Pháp dùng kế hoãn binh với Mỹ để giao tàu cho Nga
Thời hạn Pháp phải giao tàu đổ bộ chở máy bay trực thăng lớp Mistral cho Nga đã cận kề. Mỹ đang gia sức đòi Pháp hủy hợp đồng này nhưng Pháp vẫn dùng dằng câu giờ và chơi trò nước đôi với cả Mỹ và Nga.
Tàu đã đóng xong, chẳng lẽ phá bỏ?
Tháng trước, Pháp nói đợi tháng 10 sẽ đưa ra quyết định có hay không việc giao tàu cho Nga. Nhưng khi bước sang tháng 10 thì họ lại lui quyết định. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Lầu 5 góc hôm thứ Năm, ông Le Drian cho biết: "Quyết định (giao tàu) sẽ được đưa ra tại thời điểm chuyển giao. Nó sẽ rơi vào khoảng cuối tháng 10 (hoặc) đầu tháng 11".Le Drian nói thêm có hai yếu tố mà Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ dựa theo đó để cho phép việc chuyển giao được tiến hành. "Đầu tiên, cuộc khủng hoảng kéo dài chấm dứt và thứ hai là sự khởi đầu cho một tiến trình chính trị quan trọng. Khi đánh giá cả hai điều kiện, Tổng thống Pháp sẽ đưa ra quyết định của mình vào thời điểm đó", Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Le Drian nói.
Như vậy, các đánh giá của ông Francois Hollande đều là chủ quan. Nếu điện Elysee cho rằng tình trạng ở Ukraine đã ổn rồi thì họ sẽ cứ giao tàu cho Nga dù Nhà Trắng lúc ấy có quan điểm khác. Theo chiều hướng hiện nay khi giao tranh đang hạ nhiệt và Ukraine sắp tiến hành bầu cử quốc hội thì Pháp rất dễ dàng giao tàu cho Nga mà khỏi phải nghe đồng minh càm ràm.
Itar Tass phân tích rằng kiểu nói của ông Le Drian cho thấy Pháp đang lộ rõ ý muốn giao tàu đúng thời hạn cho Nga và đầu tháng 11. Ngày 1.10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Meshkov nói với RIA Novosti rằng, Nga hy vọng Pháp sẽ giao các tàu đổ bộ lớp Mistral đúng tiến độ.
Vào tháng 6.2011, Nga và Pháp đã ký một thỏa thuận trị giá 1,6 tỉ USD để Pháp đóng hai tàu lớp Mistral và chuyển giao công nghệ cho Nga. Chiếc đầu tiên có tên Vladivostok được dự kiến chuyển đến Nga vào tháng 11 và chiếc thứ hai có tên Sevastopol sẽ được hoàn thành vào năm 2015.
Nếu không hoàn thành hợp đồng, Pháp sẽ phải bồi thường lớn cho Nga. Ngoài ra, Pháp cũng không được giữ lại nguyên chiếc tàu đã hoàn thành mà phải trả Nga phần đuôi vì đó là sản phẩm do Nga đóng. Như vậy, Pháp không muốn phá vỡ hợp đồng để ảnh hưởng lớn về tài chính và uy tín. Do vậy, họ bằng mọi cách phải tìm lý do thích hợp, thời điểm chính muồi để giao tàu cho Nga.
Ông Hollande trong lúc ngẫu hứng nói không chuyển tàu cho Nga có lẽ đã thấy hối tiếc. Nếu để Pháp thiệt hại kinh tế, thể hiện chính sách ngoại giao thiếu độc lập với Mỹ thì ông sẽ bị cử tri Pháp quay lưng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét