Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Hàng xóm tiết lộ về cuộc sống của ông Truyền

Không ủng hộ bác Truyền nhưng ghê sợ một số bài phê phán bác Truyền. Đọc những đoạn bôi vàng trong bài này mình thấy khiếp quá. Dậu đổ bìm leo, qua việc tố cáo bác Truyền, bà tổ trưởng bí thư chi bộ công khai cho thấy bà có quyền lực to lớn thế nào. Đến cỡ như bác Truyền mà vẫn bị bà ấy ấm ức là không chịu đến thăm nhà bà (ngay đến tôi là tổ trưởng tổ 72, nhưng chẳng thấy ông ấy tới nhà tôi chơi bao giờ cả), thì đám dân đen chắc được bà coi như rác. Một bà tổ trưởng dân phố mà đỏi hỏi cao như thế thì các quan chức cấp trên của bà ở địa phương sẽ có thể đòi hỏi cao đến mức nào. Hệ thống chính quyền cộng sản quá khủng khiếp. Trong một xã hội dân sự bình thường, khi người ta không có việc cần thì việc gì phải đến nịnh bợ bà; khi bị bắt phải làm từ thiện, người ta đã đóng đúng định mức, thế là tốt quá rồi, việc gì phải phê phán bác Truyền là chặt chẽ. Những người như bà tổ trưởng này, luôn miệng khoe "tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn" nhưng thực chất thuộc loại "tâm xà khẩu phật".
Hàng xóm tiết lộ về cuộc sống của ông Truyền
PHONG NGUYÊN - "Nhà ông ấy tương đối lộng lẫy chứ không sơ sài như nhà chúng tôi. Nhà ông ấy rộng 95m2 mà chỉ có 2 vợ chồng ở, trong khi có những nhà khác chật hơn rất nhiều, nhưng cả đại gia đình nhiều thành viên ở. Ông ấy chẳng mấy khi giao du, chuyện trò với hàng xóm. Chúng tôi cũng chẳng dám nhờ cậy gì ông ấy cả. Ngay đến tôi là tổ trưởng tổ 72, nhưng chẳng thấy ông ấy tới nhà tôi chơi bao giờ cả. Có khi ông ấy cũng chẳng biết nhà tôi ở đâu. Trong cả quá trình ông ấy và vợ sinh sống ở đây, có bao giờ ông ấy tới gặp tổ trưởng khu nhà đâu".
Bà Nguyễn Thị Phi Yến – tổ trưởng kiêm bí thư chi bộ tổ 72, 
khu nhà công vụ Hoàng Cầu (Ảnh: Phong Nguyên)



Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, năm 2004, ông Trần Văn Truyền được Cục Quản trị A, Ban Tài chính quản trị T.Ư hợp đồng với Văn phòng Chính phủ cho thuê nhà công vụ phòng số 607, B1, Khu nhà A, 61 Trần Quang Diệu, Hoàng Cầu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (sau đây gọi tắt là khu nhà công vụ Hoàng Cầu) với diện tích 95m2.
Tháng 10/2011, ông Truyền nghỉ hưu theo chế độ. Đầu năm 2014, khi có thông tin, dư luận về thực hiện chế độ nhà công vụ và Ủy ban Kiểm tra T.Ư nắm tình hình thì ông mới đề nghị trả lại nhà. Đến tháng 5/2014, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận lại căn hộ trên.
Kể từ ngày nhận cho đến khi trả lại nhà công vụ vào tháng 5 vừa qua, ông Truyền đã sử dụng căn hộ đó như thế nào và cư xử với hàng xóm thuộc khu nhà này ra sao?
Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Phi Yến – tổ trưởng kiêm bí thư chi bộ tổ 72, khu nhà công vụ Hoàng Cầu.
Xin bà cho biết ông Trần Văn Truyền đã sử dụng căn hộ được cấp ở khu nhà công vụ này ra sao?
Theo trí nhớ của tôi, ngày còn đương nhiệm ông ấy và vợ vẫn sử dụng căn hộ đó. Từ khi ông ấy nghỉ hưu, họ không ở đó nữa. Tôi thấy bảo vệ của khu nhà nói, thỉnh thoảng họ cũng lui tới căn nhà này, nhưng hiếm người trong khu dân cư bắt gặp. Tôi nghĩ chắc là thỉnh thoảng ông ấy ra Hà Nội họp hành gì đó, vào ngó qua nhà rồi lại đi luôn.  
Thế nhưng, ông Truyền chỉ bỏ hoang nhà chứ không cho ai khác ở nhờ. Từ ngày ông ấy trả nhà đến nay, căn hộ đó vẫn bị bỏ hoang, không có người ở.
Căn hộ của ông Truyền có gì khác so với các căn hộ khác trong cùng khu nhà này không thưa bà?
Trong những lần đến nhà ông Truyền thu quỹ hoặc mời họp chi bộ, dù chỉ ngồi ở phòng khách của căn hộ đó, nhưng tôi cũng thấy rõ sự khác biệt về tiện nghi của nó so với nhà của tôi và nhiều nhà khác ở khu này.
Mặc dù bây giờ ông ấy dọn đi hết rồi, nhưng theo trí nhớ của tôi, đó là căn phòng tương đối lộng lẫy chứ không sơ sài như nhà chúng tôi. Nhà ông ấy rộng 95m2 mà chỉ có 2 vợ chồng ở, trong khi có những nhà khác chật hơn rất nhiều, nhưng cả đại gia đình nhiều thành viên ở.
Người ta vẫn nói “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Bà có thấy điều đó ở ông Truyền không?
Ông ấy chẳng mấy khi giao du, chuyện trò với hàng xóm lúc còn ở đây trừ những lúc tham gia các hoạt động thể dục, thể thao theo ý muốn, sở thích cá nhân như đánh cầu lông. Chúng tôi cũng chẳng dám nhờ cậy gì ông ấy cả.
Ngay đến tôi là tổ trưởng tổ 72, nhưng chẳng thấy ông ấy tới nhà tôi chơi bao giờ cả. Có khi ông ấy cũng chẳng biết nhà tôi ở đâu. Chỉ có tôi tới thăm nhà ông ấy mỗi lần mời họp chi bộ thôi.
Ngày còn sinh sống ở khu nhà này, ông Truyền có hay tham gia các hoạt động tập thể không thưa bà?
Theo bà Yến, ít người trong khu nhà Hoàng Cầu biết ông Truyền sở hữu khối tài sản khủng đến thế (Ảnh: Tuoitre)
Ông ấy không vi phạm nội quy, quy định nào của khu dân cư, nhưng trong cả quá trình ông ấy và vợ sinh sống ở đây, có bao giờ ông ấy tới gặp tổ trưởng khu nhà đâu. Ở khu nhà này, một năm chúng tôi họp các đảng viên chi bộ 2 lần. Nhưng ngày còn đương chức, ông Truyền hay đi công tác, ít khi có nhà nên chẳng mấy khi dự họp được. Nói cách khác, trước khi về hưu ông ấy đã không mấy khi sinh hoạt tập thể rồi. Còn sau khi về hưu, ông ấy không tham gia họp luôn.
Sở dĩ tôi dám chắc điều đó vì những người tham gia họp tôi đều chấm điểm hết. Đến cuối mỗi năm, ai không tham gia họp cả 2 kì, tôi sẽ không nhận xét gì về họ.
Từng là hàng xóm của ông Truyền, bà thấy ông ấy là người thế nào?
Những ngày cuối cùng ông Truyền sinh sống ở khu nhà này, tôi thấy người ta phản ánh ông ấy hay đi sớm về muộn, rượu chè say sưa hơi quá đà. Tức là ông ấy sinh hoạt hơi lỏng lẻo một chút. Tôi đoán chắc trước khi về hưu, người ta chào hỏi nhau nên ông ấy mới thế.
Có điều, các đồng chí khác trong khu nhà còn xởi lởi chứ ông ấy sống “chặt chẽ” lắm. Chẳng hạn, khi chúng tôi kêu gọi ủng hộ các hoạt động từ thiện, người khác thường đóng góp thêm dù họ không có nhiều trong khi ông Truyền chỉ đóng đúng định mức. Điều này phụ thuộc vào cá tính của mỗi người, nhưng qua đó tôi thấy ông ấy không thuộc diện người “phung phí”, xởi lởi đâu.
Ngày 21/11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông cáo báo chí về Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với đồng chí Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Bà có bất ngờ về khối tài sản “khủng” đáng mơ ước mà ông Truyền sở hữu?
Mặc dù ông ấy từng sinh sống ở đây, nhưng ít người biết ông ấy có nhiều nhà đất đến vậy. Tôi rất bất ngờ trước khối tài sản mà ông ấy sở hữu. Tôi không thể tưởng tượng nổi nó lại nhiều đến thế.
Giờ nếu đem so sánh có những cựu quan chức mấy thế hệ cùng ở trong một căn hộ công vụ chật hẹp với những biệt thự “bỏ hoang” của ông Truyền thì mệt mỏi lắm mà cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Ai vi phạm thì đã có pháp luật xử lý còn chúng tôi trên tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn luôn mong muốn chia sẻ khó khăn với tất cả mọi người. Ông Truyền ít tham gia họp khu dân cư, giao du với mọi người nên cũng ít tham gia các phong trào đó.
Xin cảm ơn bà!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét