Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Vì sao cần hoãn thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh?

Vì sao cần hoãn thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh?
Mấy ngày qua, dư luận cả nước nóng bỏng và hồi hộp hướng về việc thi hành án tử hình đối với tử tù Lê Văn Mạnh, trong bối cảnh gia đình và toàn xã hội (có thể nói như vậy) đang khẩn thiết đề nghị hoãn việc thi hành án, kêu oan cho Lê Văn Mạnh. Cá nhân tôi đồng quan điểm cho rằng cần phải hoãn việc thi hành án tử hình, để xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình điều tra, truy tố và xét xử - khi có quá nhiều sự thay đổi, trái chiều nhau sau mỗi phiên tòa, qua mỗi Hội đồng xét xử - để tránh oan sai, không để xảy ra hậu quả không thể khắc phục được nữa.
Gia đình tử tù Lê Văn Mạnh tuyệt vọng kêu oan cho con!
Do không phải là người tham gia vào vụ án này, cũng hoàn toàn chưa tiếp cận hồ sơ vụ án, nên tôi không thể có những ý kiến, nhận định mang tính chủ quan, phiến diện về vụ án, bản án tử hình.

Tuy nhiên, với tư cách là một luật sư, với mong mỏi góp thêm một ý kiến, để có thể tránh một vụ án oan, một hậu quả không thể sửa chữa, sau khi xem xét một cách thận trọng, tôi có những ý kiến dưới đây – đánh giá về vụ án qua diễn biến xét xử, điều tra … diễn ra trong thời gian hơn 3 năm, với 7 phiên tòa xét xử, 2 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Rất mong được những cấp có thẩm quyền xem xét thêm.

Tóm tắt diễn biến truy tố - điều tra – xét xử vụ án Lê Văn Mạnh


Qua diễn biến trên, cho chúng ta thấy:

- Việc điều tra vụ án này diễn ra tới 3 lần, trong đó 2 lần sau là điều tra bổ sung – điều tra bổ sung lần 1 với kết quả là (A) và điều tra bổ sung lần 2 với kết quả là (B) - theo yêu cầu của Tòa án (tôi giả sử như vậy).

- Ta thấy, cùng là kết quả điều tra ban đầu – thì giữa hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã có sự khác biệt nhau về quan điểm. Trong đó Tòa án có thẩm quyền cao hơn (tòa phúc thẩm lần 1) đã xác định “chưa đủ cơ sở kết tội”, trả hồ sơ điều tra bổ sung.

- Tiếp đó, sau khi có kết quả điều tra bổ sung lần 1 (với kết quả là A) thì cả hai tòa sơ thẩm và phúc thẩm (lần 2) đều cùng cho rằng đã đủ căn cứ kết tội Lê Văn Mạnh.

- Tuy nhiên thật bất ngờ, là sau đó chính VKSNDTC và TANDTC đều đã thống nhất với nhau là kết quả điều tra bổ sung lần 1 (A) vẫn chưa đủ căn cứ để kết tội Lê Văn Mạnh, mà phải điều tra bổ sung lại lần nữa – thông qua quyết định kháng nghị và Quyết định giám đốc thẩm. Như vậy, mấu chốt ở đây sẽ là kết quả điều tra bổ sung lần 2, với kết quả B.

- Sau khi có kết quả điều tra bổ sung lần 2 ( kết quả là B) – ta thấy cả Tòa án và VKS qua cả hai cấp xét xử đều thống nhất rằng đã đủ căn cứ để kết luận Lê văn Mạnh phạm tội giết người và hiếp dâm trẻ em.

- Hay nói khác đi, là kết quả điều tra bổ sung lần 2 (B) phải có điểm gì đó KHÁC so với kết quả điều tra bổ sung lần 1 (A). Vì chính từ kết quả B này, Lê Văn Mạnh từ không có tội đã trở thành có tội.

- Như vậy, câu hỏi lớn nhất đặt ra là: Kết quả điều tra bổ sung lần 2 (B) đã có những gì MỚI so với kết quả điều tra bổ sung lần 1 (A)? Cụ thể là gì? ĐIỀU NÀY RẤT QUAN TRỌNG. Và tôi thực sự rất thắc mắc, muốn biết.

- Đặc biệt tôi cho rằng, nếu kết quả điều tra bổ sung lần 2 (B) không có gì mới so với kết quả điều tra bổ sung lần 1 (A) – thì không thể kết tội Lê Văn Mạnh. Vì cùng là những chứng cứ giống nhau, không thể lúc thì kết luận có tội, lúc lại kết luận chưa đủ căn cứ kết tội.

- Thực ra, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, thì Hội đồng xét xử (HĐXX) mỗi phiên tòa là khác nhau và độc lập với nhau. Tức là HĐXX này có quyền kết luận, tuyên án khác với HĐXX kia – dù có thể cùng trên một cơ sở chứng cứ như nhau! Tuy nhiên, nếu vậy thì lại phải đặt ra câu hỏi là: chẳng lẽ số phận của Lê Văn Mạnh (hay bất kỳ bị cáo nào khác) - lại mang tính may – rủi, tùy thuộc theo từng HĐXX hay sao? (Về mặt quan điểm, nhận thức, đánh giá …). Nếu vậy thì nguy hiểm quá! Pháp luật lỏng lẻo quá.

- Mặt khác, đây là vụ án mà bị cáo bị truy tố về tội đặc biệt nghiêm trọng, mức án lên tới tử hình, thì việc không có luật sư (ở phiên tòa xét xử phúc thẩm lần cuối) là không thể chấp nhận được. Dù rằng có thể trước đó bị cáo "từ chối". Vấn đề này tôi nghĩ các cơ quan tiến hành tố tụng không nên thể hiện sự "hiểu biết pháp luật" với nhau theo kiểu "chơi chữ". Mà bắt buộc luôn phải có nhận thức rằng quyền bào chữa của bị can, bị cáo là lương tri của nhân loại, được pháp luật bảo đảm.

- Tóm lại, tôi cho rằng, NẾU KẾT QUẢ ĐIỀU TRA BỔ SUNG LẦN 2 KHÔNG CÓ GÌ KHÁC SO VỚI KẾT QUẢ ĐIỀU TRA BỔ SUNG LẦN 1 – THÌ LÊ VĂN MẠNH ĐÃ BỊ KẾT ÁN OAN HOẶC CHƯA ĐỦ CĂN CỨ KẾT TỘI.

- Và như vậy, trước mắt cần phải tạm hoãn việc thi hành án tử hình, xem xét lại toàn bộ quá trình điều tra, truy tố và xét xử trước đây. Vì nếu thi hành án tử hình trong bối cảnh như vậy, thì có thể dẫn đến oan sai và hậu quả xảy ra là không thể khắc phục được nữa.

Ls. Trần Hồng Phong
Theo Blog Bình Luận Án

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét