Cục trưởng Cục Tình báo đầu tiên
TP - Người có cặp mắt xanh nhìn ra tố chất của “ông trùm” Mười Hương chính là cố Đại tá Trần Hiệu - Cục trưởng Cục Tình báo đầu tiên, nguyên Giám đốc Nha Liên lạc của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH), nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao…
Nhà tình báo Trần Hiệu và phu nhân.
Tôi tìm đến khu tập thể UBND thành phố Hà Nội đối diện với khán đài B sân vận động Hàng Đẫy… Chủ nhân là một ông già gầy mảnh. Tôi đã nhận ra ông nguyên là Phó chủ tịch phụ trách văn xã UBND thành phố Hà Nội rồi sau đó là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố, ông Vũ Mạnh Kha, người con trưởng cố đại tá Trần Hiệu.
Ông Kha với cái cười lành cố hữu nói rằng cứ như lời ông nội, con cháu đặt tên gì cũng phải có chữ tâm. Nhưng đến đời cụ Trần Hiệu thì sau ông Kha, những người con đều có cái tên như tiếng reo vui chiến thắng. Người em kế ông Kha sinh vào năm chiến thắng Nghĩa Lộ (năm 1952) có tên là Nghĩa. Người em kế nữa có tên là Lộ.
Ông Trần Hiệu vốn dòng họ Vũ Văn ở Phúc Lâm, Mỹ Đức gần chùa Hương, tên thật là Vũ Văn Địch, sinh năm 1914. Gia đình ông là nông dân nhưng cũng có bát ăn bát để. Năm 12 tuổi, ở ngay trường làng, cậu bé Địch đã hăng hái tham gia Lễ Truy điệu nhà chí sĩ Phan Chu Trinh. Ra Hà Nội học ở trường Bờ sông, khi chỉ mới là học sinh lớp nhì, Vũ Văn Địch đã được kết nạp vào Tổ chức Thanh niên Cộng sản. Học hết đệ nhất cấp, ông đi học nghề thợ nguội ở Hà Nội rồi tới năm 1935, xuống Hải Phòng học nghề sửa chữa ô tô ở Trường Kỹ nghệ thực hành. Chính tại đó, Trần Hiệu đã tham gia làm báo bí mật.
Năm 1936, Trần Hiệu bị đuổi học vì những hoạt động cách mạng. Ông lên Hà Nội tham gia hoạt động trong Phong trào Mặt trận Dân chủ, Hội Ái hữu và Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương. Năm 1937, ông được giao Phụ trách Phòng Quản trị tờ báo Thế giới, một trong ba tờ báo chính của Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương. Năm 1938, ông được các đồng chí Trường Chinh, Đào Duy Kỳ giới thiệu vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Hành tung hoạt động sôi nổi tích cực của Trần Hiệu lọt vào vòng ngắm của mật thám Pháp. Năm 1939, Trần Hiệu bị chính quyền thực dân bắt giữ, kết án đưa lên giam ở nhà tù Sơn La. Trong tù, ông đã giữ vững khí tiết. Tháng 9/1940, ông bị đưa về giam ở xà lim của Sở Mật thám Hà Nội.
Đầu năm 1941, Trần Hiệu tiếp tục bị thực dân Pháp đày lên nhà lao Bắc Mê, Hà Giang và ông lại tiếp nối những hoạt động cách mạng sôi nổi hơn. Pháp lại phải đưa ông về giam tại nhà lao Sơn La. Tại đây, ông cũng đã tham gia tuyệt thực phản đối chế độ thực dân. Tháng 6/1941, Trần Hiệu cùng 7 đảng viên Cộng sản khác bị đẩy lên tàu hỏa về xuôi.
Tới Ninh Bình, nhóm tù nhân có thêm một người mới, đó là đồng chí Phan Bôi (sinh năm 1911, người gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1930, từng sinh hoạt cùng chi bộ với Hải Triều và Trần Văn Giàu, từ tháng 8/1945 lấy tên là Hoàng Hữu Nam, trở thành Thứ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ VNDCCH…). Nhóm tù 11 người đã bị đưa vào Sài Gòn bằng xe lửa rồi bị đưa xuống tàu thủy, đem đi đày ở đảo Madagascar (châu Phi)…
Đầu tháng 11/1942, quân đội Anh chiếm Madagascar. Họ đã tỏ ra thiện cảm với những người tù chính trị Việt Nam, vốn có tình cảm ủng hộ lực lượng Đồng minh chống phát xít. Và sau khi chính phủ của tướng De Gaulle lên nắm quyền ở Paris, chính quyền Pháp ở Madagascar đã buộc phải tuyên bố trả tự do cho những tù binh Việt Nam trên đảo.
Kinh nghiệm những ngày vất vả làm việc đồng áng phụ giúp bố mẹ thời nhỏ của những cựu tù chính trị người Việt lúc này đâm ra có ích. Họ đã hướng dẫn dân bản địa cách trồng lúa nước, dệt vải bông, cả việc tập tành văn nghệ nên được nhân dân và chính quyền bản địa rất quý mến…
Vui thú điền viên hay đắm đuối với cuộc sống ngư tiều canh mục không phải là bản chất của nhóm cựu tù chính trị Cộng sản ở Madagascar. Đầu năm 1943, họ đã quyết định tìm cách tham gia lực lượng Đồng minh chiến đấu chống phát xít với dự định sẽ tùy cơ ứng biến tìm đường về Việt Nam. Tháng 3/1943, quân Đồng minh Anh - Pháp ở Madagascar đã gọi Hoàng Đình Giong (tức Vũ Đức, sau là Khu trưởng Khu 9, Khu 6) và Đoàn Ngọc Rê (tức Cao Dương Tiệp, Dương Công Hoạt, sau là Ủy viên Ban Dân tộc Trung ương kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ) nhập ngũ.
Tới ngày 4/6/1943, Phan Bôi, Tô Gĩ, Nguyễn Văn Phòng được gọi nhập ngũ, tới đầu tháng 9 thì đến Trần Hiệu và 12 người khác. Hầu hết được đưa tới Đại đội 1 thuộc cái gọi là “Quân chí nguyện Đông Dương” của lực lượng De Gaulle. Tại đây, Trần Hiệu và các đồng chí của ông đã vận động binh lính người Việt, vừa tìm cách tranh thủ, thuyết phục lính Pháp để bảo toàn đội ngũ, tìm cách sớm trở về nước.
Đầu năm 1944, ông cùng với hai người đồng chí của mình là Nguyễn Văn Ngọc (sinh năm 1908, về sau từng là Bí thư Thành ủy Hà Nội rồi Viện phó Viện Công tố, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Biên giới…) và Nguyễn Văn Phòng (tức Nguyễn Văn Minh, sau là Chánh án Tòa Dân sự, Tòa án Nhân dân Tối cao) được chỉ huy quân đội Anh tập hợp thành một nhóm và đưa tới Kenya rồi sang Ấn Độ để tham dự huấn luyện nghiệp vụ tình báo. Bốn người đồng chí khác là Phan Bôi, Lê Giản, Hoàng Đình Giong và Đoàn Ngọc Rê, được chia vào các nhóm khác…
Tại Ấn Độ, gặp lại đồng chí Phan Bôi, ba chàng trai trẻ mới được biết rằng người Anh định sử dụng họ để thực hiện các chương trình phát thanh ở Sydney (Australia), San Francisco (Mỹ) và New Delhi (Ấn Độ).
Trần Hiệu cùng các đồng chí của mình đoán trước rằng, nếu thực sự gia nhập lực lượng Anh - Mỹ thì rốt cuộc chắc chắn sẽ bị lợi dụng để chống lại Liên Xô nên các ông đã tìm mọi cách thoái thác những đề nghị hợp tác xem ra có vẻ rất hấp dẫn. Đồng thời, nhóm cán bộ người Việt này đã tìm cách bí mật liên lạc với Đảng Cộng sản Ấn Độ….
Tình báo Anh ở Calcutta đã huấn luyện họ về lý thuyết hoạt động tình báo, cách đánh morse và dịch mật mã. Tham gia huấn luyện có cả các nhân viên Cục Tình báo Chiến lược Mỹ (OSS, tiền thân của CIA)…
Tháng 3/1945, chỉ huy tình báo Anh đã cho máy bay B-29 của Anh chở Trần Hiệu, Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Văn Phòng bay từ Dakar qua vịnh Bengal, vịnh Thái Lan vào vịnh Bắc Bộ tới châu thổ sông Hồng. Theo kế hoạch, ba tình báo viên người Việt sẽ phải nhảy dù cùng điện đài xuống khu vực Miếu Môn để triển khai hoạt động, nhưng vì vấp phải mạng lưới pháo phòng không của phát xít Nhật bắn lên, cộng thêm với điều kiện tự nhiên có sương mù dày đặc nên máy bay đã phải quay về.
Phi vụ thứ hai đã được tiến hành vào tháng 5/1945 theo đúng hành trình cũ. Ba tình báo viên người Việt của Đồng Minh đã nhảy dù thành công xuống làng Tiên Lữ, huyện Quốc Oai. Nhờ được nhân dân che chở, giúp đỡ, ba người đã tìm về được nhà Trần Hiệu ở Phúc Lâm và chỉ ít ngày sau đã bắt liên lạc được với Xứ ủy Bắc Kỳ.
Gặp họ, lãnh tụ Hồ Chí Minh khuyên rằng không nhất thiết họ phải đốt dù và căn dặn nên bắt liên lạc lại với người Anh tại Trung tâm chỉ huy ở Calcutta (Ấn Độ) để xin thêm vũ khí, điện đài, thuốc chữa bệnh và tiếp tục cộng tác trên cơ sở cùng chiến đấu chống lại phát xít…
Những ngày sôi nổi và không kém hồi hộp ấy Trần Hiệu được bố trí trong một ngôi chùa nhỏ thuộc huyện Hoài Đức. Tổ chức giao cho ông nhiệm vụ: giữ liên lạc bình thường với người Anh, thực hiện liên lạc bằng điện đài giữa Xứ ủy và Trung ương, chuẩn bị chương trình để mở lớp huấn luyện về trinh sát quân sự cho Xứ ủy… Và ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Trần Hiệu được cử Phụ trách Phòng Án Chính trị rồi làm Phó giám đốc Sở Công an Bắc Bộ. Chính ông cùng những người đồng đội chí cốt của mình từ thời Madagascar như Lê Giản… đã tham gia chỉ đạo lực lượng công an trấn áp có hiệu quả lực lượng phản động Đại Việt và Quốc dân đảng trong vụ án Ôn Như Hầu…
Ngày 15/7/1951, Cơ quan Tình báo Chiến lược của VNDCCH được thành lập với tên gọi Nha Liên lạc thuộc Thủ tướng Phủ, ông Trần Hiệu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm làm Giám đốc. Ngày 10/6/1957, Nha Liên lạc hợp nhất với Cục Quân báo - Bộ Tổng tham mưu thành Cục Tình báo ông lại được bổ nhiệm làm Cục trưởng.
Năm 1958, ông được phong quân hàm Đại tá. Năm 1960, Đại tá Trần Hiệu được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và ông đảm nhận vị trí này cho tới khi về hưu năm 1984 và mất năm 1997.
Ông Vũ Mạnh Kha, người con trưởng cố đại tá Trần Hiệu.
… Ngồi chuyện với người con trưởng của cụ Trần Hiệu cứ cuộn lên bao nỗi tiếc. Tiếc có một cuốn sách bộ phim nếu như được thực hiện về sự kiện 7 nhà tình báo Việt nhảy dù năm xưa ấy? Và câu chuyện của ông Vũ Mạnh Kha cứ như một cuốn hồi ký về cha mình, về nhà tình báo Trần Hiệu có những chi tiết như nhà tình báo Lê Hữu Thúy (trong lưới A22 của Vũ Ngọc Nhạ). Kháng chiến chống Pháp, Lê Hữu Thúy là cán bộ công an, sau cải cách ruộng đất, do gia đình thuộc tầng lớp trên, nên bị ra khỏi ngành. Ông Trần Hiệu đã sớm phát hiện ra tài năng, tố chất xuất sắc của Lê Hữu Thúy. Chính ông đã bảo lãnh và cùng với ông Mười Hương làm những việc cần thiết để đưa Lê Hữu Thúy vào Nam hoạt động.
(Viết nhân 70 năm ngày thành lập ngành Tình báo Quốc phòng)
(Còn nữa)
Ngày 20/3/1947, Chính phủ thành lập Cục Tình báo thuộc Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam. Và người được cử làm Cục trưởng chính là Trần Hiệu… Chính ông là người khi gặp đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương) đã phát hiện ra ngay rằng đây là người mà ngành tình báo non trẻ của chúng ta cần nên đã lên gặp đồng chí Trường Chinh xin cho Mười Hương về và được chấp thuận.
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/chuyen-ve-tong-cuc-2-ky-iv-cuc-truong-cuc-tinh-bao-dau-tien-922179.tpo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét