Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Võ Như Lanh, người hiền thọ ngắn người ác thọ dài

Các cụ vẫn dạy "ở hiền gặp lành", mình cũng luôn tâm niệm như thế. Tuy nhiên, thực tế cũng có nhiều cay đắng. Bao nhiêu người tốt đã chẳng gặp may trong cuộc đời, thậm chí cuộc đời cũng ngắn ngủi, trong khi kẻ ác lại thường sống rất dai. Gần đây đọc tin thấy một số người quen, bạn bè lần lượt ra đi mình cũng thấy ngậm ngủi, cách đây 10 ngày là TS Trần Tất Hợp, một người anh đã có thời gian dài cộng tác làm việc (THƯƠNG TIẾC VĨNH BIỆT TIẾN SĨ TRẦN TẤT HỢP), hôm kia là bác Lanh, một nhà báo tài năng, đức độ, mới 67 tuổi đã phải ra đi. Mình không tin bói toán nhưng khá tin vào tướng số. Từ khi mới ngoài 20 tuổi, bắt đầu đi làm, mình hay tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp là người béo thường hiền lành tốt bụng nhưng chết sớm (có lẽ vì họ có cuộc sống sung túc nên dễ tính), còn người gày (như bà Nguyễn Thị Phi Yến trong bài nàycàng gày quắt queo thường càng rất mưu mẹo, tham lam, độc ác và sống rất lâu. Có lẽ vi trùng cũng sợ không dám xâm nhập ăn thịt những người này. Thường người độc ác cuối đời sẽ hối hận, sợ bị trời phật đưa xuống âm phủ, nên sẽ rất chịu khó đi chùa, làm việc thiện để mong được lên thiên đường, nhưng bản chất "tâm xà khẩu phật" thì ít người thay đổi; do đó những việc làm của họ chỉ là giả vờ để lừa trời, lừa phật mà thôi.
Võ Như Lanh, người của những dấu ấn

Nam Đồng-Nguyên Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, Thanh Mậm ghi. Sáng 23-11, tin buồn về nhà báo Võ Như Lanh ra đi đã khiến giới báo chí bàng hoàng tiếc thương. Pháp Luật TP.HCM xin ghi nhận lại tình cảm của người làm báo cùng thời và thế hệ làm báo sau này về một người anh đáng kính.

Năm 1969, tôi là sinh viên ĐH Y khoa đồng thời là sinh viên năm ba của ĐH Vạn Hạnh và anh Võ Như Lanh học năm tư cùng trường. Môn khó nhất đối với tôi là môn nhân chủng học. Lúc này, chúng tôi là cơ sở cách mạng, tổ chức có chỉ đạo là lập ra những hình thức biến tướng, tức những hình thức trung gian tập hợp sinh viên để tuyên truyền cách mạng. Anh Lanh lúc đó cũng nhận chỉ thị tổ chức ra những nhóm biến tướng, là lớp bồi dưỡng về nhân chủng học. Lần đầu tiên tôi biết anh Lanh qua lớp đó.



Người thiết kế đường lối của Tuổi Trẻ

Anh Lanh lúc đó còn là chủ tịch sinh viên ĐH Vạn Hạnh, còn tôi là tổng thư ký sinh viên Phật tử Vạn Hạnh. Lúc ấy ở ngay Sài Gòn có thể nói có ba lãnh tụ đấu tranh nổi tiếng nhất là Huỳnh Tấn Mẫm (Tổng hội Sinh viên Sài Gòn), Lê Văn Nuôi (Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn), Võ Như Lanh (Tổng hội Sinh viên ĐH Vạn Hạnh - một trung tâm đấu tranh thuộc loại dữ dội tại ĐH Vạn Hạnh). Sau đó tôi thoát ly ra vùng giải phóng, anh Lanh bị bắt bỏ tù. 

Khoảng năm 1973, anh Lanh được trao trả ở Lộc Ninh và tổ chức đưa anh đi Paris để vận động phong trào cách mạng ở nước ngoài. Sau giải phóng, tháng 9-1975, tôi cùng một số anh em nữa cùng về xây dựng nên tờ Tuổi Trẻ. Kiểu cách làm báo lúc bấy giờ cũng giống như làm báo “phong trào” của trước năm 1975. Đại khái là tập họp một số sinh viên-học sinh về 55 Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch bây giờ) ăn chung, ở chung và mỗi ngày có các má, các dì mang gạo, rau và thực phẩm đến để cùng nấu nướng. Còn công việc làm báo thì bất kể ngày đêm…

Mãi đến năm 1977, anh Lanh mới được phân công về làm tổng biên tập. Mặc dầu đã có gặp gỡ anh trước đó nhưng bây giờ làm việc chung, tôi có cảm nhận anh là một người thẳng thắn, có phần nóng nảy và quyết liệt. Bài báo đầu tiên của báo Tuổi Trẻ chống tiêu cực phản ánh ông Nguyễn Minh Xuân, Giám đốc Bến xe Miền Tây, nói về vụ đoàn thanh niên đấu tranh chống tiêu cực với ông giám đốc Bến xe Miền Tây. Ông Nguyễn Minh Xuân (giám đốc) nói rằng: “Còn Nguyễn Minh Xuân này thì không có đoàn thanh niên”. Anh Lanh trực tiếp biên tập và đặt lại cái tựa là “Còn đoàn thanh niên thì không còn Giám đốc Nguyễn Minh Xuân”. Quả nhiên điều này sau đó đã thành hiện thực.
Tiếp theo đó, hàng loạt bài chống tiêu cực ra đời trên Tuổi Trẻ.

Song dấu ấn của tôi đối với anh Lanh không phải ở những bài chống tiêu cực mà là anh là người đặt nền móng, phương hướng và những quy định cụ thể về đường lối tác nghiệp của báo Tuổi Trẻ. Điểm nổi bật nhất tôi không quên và nó có tác động lâu dài cả tới bây giờ, đó là quyết tâm thoát khỏi bao cấp của báo Tuổi Trẻ. Giữa cuối năm nay, tôi được tham dự vào nhóm phản biện viết lịch sử báo Tuổi Trẻ. Anh em chúng tôi (những người trong ban biên tập hồi ấy) đều nhìn nhận rằng anh Lanh như là một nhà kiến trúc sư thiết kế nên vóc dáng, đường lối và thực hiện tờ báo. Người tiếp nối để thực hiện bản vẽ này một cách khá trung thành là chị Kim Hạnh. Chị Kim Hạnh tận tụy, quyết liệt, sáng kiến đưa Tuổi Trẻ có những bước phát triển đột phá nhưng phải nói đường lối chiến lược và phương châm là từ anh Võ Như Lanh. Bên cạnh đó, người bạn tâm đầu ý hiệp là anh Trần Minh Đức (tức anh Ba Lãng), Chủ tịch HĐQT Công ty Thế kỷ 21 bây giờ. Những ngày anh Lanh làm tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, báo còn nghèo lắm nhưng anh em sống gắn bó với nhau, mỗi người một tính khí, nhiều trận cãi nhau nảy lửa nhưng đều cùng mục đích chung và sau đó không ai vướng bận gì trong lòng cả. 

Có một kỷ niệm nhỏ mà bây giờ tôi muốn sám hối trước vong linh anh Lanh, đó là có lần nhận định về một công việc liên quan tới một con người, tôi với anh Lanh đụng độ nhau nảy lửa. Vốn coi anh như là một người chân chính, tôi chỉ vào mặt anh và nói rằng: “Anh là một thằng Nhạc Bất Quần!” (một nhân vật quân tử dỏm trong Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Kim Dung). Anh hồn nhiên trả lời: “Tôi không biết Nhạc Bất Quần là ai cả”. 

Ngày ấy, báo Tuổi Trẻ rất nghèo nhưng lâu lâu vẫn tổ chức mượn xe chở nhau đi Vũng Tàu. Tổng Biên tập Võ Như Lanh ra lệnh: “Nhà thì mượn để ở, ăn thì đi chợ mua về tự nấu”. 

Chị Hằng Nga lúc ấy lột vỏ tôm xước cả móng tay, càu nhàu: “Mình phải gọi cha Lanh là Tư tự nấu” (bởi anh Lanh còn có bí danh là Tư Cường). 

Nhà báo chẳng là cái thá gì…

Sau này, tôi về làm báo Pháp Luật TP.HCM, có tổ chức nhiều khóa đào tạo phóng viên. Trong nhiều bài giảng, tôi luôn nhớ đến những ý của anh Lanh ngày tôi còn làm báo Tuổi Trẻ: “Nhà báo, anh là cái gì? Anh có quyền ban ơn, giá họa tới cho người khác? Anh chỉ là người đưa tin, anh ráng đưa tin trung thực đi. Hoặc giả anh chống tiêu cực ư? Đừng có làm ông Bao Công phán kẻ này chết, kẻ kia sống. Chắc gì anh đúng, đừng có ảo tưởng. Nhà báo chẳng là cái thá gì…”.

Có lần anh kể tôi nghe một câu chuyện có một nhà doanh nghiệp bị nhà báo “làm tay sai cho một thế lực khác” viết sai lệch và có tác hại cho doanh nghiệp. Khi bài báo in ra, nhà doanh nghiệp đó đau khổ vì phải chịu một hậu quả rất nặng nề trên thị trường. Anh Lanh kể: “Sao ông không viết thư đến báo nói rõ là bài báo sai?”. Ông doanh nghiệp ấy nói: “Tôi như thằng đứng dưới đất, ông nhà báo đứng trên lầu nhổ nước miếng vào mặt tôi. Tôi phun nước miếng lại thì tôi là người hứng đủ”. Câu chuyện ấy tôi vẫn đem vào giảng dạy trong quá trình đào tạo nhiều lớp phóng viên. 

Khi giã từ báo Sài Gòn Giải Phóng về làm Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, anh nói với tôi: “Báo mình sẽ không chống tiêu cực”. Tôi ngạc nhiên. Lúc đó chống tiêu cực trên báo chí như là công việc vinh quang, tại sao anh nói vậy? Anh cười: “Mình làm báo tuần như một dạng tạp chí, cái lớn là truyền thông về chủ trương, chính sách và tác động tới chủ trương, chính sách chứ không phải đi vào những điều cụ thể. Vả lại chuyện cụ thể, tôi nói cho ông nghe, chả có tác động gì đâu, nếu có cũng nhỏ lắm. Đó là chưa kể đa số chuyện chống tiêu cực là cử điểu giữ tha nhân tiểu tiện (cầm chim cho người ta đái)”.
▲▲▲

Anh Tám Hùng (Đặng Thanh Tâm), Phó Tổng Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn,bốn ngày trước gặp tôi có nói giọng buồn: “Mấy hôm nay bác sĩ chỉ truyền đạm cho ảnh thôi, bất cứ thứ gì đưa vào thực quản ảnh đều nôn ra…”. Im lặng một lúc ảnh nói: “Chắc tụi mình phải chia tay với bạn mình thôi”. 

Anh Ba Lãng cách đây năm ngày vào thăm thấy anh Lanh gầy quá, anh nói rằng tôi nói ông có nghe được không. Nghe được, ông bóp cái tay tôi đang cầm tay ông đó. Anh Lanh lúc đấy không nói được, bóp tay anh Ba Lãng. Anh Ba Lãng nói tiếp: “Lúc trước tôi bị bệnh chỉ có 33 kg, vậy mà tôi sống thêm 37 năm, bây giờ ông hơn tôi hồi đó, sá gì mình sẽ còn gặp nhau dài dài”. Anh Lanh mỉm cười. Chị Mười Thanh (vợ anh Lanh) nói: “Hai tháng rồi mới thấy ảnh nở nụ cười”…
Tôi mong rằng người bạn thân yêu của tôi mang nụ cười ấy xuống cõi vĩnh hằng.

Người sống nhân hậu 

 Lê Văn Nuôinguyên Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ

Năm 1970, Sài Gòn bùng lên những cuộc hội thảo, bãi khóa, xuống đường sục sôi khói lửa của hàng ngàn sinh viên từ hàng chục trường đại học và học sinh trung học. Tôi và anh Võ Như Lanh là những thủ lĩnh hoạt động trong phong trào đấu tranh của SVHS Sài Gòn lúc bấy giờ. Nhằm chuẩn bị an toàn cho cuộc bầu cử tổng thống với liên danh duy nhất là hai ông Nguyễn Văn Thiệu - Trần Văn Hương diễn ra vào giữa tháng 10-1971, từ đầu tháng 9, Tổng thống Thiệu lệnh cho lực lượng cảnh sát, mật vụ mở chiến dịch càn quét, bắt giam theo “danh sách truy nã” khoảng 120 người gồm các thủ lĩnh và lực lượng nòng cốt của phong trào SVHS Sài Gòn. Ở Chí Hòa, hơn 40 SVHS chúng tôi sống chung một phòng giam tập thể. Sáng 22-7-1973, người ta đọc tên danh sách SVHS và trí thức đi trao trả cho Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Lộc Ninh.

Tiếng loa đã hơn con số 20 người rồi mà vẫn không nghe tên tôi. Nhóm 23 người đi trao trả vội xốc chiếc ba lô lên vai, lần lượt chia tay anh em. Anh Lanh trong bộ đồ nâu bước đến ôm vai tôi: “Anh đi trước. Em sớm muộn gì cũng được tự do. Em ở lại ráng cùng anh em bảo vệ quyền lợi mình đã đạt được nha!”. Tôi muốn nói với anh nhưng nghe se thắt trong ngực và cổ họng như có gì chặn ngang; nếu cố nói, nước mắt sẽ trào ra. Nên tôi nín lặng, chỉ bóp chặt tay anh Lanh… như một lời hứa hẹn…

Qua những năm tháng kết bạn với anh Lanh trong thời chiến và thời bình, trong thời gian làm chung báo Tuổi Trẻ và cùng hoạt động trong làng báo Sài Gòn từ 1992 đến 2003, tôi thấy mình đã  học hỏi được từ con người anh Võ Như Lanh hai đức tính: Phải luôn tư duy sáng tạo trong phương cách làm báo và lối sống nhân hậu với con người.
Thanh Mậm ghi

Đọc thêm: 
 Làm báo giỏi không phải để cho người ta sợ
Trương Điện Thắng/ Quang Nam
Ảnh bên:Nhà báo Võ Như Lanh (x) trong một lần gặp gỡ với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. ảnh: báo Tuổi trẻ

Sáng sớm 23.11, anh Nguyễn Công Khế điện thoại cho hay đang chuẩn bị đưa anh Võ Như Lanh về nhà, vì sức khỏe đã suy kiệt sau nhiều tháng chống chọi với căn bệnh ung thư phổi. Đến gần trưa thì lại nghe tin anh mất. Biết sinh tử vô thường, nhưng sao lòng tôi vẫn bàng hoàng như mất một điều gì quý báu, thân thương.

Còn nhớ năm 1995, anh ra Đà Nẵng mời tôi cộng tác với Thời báo Kinh tế Sài Gòn và mở văn phòng tại Đà Nẵng. Sau đó, anh liên tục tổ chức những cuộc gặp mặt các giới doanh nhân, quản lý ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và thực hiện một chương trình “Nhạc Xanh” với sự có mặt của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Trung tâm thể thao Nguyễn Tri Phương. Mới đó mà 20 năm trôi qua…

 Nhà báo Võ Như Lanh năm nay 67 tuổi, anh sinh tại Điện Nam (Điện Bàn), học phổ thông tại Trường Trần Quý Cáp (Hội An), cùng thời với GS.Trần Văn Thọ. Ở trọ tại Trung tâm xã hội Hội An thời ấy, anh càng hiểu nỗi thống khổ của những người nghèo khó, tàn tật. Khi làm chủ tịch Tổng hội Sinh viên Vạn Hạnh Sài Gòn, anh là nhân tố tích cực trong những cuộc đấu tranh của giới trẻ học đường miền Nam, vì vậy đã từng trải qua cảnh tù tội. Sau khi ký Hiệp định Paris, anh được cử vào “thành phần thứ ba” cùng cựu dân biểu Sài Gòn Ngô Công Đức sang Pháp tiếp tục đấu tranh cho hòa bình của đất nước trên bình diện quốc tế. Về lại Sài Gòn, anh đứng ra thành lập tờ báo Tuổi Trẻ từ năm 1976, đưa tờ báo trở thành kênh thông tin quan trọng của giới trẻ và đóng vai trò không nhỏ trong các diễn đàn của trào lưu đổi mới, đào tạo ra những đồng nghiệp mà sau này là những trụ cột của báo này như Kim Hạnh, Huỳnh Sơn Phước, Lê Văn Nuôi… Năm 1986, chính cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết lệnh tay điều anh về làm Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng. Năm 1990, anh đứng ra thành lập nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, một cơ quan báo gồm nhiều ấn phẩm tiếng Anh, Việt, một Saigon Times Club quy tụ đông đảo giới doanh nghiệp và các quỹ hỗ trợ tài năng sáng tạo trẻ…

Anh Võ Như Lanh là một nhà tổ chức và định hình khuynh hướng rất giỏi cho mỗi tờ báo mà anh chịu trách nhiệm. Từ quan niệm: “Làm báo giỏi không phải để cho người ta sợ. Một nhà báo thành công là nhà báo được nhiều người nể phục!”, ở mỗi tờ báo, bao giờ anh cũng tổ chức ra một thế hệ kế cận mà như anh thường tâm sự: “Họ sẵn sàng làm việc, cáng đáng trách nhiệm của một ban biên tập mới, nếu lớp trước không làm nữa hoặc bận đi công cán!”. Võ Như Lanh cũng là người có tài cầm quân vì uy tín, sự trong sáng và quyết đoán của anh. Bên cạnh đó, anh lại rất chú ý lắng nghe ý kiến người khác, cho dù trẻ tuổi và trẻ nghề hơn anh. Anh cũng là một tổng biên tập đầu tiên trong làng báo Việt Nam tự nguyện thôi chức trước tuổi hưu đến 2 năm để nhường việc lại cho anh em trẻ. Đó là một tấm gương để nhiều người noi theo!

Như đã nói, Thời báo Kinh tế Sài gòn hay Saigon Times Group đã quy tụ được rất nhiều doanh nhân uy tín, nhiều tiềm năng và tâm huyết là một nỗ lực đầu tiên của một nhà báo như Võ Như Lanh. Anh lại gắn bó với Quảng Nam, Đà Nẵng, nên các thông tin về kinh tế đầu tư ở quê hương bao giờ cũng là mối quan tâm của anh. Các dự án lớn mang tính đột phá như gạch Đồng Tâm ở Điện Nam - Điện Ngọc, Ô tô Trường Hải ở Chu Lai hay các chương trình bảo trợ người nghèo của Pepsi và nghệ sĩ Kim Cương ngay từ đầu về với Quảng Nam đều có tác động của anh Lanh…

Nhà báo Võ Như Lanh ra đi là một mất mát của làng báo Việt Nam nói chung, và với Quảng Nam, Đà Nẵng đã mất đi một người con luôn một lòng hướng về quê hương bằng những đóng góp thực sự có ý nghĩa. Anh mãi là một nhà báo để người ta nể trọng vì sức hút của nhân cách. Xin vĩnh biệt anh với tất cả lòng kính trọng!


 Người đã đưa tôi vào nghề báo

Nguyễn Đông Thức/ FB Nguyễn Đông thức

Sau Tết 1977, tôi đang làm văn thư ở Cơ quan Ban chỉ huy Lực lượng Thanh niên Xung phong thành phố, đóng gần Ngã tư An Sương, Hốc Môn. Một hôm bất ngờ sếp tôi là ông Phan Thanh Huân nói tôi qua phòng Chỉ huy phó thường trực (ông Tạ Minh Quốc) có báo Tuổi Trẻ tìm.

Tôi đi qua và gặp anh, Tổng biên tập mới của báo Tuổi Trẻ, lúc bấy giờ một tuần mới ra một số, số phát hành chừng 5.000 bàn in/kỳ.

Anh cho biết vừa từ Văn phòng Thành đoàn chuyển qua làm báo và đang đi tuyển thêm quân để mong phát triển tờ báo. Anh được ông Tạ Minh Quốc, hoạt động cùng thời ở đại học Vạn Hạnh (anh từng là chủ tịch Hội sinh viên Vạn Hạnh), giới thiệu về tôi với nhiều thiện ý. Lý do: Tôi vừa làm tờ báo tường cho cơ quan TNXP và đi dự thi được giải 1 cuộc thi báo tường của Thành Đoàn (ặk!)

Anh hỏi thăm tôi vài câu và nói đã xem lý lịch của tôi, biết tôi là con nhà nòi. (Sau có người mới kể với tôi là lúc đó cũng có ý kiến can, nói lý lịch tôi xấu quá, có 2 ông anh là sĩ quan chế độ cũ, nhưng anh nói anh thấy không có vấn đề gì).

Và sau buổi "phỏng vấn", tôi nhận được quyết định về Tuổi Trẻ, tháng 5-1977.

Tôi đã chứng kiến nhiều quyết định ngoạn mục và táo bạo của anh, đẩy tờ tuần báo vài nghìn bản in một kỳ lên thành 2 kỳ rồi 3 kỳ…, tăng trang, tăng số lượng phát hành, tiến lên tự túc tự cấp hoàn toàn.

Báo thiếu giấy in, anh mạnh dạn tổ chức đội lên rừng khai thác lồ ô về làm bột giấy, mở xí nghiệp xeo giấy.

Anh đặc biệt mạnh dạn về khâu nhân sự, nhận Trần Minh Đức đang bịnh nặng về làm phó tổng biên tập, nhận Vũ Kim Hạnh ở Hội văn nghệ, Huỳnh Sơn Phước ở Đài phát thanh, Trần Ngọc Châu sĩ quan học tập về đi TNXP, nhận 3 chiến binh tinh nhuệ của tờ báo tư nhân Tin Sáng (sau 1975 được cho hoạt động một thời gian rồi bị giải tán, lẽ dĩ nhiên!) là Chánh Trinh, Võ Trường Chinh, Trần Trọng Thức… Tờ Tuổi Trẻ được cải tiến liên tục về nội dung, hình thức và thẳng tiến với phương châm của anh: Vượt qua khuôn khổ của một tờ báo Đoàn và quyết đoạn tuyệt với nền báo chí bao cấp.

(Lẽ dĩ nhiên anh làm được nhiều việc như vậy là còn nhờ có ông Võ Văn Kiệt cũng rất mạnh dạn và táo bạo, và nhờ một êkip vàng thực hiện thành công những quyết định của anh. Nhưng tôi nghĩ Hội nhà báo TPHCM - hoặc tối thiểu là Báo Tuổi Trẻ và Thời báo Knih Tế Saigon - nên có một công trình nghiên cứu về vai trò của Võ Như Lanh trong nền báo chí sau 1975 không chỉ ở TPHCM mà còn cả nước, một vai trò xoay chuyển và đổi mới cực kỳ quan trọng của một cá nhân). 

Đặt xong những nền móng tuyệt vời và chuẩn bị xong đội kế nhiệm, anh qua báo SGGP, rồi Thời báo Kinh tế Saigon, tạo nên một Saigon Times Group hùng mạnh.

Anh là Võ Như Lanh, người vừa qua đời ngày hôm nay (23-11-2014).
Xin cảm ơn anh, người đã giúp tôi có được 36 năm làm việc đầy hứng thú.

Anh sống đẹp và thanh thản. Chúc anh yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng.

http://bolapquechoa.blogspot.ch/2014/11/vo-nhu-lanh-nguoi-cua-nhung-dau-an.html#more

Võ Như Lanh, một nhà báo xứ Quảng (QN 24-11-14) -- Bài Trương Điện Thắng -- Nhà báo Võ Như Lanh trong lòng xứ Quảng (QN 24-11-14) -- Nhà báo Võ Như Lanh: Một đời làm báo vì người đọc (TT 24-11-14) Đồng nghiệp nói về ông Võ Như Lanh(BBC 24-11-14) Nhà báo Võ Như Lanh sống hết trách nhiệm, ra đi thanh thản (SGGP 24-11-14)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét