Little Saigon: Cho 'share' phòng, cái giá quá đắt
Đằng-Giao/Người Việt - WESTMINSTER, California (NV) - “Share phòng,” ngoài những hệ lụy liên quan đến láng giềng như một nhà đậu xe quá nhiều, phải đậu qua choán chỗ khiến hàng xóm không còn chỗ để thùng rác, hoặc số người ra vào quá đông gây chú ý cho những người “rỗi rảnh” ở chung quanh, còn có những tác động ngay tại bên trong những nhà có “phòng cho share.”Căn nhà toàn phòng ngủ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
“Hai vợ chồng tôi và đứa con gái mới bốn tuổi ngủ một phòng. Phòng này khi trước là phòng khách nên bây giờ khách tới thì hơi kẹt.”
“Hai đứa con trai, đứa 13, đứa 16 ngủ một phòng.”
Bà hướng mắt vào hành lang: “Còn cái 'master' và hai phòng nữa thì cho 'share'.”
Khi mua nhà, bà Kiều và chồng đều không hề có ý định sẽ cho người lạ vào ở chung.
“Lúc này công việc bết lắm. Hai vợ chồng tôi cùng làm 'shop may' mà không chịu nổi tiền nhà nên phải bấm bụng mà cho 'share' chứ nhìn mấy đứa con tôi chịu cảnh chật chội mà đau ruột lắm,” bà Kiều xoa đầu con gái út.
Ông Ngân Nguyễn, chồng bà Kiều thêm vào: “Nhiều lúc 'shop may' có việc gấp mà tôi cứ phải bỏ đó để đưa con tôi ra thư viện vì ở nhà, thấy nó cứ nằm bò ra giường mà học, tôi chịu không nổi.”
“Cái phòng ngủ có chút xíu, kê hai cái giường lại kê thêm hai cái máy may nên không còn chỗ cho bàn học.”
Đã từ hai năm nay, từ ngày cho thuê phòng, nhà bà Kiều không có cảnh vợ chồng con cái quây quần ăn tối, chuyện trò, chia sẻ với nhau.
“Hồi trước, mỗi bữa ăn ngồi nghe hai thằng con trai kể chuyện ở trường tôi cười tức bụng mà ăn lại ăn thấy rất ngon miệng,” bà Kiều tâm sự.
Ông Ngân thở dài: “Bây giờ phòng ai nấy ăn, có khi hai bữa tôi mới thấy mặt hai thằng con trai một lần. Nhà vắng như chùa bà Đanh”
Bà Kiều: “Muốn quây quần gia đình thì phải ra tiệm. Nhiều thì hai tháng một lần.”
Hai con trai bà là Kelvin, 13, và Dustin Nguyễn, 16 cũng chán ngán cảnh chật chội này.
Dustine nói: “Con chỉ muốn đi làm cuối tuần để có tiền 'mướn' phòng ngủ trong nhà ở một mình chứ tụi con lớn rồi, ở chung khó chịu lắm.”
“Nhưng ba con không cho. Ba nói phải để thì giờ học bài.”
Kelvin nói có vị chua chát: “Nhà này là một 'motel không tên'.”
Hoàn cảnh sinh hoạt gia đình bị chuyện “share phòng” gây ảnh hưởng không tốt không chỉ xảy ra riêng cho bà Kiều và các con mà nhiều người khác cũng gặp phải.
Ở Garden Grove, ông Toại Nguyễn chia sẻ: “Năm năm nay, từ ngày thất nghiệp, tôi phải cho 'share' hai phòng.”
“Nhà có bốn phòng, hai vợ chồng tôi ở cái 'master', con trai tôi, Larry, ở một. Hai phòng còn lại tôi cho hai cặp vợ chồng son ở,” ông Toại đếm ngón tay.
“Vợ chồng son họ ở lâu, không như độc thân,” ông nói nhỏ.
“Nói chung, là người lớn với nhau, ai cũng biết điều nên tương đối thoải mái.”
Ông khép chặt cửa garage rồi chỉ quanh: “Đây là phòng học của Larry. Nó rất ghét phải ở chung với người ngoài nên buổi tối, nó trở nên lầm lì rồi xuống đây học một mình.”
Góc nhỏ của Larry Nguyễn. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
“Hôm nào người ta về trễ thì nó ăn với vợ chồng tôi. Còn hôm nào họ về sớm thì dù đang ăn nó cũng buông chén bỏ đi.”
Ông Toại với tay lấy cái bằng khen và khoe: “Suốt thời gian tiểu học, năm nào con tôi cũng có giấy khen.”
Ông thở dài: “Mấy năm nay Larry không hề có gì cả.”
Larry, 17, đợi ông đi khuất rồi nhỏ nhẹ: “Cuối tuần là cháu qua nhà bạn chơi rồi ngủ luôn.”
“Đôi khi cháu nghĩ là bạn cháu, tất cả tụi nó cùng ở Mỹ. Chỉ riêng cháu là ở một nước nhược tiểu nào đó, như Việt Nam.”
Larry đi quanh garage: “Cháu nộp đơn xin vào đại học ở xa để cháu không nhìn thấy cái garage này nữa.”
“Nếu không, cháu đi lính.”
Larry cười: “Không, cháu không trách cha mẹ cháu đâu. Cháu chỉ chán cảnh sống này thôi.”
Ngoài vấn đề Larry, ông Toại và vợ cũng có những bức xúc phải đè nén do việc “share phòng” gây ra.
“Vợ chồng thì phải có những khi bất đồng ý kiến, cần tranh luận. Nhưng nhà đông người quá, thở mạnh bên này thì bên kia họ cũng nghe.”
“Bởi vậy, rất nhiều lần, quá nửa đêm, chúng tôi phải ra xe, tìm khúc đường vắng để mà tha hồ to tiếng với nhau,” ông Toại phân trần.
Tôi mong làm ăn khấm khá hơn để khi về nhà là về tổ ấm chứ không phải về quán trọ.
Ông hạ giọng: “Vợ chồng tôi không dám có con cũng vì cảnh “share phòng” này.
Ông Toại quay lại và khoác tay lên vai Larry: “Nghèo thì mỗi người góp nhau một chút để có chỗ ngả lưng thôi.”
Căn phòng "hộp quẹt" của một em 17 tuổi. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Lại thêm trường hợp các em nhỏ tuổi hơn cũng bị ảnh hưởng vì có sự hiện diện của khách “share phòng”.
Bà Linda Lê, cư dân Orange, là một trong bốn người “share phòng” trong một căn nhà chật chội.
Vì mọi người làm nhiều ca khác nhau nên lúc nào cũng có người cần yên lặng để ngủ.
Bà Linda dịu dàng nói: “Tội nghiệp nhất là hai đứa nhỏ, một đứa năm tuổi, đứa kia bảy.”
“Con nít thì phải ồn ào. Mà mỗi lần má nó lên cơn là âm thầm lôi hai đứa vô phòng, bịt miệng nó rồi kéo tóc nó. Làm vậy không có dấu vết.”
“Lần đầu nghe nhỏ chị kể mà tôi bàng hoàng.”
Bà khẳng định: “Nếu không có người ở đây thì má nó không bịt miệng, kéo tóc đâu.”
“Tôi biết vì có lần tôi bắt gặp bà bắt nhỏ chị nằm xuống rồi đánh vô mông thôi. Lần đó bà tưởng mọi người đi hết rồi.”
“Mấy người kia, ai cũng biết bà ấy làm vậy vì sợ ồn thôi. Không có ai ở nhà là bà phạt con rất bình thường.”
Bà Linda chặc lưỡi: “Vì thương mấy đứa nên tụi tôi không báo cảnh sát. Báo ai, rủi họ bắt bà ấy đi thì ai nuôi mấy đứa?”
Không nói đến những người chia nhà mình thành từng mảng nhỏ cho thuê chuyên nghiệp, những người bất đắc dĩ phải cho “share phòng” đã phải trả một giá đắt hơn mà họ tưởng tượng.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=215102&zoneid=1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét