Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Công an không thể bảo vệ du khách?

Công an không thể bảo vệ du khách?
Công an về cơ bản là kém cỏi trong đối phó với tội phạm, kém cỏi về cả mặt chuyên môn, không được đào tạo những kỹ năng tốt. Những người này được chọn vào ngành công an không phải vì giỏi chuyên môn, mà là do quen thân. Vậy nên, họ cũng không gặp rắc rối gì vì sự kém cỏi của chính họ. Họ chĩa mũi chỉ trích nhằm vào du khách và rằng nếu chẳng may có ai kêu là bị mất đồ, họ sẽ nói chẳng lẽ anh/chị không đọc kỹ cảnh báo mà chúng tôi đưa ra hay sao. Họ không đối phó trực diện với nạn cướp giật mà chỉ cảnh báo du khách mà thôi.
000_Hkg10104839.jpg
Một người bán hàng rong đang chèo kéo du khách nước ngoài. AFP photo
Việc công an thành phố Hồ Chí Minh phát tờ rơi cảnh báo du khách nước ngoài về tình trạng cướp giật, lừa gạt lan tràn ở đây gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Phe ủng hộ thì nói đây là việc làm đúng đắn trong khi phe phản đối nói rằng giới an ninh chỉ chữa phần ngọn chứ không chữa tận gốc của vấn đề.

Nạn cướp giật ở TP HCM không phải là chuyện mới và mỗi ngày tình trạng này càng tăng cao. Những nhóm cướp giật túi xách của người đi đường, bất kể người nước ngoài hay Việt Nam. Có những trường hợp những người này còn trộm xe, cướp đồ trong cốp xe máy của người dân nơi đây.

Mới đây, công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hàng loạt tờ rơi tới du khách nước ngoài vào thành phố, cảnh báo vấn nạn này đối với người nước ngoài. Tờ rơi có tiêu đều: Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vốn là một câu nói nổi tiếng trong dân gian Việt Nam, ý nói rằng du khách cần biết trước những điều trên mà phòng tránh.

Các vấn nạn họ đưa ra gồm có móc túi, gian lận khi tính tiền xe taxi, xích lô, xe ôm hay chuyện mặc cả mua hàng. Vì thế, công an cảnh báo du khách nên giữ túi tiền sát người, và chỉ nên dùng dịch vụ của các hãng có tên tuổi và tiêu tiền hợp lý.

Trả lời phỏng vấn của tờ VTC News, Trung tá Nguyễn Văn Phước, trưởng công an phường Phạm Ngũ Lão ở TP HCM, cho biết sở dĩ có hoạt động phát tờ rơi cảnh báo do tình trạng cướp giật nhắm vào người nước ngoài ngày càng tăng. Ông cũng cho hay người nước ngoài phản ứng rất tích cực trước động thái này của công an thành phố.

Minh Thư, 27 tuổi, sống ở Sài Gòn bốn năm, cho biết mặt tốt của hành động này là giúp cho du khách hiểu được tình hình của thành phố. Chị nói:

Nó làm cho du khách cảnh giác cao hơn để bảo vệ tài sản và tính mạng của bản thân, vì nhiều khi khi bị giật túi có thể bị ngã. Nâng cao tinh thần cảnh giác là rất tốt.

Thông tin về việc phát tờ rơi cũng gây xôn xao trên mạng xã hội Facebook. Blogger Mẹ Nấm thì nói rằng đây là một việc làm dũng cảm của công an thành phố Hồ Chí Minh, rằng họ thừa nhận sự kém cỏi của bản thân. Những người khác còn nói đùa rằng các ngành khác cũng nên đi học ngành công an, cảnh báo những vấn nạn như thế. Chẳng hạn như ngành giao thông có thể phát đi thông tin rằng đi máy bay có thể trễ hoặc ngành giáo dục cảnh báo rằng học xong đại học có thể không kiếm được việc.

Chỉ chữa phần ngọn 

Một doanh nhân người Hà Lan đã sống và làm việc ở TP HCM bảy năm nay thì cho rằng chính quyền chọn cách dễ nhất, nhàn nhất để đối phó với nạn trộm cướp. Ông cho biết:

giaoduc.net-400.jpg
Công an hướng dẫn du khách trên tờ rơi. Photo courtesy of giaoduc.net
Có thể họ nghĩ rằng đây là cách hữu hiệu nhất để đối phó với tình trạng cướp giật, lừa đảo. Rõ ràng đây là cách rẻ mạt nhất vì tất cả những gì họ phải làm là viết ra những lời cảnh báo và in chúng ra.

Doanh nhân này cho hay trong suốt bảy năm sống ở TP HCM, ông chứng kiến tình trạng nạn cướp giật gia tăng không chỉ nhắm tới du khách người nước ngoài mà cả người dân Việt Nam bình thường. Trong khi đó, lực lượng công an lại bất lực và kém cỏi, họ không biết làm thế nào để giải quyết triệt để tình trạng này. Ông nói hiện nay các nhóm cướp mới chỉ thực hiện hành vi cướp của một cách thô sơ, nếu họ áp dụng nhiều công nghệ cao thì giới an ninh sẽ mất phương hướng trong đối phó.

Vị doanh nhân này nói:

Công an về cơ bản là kém cỏi trong đối phó với tội phạm, kém cỏi về cả mặt chuyên môn, không được đào tạo những kỹ năng tốt. Những người này được chọn vào ngành công an không phải vì giỏi chuyên môn, mà là do quen thân. Vậy nên, họ cũng không gặp rắc rối gì vì sự kém cỏi của chính họ.

Những kẻ trộm cướp nếu có bị bắt thì cũng chỉ bị giam giữ một thời gian ngắn, có khi họ còn được chính quyền xét khoan hồng, mãn tù trước thời hạn. Vị doanh nhân này cho rằng điều đó rất nguy hiểm vì chính quyền lại thả ra những tội phạm gây rối trật tự đường phố khi họ chưa hoàn lương.

Doanh nhân này còn nói việc cảnh báo du khách thực ra là đẩy trách nhiệm giữ an ninh cho chính các du khách nước ngoài này. Trong khi việc này là thuộc trách nhiệm của giới an ninh. Vị doanh nhân này cho hay:

Họ chĩa mũi chỉ trích nhằm vào du khách và rằng nếu chẳng may có ai kêu là bị mất đồ, họ sẽ nói chẳng lẽ anh/chị không đọc kỹ cảnh báo mà chúng tôi đưa ra hay sao. Họ không đối phó trực diện với nạn cướp giật mà chỉ cảnh báo du khách mà thôi.

Chị Minh Thư, từng sống ở Sài Gòn bốn năm, thì cho rằng việc cảnh báo về tình trạng cướp giật chỉ càng làm xấu thêm bộ mặt của thành phố. Chị cho hay:

Việc cảnh báo người nước ngoài chỉ khiến họ có cái nhìn không tốt về đất nước mình, rằng đất nước mình không an toàn, không tốt đẹp. Không có nước nào lại đi viết cảnh báo như thế cả. Hơn thế nữa, trước khi đến nước ngoài, bất cứ du khách nào cũng phải nghiên cứu trước.

Cả doanh nhân Hà Lan và Minh Thư cùng nhiều người trên mạng xã hội đều cho rằng lực lượng công an cần tăng cường nghiệp vụ trong chính lực lượng để giúp cải thiện an ninh ở Sài Gòn. Chính việc đó mới giúp giảm nạn cướp giật ở thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải những tờ đơn cảnh báo.

Sau khi nhận được nhiều ý kiến trái chiều, công an TP HCM đã tạm ngừng phát tờ rơi cho du khách. Đây là một động thái cho thấy công an thành phố đã kịp thời tiếp thu ý kiến của người dân và sửa sai lầm.
 
Hoài Vũ, phóng viên RFA 
2014-10-29 
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police-hcmc-distribut-leaflet-warn-tourist-ab-theft-hv-10292014121526.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét