Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

(2) Chuyện về Tổng Cục 2: Mất mát

Mất mát
TP - Làm việc với sỹ quan tùy tùng của Tổng Cục trưởng Cục 2, tôi có được một danh sách dài tên của những điệp viên, tình báo chiến lược chiến thuật… nổi tiếng. Có những người, hành tung cùng chiến công ít nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nghe đã hơi quen quen… Nhưng có người mới toanh bởi lần đầu được biết?
Bức hình duy nhất Minh Vân chụp cùng bố Đào Phúc Lộc - 
mẹ Hoàng Minh Phụng tại chiến khu Việt Bắc, Đại Từ, Thái Nguyên.
Nhưng việc trước nhất phải ghé vị tiên chỉ của làng tình báo Việt. 
Đó là Hoàng Minh Đạo (tên thật là Đào Phúc Lộc) được coi là thủ trưởng đầu tiên của ngành tình báo quân sự.

Những liệt oanh…
Đó là Hoàng Minh Đạo (tên thật là Đào Phúc Lộc) được coi là thủ trưởng đầu tiên của ngành tình báo quân sự.
Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với sự ra đời của ngành Tình báo quân sự Việt Nam. Ông được coi là người đầu tiên xây dựng nền móng cho sự thành lập của ngành tình báo Việt Nam ngay từ khi Cách mạng tháng 8 năm 1945. Ông cũng là một trong những nhân vật quan trọng sáng lập ra Ban địch tình Xứ ủy Nam Ky và ngành Binh vận vào thời điểm 1954 -1955 của Cách mạng miền Nam. Trưởng ban quân báo Nam bộ, Phó Ban binh vận Trung ương cục miền Nam, Ủy viên thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Khu 5 - Bí thư phân khu I Sài Gòn - Gia Định, Chính ủy lực lượng Biệt động Sài Gòn…
Phải trưng ra những liễn đối (cách nói về một ngôi đền ngôi chùa vô hình Hoàng Minh Đạo- Đào Phúc Lộc) của các vị  khai quốc công thần.
Ông Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam  viết “Có nhiều thời gian công tác với đồng chí Đạo tại chiến khu miền Nam, Campuchia, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, tôi thấy: đồng chí Hoàng Minh Đạo còn có nhiều bí danh khác như Năm Thu, Năm Đời, Năm Sài Gòn - là một đồng chí trung kiên, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng phân công, tận tụy với Đảng cho tới ngày hy sinh”.
Ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ nói chuyện với Đào Thị Minh Vân, con gái Hoàng Minh Đạo: “Chú vẫn giữ những ấn tượng sâu sắc về ba cháu, một cán bộ gương mẫu và luôn hoàn thành nhiệm vụ được trao, một người đồng chí chân thành, cởi mở, lạc quan, trong gần mười năm cùng công tác ở Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Chú mong cháu luôn cố gắng, xứng đáng với ba cháu”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tôi rất cảm động hôm nay gặp mặt cháu Đào Thị Minh Vân, con gái đồng chí Hoàng Minh Đạo, đã được Quân ủy Trung ương cử đi làm Trưởng ban quân báo Nam bộ từ năm 1948. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Nhớ tới anh Đạo, tôi mong rằng con và cháu của anh noi gương của ông, của cha, học tập tốt, lao động tốt, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, xứng đáng là con cháu của Bác Hồ, đáp ứng lòng mong mỏi của anh Đạo”.
Đào Phúc Lộc sinh năm 1923 ở  Móng Cái, Quảng Ninh. Từ một phụ xe lơ xe Đào Phúc Lộc trở thành nhà tình báo Hoàng Minh Đạo sau này là cả một câu chuyện dài.
 … Được đồng chí Tô Hiệu trực tiếp rèn cặp, năm 1939, từ một liên lạc viên, Đào Phúc Lộc được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 16 tuổi.
Bí thư khu ủy Tô Hiệu phân công Lộc ở bộ phận giao thông,  giữ đường dây liên lạc của khu ủy với vùng mỏ, đặc biệt lúc phong trào bị thực dân Pháp đàn áp ác liệt nhất.
Năm 1940, trong một chuyến công tác, Đào Phúc Lộc bị bắt, bị kết án và bị dẫn giải qua nhiều nhà tù, song thực dân Pháp đã không khai thác được gì từ người thanh niên 17 tuổi này. Chúng đưa anh về quản thúc tại Móng Cái sau hai năm bị bắt giữ, đồng thời bị quản thúc tại quê hương 5 năm.
Đánh lạc hướng,  Lộc trốn sang Trung Quốc bắt liên lạc với tổ chức tiếp tục hoạt động. Đồng chí Trường Chinh chỉ đạo Lộc quay về xây dựng cơ sở ở vùng Móng Cái, lập đường dây bí mật Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Quảng Tây để đưa đón cán bộ đi về hoạt động.
Năm 1948, Hoàng Minh Đạo nhận lệnh phụ trách phái đoàn của Cục Tình báo đi cùng với đoàn của Bộ Tổng Chỉ huy vào Liên khu 5 và Nam bộ để kiểm tra tình hình hoạt động và hướng dẫn công tác tình báo trong giai đoạn mới.
Rồi tiếp nối liên miên những ngày ở chiến trường ác liệt…
Năm 1969, Trung ương cục điều Hoàng Minh Đạo từ Phân khu 5 về làm Chính ủy Phân khu 1-vùng Củ Chi. Đêm Noel (24/12), Chính ủy Đào Phúc Lộc  vượt Vàm Cỏ Đông đụng giang thuyền địch. Tất cả đều hy sinh giữa dòng nước.
Chuyện về Tổng Cục 2- Kỳ II: Mất mát - ảnh 1Ông Đào Phúc Lộc (Hoàng Minh Đạo).
Kết có hậu
Những giấy mực, báo sách phim ảnh  đề cập đến cuộc đời sự nghiệp của Đào Phúc Lộc- Hoàng Minh Đạo tưởng đã nhiều.
Những bài báo ngắn và dài kỳ, kể có vài trăm. Văn có Chân dung một nhà tình báo của Hàn Song Thanh. Khúc bi tráng trên sông Vàm Cỏ, Chuyện chưa biết về người anh hùng. Công ty nghe nhìn - Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội làm bộ phim dài tập có tên là Con đường sáng, nhân vật chính là Hoàng Minh Đạo (Xuân Bắc đóng). Hóa ra vẫn thiếu.
Cuối năm ngoái, có buổi ra mắt cuốn hồi ký Không thể mồ côi do NXB Công an nhân dân tổ chức.
Tác giả cuốn hồi ký Đào Minh Vân cũng có mặt.
Những người dự rất xúc động khi được biết Đào Minh Vân chính là con gái duy nhất của nhà tình báo Hoàng Minh Đạo  với người vợ quá cố Minh Phụng. Hiện chị là Tổng giám đốc một công ty liên doanh Sae Young.
Chuyện về Tổng Cục 2- Kỳ II: Mất mát - ảnh 2Bà Minh Vân tại buổi ra mắt cuốn hồi ký Không thể mồ côi của mình
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12/1946), ông gửi vợ và con gái là Minh Vân lên chiến khu.
Năm 1948, Hoàng Minh Đạo nhận lệnh điều động vào tăng cường cho chiến trường miền Nam. Trước khi đi, ông lên Việt Bắc để chia tay vợ và con gái, thì người vợ bị sốt rét ác tính vừa qua đời. Ông phải gửi con gái lại cho chị nuôi là bà Nguyễn Thị Kíu.
Năm 1951, ông làm lễ cưới với bà Bùi Ngọc Hường là giao liên của Cục tình báo Trung ương tại Chiến khu Đ. Năm 1964, bà Hường bị bắt và đầy ra Côn Đảo cho đến tận năm 1974 mới được trao trả. Ông bà sinh ba người con, 1 trai 2 gái.
Bà Hường đã bộc bạch trong một bài báo.
Lần ấy nghe tin chồng bị bắt rồi lại nghe tin ông đã vượt ngục trở lại cơ quan công tác, bà lặn lội vào Sài Gòn tìm ông. Chuyến đi mất tới 120 ngày mới gặp được ông tại Nam Vang. Bà được bố trí chuyển công tác từ Nam Vang lên Ban Công vận thành phố Sài Gòn. Lần gặp cuối cùng vào năm 1962, bà theo đoàn giao liên tới rừng Sác huyện Nhà Bè để gặp chồng. Không ngờ, đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng.
“Tôi với ảnh có với nhau 3 mặt con nhưng sống với nhau tính cặn kẽ cũng chưa đầy 3 năm. Ba đứa con của tôi sinh ở ba chiến trường khác nhau. Sau lần gặp năm 1962 ở rừng Sác ít lâu thì tôi bị bắt. Phải mất tới 12 năm bị đày trong nhà tù Côn Đảo, năm 1974 khi trao trả tù binh, tôi đã nóng lòng mong gặp lại ảnh. Vậy mà...”.
Vì hoàn cảnh chiến tranh, hoạt động trên mặt trận thầm lặng, cái tin ông hy sinh phải giữ bí mật.
Cái tin Đào Phúc Lộc, Hoàng Minh Đạo theo địch phản bội Tổ quốc mới đầu thì nhỏ giọt rồi ầm ĩ dai dẳng. Bao năm sống trong đồn thổi nghi kỵ, những người thân của ông Đạo, bà Hường, bà Minh Vân cùng các con và một số đồng đội cứ âm thầm bền bỉ bao lần bươn bả nay đây mai đó gõ tất cả những cửa. Đến tất cả những nơi có thể đến…
Đau đớn vì mất chồng, cha, càng đau đớn hơn khi thanh danh của ông chưa được làm rõ. Rồi phần mộ của ông đang ở nơi nao?
Trong buổi giới thiệu cuốn hồi ký, trên khuôn mặt nhiều độc giả đã lặng lẽ rơi những giọt nước mắt sẻ chia…
Gần ba chục năm trôi qua, lặn lội ngược dòng thời gian kiên trì lần đến hàng trăm nhân chứng và vô số cuộc tìm kiếm, vợ con và đồng đội cũ của Hoàng Minh Đạo đã đến được trước ngôi mộ vô danh nằm 29 năm qua ở ấp An Thới, An Hòa, Trảng Bàng, Tây Ninh. Đó là ngôi mộ mà 29 năm trước, ông Hai Tờ khi vớt được thi thể một người mặc đồ bà ba đen bên dòng Vàm Cỏ Đông đã đoán là “người đằng mình” nên cùng bà con chôn cất và chăm sóc mộ cẩn thận. Khi ngôi mộ được khai quật, một đặc điểm khiến cho mọi người nhận ra ngay đó chính là Đào Phúc Lộc bởi hàm răng dưới có hai chiếc bịt bạc vẫn còn nguyên vẹn. Cuối cùng, những đồn thổi oan khiên được cởi bỏ.
Ngày 31/7/1998, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Đào Phúc Lộc. Đây là huân chương cao quý đầu tiên được trao tặng cho Anh hùng Đào Phúc Lộc trong số gần 2.000 Anh hùng Lực lượng vũ trang trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.
Di hài liệt sĩ Đào Phúc Lộc được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh.
Tại các thành phố lớn  Móng Cái, Hạ Long, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...  đều có những con đường mang tên Hoàng Minh Đạo. Riêng Quảng Ninh, quê hương ông, tên khai sinh Đào Phúc Lộc của ông được đặt cho 2 tuyến đường ở Móng Cái và thành phố Hạ Long.
…Tôi đang mường tượng ai đó trong số những người viết có tâm có tài, chả hạn có những cuộc tiếp xúc  chuyện trò với những người thân của nhà tình báo…Ai dám chắc sau cuốn không thể mồ côi lại không ló dạng một thể loại báo chí hay văn chương về nhà tình báo huyền thoại Hoàng Minh Đạo?             
  (Còn nữa)
Cách mạng Tháng Tám thành công, Phòng Tình báo thuộc Bộ Tổng Tham mưu được thành lập (25/10/1945) Đào Phúc Lộc nhận quyết định làm Trưởng phòng tình báo Quân ủy hội khi mới 22 tuổi. Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Quân ủy hội - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Khi đó với tên mới là Hoàng Minh Đạo, ông là người có công lớn trong việc mở các lớp đào tạo cán bộ tình báo đầu tiên của ngành Tình báo quân sự Bắc - Nam trong những ngày đầu kháng chiến với những tên tuổi như Thiếu tướng Cao Pha, vợ chồng Đại tá Anh hùng Nguyễn Minh Vân (chỉ huy quân báo mặt trận Hà Nội)...
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/chuyen-ve-tong-cuc-2-ky-ii-mat-mat-921326.tpo 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét