Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Điều hành tỷ giá: Neo hay thả nổi?

Điều hành tỷ giá: Neo hay thả nổi?
Trong số các đối tác chủ chốt của Việt Nam về thương mại, đầu tư, tín dụng trên thế giới và các nước lớn trong khu vực, Việt Nam là nước duy nhất còn lại chưa chuyển sang cơ chế thả nổi tỷ giá... Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã mở rộng biên độ giao dịch của tiền Đồng (VND) từ +/-1% lên +/-2%. Tuy nhiên, cơ chế tỷ giá vẫn được duy trì là neo tỷ giá với biên độ điều chỉnh.



Nước duy nhất chưa thay đổi!
Theo lý thuyết về Bộ ba bất khả thi (Triangle of Impossibility) trong mô hình kinh tế học Mundell - Fleming, một quốc gia không thể đồng thời thực hiện cùng một lúc 3 mục tiêu chính sách vĩ mô gồm ổn định tỷ giá, tự do hóa dòng vốn, và chính sách tiền tệ độc lập.
Xét về Bộ ba bất khả thi, các lựa chọn chính sách tiền tệ của Việt Nam về tổng thể có nhiều điểm giống Trung Quốc, cùng thi hành chính sách kiểm soát dòng vốn nhằm theo đuổi mục tiêu lạm phát và ổn định tỷ giá.

Xét riêng về cơ chế quản lý tỷ giá, Việt Nam và Trung Quốc nhiều năm qua cùng áp dụng chính sách neo tỷ giá với USD (Neo tỷ giá cố định hoặc neo tỷ giá với biên độ được điều chỉnh, tùy thời điểm).

Tuy nhiên, kể từ ngày 11/8/2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá. Theo đó, tỷ giá giao dịch hàng ngày sẽ được tham chiếu theo tỷ giá đóng cửa của thị trường liên ngân hàng ngày hôm trước và căn cứ theo mức cung - cầu trên thị trường tiền tệ và diễn biến của các đồng tiền chủ chốt. Biên độ giao dịch được giữ nguyên như trước ở mức 2%.

Theo định nghĩa của IMF, Trung Quốc đã thay đổi từ neo tỷ giá với biên độ điều chỉnh sang thả nổi có quản lý. Điều này phù hợp với xu hướng rõ nét trong những năm gần đây là việc các nước mới nổi ngày càng dịch chuyển mạnh sang các cơ chế tỷ giá thả nổi.

Ngay sau khi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ, ngày 12/8/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã mở rộng biên độ giao dịch của tiền Đồng (VND) từ +/-1% lên +/-2%.

Đồng thời từ ngày 19/8/2015, tỷ giá VND/USD được điều chỉnh tăng thêm 1% lần thứ 3 trong năm, đồng thời biên độ giao dịch tỷ giá được tăng từ +/-2% lên +/-3%. Tuy nhiên, cơ chế tỷ giá vẫn được duy trì là neo tỷ giá với biên độ điều chỉnh.

Như vậy, trong số các đối tác chủ chốt của Việt Nam về thương mại, đầu tư, tín dụng trên thế giới và các nước lớn trong khu vực, Việt Nam là nước duy nhất còn lại chưa chuyển sang cơ chế thả nổi tỷ giá (trong đó bao gồm thả nổi có quản lý và thả nổi tự do).

Việt Nam có nên thả nổi?

Liệu trong thời gian tới, Việt Nam có xem xét thay đổi cơ chế quản lý tỷ giá hay không?

Một nghiên cứu có tiêu đề “Lựa chọn chính sách tỷ giá trong bối cảnh phục hồi kinh tế” năm 2010 của các tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng, Đinh Tuấn Minh, Tô Trung Thành, Lê Hồng Giang và Phạm Văn Hà cho thấy cơ chế tỷ giá hiện nay không giúp cho Việt Nam kiềm chế lạm phát và cũng không giúp cho Việt Nam kiềm chế nhập siêu.

Các tác giá cho rằng Việt Nam nên tự xây dựng kế hoạch để chuyển sang cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý tương tự các nước trong khu vực.

Thả nổi có quản lý có nghĩa là tỷ giá được xác định bởi thị trường, không có tỷ giá chính thức được công bố, ngân hàng trung ương chủ động can thiệp để làm mềm sự biến động của tỷ giá; chính phủ có một mức tỷ giá mục tiêu ngầm đối với tỷ giá.
Theo các tác giả, cơ chế thả nổi có quản lý sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn so với cơ chế tỷ giá cố định.
Thứ nhất, giá cả của hầu hết các mặt hàng cũng như lương bổng của khu vực doanh nghiệp của Việt Nam được quyết định theo cơ chế thị trường. Việc thả nổi tỷ giá sẽ giúp sự biến động của giá cả của các mặt hàng trong nước cân bằng với sự biến động của giá cả các mặt hàng trên thế giới, qua đó giúp nền kinh tế phân bổ nguồn lực tối ưu hơn.

Thứ hai, độ mở kinh tế của Việt Nam lớn, nhưng không bị lệ thuộc mạnh vào một đối tác cụ thể nào, nên việc thả nối tỷ giá sẽ không những không khiến Việt Nam bị tác động mạnh bởi các cú sốc từ thị trường tiền tệ bên ngoài, mà còn giúp Việt Nam ngăn chặn tốt các cú sốc từ thị trường hàng hóa quốc tế.
Tuy nhiên để có thể thực hiện chính sách tỷ giá thả nổi có quản lý một cách hiệu quả, cũng theo nghiên cứu này, Việt Nam cần phải xây dựng một ngân hàng trung ương độc lập, tức một ngân hàng hoạt động dựa trên các nguyên tắc công khai, không bị tác động bới các chính sách tài khóa và các tổ chức kinh tế, tài chính trên thị trường; và cần phải xây dựng một thị trường ngoại hối hiện đại.

Theo Công ty chứng khoán ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBS, cùng với các cam kết quốc tế nới lỏng quản lý tài khoản vốn của Việt Nam trong những năm sắp tới, việc Việt Nam chuyển sang áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý sẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Theo Bizlive


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét