Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Quân cờ mới, Obama phá vỡ thế trận của Putin?

Quân cờ mới, Obama phá vỡ thế trận của Putin?
- Mỹ ngày càng đẩy mạnh những biện pháp khó lường để vô hiệu hóa thế mạnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Quân bài chiến lược dầu khí của Nga, vì thế, đang bị lung lay dữ dội.
Nga phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ - thách thức 
rất lớn đối với Tổng thống Vladimir Putin.
Theo Foxnews, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/10 đã có những cáo buộc với giọng điệu gay gắt nhất từ trước đến nay đối với Mỹ. Theo đó, ông Putin cho rằng: “Mỹ phá hỏng trật tự thế giới”; “Mỹ đang làm cho thế giới xuất hiện nhiều khu vực nguy hiểm hơn”. Phát biểu gần tiếng đồng hồ tại hội nghị của Câu lạc bộ Valdai tại thành phố Sochi của Nga, ông chủ điện Kremlin nhấn mạnh: Sự can thiệp của Mỹ đã làm bùng phát hầu hết các cuộc khủng hoảng gần đây trên thế giới, gồm cả Ukraine và Trung Đông.

Những cáo buộc của ông Putin diễn ra trong bối cảnh phương Tây - dẫn đầu bởi Mỹ - vẫn đang áp dụng hàng loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga mà ông Putin cho rằng “hoàn toàn dại dột” và “không thể ngáng đường Nga phát triển thành một cường quốc kinh tế vững mạnh hơn”.

Truyền thông thế giới gần đây cũng liên tiếp cảnh báo về một nền kinh tế Nga quặt quẹo trong vài năm tới nếu giá dầu mỏ tiếp tục giảm hoặc đứng ở mức thấp như hiện nay. Trong khi, Nga lại phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ. Đây là thách thức rất lớn đối với Tổng thống Vladimir Putin.

Tình trạng tăng trưởng trì trệ, thu nhập thực thế của người dân thấp, dòng vốn liên tục chảy ra nước ngoài, trong khi nguồn thu từ dầu khí bị suy giảm nghiêm trọng... được cho là những vấn đề gây đau đầu Tổng thống Putin. 

Không những thế, nhiều phân tích cho rằng, ở vào thời điểm hiện tại, rất khó để Nga cắt giảm chi tiêu công cũng như tăng thuế. Cả nước Nga đang sốc lên để thúc đẩy tăng trưởng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu cũng như đẩy mạnh quan hệ với các đối tác ở phương Đông.

Trên thực tế, có nhiều dấu hiệu cho thấy, Nga đang gặp rất nhiều rắc rối sau các lệnh trừng phạt của phương Tây và những chính sách của Mỹ nhằm vô hiệu hóa sức mạnh của Putin nói riêng và nước Nga nói chung.

Trong khi đó, một vấn đề đáng ngại với ông Putinlà tương lai không mấy tươi sáng về những thế mạnh, những quân át chủ bài mà Nga hiện có.

Mỹ tấn công vào thế mạnh của Nga

Các phân tích gần đây phần lớn đều cho rằng, về dài hạn, giá dầu khí sẽ đi theo hướng tăng. Tuy nhiên, những cuộc cách mạng của Mỹ lại đang chứng minh điều này chưa hẳn đúng.


Khai thác dầu khí đá phiến sét bằng công nghệ nứt vỡ thủy lực là tiến bộ đột phá của Mỹ, đã được triển khai khoảng 5 năm qua.

Trong khoảng 3 tháng gần đây, giá dầu thô trên thế giới bất ngờ liên tục giảm, giảm tới 25%. Nó nằm ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia, nhiều chính phủ bởi nền kinh tế thế giới chậm lại nhưng vẫn đang tăng trưởng. Kinh tế Mỹ đang sáng sủa trở lại, trong khi Trung Quốc chứng kiến tăng trưởng quý III cao hơn dự báo, ở mức 7,3%.

Tại sao giá dầu lại giảm mạnh như vậy? Nhu cầu tụt giảm, nguồn cung tăng hay là có nguyên nhân gì khác?. Đã có rất nhiều lý giải, trong đó một điểm đáng chú ý: Mỹ đang chứng kiến nhiều tiến bộ đột phá trong cuộc cách mạng khai thác dầu khí đá phiến, vốn đã được triển khai khoảng 5 năm qua.

Các báo cáo gần đây cho thấy, Mỹ đã vượt Nga trở thành quốc gia có sản lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Theo dự báo của Bentek Energy, năm 2014, Mỹ sẽ đạt sản lượng 2.500 tỷ feet khối khí tự nhiên (tương đương 67,9 tỷ feet khối/ngày). Trong nhiều năm qua, sản lượng khí đá phiến của Mỹ tăng trưởng trung bình 50%/năm.

Sản lượng dầu thô trong khi đó cũng tăng trưởng đột phá. Theo trang Thestreet, kể từ năm 2008, nhờ công nghệ nứt vỡ thủy lực (fracking techniques), Mỹ đã tăng sản lượng dầu thô sản xuất nội địa thêm 3 triệu thùng/ngày, lên mức gần 9 triệu thùng/ngày hiện nay.

Trên thực tế, hạ tầng khí đốt của Mỹ còn yếu kém, Mỹ mới đứng thứ 3 về xuất khẩu khí tự nhiên, bằng khoảng 25% Nga. Giá dầu sản xuất bằng công nghệ mới cũng không hề rẻ. Tuy nhiên, những tiến bộ nói trên cho thấy một điều rằng: Về dầu khí đốt, Mỹ có thể là lựa chọn thay thế Nga trong tương lai. Đây được xem là một quân bài để tạo đối trọng về ảnh hưởng toàn cầu với Nga.

Trong cuộc khủng hoảng Ukraine hơn nửa năm qua, Nga có vị thế khá chủ động trong nhiều diễn biến. Gần đây nhất, Ukraine buộc phải chấp nhận mức giá khí đốt 385 USD mà Nga đưa ra nhưng vẫn chưa được cung cấp dầu trở lại do chưa thanh toán khoản nợ hơn 3 tỷ USD.

Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) luôn trong tình trạng lo lắng về những mùa đông băng giá thiếu khí đốt bởi khu vực này vẫn đang phụ thuộc 1/3 nhu cầu khí đốt nhập từ Nga, trong đó một nửa trung chuyển qua Ukraine.

Mặc dù vậy, diễn biến giá dầu giảm sâu trong vài tháng qua, nguồn cung dầu thế giới tăng, cùng với khả năng Mỹ có thể phê chuẩn cho hàng loạt các DN thúc đẩy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng, cho thấy quân bài chiến lược dầu khí của Nga đang bị lung lay. Ông Putin có lẽ cũng lo ngại về sự đảo ngược hoặc thay đổi cán cân quyền lực dầu khí đốt trong tương lai.

Trong khi Mỹ đang không ngừng tăng sản lượng dầu thô và khí đốt nhờ cuộc cách mạng dầu khí đá phiến thì nhiều nước Trung Đông như các nước OPEC cũng sản xuất nhiều dầu hơn, vượt định mức hạn ngạch mà chính họ đề ra. Giá dầu giảm và vị trí thống trị về dầu khí đang lung lay có lẽ là vấn đề lớn đối với Nga. Những giải pháp thuần túy về mặt công nghệ, kỹ thuật của Mỹ đang đánh đúng vào thế mạnh của Nga.

Văn Minh
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/204114/quan-co-moi--obama-pha-vo-the-tran-cua-putin-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét