả -nhất là vào thời điểm trước khi Lenin xuất hiện, là một phái cánh tả áp đảo, theo chủ nghĩa vô chính phủ và có vai trò quan trọng. Thông qua châu Âu và các thuộc địa ở Nam Á, thông qua Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, phong trào này đã lan tỏa đến Mỹ Latin và Bắc Mỹ.

Hình thành nên phong trào hỗn loạn này là những kiểu nhân vật chẳng hạn những người Triều Tiên nói tiếng Nhật đến Trung Quốc và hoạt động cho chủ nghĩa vô chính phủ, những người khởi đầu hoạt động ở Paris và kết thúc tại Argentina. Họ di chuyển vòng quanh thế giới từ La Habana đến Paris. Các hoạt động được tiến hành bởi những người theo cánh tả này là một dạng thức phản kháng chủ nghĩa đế quốc hung bạo cuối thế kỷ XIX.

Sở dĩ tôi quan tâm đến giai đoạn này là vì đây là một giai đoạn xuất hiện các hành động khủng bố rõ ràng. Những người theo chủ nghĩa vô chính phủ trong giai đoạn này đã ám sát các lãnh tụ dân tộc và chính trị gia có ảnh hưởng. Các nhà dân tộc chủ nghĩa chống thực dân cũng bắt chước theo. Điều tôi thấy quan trọng là nhờ điện báo, những vụ ám sát mà họ thực hiện đã được thông tin rộng rãi trên thế giới. Chúng cũng được lan truyền trên báo chí. Những người thực hiện các vụ ám sát không hề trốn chạy. Sau khi sát hại một đối tượng nào đó, họ đợi ở hiện trường cho đến lúc bị bắt rồi bị hành hình một cách công khai. Những bức ảnh đó được đăng tải lên báo chí và thông điệp ngay lập tức được truyền ra thế giới. Sau khi tổng thống Pháp bị ám sát năm 1894, những người Argentina, những người ở Thượng Hải và Manila cũng nhanh chóng biết đến sự kiện đó.

Điều mà tôi chợt nghĩ tới ở đây chính là hoàn cảnh thời đại của chủ nghĩa khủng bố hiện nay. Hoàn cảnh thời đại lúc đó cũng giống thời đại của Osama Binladen và những kẻ khủng bố liều chết ngày nay. Thực sự là như thế. Những người theo chủ nghĩa vô chính phủ lúc đó có lẽ cũng cho rằng họ là một dạng khủng bố liều chết. Và nhiều người trong số họ là những người châu Âu. Đây là điều mà chúng ta nên nhớ.

Những gì tôi muốn nói chỉ có thế. Hi vọng rằng bài nói chuyện của tôi sẽ có thể giúp ích cho các bạn. Xin chân thành cảm ơn.

Lưu Ngọc An dịch

Nguồn: Benedict Anderson bàn về toàn cầu hóa (ベネディクトアンダーソングローバリゼーションを語る), Umemori Naoyuki 梅森直之 biên soạn, Kobunsha 光文社xuất bản, 2007, tr. 18-68.

*Umemori Naoyuki sinh năm 1962, chuyên gia về lịch sử tư tưởng chính trị Nhật Bản, lấy bằng tiến sĩ chính trị học tại Đại học Chicago năm 1991, hiện giảng dạy tại Đại học Waseda. Cuốn sách này ngoài phần đầu là hai bài giảng của Anderson, còn có hai phần quan trọng: phần hai là những phân tích của Umemori Naoyuki xoay quanh các luận điểm chính của hai bài giảng, phần ba là 14 đối thoại giữa cử tọa và Anderson, nơi diễn giả trả lời các câu hỏi sau khi kết thúc phần nói chuyện (ND).

1. Yabushita Shirō: Sinh năm 1943, nhà kinh tế học Nhật Bản, giáo sư Khoa chính trị và kinh tế học, Đại học Waseda (ND).

2. “Classical languages” nếu dịch chính xác phải là “cổ ngữ” hoặc “cổ văn”. Dịch giả tiếng Nhật để “nghiên cứu cổ điển” nhằm định danh rõ hơn lĩnh vực Anderson được đào tạo tại đại học: ngành nghiên cứu ngôn ngữ và văn chương Hy La, tiếng Anh là “classical studies” (ND).

3Tức Trung học Eton. Về quãng thời gian Anderson học tại Eton, xem hồi ký tác giả Một cuộc đời ngoài các ranh giới [A life beyond boundaries], Verso, 2016, tr. 13-18 (ND).

4. Sau cuộc đấu tranh chống thực dân Hà Lan, Indonesia đã giành được độc lập vào năm 1949, xét trên cả danh nghĩa và thực tế. Mặc dù đã ban hành hiến pháp trên cơ sở chính trị của các chính đảng vào năm 1950, nhưng tình hình chính trị Indo vẫn tiếp tục bất ổn. Nội chiến bùng phát từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1958. Sau khi trấn áp được nội chiến, năm 1959 tổng thống Sukarno đã tuyên bố phục hồi lại hiến pháp độc lập, tăng cường quyền lực độc tài dưới sự ủng hộ của quân đội và đảng cộng sản, sau đó tổ chức nội các tổng thống. [Các chú thích không đề ND từ đây đều của Umemori Naoyuki – ND].

5. George Kahin: Sinh năm 1918, nhà tiên phong của nghiên cứu Indonesia ở Mỹ, người sáng lập chương trình nghiên cứu Indonesia hiện đại tại Đại học Cornell. Công trình có Chủ nghĩa dân tộc và cách mạng tại Indonesia [Nationalism and Revolution in Indonesia], Ithaca: Cornell University, 1952. Tạp chí Indonesia, tập 69 (tháng tư năm 2000) có in điếu văn của Anderson dành cho Kahin khi ông mất vào năm 2000.

6. Ngoài Cornell, còn có một chương trình nghiên cứu Đông Nam Á khác của Mỹ được xây dựng tại Đại học Yale trong những năm 1950. Chi tiết về nghiên cứu Đông Nam Á tại Mỹ giai đoạn này, xem Hồi ký của tác giả, chương hai “Nghiên cứu khu vực” [Area studies] (ND).

7. James Siegel: Giáo sư Khoa nhân học, Đại học Cornell. Công trình gần đây có Đặt tên Phù thủy[Naming the Witch], Stanford: Stanford University Press, 2006.

8. Chính Siegel James là người đã dẫn Anderson tiếp xúc với Mimesis của Erich Auerbach và các công trình của nhà nhân học Victor Turner. Về mối quan hệ và ảnh hưởng của học giả này tới Anderson xem Hồi ký tác giả, tr. 121-122 (ND).

9. Clare Holt: Sinh tại Riga, Latvia. Từng sống tại Java thuộc địa Hà Lan trong những năm 1930. Trong Thế chiến thứ hai làm thông dịch viên và giáo viên tiếng Indonesia cho chính phủ Mỹ, sau đó dạy ngôn ngữ và văn hóa Indonesia tại Đại học Cornell. (Xem công trình của Anderson, Ngôn ngữ và quyền lực: Khám phá các nền văn hóa chính trị ở Indonesia, tr. 7).

10. Xem Sđd.

11. Anderson cũng nói về tác động của sự kiện này tới suy tư so sánh của ông trong Hồi ký: “Tôi phải nói rằng tôi chịu một món nợ kỳ lạ đối với Tướng độc tài Suharto, người đã trục xuất tôi khỏi Indonesia năm 1972 và cấm tôi nhập cảnh cho đến khi bị lật đổ vào năm 1998. Vì lý do này, tôi buộc phải đa dạng hóa, nghiên cứu Thái Lan chủ yếu từ 1974 đến 1986, nghiên cứu Philippines từ 1988 đến nay. Tôi biết ơn ông vì đã buộc tôi phải vượt ra ngoài góc nhìn của “một quốc gia”. Nếu không bị trục xuất, chưa chắc tôi đã viết Cộng đồng tưởng tượng”. Xem Hồi ký tác giả, tr. 55 (ND).

12. Thời kỳ này các thuộc địa châu Phi đã giành được độc lập từ tay Bồ Đào Nha, chẳng hạn Guiné-Bissau (tháng 9 năm 1974), Mozambique (tháng 6 năm 1975).

13. Tính đến thời điểm hiện nay (tháng 4 năm 2007) có 192 nước là thành viên Liên hợp quốc.

14. Scotland là khu vực nằm phía bắc của đảo Anh. Xứ Wales nằm ở tây nam đảo Anh. Catalonia là khu tự trị nằm ở đông bắc Tây Ban Nha, phía nam dãy Pyrenees, giáp Địa Trung Hải. Xứ Basque chỉ khu vực cư trú của người Basque ở phía bắc bán đảo Iberia, nằm ở cực tây của dãy Pyrenees, vắt qua hai nước Pháp và Tây Ban Nha. Bretagne là khu vực phía tây nước Pháp, trung tâm là bán đảo Bretagne nằm nhô ra bên bờ Đại Tây Dương. Sicilia là hòn đảo lớn nhất Địa Trung Hải, thuộc chủ quyền Italia, nay là một đặc khu tự trị. Tại các khu vực này, phong trào ly khai dựa trên sự độc lập về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ đã có ảnh hưởng lớn trong những năm gần đây.

15. Eric Hobsbawm: Sinh năm 1917, sử gia Anh, biên soạn cùng Terence Ranger công trình Sáng tạo truyền thống [The Invention of Tradition], Cambridge University Press, 1983 (Maegawa Keiji, Kajiwara Kageaki dịch, Kinokuniya xuất bản, 1992). Cuốn sách này được biết đến như là một công trình có tính bước ngoặt đã phơi bày tính hiện đại của chủ nghĩa dân tộc của đế quốc Anh. Nhiều công trình của Hobsbawm đã được dịch sang tiếng Nhật như Thời đại đế chế(Noguchi Takehiko, Nagao Shirō, Noguchi Teruko dịch, Misuzu Shobo xuất bản, 1993), Lịch sử thế kỷ XX: Thời đại cực đoan (Kawai Hidekazu dịch, Sanseido xuất bản, 1996).

16. Anthony D. Smith: Nhà xã hội học lịch sử của Anh. Công trình chính được dịch sang tiếng Nhật: Dân tộc và sắc tộc: Khảo sát xã hội học lịch sử (The Ethnic Origins of Nations, Oxford: B. Blackwell, 1987, Suyama Yasuji, Takagi Kazuyoshi dịch, Nhà xuất bản Đại học Nagoya, 1999).

17. Earnest Gellner: Nhà nhân học xã hội, sinh năm 1925 tại Paris, lớn lên tại Prague, theo đuổi hoạt động nghiên cứu và giáo dục chủ yếu tại Anh. Công trình chính được dịch sang tiếng Nhật: Dân tộc và chủ nghĩa dân tộc (Nations and Nationalism, Cornell University Press, 1983, Katō Takashi dịch, Iwanami Shoten xuất bản, 2000).

18. Tom Nairn: Sinh năm 1932, lý thuyết gia chủ nghĩa dân tộc của Scotland. Công trình được đề cập đến ở đây là Sự tan rã của Vương quốc Anh [The Break-up of Britain, London]: NLB, 1977, (Tái bản 1982).

19. Tom Nairn: Sinh năm 1932, lý thuyết gia chủ nghĩa dân tộc của Scotland. Công trình được đề cập đến ở đây là Sự tan rã của Vương quốc Anh [The Break-up of Britain, London]: NLB, 1977, (Tái bản 1982).

20. Tức văn học cổ điển, rộng hơn là nghiên cứu cổ điển, lĩnh vực mà tác giả được đào tạo về mặt chuyên ngành (ND).

21. Hikaru Genji: Nhân vật chính trong Truyện Genji (Genji monogatari) của Murasaki Shikibu (978–1016), nữa văn sĩ thời Heian của Nhật (ND).

22. Tức “giới báo chí chất lượng” (quality press) tại Anh, điều tác giả đã đề cập đến trong phần đầu khảo luận “Du hành và giao thông” của Cộng đồng tưởng tượng (ND).

23. Ernst B. Haas: Giảng dạy chính trị học tại trường Berkely, Đại học California. Thao khảo bài điểm sách Cộng đồng tưởng tượng của Haas: Ernst B. Haas “Chủ nghĩa dân tộc là gì và tại sao chúng ta cần nghiên cứu nó” [What is nationalism and Why should we study it], International Organization, Vol.40, No.3 (Hè 1986), tr. 707-744.

24. Sau chiến tranh Ấn Độ - Pakistan lần thứ ba năm 1971, Đông Pakistan giành được độc lập, trở thành Bangladesh. Sau khi Mỹ rút toàn bộ quân đội, nhờ sự thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nam Việt và Bắc Việt đã thống nhất vào năm 1976. Ethiopia được biết đến như là quốc gia độc lập lâu đời nhất của Phi châu. Năm 1975 chính quyền đế quốc Ethiopia bị loại bỏ sau cuộc nổi dậy của quân đội.

25. Tại Quebec -bang nằm phía đông Canada, dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính -khuynh hướng ly khai chống lại chính quyền liên bang đã diễn ra một cách mạnh mẽ. Quebec từng tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập vào các năm 1980 và 1995, nhưng đều bị phủ quyết.

26. Tức sự sụp đổ của Liên Xô (ND).

27. Michel Foucault, Jacques Derrida, Jean Baudrillard là những tư tưởng gia Pháp đại biểu cho tư tưởng hiện đại. Các ông đã phát triển một phương pháp phân tích xã hội mới dựa trên những khái niệm chìa khóa như phân tích diễn ngôn, giải cấu trúc, huyền thoại, có ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực học thuật.

28. Stuart Hall: Sinh năm 1932 tại Kingston, Jamaica. Thành tựu nghiên cứu chính tập trung trong lĩnh vực văn hóa học và nghiên cứu media, trọng tâm là các hoạt động nghiên cứu tại Trung tâm văn hóa học đương đại (Centre for Contemporary Cultural Studies) trực thuộc Đại học Birmingham. Ông được coi là một trong những lý thuyết gia tiêu biểu của nghiên cứu hậu thực dân và văn hóa học.

29. Dịch giả tiếng Nhật của Cộng đồng tưởng tượng là Shiraishi Saya và Shiraishi Takashi. Cả hai đều học tại Đại học Cornell và đều được coi là những nhà nghiên cứu Indonesia tiêu biểu của Nhật Bản.

30. GeorgeSoros: Nhà đầu tư, sinh năm 1930 tại Budapest, Hungary. Soros thu được lợi nhuận khủng nhờ vận dụng Quỹ tự bảo hiểm rủi ro(Hedge Fund). Năm 1993, ông được Tạp chíFinancial Worldxếp hạng là nhà tư sản số một thế giới. Ngoài ra ông còn tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ quá trình dân chủ hóa tại Đông Âu cũng như các nước đang phát triển và mới phát triển. Từ 1995, Soros bắt đầu triển khai dự án tài trợ dịch và xuất bản các công trình cơ bản của khoa học xã hội sang phương ngữ các nước Trung Âu, Đông Âu và Trung Á (CEU Translation Project). Danh sách các công trình được đề xuất dịch trong dự án này có cả Cộng đồng tưởng tượng của Anderson. Tính đến tháng 1 năm 2000, đã có tám nước dịch và xuất bản Cộng đồng tưởng tượng dưới sự tài trợ của dự án (http://www.osi.hu/cpd/spf/46_00.html#ceu). Thông tin khái quát về dự án dịch và xuất bản của Soros hiện nay, xem các mục của phần Information Program trên trang chủ của Open Society Institute (http://www.soros.org/initiatives/information).

31. Tên đầy đủ của công trình:Bóng ma của những so sánh: Chủ nghĩa dân tộc, Đông Nam Á và thế giới[The Spectre of comparisons: Nationalism, Southeast Asia, and the World], Verso, 1998 (ND).

32. Công trình này được Verso xuất bản vào cuối 2005 với tiêu đề Dưới ba ngọn cờ: Phong trào vô chính phủ và tưởng tượng chống thực dân [Under three flags: Anarchism and the Anti-Colonial Imagination] (ND).

Lưu Ngọc An dịch

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 13.6.2019.
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/van-hoa-lich-su-triet-hoc/7432-nh%C3%ACn-l%E1%BA%A1i-c%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BB%93ng-t%C6%B0%E1%BB%9Fng-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-b%C3%A0i-gi%E1%BA%A3ng-c%E1%BB%A7a-anderson-t%E1%BA%A1i-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%8Dc-waseda.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét