‘Sếp’ nhận lương hưu 65 triệu/tháng: 'Nói về lương của tôi là vô duyên!'
Ngay sau khi có thông tin xôn xao về việc ông Nguyễn Minh, nguyên Tổng giám đốc Nhà máy bia Huda Huế nhận mức lương hưu hơn 65 triệu đồng/tháng, phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện với ông Minh xung quanh vấn đề này. Lương hưu 65 triệu đồng: Tuy gây sốc, nhưng lại “rất hợp lý”!
Thưa ông, có người cho rằng với mức lương hưu lên tới 65 trệu đồng/tháng, có lẽ ông nhận lương hưu cao nhất Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Nguyễn Minh: Lương bình quân của tôi có thời điểm lên đến 10.000 USD/tháng, cuối năm 2000 về hưu tôi đã hưởng hơn 10 triệu/tháng, tôi đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) rất cao, lên đến 72%. Sau đó, tăng lương liên tục hàng năm. Có năm tăng 2 lần theo mức lương tối thiểu người lao động. Riêng năm 2001-2014 là chưa tăng. Vì thế, lương 10.000USD/tháng nhưng thực chất tôi bỏ túi có hơn 3.000 USD.
Cho nên, cần phải nói lại cho rõ rằng, không phải về hưu lương tôi cao, mà là do sau khi về hưu tăng lương liên tục, có lúc tăng 30% theo mức lương tối thiểu của người lao động. Tôi lương to thì tăng to, “sóng to thì thuyền to”. Thậm chí tôi còn biết có người còn cao hơn tôi nữa, nhưng họ đã chết rồi mình nói làm chi.
Ông nghĩ sao về vấn đề lương của ông được đưa ra thảo luận tại diễn đàn Quốc hội?
Tôi nghĩ họ đưa vấn đề cá nhân của tôi ra thật là vô duyên! Mục tiêu đưa ra để làm gì?
Lương của tôi, tôi đâu có can thiệp được bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội tự quản lý hết, tôi không có quyền can thiệp vào đó. Thậm chí tôi cũng không biết cơ quan bảo hiểm nó nằm ở đâu nữa.
Tôi nghĩ họ đã xúc phạm tôi, làm cho mọi người biết về mình, trong khi vấn đề không cần biết. Nói phạm pháp thì hơi quá, nhưng rất vô duyên.
Bởi tôi vẫn biết, ở Việt Nam vẫn còn tồn tại tính ghen ăn tức ở. Họ đâu biết quá trình mình làm việc của tôi như thế nào, trong khi quỹ bảo hiểm là quỹ để dành.
Trước đây, tôi là Giám đốc Sở Công nghiệp, thời điểm 1989 đã nhận lương 550.000 đồng/tháng; rồi làm Phó giám đốc Sở Bình Trị Thiên, lương cũng cao ngất ngưởng.
Lúc tôi về tỉnh này, tôi là 1 trong 2 tiến sĩ đầu tiên ở Huế (có một ông làm bên thủy lợi nữa). 5 năm cuối làm việc cho nhà máy bia Huda (tức là vừa làm việc cho Nhà nước, vừa làm việc cho liên doanh). Mình làm 33 năm 1 tháng, làm liên doanh càng lâu thì lương càng thấp. Bảo hiểm Việt Nam chia 5 năm cuối, còn nước ngoài (liên doanh) chia hết 33 năm luôn. Vì họ chưa hiểu luật liên doanh chia hết các năm làm việc. Là phải lấy tổng quỹ tiền lương chia hết số năm làm việc nên phát ngôn bừa bãi.
Tôi đã biết trước thế nào cũng có chuyện này xảy ra. Tôi không hiểu họ đưa ra để làm gì. Mà nếu họ tính cho tôi có sai, thì cái sai của tôi không phải điển hình.
Ông có thể tiết lộ thêm vì sao mình có mức lương cao như vậy?
Tôi là người đầu tiên làm đề án xây dựng nhà máy bia Huda Huế, là người “đẻ” ra công ty Huda sau này. Tôi đã đi khắp nơi để tìm đất làm nhà máy. Sau khi gây dựng được nhà máy, năm 1995, tôi cũng là người đầu tiên xuất bia Huda sang thị trường Mỹ, với giá bán 2.300 đồng/chai Huda.
Lúc đó bia Huda tại thị trường Việt Nam hút hàng, có lúc “cháy” hàng, trong 1 năm mà 3 lần tăng giá, cho đến khi về hưu, tôi vẫn giữ giá bia: 4.500 đồng/chai. Nhà máy bia lúc đó đóng ngân sách nhà nước hơn 10 tỉ đồng (năm 1991), năm sau 20 tỉ đồng, cứ thế lên dần.
Sau này các đối tác như Tiger bia, và Đan Mạch vào đầu tư. Tôi mới chọn đối tác Đan Mạch. Làm ăn với nước ngoài, làm được việc nên mức lương mới cao, mà lương cao thì về hưu cũng cao như vậy.
Cảm ơn ông!
Căn biệt thự của ông tại đường Minh Mạng, sau lưng đàn tế Nam Giao, thành phố Huế. - Ảnh: Nguyễn Phương (Một Thế Giới)
Nguyễn Phương thực hiện
Như tin đã đưa, tại phiên thảo luận của Quốc hội về sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội vừa diễn ra, có thông tin cho biết lương hưu khủng của nguyên Tổng giám đốc Công ty Bia Huế lên đến hơn 65 triệu đồng/tháng.
Tại sao lương hưu của vị này cao như vậy? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Tiếu, phó giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói tiền lương hưu của ông Nguyễn Minh - nguyên Tổng giám đốc Công ty Bia Huế - cao như vậy là do quy định nhà nước về BHXH.
Theo ông Tiếu, ông Nguyễn Minh về hưu tháng 12.2000, tổng thời gian đóng BHXH là 397 tháng (33 năm 1 tháng). Vào thời điểm nghỉ hưu, lương hưu của ông Minh là 10.020.182 đồng. Mức lương này được tính trên cơ sở bình quân tiền lương năm năm cuối của giai đoạn đóng theo thang bảng lương nhà nước, cộng với tiền lương của ông Minh trong thời gian làm tại Công ty Bia Huế.
Cụ thể, từ tháng 9.1967 đến tháng 8.1994 ông Minh đóng BHXH mức 555 (tức 5,26) theo thang bảng lương nhà nước. Từ tháng 9.1995 đến khi nghỉ hưu (năm 2.000), ông Minh đóng BHXH theo mức tiền lương tổng giám đốc Công ty Bia Huế (bấy giờ là doanh nghiệp liên doanh với Đan Mạch, thuộc khu vực ngoài nhà nước).
Trong thời gian công tác tại công ty Bia Huế, tiền lương của ông Minh tăng từ mức 11 triệu vào năm 1994 lên đến hơn 76 triệu đồng vào năm 1999, có giai đoạn ông Minh hưởng lương lên tới 10.000 USD. Từ khi nghỉ hưu đến nay, lương hưu của ông Minh được điều chỉnh 14 lần theo quy định của Nhà nước, lên mức 65.280.201 đồng.
Ông Tiếu còn nói, ông Minh đóng BHXH trước khi có Luật BHXH vào năm 2005 nên không bị khống chế mức hưởng tối đa. Từ năm 2006, mức tiền lương BHXH bị khống chế không vượt quá 20 lần tiền lương tối thiểu chung (tức tiền lương cơ sở).
Do vậy, không có trường hợp tiền lương hưu tăng đột biến như ông Minh. Hiện tại, Thừa Thiên - Huế cũng có vài trường hợp lương hưu cao nhưng không cao đến mức như ông Minh. (theo Tuổi Trẻ)
http://motthegioi.vn/tieu-diem/sep-nhan-luong-huu-65-trieuthang-noi-ve-luong-cua-toi-la-vo-duyen-114969.html
Lương hưu 65 triệu đồng: Tuy gây sốc, nhưng lại “rất hợp lý”!
Ảnh TL (minh họa)
Chính xác: 65,2 triệu đồng là lương hưu hằng tháng hiện tại của ông cựu Tổng giám đốc Công ty bia Huế! Con số được đưa ra tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới đây, mà theo nhận xét của đại biểu, lương hưu ấy cao gấp nhiều lần lương đương chức của Chủ tịch Quốc hội.
Theo các chuyên gia, suất lương hưu trên tuy gây sốc, nhưng lại “rất hợp lý” trong trường hợp cụ thể này. Bởi nó được tính dựa trên số tiền và cách thức vị sếp nọ đóng bảo hiểm trước đó, khi Luật Bảo hiểm Xã hội (2006) chưa ra đời. Nên cũng không có gì phải thắc mắc. Có chăng chỉ thêm một bằng chứng cho thấy sức tiêu xài vào bia bọt của dân ta vào hạng dữ dội, mới tạo ra mức lương hưu, dù đã khấu trừ đủ thứ mà vẫn còn “khủng” đến thế.
Để ngăn chặn nguy cơ vỡ quỹ lương hưu, dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội lần này hướng đến việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội và giảm lương hưu theo cách tính mới. Vì các chuyên gia cho rằng đang có sự mất cân đối lớn giữa mức đóng bảo hiểm với việc hưởng lương hưu, nói cách khác là đang còn “đóng ít, hưởng nhiều”.
Thực tế, ngoài cá biệt bộ phận, ngành được hưởng lương hưu cao, thì đại đa số những người về hưu hiện nay lương hưu rất thấp. Các nhà xây dựng luật cho rằng phải hướng đến nguyên tắc lương hưu chỉ là khoản bù đắp cho hao phí lao động được hưởng khi tuổi già, chứ không hướng đến việc “phải sống đàng hoàng bằng lương hưu”.
Nhưng trong bối cảnh Việt Nam, với số đông, đồng lương đang đi làm cũng còn không đủ sống hằng ngày, lấy đâu mà tích lũy cho tuổi già, nên khi già cả ốm yếu còn biết trông cậy vào đâu ngoài suất lương hưu ? Bởi vậy, đại biểu Quốc hội mới đây đề nghị nếu ngân sách khó khăn không thể tăng lương đồng đều, thì cũng phải phân loại những nhóm người hưởng lương thấp để tăng.
Lương thấp và rất thấp, hầu hết rơi vào những người lao động trực tiếp, trần thân không một mảnh chức tước. Còn bộ phận gián tiếp, hưởng lương theo hệ số chức vụ thì cứ phình ra ngốn lương cao ngất. Bởi vậy, dễ thấy trong guồng máy công chức nhà nước “cắp ô” hiện nay, nhiều bộ phận cứ 2 người lại có 1…tổ trưởng, vài người lại đẻ ra một phó phòng. Gắn chức vụ vào để được hưởng lương, thưởng cao chứ chẳng được tích sự gì. Thành phần ấy đông đảo đến nỗi có đại biểu Quốc hội phải than: “Không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này”.
“Bóp” lương hưu lại để có đủ tiền chi, để khỏi vỡ quỹ bảo hiểm, cũng là một cách. Để hợp lý và khoa học hơn, tránh những suất lương hưu 65 triệu. Nhưng đó vẫn không phải là trung sách, thượng sách. Trong khi những trăm tỷ, ngàn tỷ thuế dân vẫn bị đem ném sông ném biển, phơi nắng mưa không hề tiếc xót, và chui vào túi của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ.
Hãy bóp mạnh, bóp đúng, bóp đau ngay vào thói chi tiêu công quỹ như phá như đốt của “một bộ phận không nhỏ” ấy, của các cơ quan ban ngành, địa phương, các doanh nghiệp nhà nước hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét