Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Vòm trần Thương xá Tax: Chuyện 1001 đêm Sài Gòn

Vòm trần Thương xá Tax: Chuyện ngàn lẻ một đêm Sài Gòn
Ngày 26/11/1924, khánh thành thương xá Tax ở Saigon, tờ Écho Annamite của Pháp số ra ngày 27/22/1924 đã viết “Một trong những mảnh đất trong mơ của Ngàn Lẻ Một Đêm...”. Hoàng Hậu Scheherazade mỗi đêm kể cho vua Ba Tư nghe một chuyện phiêu lưu, nhờ vậy thế giới Ả Rập càng thêm giàu có với bộ chuyện thần thoại Ngàn Lẻ Một Đêm thời hoàng kim. Xin ghi lại vài kỳ tích Ngàn Lẻ Một Đêm Saigon trước khi bị lãng quên.
Kiến trúc sư Vũ Quang Duy viết “...Khách hàng đặt chân vào bên trong trung tâm mua sắm này sẽ có cảm giác mình là thánh vì được bước lên những bậc thang grand stairs, trên đầu là không gian trống xuyên suốt 3 tầng lầu, tạo nên một atrium cao gấp 4 lần bình thường”. Quả thật, Cầu Thang Lớn ở Tax mở ra một thế giới khác, rộng tới nỗi bé con leo vội leo vàng như muốn bay bổng lên cao xem có gì trên đó

Tại sao Tax có vòm Trần Cao?
Câu trả lời đến từ nơi rất xa, xứ Ngàn Lẻ Một Đêm. Văn minh vùng Cận Đông biết dùng hương liệu từ nhiều ngàn năm trước. Năm 3000BC người Ai Cập ướp xác bằng hương liệu. Người Ba Tư tô vẽ “Trầm Hương đợi người nơi cửa thiên đàng, môi xinh ăn muỗng vàng, chải tóc bằng lược bạc, mồ hôi thơm ngát mùi xạ hương”.  Họ không ngờ trầm hương đến từ “Giỏ Hoa Nhiệt Đới” Đông Nam Á. Nhu cầu đi tìm những hương liệu quí ấy khiến thương nhân khối Cận Đông đổ xô ra biển nên mới có  thủy thủ Sinh Bá trong chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm.
Mãi thế kỷ 15 Âu Châu vẫn không biết những hương liệu thần thánh ấy đến từ đâu. Họ đoán những vật quí báu ấy từ châu Phi theo chân thương nhân Ả Rập đến thị trường Địa Trung Hải. Tìm kiếm và cung cấp sản phẩm này là động lực của khám phá viễn chinh mang cả lợi ích lẫn chiến tranh.  Nước Pháp vì vậy khi chiếm được vùng Saigon năm 1859, rồi chiếm được ba xứ Bắc Phi (Algérie-Maroc-Tunisie) năm 1912, đặt tên cho Saïdia (bãi biển biên giới Algérie-Maroc) là Hạt Trai Xanh/ Perle Bleue và Saigon là Hạt Trai Viễn Đông/La perle de l'extrême-orient.  Pháp mang kiến trúc Islam và kiến trúc Tây phương tới những thuộc điạ của mình, trong đó có vòm trần.
Hai điều căn bản nơi kiến trúc Hồi giáo là ánh sáng và màu sắc. Ánh sáng mang lại sự sống. Người Ba Tư cổ sáng lập Hỏa giáo Zoroastrian thờ ánh sáng thờ lửa. Sang tới Trung Hoa gọi là Minh giáo. Trong kiến trúc Hồi giáo, nóc vòm tròn tượng trưng cho ánh sáng từ trời bao la. Điều thiện là hóa thân của Ánh Sáng. Điều Ác là hóa thân của Bóng Tối. 
Từ Liên Xô tới Thổ Nhĩ Kỳ, từ Iran tới Irak, Tây Ban Nha tới Algérie, từ Uzbekistan qua Pháp …đều thấy đền đài hay nóc giáo đường có hình phân nửa quả cầu tròn. Cũng xin nói thêm, người Việt gọi chung là đạo Hồi-người Hồi, không phân biệt Muslim  العربية  chỉ tín đồ, còn Islam  الإسلام là một ý niệm bao la gồm tôn giáo, kiến trúc, đền đài, sử thi, đóng sách, đồ gốm, đồ thủy tinh, thương mại, chữ viết calligraphy....Cũng không phải chỉ tín đồ Islam mới học hay áp dụng văn hoá Islam.
Pháp mang  cửa hàng bách hóa vào Đông Dương
Cuối  thế kỷ 19, các cửa hàng bách hóa (Grands Magasins, Department Stores) ở Paris xuất hiện rất thành công.  Ở Paris, tòa nhà Galeries Lafayette được xây dựng và hoàn thành vào năm 1912.  Ở Hà Nội, Maison Godard tức Grands Magasins Réunis ở đường Paul Bert  (Tràng Tiền ngày nay) xây khoảng 1900. Ở Sài Gòn, Grands Magasins Charner  tức Thương xá Tax xây năm 1921. Khánh thành ngày 26/11/1924. 
Vòm tròn Galeries Lafayette vẫn còn nguyên như ảnh dưới đây:

Vòm trần trong Galeries La Fayette nhìn từ lầu ban công 
(Ảnh Nguyễn Đức Hiệp 8/2014)
Vòm tròn thương xá Tràng Tiền (tạm thời đóng cửa), cũng còn nguyên như ảnh dưới đây:
Vòm tròn cao của  thương xá Tax chính là viên ngọc trai trôi từ Cận Đông tới Viễn Đông, nối giấc mộng viễn du của thủy thủ Sinh Bá. Năm 1942, vòm tròn bị phá để cơi thêm tầng thứ ba. Đồng hồ lớn đặt ở đó cũng biến mất không biết về đâu. 
 Vòm của Tax không tròn nữa mà là một mặt phẳng như trong hình duới đây, Ảnh: Cổ Minh Tâm (chụp trước khi Tax bị đóng cửa ngày 25/9/2014).   
Tại sao người Pháp lấy mô-típ Islam cho Thương xá Tax?
Rảnh tay sau Thế chiến I, Pháp thanh toán nợ nần ơn nghĩa.  Năm 1922 để  đền ơn người  Muslim hy sinh tới 70.000 người bảo vệ  nước Pháp trong Thế chiến I (1914-1918), chính phủ Pháp cho xây cất ngôi đền đặt tên là Grande Mosquée de Paris  theo phong cách Neo-Mudéjar,  trở thành một trong năm ngôi đền Islam lớn nhất nước Pháp. Tổng thống Pháp Gaston Doumergue khánh thành ngày 15/07/1926, được vua Maroc là Moulay Youssef  bảo trợ.  Lúc đó chủ trương (ít ra ngoài mặt) của Pháp là “Hoà Bình và Huynh Đệ”
 
Vòm tròn ở Grande Mosquée de Paris

Năm 1921 công ty “Société Coloniale des Grands Magasins” được thành lập với số vốn 12 triệu francs từ công ty mẹ “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine/Tổ hợp Thương Mãi Đông Dương và người Phi Châu” mua lại toà nhà Grands Magasins Charner ở Saigon xây theo kiến trúc tương tự như Grands Magasins Réunis ở Hà Nội.  Pháp dùng chung kiến trúc Islam từ thuộc địa là ba xứ Algérie-Maroc-Tunisie  cho thuơng xá Charner Saigon là chuyện dễ hiểu.
Thương xá Charner (tức thương xá Tax) và Mosquée de Paris xây cất và khánh thành hầu như cùng thời gian, chứng tỏ người Pháp lúc đó một là ngưỡng mộ kiến trúc Islam, hai là vì lý do chính trị, muốn đẹp lòng người Muslim. Mosaic ở cầu thang dẫn lên lầu hai thương xá Tax và vòm trần Grande Mosquée de Paris giống nhau: nhiều mầu sắc, không theo mô-típ đối xứng nghiêm khắc của Maroc nhưng uyển chuyển theo kiểu Persian/Ba Tư pha chút Roma/La Mã. 
Thương xá Tax, vòm tròn cao biến mất rồi chỉ còn vài miếng Mosaic. Nếu theo đúng lịch trình sẽ bị phá dỡ đầu tháng 11/2014, thọ đúng 90 tuổi. Năm 2014, không chỉ riêng ngành kiến trúc mỹ thuật Việt lưu tâm tới số phận của ba miếng Mosaic, mà cả thế giới Islam cũng chờ đợi xem định mệnh có mỉm cười với cuộc gặp gỡ ngoạn mục của ba nền văn minh Cận Đông, châu Phi, La Mã qua ba miếng Mosaic.  
Tin mới nhận : cầu thang (grand stairs) và khu vực Mosaic đang được bảo vệ chặt chẽ, chờ quyết định của UBND TPHCM về phương cách và phương pháp bảo tồn. Hiện chỉ mới phá dỡ khu vực nhà giữ xe. Âu cũng là điều đáng mừng trước mắt.
---- 
Bài của nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Trần Thị Vĩnh Tường gởi cho báo.
Trần Thị Vĩnh-Tường/California
http://plo.vn/thoi-su/vom-tran-thuong-xa-tax-chuyen-ngan-le-mot-dem-sai-gon-505814.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét