Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Trung Quốc phản ứng hợp tác dầu khí Việt-Ấn

Trung Quốc phản ứng hợp tác dầu khí Việt-Ấn
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa). Việc thăm dò dầu khí hợp pháp và chính đáng thì không có vấn đề gì với chúng tôi. Tuy nhiên nếu hoạt động thăm dò này gây phương hại đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc thì chúng tôi kiên quyết phản đối,”
VIệt-Ấn liên tục có các chuyến thăm viếng cấp cao
Trung Quốc tuyên bố phản đối bất cứ việc thăm dò dầu khí nào ‘phương hại đến chủ quyền' của nước này ở Nam Hải (Biển Đông) sau khi có tin Việt Nam và Ấn Độ vừa ký một thỏa thuận thăm dò khai thác dầu khí.

Thỏa thuận về hợp tác dầu khí giữa tập đoàn dầu khí quốc gia của hai nước là ONGC Videsh và PetroVietnam đã được ký kết hôm thứ Ba ngày 28/10 trong khuôn khổ chuyến công du Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

‘Kiên quyết phản đối’

Khi được hỏi về diễn biến này, cũng trong ngày 28/10 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói:

“Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa). Việc thăm dò dầu khí hợp pháp và chính đáng thì không có vấn đề gì với chúng tôi. Tuy nhiên nếu hoạt động thăm dò này gây phương hại đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc thì chúng tôi kiên quyết phản đối,” ông Hồng nói.

Trước đó, Trung Quốc đã từng chỉ trích việc New Delhi hợp tác dầu khí với Hà Nội trên Biển Đông.

“Quốc gia có liên quan cần tôn trọng các nước trực tiếp có tranh chấp ở Nam Hải, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán và tìm cách duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực,” ông Hồng nói thêm.

Tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC đã xem xét tính khả thi của năm lô dầu trên Biển Đông mà Việt Nam chào mời hồi tháng 11 năm ngoái.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin rằng New Delhi đã quyết định đồng ý khai thác từ hai đến ba lô kể trên dự trên báo cáo khả thi của ONGC.

Trước khi hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Narendra Modi, ông Dũng đã nói với hãng thông tấn PTI của Ấn Độ rằng nước ông muốn Ấn Độ ‘đóng vai trò tích cực’ đối với các tranh chấp trên Biển Đông.

Về phần mình, Thủ tướng Modi phát biểu sau cuộc hội đàm rằng Ấn Độ cam kết sẽ giúp Việt Nam tăng cường sức mạnh quân sự, hãng tin Reuters cho biết.

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng trước, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã ký một thỏa thuận quốc phòng để cấp cho Việt Nam một khoản tín dụng trị giá 100 triệu đô la Mỹ.

Theo đó, Việt Nam sẽ dùng số tiền này để mua các tàu tuần tra của Ấn Độ.

Ông Modi, người mới lên cầm quyền ở Ấn Độ, được hãng tin AFP dẫn lời nói mối quan hệ quốc phòng với Việt Nam nằm trong số ‘những mối quan hệ quan trọng nhất của Ấn Độ’.

“Ấn Độ cam kết giúp Việt Nam hiện đại hóa lực lượng quốc phòng và an ninh,” ông nói.

Thủ tướng Ấn Độ cũng kêu gọi ‘kiềm chế’ và ‘tự do hàng hải’ trên Biển Đông.

“Hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông không thể bị cản trở,” thông cáo chung sau cuộc hội đàm cho biết.

“Hai nhà lãnh đạo đã kêu gọi các bên có liên quan kiềm chế, tránh đe dọa hay sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trong khuôn khổ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi,” thông cáo viết.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/10/141029_honglei_india_oil_exploration

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét