Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Việt Nam: 'Ngân sách hết tiền đúng kịch bản'

Việt Nam: 'Ngân sách hết tiền đúng kịch bản'
Một Phó thủ tướng nói ngân sách cuối năm 'hoàn toàn không ngoài dự tính theo kịch bản' và biện hộ quyết định vay 3 tỷ USD qua trái phiếu quốc tế. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh được báo VnEconomy dẫn lời khẳng định diễn biến của ngân sách cuối 2015 “hoàn toàn không ngoài dự tính vì các kịch bản đã được tính toán từ đầu năm”. Một nhà quan sát muốn ẩn danh tại Hà Nội nói với BBC rằng gần như cái gì ở Việt Nam mà chính phủ của Thủ tướng Dũng làm bây giờ cũng dùng tiền đi vay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị chỉ trích 
về cách điều hành kinh tế kém hiệu quả.
Đề cập về việc Chính phủ Việt Nam trình Quốc hội đề nghị cho phép phát hành 3 tỷ đôla trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để đảo nợ trong nước giai đoạn 2015-2016, ông Ninh được báo này dẫn lời: “Luật cho phép cơ cấu lại nợ cho có lợi nhất chứ không phải vì không trả được phải đảo nợ. Trước đây mình vay cao, dù chưa đến hạn, nhưng khi mà được vay khoản thấp hơn để trả nợ, thì mình làm, luật cho phép, trên nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia lên trên hết”.

Lý giải nguyên nhân khiến ngân sách cạn kiệt, ông Ninh nói là do giá dầu giảm quá mạnh so với dự kiến, khiến tổng các khoản thu liên quan đến dầu thô trong năm 2015 giảm 63.000 tỷ đồng.

"Bên cạnh đó là lộ trình hạ thuế để trợ giúp doanh nghiệp. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2015-2020 thuế suất giảm từ 25% xuống 22% rồi 20%, nhưng vì khó khăn nên phải hạ nhanh hơn," ông Ninh, từng ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính 5 năm (2006-2011) và là Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, cho biết.

Tôi hy vọng chính phủ sẽ giải trình rõ về vấn đề nợ công trước quốc hội. Theo tôi, nợ công là điều bình thường, vấn đề đáng chú ý là việc vay nợ đem lại hiệu quả gì trong đầu tư kinh tế - Tiến sỹ Lê Đăng Doanh

Báo trong nước dẫn lời Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh mới đây tiết lộ “ngân sách đang rất căng thẳng”.

“Ngân sách trung ương hiện chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ. Cho nên gần như không có tiền để làm gì cả”.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng hôm 12/10 đề xuất phương án phát hành trái phiếu quốc tế khoảng 3 tỷ USD để giải quyết hàng loạt khó khăn trong nước.

Luật Ngân sách không cho phép phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển thừa nhận điều này mặc dù nói việc phát hành trái phiếu mới "gần như là cách khả thi nhất".

“Chính phủ đang đề nghị phát hành trái phiếu quốc tế, tất cả đều giành cho đảo nợ. Nếu Quốc hội bảo không thì Chính phủ phải chấp hành, nhưng khi đó tình hình sẽ hết sức khó khăn,” ông Hiển nói.

Trong khi đó, Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm 21/10 ghi nhận ý kiến của ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội rằng “việc phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ vì tình hình tài chính quá cấp bách”.

Ông Thụ cho biết kế hoạch vay nợ của Chính phủ là năm 2015 phải huy động 436.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi (226.000 tỷ), đầu tư (85.000 tỷ ) và vay để đảo nợ (khoảng 125.000 tỷ).

Ông trấn an rằng “nợ quốc gia vẫn ở ngưỡng an toàn” nhưng tăng nhanh và tiến sát đến trần nợ công.

'Hết tiền'

Hôm 16/10, trả lời phỏng vấn của BBC, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói về quan ngại đối với hai con số khác nhau về nợ công: một của Viện Nghiên cứu chính sách thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 66,4% GDP, một của Bộ Tài chính là 59,4% GDP. Đáng lưu ý là con số đầu vượt mức trần mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố là 65%”.

Ông cũng đề cập chuyện công luận có lý do để quan ngại về sức ép của nợ công với nền kinh tế sau một loạt động thái gần đây của chính phủ Việt Nam: vay thêm 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước, tiếp đó vay thêm 1 tỷ đôla của ngân hàng Vietcombank, rồi bán trái phiếu, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn.

Ông nhấn mạnh: “Mỗi người Việt Nam hiện đang gánh hơn 1.000 đôla nợ công và tôi hy vọng chính phủ sẽ giải trình rõ về vấn đề nợ công trước quốc hội. Theo tôi, nợ công là điều bình thường, vấn đề đáng chú ý là việc vay nợ đem lại hiệu quả gì trong đầu tư kinh tế”.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 23/10, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định: “Một quốc gia đã không trả được nợ mà còn phải đi vay để trả nợ cũ thì có vấn đề lớn về quản lý ngân sách nhà nước rồi. Nhưng đây chỉ là một trong những nguyên do khiến ngân sách cạn kiệt như hiện nay”.

Theo ông Thành, việc ngân sách cạn kiệt là chỉ dấu sau một quá trình quản lý nhà nước không hiệu quả. Ông diễn giải thêm: “Kinh tế không đủ thu để nuôi ngân sách trong lúc ngân sách bội chi từ năm này qua năm nọ mà không kiềm lại được”.

Một nhà quan sát muốn ẩn danh tại Hà Nội nói với BBC rằng gần như cái gì ở Việt Nam mà chính phủ của Thủ tướng Dũng làm bây giờ cũng dùng tiền đi vay.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/10/151025_vn_bond_budget

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét