Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Thảm cảnh của người tù Việt Nam hiện nay

Vụ Đỗ Đăng Dư gióng hồi chuông kêu cứu?
Ngô Ngọc Trai - Từ lâu rồi cộng đồng xã hội có nhận thức rằng đã đi ở tù là phải chịu khổ, đó là cái giá phải trả, là sự trừng phạt của pháp luật cho những kẻ tội phạm. Nhiều người cho rằng sự khắc nghiệt ở nơi giam giữ là cách răn đe giáo dục kẻ vi phạm, ‘không thế chúng không biết sợ’... Mọi người quên mất rằng tạm giam chỉ là biện pháp ngăn chặn (chứ nó chưa phải là hình phạt), còn hình phạt tù là hình thức cách ly một người ra khỏi đời sống xã hội (nhằm tránh gây hại) chứ nó không là sự hành hạ.

Vụ em Đỗ Đăng Dư 17 tuổi bị đánh chết khi đang bị tạm giam cho thấy môi trường nghiệt ngã trong những nơi giam giữ các nghi phạm hình sự ở Việt Nam. Theo thông tin từ một phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội hồi tháng 3/2015 về giám sát tình hình oan sai, thì trong vòng 3 năm từ năm 2011 đến năm 2014 cả nước có tới 226 người chết trong các trại giam giữ trên toàn quốc.

Đây chỉ là thống kê phần nguy hại có thể đong đếm được, phần còn lại tuy không tính đếm được nhưng rộng lớn hơn, đó là tình cảnh cuộc sống khổ ải như bị đày đọa ở những nơi giam giữ.

Hiện Quốc hội đang bàn thảo ban hành Luật thi hành tạm giữ tạm giam, các Đại biểu cần tìm hiểu về đời sống của những người chịu cảnh giam giữ lâu nay.

Một câu chuyện cũ

Mấy năm trước tôi tham gia bào chữa cho một người bị giam cũng ở trại tạm giam số 3 gần khu vực Cầu Bươu thuộc Hà Đông, Hà Nội. Bị can là một người trung niên tuổi ngoài 40 bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hành vi của ông này xuất phát từ việc ông nhận được thư điện tử viết bằng tiếng Anh của người không rõ danh tính, nói rằng đang ở nước ngoài và có một khoản tiền lớn muốn tìm người làm từ thiện, nhưng để được nhận tiền thì đối tác cần bỏ ra một khoản ứng trước để thực hiện các thủ tục tài chính tư pháp quốc tế.

Do hám lợi người đàn ông đã lôi kéo bạn bè và người thân vào phi vụ nhưng rồi tiền gửi đi mất hút mà không thấy gì, người mất tiền làm đơn tố cáo ông này lừa đảo chiếm đoạt.

Một lần vào lấy lời khai cùng điều tra viên thì thấy chòm râu của bị can ở một bên cằm thì trụi nhẵn còn bên kia lại cứng dài như lông nhím, hỏi ra thì được biết suốt ngày ông này bị mấy người giam giữ cùng đè ra giữ tay giữ chân nhổ râu.

Khi đó trời mùa hè nóng nực, bị can cho biết cả ngày chỉ được vài gáo nước dùng, mọi người chỉ rửa mặt xúc miệng rồi dành nước để lau nền nhà cho mát để nằm, điều này muốn phản ánh tình trạng nong nực và thiếu nước sinh hoạt trong phòng giam.

Người đàn ông đó đã ở tuổi trung niên còn không bảo vệ được mình, trong khi em Đỗ Đăng Dư mới 17 tuổi cũng bị giam tại nơi này và bị đánh đập dẫn đến tử vong. Điều này cho thấy tình trạng bạo lực xâm hại nghiêm trọng xảy ra trong các phòng giam giữ.

Chuyện kể của Hàn Đức Long

Những người ở ngoài thì nhặt rau sống, tức là nhặt sạch rau xong rồi mới xào nấu, còn trong đó thì mọi người phải nhặt rau chín, tức là rau sau khi được phát cùng với cơm thì phải nhặt lại rồi mới ăn - Lời kể của ông Hàn Đức Long, người từng bị tuyên án tử hình

Hàn Đức Long là bị can trong vụ án giết người và hiếp dâm trẻ em xảy ra ở tỉnh Bắc Giang hồi năm 2005. Bị can đã 4 lần bị tuyên án tử hình, song nhờ gia đình cùng luật sư liên tục kêu oan nên tới nay các bản án đã bị hủy và vụ án đang được điều tra lại từ đầu.

Trong buổi lấy lời khai, khi có thời gian trống ông Long tranh thủ kể chuyện cho luật sư nghe về đời sống trong trại giam Kế thuộc tỉnh Bắc Giang nơi ông đã bị giam giữ suốt 10 năm qua.

Ông Long cho biết người bị tạm giam bình thường ngày chỉ ăn hai bữa, một bữa được phát lúc 10 giờ sáng, một bữa lúc 4 giờ chiều. Nói về độ sạch của cơm rau, ông Long cho biết những người ở ngoài thì nhặt rau sống, tức là nhặt sạch rau xong rồi mới xào nấu, còn trong đó thì mọi người phải nhặt rau chín, tức là rau sau khi được phát cùng với cơm thì phải nhặt lại rồi mới ăn.

Ý ông Long là chê cơm rau trong trại giam nấu không được sạch, việc nấu nướng được thực hiện bởi một toán phạm nhân được ưu ái chọn cho ra thực hiện.

Những hôm nào bị can có lịch đi lấy lời khai thì buổi sáng được ăn thêm bát mỳ, mỳ thì của ông Long còn nước nóng thì do trại phát cho, nhưng nước thường chỉ âm ấm chứ không được nóng nên mỳ thường không chín. Ông Long nhiều lần kêu ca việc thiếu nước nóng trong trại giam, rất ít được dùng nước nóng.

Những người sau khi bị bắt rất thèm những thứ sinh hoạt thường nhật bên ngoài như uống nước chè và hút thuốc, đây là thói quen của hầu hết dân lao động, nhưng trong trại giam thì không có được những thứ này, trừ những trường hợp đặc biệt được ưu ái.

Ông Long kể rằng trong trại giam có một buồng gọi là buồng hoàng cung, tối nào cũng có nước chè và thuốc hút.

Ông Long kể việc đun nước nóng trong trại giam như sau, dùng những chai nước nhựa để đun, bôi một ít kem đánh răng vào đít chai sẽ giúp chai nhựa có thể đun sôi được nước, hoặc túi giấy bóng đựng đường khi lộn ngược ra ngoài cũng có khả năng đựng nước và đun sôi.


Chất đốt là những thùng đựng nước bằng nhựa được cho đem vào phục vụ sinh hoạt trong phòng giam, khi gói vào trong chăn rồi dẫm cho dập nát thành từng mảnh nhỏ sẽ trở thành chất đốt. Khi đun nước, chai nước hoặc túi giấy bóng đựng nước được đưa dần từ trên cao xuống cho nóng từ từ rồi nước sẽ sôi.

Ông Long kể hồi mới bị bắt tối ngày bị đưa đi hỏi cung, đêm về muộn nằm ở cái rãnh lối đi ở giữa hai bên hai hàng bê tông lạnh lẽo, ông nằm đó mà cảm tưởng như nằm dưới huyệt mộ.

Đối với tử tù thì còn bị cùm chân, sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh cá nhân cũng ngay tại chỗ, ông nào chân to thì khổ vì sẽ khó xê dịch, ông Long có thời gian dài là tử tù, ông bị bắt từ ngày 18/10/2005 tính tới ngày 18/10/2015 tới đây là tròn 10 năm bị giam giữ. Sức khỏe giờ cũng suy yếu nhiều.

Tình cảnh sống đày đọa

Từ lâu rồi cộng đồng xã hội có nhận thức rằng đã đi ở tù là phải chịu khổ, đó là cái giá phải trả, là sự trừng phạt của pháp luật cho những kẻ tội phạm. Nhiều người cho rằng sự khắc nghiệt ở nơi giam giữ là cách răn đe giáo dục kẻ vi phạm, ‘không thế chúng không biết sợ’.

Từ đó khiến môi trường giam giữ bị bỏ bê thiếu đầu tư quan tâm, sự khắc nghiệt lại được xem là thuộc tính chức năng tác dụng của nhà tù.

Mọi người quên mất rằng tạm giam chỉ là biện pháp ngăn chặn (chứ nó chưa phải là hình phạt), còn hình phạt tù là hình thức cách ly một người ra khỏi đời sống xã hội (nhằm tránh gây hại) chứ nó không là sự hành hạ.

Vì tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người phải được bảo vệ dù cho đó là kẻ tội phạm, và hình phạt tù không đồng nghĩa với việc làm mất đi nhân phẩm.

Nhà tù hay phòng giam có thể được xem là nơi giáo dục phục hồi nhân phẩm, nhưng cái cách đối xử như hành hạ giữa những con người với nhau diễn ra trong những nơi đó không phải là môi trường giáo dục.

Từ năm 2012 với tư cách là một luật sư vận dụng pháp luật, tôi đã có Đơn kiến nghị chấn chỉnh hoạt động bắt giam và hỏi cung của cơ quan điều tra gửi đi các nơi.

Trong đơn đã phản ánh tình trạng đời sống khổ sở của những người bị giam giữ, như phòng giam thì chật hẹp, điện nước sinh hoạt thiếu, thức ăn nghèo dinh dưỡng, có hiện tượng bị người giam giữ chung hành hạ, không được thăm gặp người thân, không được tiếp cận với sách báo truyền hình.v.v.

Với điều kiện giam giữ như vậy, con người sẽ suy kiệt về sức khỏe, sa sút về tinh thần, lợi dụng tình trạng đó để lấy lời khai thì đó chính là một hình thức truy bức nhục hình.

Môi trường giam giữ nghiệt ngã thực chất chính là một hình thức truy bức nhục hình nhằm bẻ gãy ý chí tự chủ (điều này thực chất là loại bỏ nhân cách) nhằm buộc khai báo, điều này hoàn toàn trái ngược với tinh thần pháp luật nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình.

Đơn kiến cũng bày tỏ: Xét về bản chất con người thì không ai chống lại chính mình. Việc có lời khai ngày hôm nay có thể là tài liệu chống lại mình ngày mai thì bình thường không ai muốn khai báo. Trong thực tế, chỉ do bị truy bức nhục hình thì người ta mới phải khai báo.

Xét về bản chất của luật pháp, việc điều tra xử lý tội phạm chính nhằm bảo vệ các quyền con người, trong khi việc giam giữ người trong môi trường xấu hoặc việc bức hiếp buộc người ta phải khai báo lại đã xâm phạm tới quyền con người được pháp luật bảo vệ.


Như vậy việc xử lý vụ án ban đầu mang ý nghĩa tốt, tích cực đã được thực hiện bằng những cách thức phản lại chính ý nghĩa ban đầu của nó. Đây là sự bất dung hòa về thang giá trị giữa phương tiện và mục tiêu.

Lời kêu cứu từ những nơi giam giữ

Thực trạng về môi trường giam giữ khắc nghiệt là có thật và có nguyên nhân từ nhận thức sai lầm về vai trò tác dụng của những phòng giam giữ, và nguyên nhân khác là duy trì cách thức điều tra phá án bằng cách bắt giam giữ để lấy cung.

Cho nên từ lâu nay đã xảy ra tình trạng thiếu quan tâm đầu tư cho môi trường giam giữ, theo số liệu từ các cơ quan chức năng thì hiện tại cả nước cần tới 3.600 tỷ đồng để xây nhà giam giữ vì hiện còn thiếu đến 26.000 chỗ giam giữ theo tiêu chuẩn mỗi người hai mét vuông.

Tình trạng người bị giam giữ sống trong môi trường khổ cực là sự thật và nếu có kêu ca thì người ta bảo đã đi tù còn đòi sướng với ai? Cái lý lẽ rất khó bác bỏ để khước từ cải thiện.

Bởi thế mà chỉ trong vài năm đã xảy ra mấy trăm người chết trong những phòng giam giữ mà kết cục giống như vụ em Đỗ Đăng Dư.

Cho nên cái chết của em Dư cần được xem là hồi chuông kêu cứu từ những phòng giam gửi tới cộng đồng xã hội, những mong cộng đồng quan tâm thúc đẩy thay đổi tình cảnh giam giữ khắc nghiệt hiện nay.

Và đối với những đại biểu Quốc hội làm luật, thì khi cân nhắc các quy định về Luật thi hành tạm giữ tạm giam, không thể không tìm hiểu về tình cảnh cuộc sống của những người đang bị giam giữ hiện nay.

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Gửi cho BBC từ Hà Nội

Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một luật sư đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội.

(BBC)
http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/10/151026_ngongoctrai_trai_giam_vietnam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét