Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Bổ nhiệm người trẻ: Khi không còn “lo” về người trẻ

Bổ nhiệm người trẻ: Khi xã hội không còn “lo” về người trẻ
Xã hội đang lo lắng về việc nhiều người trẻ đang được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng trong hệ thống quản lý. Không phải vô cớ mà nhiều người cùng trở nên trầm ngâm đến vậy. Ahmed Mohamed khi bị đưa ra khỏi trường (ảnh trái) kèm hình ảnh chiếc đồng hồ tự chế và lời mời tới thăm Nhà Trắng của TT Obama (phải). (Ảnh: wtvr.com)

Ngày 14/9, một nam sinh 14 tuổi của trường trung học MacArthur (thành phố Irving, bang Texas) bị hiệu trưởng và cảnh sát lôi ra khỏi lớp và bị dẫn giải ra khỏi trường với một chiếc còng tay. Cậu bé đã bị đưa tới trung tâm giam giữ thanh thiếu niên, bị bốn nhân viên an ninh thẩm vấn. Cậu bé khổ sở chỉ được thả tự do sau khi họ xác nhận phát minh đã phát ra tiếng “bíp” trong cặp của cậu chỉ là một chiếc đồng hồ tự chế, chứ không phải bom. 
Vụ bắt giữ Mohamed đã thu hút sự chú ý của dư luận. Tổng thống Obama đã mời cậu tới thăm Nhà Trắng.

Chiếc đồng hồ rất thú vị, Ahmed ạ. Cháu có muốn mang nó tới Nhà Trắng không? Chúng ta nên truyền cảm hứng cho nhiều đứa trẻ khác đam mê khoa học như cháu. Đó là điều khiến nước Mỹ vĩ đại” – ông viết trên Twitter hôm 16/9.
Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton cũng khen ngợi Ahmed và CEO Mark Zuckberg thì gửi lời mời Ahmed tới thăm trụ sở của Facebook. “Tương lai thuộc về những người như Ahmed“, Mark viết.
Cuối cùng, sau cuộc gặp gỡ với Tổng thống (19/9) và cũng nhiều lời mời tại Mỹ, cậu bé 14 tuổi nhận học bổng toàn phần từ QF và chuyển đến Qatar học tập.
Ahmed Mohamed trong căn phòng đầy sáng chế (Ảnh: thescoopblog.dallasnews.com)
Ahmed Mohamed và một phát minh máy nghe nhạc mà cậu đang chế tạo gần đây tại nhà ở Irving. (Ảnh: thescoopblog.dallasnews.com)
Tại Việt Nam, hôm 11/9, tiến sĩ 32 tuổi Nguyễn Bá Hải (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đã chớp lấy 10 phút trong buổi gặp gỡ để trình bày và thuyết phục thành công Thủ tướng đầu tư cho dự án sản xuất kính dành cho người khiếm thị.
Không khí khán phòng với 70 nhà khoa học trẻ nóng lên bởi phần trình bày đầy nhiệt huyết của vị tiến sĩ trẻ tuổi. Anh nói về ý tưởng nghiên cứu chế tạo kính dẫn đường cho người khiếm thị, máy pha cà phê để nâng giá trị thương phẩm cho cà phê Việt, robot có thể dạy tiếng Anh. Các sáng tạo ấy ra đời kèm theo ý nguyện làm sao có thể giúp thay đổi cuộc sống cho những người nghèo, người ở vùng sâu vùng xa.

TS Nguyễn Bá Hải tặng “Mắt thần” cho người hát rong bán vé số. (Ảnh: most.gov.vn)
Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, bán xe, đi ở trọ, dồn tiền tự sản xuất, tới nay, hơn 1.000 sản phẩm đã được anh cùng nhóm cộng sự tặng miễn phí cho người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn. Đó là lựa chọn của anh, sau khi từ chối những lời mời thương mại hóa sản phẩm. Chỉ vì anh muốn chúng sẽ thuộc về sở hữu trí tuệ cộng đồng, được những người khiếm thị, người nghèo sử dụng.
Thành quả của sau hơn 4 năm sáng chế, 9 lần cải tiến là phiên bản nặng chưa tới 200gr, giá 2 triệu đồng/chiếc (phiên bản 1 nặng hơn 2kg, giá hơn 20 triệu đồng/chiếc). Anh còn được biết đến là người sáng lập nên mô hình lớp học 1 USD, từng từ chối mức lương mức lương 5.000 USD tại Hàn Quốc để trở về Việt Nam nghiên cứu, giảng dạy.
Đó là chỉ là hai trong số rất nhiều những câu chuyện về người trẻ.
Ngày 22/10, nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra nhận định: “Đừng đánh giá con người qua lý lịch”.
Phải bỏ qua chủ nghĩa lý lịch đi, hãy tập trung vào bản thân họ, xem có đúng chuẩn không“, ông nói trên News Zing về việc nhiều cán bộ trẻ được đề bạt lên các chức vụ quan trọng trong thời gian qua.
Bởi vì trong một phương diện nào đó của sự vận hành xã hội, năng lực bị đánh giá sau những bản lý lịch. Những người có “bản lý lịch chính thống” (chữ dùng của nhà sử học Dương Trung Quốc) có thể dễ dàng được đề bạt. Những bản lý lịch chính thống trở thành hệ quy chiếu để đánh giá, sau đó rồi mới tới các yếu tố như khả năng công việc, trình độ, và nhiệt huyết đối với cộng đồng. Trong khi trên thực tế, đó lại là một quy trình ảo, một quy trình ngược.
GS Ngô Bảo Châu xuất thân từ một gia đình làm trong lĩnh vực nghiên cứu. Nhiều người biết đến ông bởi ông đã tìm ra được sự liên quan đa dạng giữa hai lý thuyết số học và lý thuyết nhóm, được trao tặng Huy chương Fields danh giá năm 2010.
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì có lẽ sự ghi nhận đối với ông sẽ chỉ dừng lại ở trong giới khoa học, bởi không nhiều người hiểu bổ đề đó là gì.
Nói như Đại sứ Mỹ tại Việt Nam – ông Ted Osius: “Đừng hỏi tôi bổ đề cơ bản này là gì – chúng tôi không nói về điều đó. Tôi rất vui vì có cơ hội nói chuyện với Tiến sĩ Châu về cải cách giáo dục ở Việt Nam, một vấn đề mà cả hai chúng tôi quan tâm sâu sắc…“.
Cộng đồng rất tinh. Những “trí tuệ đám đông” sẽ không đánh giá cao sự chân thành của vị giáo sư 43 tuổi này, nếu từ năm 2010 tới nay, ông không đảm nhận một vị trí khó tại Viện Toán cao cấp, tham gia vào việc lập Quỹ học trò nghèo vùng cao (tổ chức hình thành từ Chương trình Cơm có thịt), thực hiện những cuộc đối thoại để góp ý cải cách giáo dục, có những suy nghĩ đặt tâm vào những đứa trẻ “chẳng có gì mà ăn nhưng chúng nó biết đánh vần, biết viết tên mình và làm phép toán cộng”, ở những bản mà để tới nơi phải vượt qua 2 con suối, 7km đá hộc và bùn, nơi ăn, ngủ cũng là nơi họp của giáo viên.
GS Ngô Bảo Châu trong một chuyến thăm trường tiểu học Lũng Luông (xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), tháng 8/2014. (Ảnh: Trần Đăng Tuấn)
GS Ngô Bảo Châu trong một chuyến thăm trường tiểu học Lũng Luông (xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), tháng 8/2014. (Ảnh: Trần Đăng Tuấn)
Hãy nói về câu chuyện của Ahmed. Cha của Ahmed, ông Mohamed Elhassan Mohamed cho rằng con trai mình bị hiểu nhầm vì “họ của thằng bé là Mohamed“.
Alia Salem, một thành viên Hội đồng quan hệ Mỹ-Hồi giáo, cũng cho rằng sẽ chẳng có chuyện gì nếu tên của cậu bé không phải là Ahmed Mohamed.
Nỗi sợ hãi mang tên khủng bố khiến trước khi chiếc đồng hồ được xác định là vô hại, thì cậu bé đã sớm bị còng tay đưa ra khỏi lớp học như một kẻ tình nghi khủng bố.
Còn ở tại Việt Nam, sự mất lòng tin cho phép người ta có quyền nghi ngờ về những bản lý lịch mà ở đó, thiếu đi những việc làm tâm huyết, sự nỗ lực thực sự bằng hành động để góp phần làm thay đổi những khó khăn trong đời sống của cộng đồng.
GS Ngô Bảo Châu chọn con đường giáo dục, khi ông muốn thay đổi tư duy về giáo dục ở cấp quản lý, rồi góp sức để những đứa trẻ vùng cao có ăn, có học, nhắc nhở những bạn học sinh phổ thông ở thành phố nên phải có kỷ luật để giữ nhiệt huyết đam mê và lòng dũng cảm, cùng các nhà khoa học lập Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng toán ở miền Trung…

TS. Nguyễn Bá Hải giảng dạy trong lớp học. (Ảnh: Internet)
TS Nguyễn Bá Hải mở khóa học 1 USD để truyền lửa đam mê sáng tạo cho nhiều bạn trẻ, dù mỗi lớp học của khóa học mở ra anh lại mất 2-3 triệu đồng, chưa kể 40 triệu đồng để mua trang thiết bị mở lớp. Với sản phẩm “Mắt thần”, từ chối những lời mời đặt mua bản quyền với giá từ 2 đến 10 tỷ đồng, anh nghĩ: ở Việt Nam có 1,2 triệu người mù, đa số là người nghèo, phải tự mưu sinh. Vì vậy, anh hợp tác với một công ty phi lợi nhuận để sản xuất với giá thành rẻ nhất để ai cũng có thể sử dụng.
Tôi muốn giữ lời hứa với những người dân đã góp gạo, mua dưa cà mắm muối nuôi mình từ những ngày còn mày mò nghiên cứu trong căn nhà trọ. Tôi không thương mại hóa mà dành tặng cho xã hội để phục vụ cộng đồng, phục vụ người mù”, anh nói trên báo Tuổi Trẻ.
Ở ngoài Việt Nam, tên tuổi của nhiều người trẻ khác cũng vượt qua ngoài những bản lý lịch của em. Người ta biết và thân thiện với em hơn là qua một cái tên. Cô gái 17 tuổi có cái tên Việt Nam, Cynthia Sin Nga Lam, đang sinh sống tại Melbourne, Australia vẫn được cộng đồng nhắc đến nhiều hơn với thiết bị lọc nước thải để tạo ra điện năng, bằng năng lượng mặt trời, từ khả năng ứng dụng tuyệt vời của thiết bị mà em tạo ra đối với cộng đồng và cho những người nghèo.
Cynthia Sin Nga Lam bên cạnh sáng chế thiết bị lọc nước thải, chế điện năng. (Ảnh chụp màn hình/Youtube)
Cynthia Sin Nga Lam bên cạnh sáng chế thiết bị lọc nước thải, chế điện năng. (Ảnh chụp màn hình/Youtube)
Trở lại Việt Nam, có những câu chuyện bình dị về những người trẻ tuổi mà sự chân thành của họ được ghi nhận. Như anh nông dân Lê Minh Hải (thôn 2, xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) năm 33 tuổi đã sáng chế thành công máy cấy lúa 9 hàng, tăng năng suất cấy lên 20 phút/sào; như Nguyễn Hữu Phước (xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trở thành chủ trang trại mía ở tuổi 27, là thành quả nỗ lực sau một thời gian dài vượt qua vấp ngã; là một Đỗ Thị Thúy Hằng tự tin đối thoại với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và nhiều nhân vật quan trọng khác tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2013 (WEF) ở độ tuổi còn rất trẻ…
Còn nhiều hơn nữa những câu chuyện về người trẻ chưa được biết đến. Đó là những con người mà suy nghĩ của họ không hướng về mình mà hướng tới số đông. Những con người mà tuổi trẻ của họ được nhắc đến không kèm theo nghi ngờ mà đồng nghĩa với sự ghi nhận.
Từ những lớp học 1 đô, những bữa cơm có thịt, lòng tin vào sự chân thành và nỗ lực cứ tự nhiên nảy nở trở lại. Người truyền người, có ai không tin khi lòng nhiệt thành được truyền đi theo cách cởi mở như thế, trong những lớp học 1 đô của anh Hải lại không có những người cũng đang tự mày mò cho những ý tưởng của riêng mình.
Vì thế cũng một cách rất tự nhiên, câu chuyện về sự mất lòng tin của xã hội sẽ dần được thay thế. Nỗi lo lắng rằng sẽ có những người đang tự kéo mình và kéo cả cộng đồng xuống trong toan tính vị lợi, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm sẽ trở nên nhỏ bé hơn trước ngày một nhiều những cá nhân biết sống bằng lòng thành thật.
Phan A
Xem thêm:
https://daikynguyenvn.com/viet-nam/bo-nhiem-nguoi-tre-khi-xa-hoi-khong-con-lo-ve-nguoi-tre.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét