Để quản lý nhà nước cần phải có quy trình, cơ chế chính xác. Nhiệm vụ chủ yếu của Bộ Nội vụ là xây dựng được những cơ chế hợp lý, đúng đắn để quản lý, giám sát được cán bộ công chức, đảm bảo mọi cán bộ công chức đều có thể và cần phát huy được hết khả năng của mình, nếu cán bộ công chức nào chây lười, không thực hiện đúng nhiệm vụ thì phải đào thải, đuổi ra khỏi bộ máy. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đã không làm được điều này. Nhưng cũng phải thừa nhận bản thân Quốc hội làm luật cũng không ra hồn. Chúng ta cần thứ pháp luật rõ ràng, không đánh đố người dân và doanh nghiệp. Luật phải khả thi để chống nạn vòi vĩnh và bôi trơn, chứ không làm luật cho có, kiểu ngồi trong phòng lạnh rồi “đùng một cái” ra luật. Luật là để thực hiện và không tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhũng nhiễu.
Theo báo cáo đánh giá cán bộ công chức năm 2013 của Bộ Nội vụ, chỉ có 0,46% công chức và 0,24% viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đó, số lượng cán bộ công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm đa số. Đố ai tin được con số báo cáo quá lý tưởng này. Và quả thật, nếu như cán bộ, viên chức xuất sắc và tốt nhiều, gần 100% hoàn thành nhiệm vụ thì cần gì phải đưa ra các biện pháp cải cách hành chính.
Báo cáo trên trời, hiện thực dưới đất
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Báo cáo đẹp lạ lùng như vậy, nhưng tại diễn đàn Quốc hội, báo cáo đó đã lộ nguyên hình của nó. Xin nêu vài diễn biến như sau:Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, những gì mà các đại biểu nêu ra hoàn toàn trái ngược với báo cáo. Đại biểu Đỗ Văn Đương khẳng định công chức lười nhác, chỉ một dạ hai vâng nhưng lại ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều. Và ông Đương hỏi thẳng: “Đây có phải là nguyên nhân chính làm gia tăng bộ máy hành chính và cũng là nguyên nhân của tội phạm tham nhũng”. Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương thì đặt vấn đề về tình hình bổ nhiệm cán bộ công chức ồ ạt, không gì kiểm soát được.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình tự cho là khó để trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương. Khó là phải. Cán bộ công chức chuyên nghiệp thì ít, chất lượng nghề nghiệp cũng ít. Ông nào cũng muốn làm quan, ông nào cũng muốn làm lãnh đạo. Chia nhau cái chức cho nó “hài hòa các mối quan hệ” là thực trạng quá rõ ràng. Có cái chức mà không làm việc thì chỉ có việc duy nhất là kiếm tiền từ cái chức. Chính Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói về “lạm phát cấp phó” là vì nhiều lý do, trong đó có một số cơ quan quá nhiều cấp phó nhưng không xuất phát từ nhu cầu, thậm chí là do bổ nhiệm vì lý do nào đó.
“Lý do nào đó” là lý do gì chắc không cần phải diễn giải thêm.
Hiện có đến 110 trường hợp đến tuổi nghỉ hưu còn kéo dài …cái ghế. Đây là một loại tham nhũng quyền lực. Tồn tại vi phạm “ăn gian” tuổi như thế này mà vẫn đánh giá gần 100% công chức hoàn thành nhiệm vụ. Thuyết phục niềm tin của dân sao dễ dàng vậy nhỉ?
Trước những chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình buộc phải thừa nhận việc sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng với trình độ năng lực của từng người; cơ chế thưởng phạt cũng chưa nghiêm; chế độ đánh giá chưa đổi mới gắn với trách nhiệm, chế độ tiền lương; ngoài ra chế độ tuyển đầu vào cũng chưa tuyển được người có năng lực, tâm huyết.
Vậy xin được hỏi, báo cáo đánh giá công chức gần 100% hoàn thành nhiệm vụ của Bộ Nội vụ có đúng không?
Lê Chân Nhân
(Dân Trí)
http://dantri.com.vn/blog/bao-cao-tren-troi-hien-thuc-duoi-dat-996963.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét