Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

Tân giám đốc sở, "chơi chim" và dư luận thờ ơ kệ nó

Về tân giám đốc sở và câu chuyện "Chơi Chim" của dư luận
Cao Huy Huân -  Nếu một ngày nào đó báo chí, cộng đồng không nói lên tiếng nói phản biện. thì ai sẽ giữ cho những người ngồi trên kia minh bạch, công bằng? Hoạ từ ngoài vô trong, nếu không nghĩ đến sự tồn vong của xã hội, dân tộc, thì chẳng ai nói trước được rằng tương lai của đất nước sẽ đi về đâu. 
Ông Lê Phước Hoài Bảo (giữa), được bổ nhiệm giám đốc 
Sở khi 30 tuổi. (Ảnh chụp từ trang web vnexpress)
Vừa rồi, hơn một loạt các tỉnh thành trên cả nước Việt Nam đồng loạt tổ chức đại hội đảng. Kẻ đi, người ở lại, các chức vụ được điều đi, điều về diễn ra âm thầm trong nội bộ đảng. Đáng chú ý nhất là câu chuyện về việc Lê Phước Hoài Bảo, sinh năm 1985, trở thành giám đốc mới của sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Vị tân lãnh đạo này với tuổi đời chưa quá 30 đang là tâm điểm khen chê của dư luận và báo chí.

Từ chuyện ông ta có phải là có “gốc gác” hay không, hay là trình độ học vấn ông thế nào, rồi kinh nghiệm quản lý công của ông tới đâu. Có cả vị nguyên thứ trưởng nào đấy, không bao giờ lên tiếng, nay bổng nhiên cũng đăng đàn bênh vực cho vị giám đốc sở 30 tuổi này. Câu chuyện đi đến đỉnh điểm khi báo chí xoáy vào việc ông Bảo thích… chơi chim. Có lẽ các nhà báo sử dụng các “điển tích” này để châm biếm rằng, cả câu chuyện chỉ là trò cười cho thiên hạ.

Dĩ nhiên việc tuổi trẻ tài cao thì luôn luôn nên được trân trọng. Nhất là trong xã hội Á Đông như Việt Nam, thì việc một người trẻ lên nắm quyền lãnh đạo cũng đã giảm bớt phần nào các định kiến về tuổi tác đi đôi với kinh nghiệm. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta bỏ qua cái tiêu chuẩn cốt yếu của việc trị nước: chức vị phải đi đôi với tài đức. Thế nhưng nhìn kỹ hơn một chút, ta mới thấy cái hiện tượng này thực chất không có gì cấp tiến cả.

Lý lịch chính trị của ông Lê Phước Hoài Bảo bắt đầu từ lúc ông được UBND tỉnh Quảng Nam cử đi học thạc sỹ tại Mỹ. Rồi sự nghiệp của ông lên như diều gặp gió chỉ trong vài năm ngắn ngủi sau đó. Ông Bảo lần lượt giữ chức trưởng Phòng Xúc tiến Đầu tư – Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, rồi Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, rồi đến Phó Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, trước khi được đề bạt làm giám đốc sở này. Lần ra mới biết, ông này là con trai của ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ kiêm trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, vừa mới thôi chức. Nhưng có lẽ sẽ không công bằng, nếu như cho rằng vì cha của ông tân giám đốc làm quan to, nên ông ấy mới được đề bạt. Ngộ nhỡ ông Bảo này là nhân tài thực sự thì sao? Vậy thì có phải là đã vu oan cho ông rồi chăng?

Thế nên tôi mới lần mò tìm hiểu xem quy trình đề cử, ứng cử, tiêu chuẩn làm “quan” của ông, trước khi đưa ra kết luận. Được biết, một trong những tiêu chí quan trọng để được bổ nhiệm làm giám đốc sở là phải đạt chuyên viên chính. Mà ông này lại chưa phải là chuyên viên chính gì cả. Đáp lại vấn đề này, ông Huỳnh Khánh Toàn, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, bảo “Quy định phải có chuyên viên chính thực ra cũng chỉ là tiêu chí phụ thôi”. Cái cách diễn giải quy định theo kiểu chính, phụ, rồi phụ thì coi như có cũng được, không có thì cũng không sao này cứ mập mờ, vòng vèo theo kiểu cán bộ nhà nước. Đây chỉ là ví dụ tiêu biểu cho gọi là có đối chiếu với tiêu chuẩn để trở thành giám đốc sở. Mà gần như để đáp ứng hết cái danh sách dài gồm các tiêu chuẩn, thì ứng viên trẻ nhất cũng phải 34, 35 tuổi. Mà ông Bảo thì cứ đường đường chính chính bước ra đảm nhiệm trọng trách, dù tuổi đời thì chỉ mới 30, mà tuổi nghề thì cũng chỉ 2, 3 năm là cùng (trước đó ông đi học lên đến thạc sỹ).

Thôi thì đâu cũng lại vào đấy. Rõ ràng là những tiêu chuẩn giấy trắng mực đen, được ký bởi chính phủ, trung ương này nọ, thì cũng chỉ để áp dụng cho đám “con sải ở chùa” thôi. Còn các anh, các chú thì cứ thực hiện những cú “đại nhảy vọt” như vậy. Mỗi mùa bầu cử, tiến cử đến rồi đi, cứ vài nhân tố như thế này loé lên, rồi lại cũng sẽ chìm vào quên lãng. Chẳng ai còn nhắc đến họ. Nhưng thực tế, con cháu, cả đại gia đình của “quan” cứ hưởng “vinh hoa, phú quý” từ đời này đến đời khác. Để rồi một mùa đại hội khác lại đến, một anh giám đốc sở hay một chị bí thư tỉnh lại được đề bạt, nối tiếp cái “truyền thống gia đình” này như một cái nghề “cha truyền con nối”. 

Còn những con dân như chúng ta, cứ cặm cụi làm, cặm cụi mày mò với sự nghiệp của mình, mà biết chắc chắn rằng cái ghế trên kia đã có người đặt sẵn cho 5 năm, hay thậm chí là 10 năm sau nữa. Những người trẻ Việt Nam cứ phấn đấu, cứ nỗ lực học hỏi, làm việc không ngừng, mà đâu biết rằng, có những cái bánh không bao giờ có phần của mình trong đó. Để rồi đừng ai hỏi rằng, tại sao người trẻ bây giờ thiếu ý chí, thiếu hoài bão chính trị đến như vậy? Hiền tài đâu rồi, sao không ra gánh vác vận mệnh dân tộc?

Những câu chuyện như thế này sẽ chẳng bao giờ có hồi kết. Ở đâu đó trong xã hội còn có những người như tôi đây, cứ trăn trở rồi lại đau đáu với những cái hiển nhiên đầy bất công ấy. Còn phần lớn xã hội vẫn sẽ chỉ lắc đầu ngao ngán, hay thở dài mà bảo nhau rằng “Mấy cái này ở đâu cũng có mà”. Cái bất mãn của họ trải qua năm dài tháng rộng cũng chẳng còn đau đáu nữa, có chăng cũng chỉ là một khoảnh khắc khó chịu trong lồng ngực rồi thôi. Chúng ta đâu biết rằng mọi thứ cũng chỉ là hữu hạn. Đất nước này, xã hội này cũng vậy. Nếu một ngày nào đó báo chí, cộng đồng không nói lên tiếng nói phản biện. thì ai sẽ giữ cho những người ngồi trên kia minh bạch, công bằng?

Hoạ từ ngoài vô trong, nếu không nghĩ đến sự tồn vong của xã hội, dân tộc, thì chẳng ai nói trước được rằng tương lai của đất nước sẽ đi về đâu.

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

http://www.voatiengviet.com/content/ve-tan-giam-doc-so-va-cau-chuyen-cua-du-luan/2992268.html

1 nhận xét:

  1. Thoải mái đi cho nó nhanh chết có gì mà phải kêu gào

    Trả lờiXóa