Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Ai chịu trách nhiệm trước những linh hồn ấy?

Mắc nợ những oan hồn...
TT - “Đọc báo Tuổi Trẻ mấy hôm nay đau lòng quá em ơi...” - một đại biểu Quốc hội nhắn tin cho tôi trước giờ vào họp. Hỏi chuyện gì khiến đau lòng thì vị đại biểu bảo rằng đó là cái chết của ông Nguyễn Chua do dây cáp bị đứt khi đu dây qua sông Krông Ana (Krông Bông, Đắk Lắk).

Hiện trường vụ tai nạn đau lòng
Là câu hỏi “Mẹ có sống lại được không?” của bé Cẩm Huyền, 5 tuổi (ở Thoại Sơn, An Giang) hỏi những người đi đưa tang mẹ của em, chị Kim Ngọc, tử vong vì tai nạn giao thông trên đường đi sinh, để lại cảnh tượng kinh hoàng: thai nhi văng ra đường. Ai chịu trách nhiệm trước những linh hồn ấy?

Tôi đem chuyện này đến bên hành lang nghị trường chia sẻ với một số đại biểu Quốc hội. Tất cả đều cảm thấy buồn. Tại sao trên một đất nước hòa bình mà số người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm lên đến hơn chục ngàn người?

Đau hơn, chúng ta hạ quyết tâm phải khắc phục bằng được điều đó, nhưng xem ra giống như Đông Ki Sốt đánh nhau với cối xay gió. Phải làm gì nữa và phải trong bao lâu để người dân thật sự có cuộc sống yên bình?

Hạ tầng kém, phương tiện chất lượng không cao, thiếu tiền đầu tư, tiêu cực hay ý thức, văn hóa là nguyên nhân chính?

Người ta sẽ có nhiều cách để lý giải, chẳng hạn có người cho rằng tiêu cực là một trong những nguyên nhân gián tiếp gây ra những cái chết oan khiên.

Nếu lực lượng kiểm soát giao thông tận tụy hơn với công việc; nếu những con đường không bị thi công bừa bãi, không bị “rút ruột” chỗ nọ chỗ kia; nếu mỗi người vi phạm luật lệ giao thông nói không với chung chi... thì có lẽ tai nạn trên đất nước này không nhiều đến thế.

Và nếu lãng phí không như một bệnh dịch mà Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị có lần lên tiếng ở Quốc hội là “còn gây hại hơn cả tham nhũng” thì chắc Nhà nước sẽ có tiền xây hàng trăm cây cầu thay cho những “sợi cáp dân sinh”.

Vào kỳ họp cuối năm, Quốc hội dành nhiều thời gian để nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.

Trong các báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, nội dung đánh giá về tình hình xã hội thường rất khiêm tốn, dung lượng ngắn và được trình bày ở phần cuối của mỗi bản báo cáo.

Số đại biểu có ý kiến về các vấn đề xã hội cũng ít hơn rất nhiều những thảo luận về kinh tế. Nhưng những vấn đề xã hội, không chỉ là tai nạn giao thông và những sợi cáp treo, lại đang tỉ lệ nghịch với dung lượng trong các bản báo cáo này.

Có đại biểu từng đề nghị Quốc hội coi tai nạn giao thông là tình trạng khẩn cấp. Đoàn đại biểu TP.HCM cũng vừa khẩn cấp gửi văn bản kiến nghị lên Chủ tịch Quốc hội, đề nghị cho TP được áp dụng giải pháp đặc biệt để giải quyết tình trạng con nghiện ma túy đang tràn lan ngoài xã hội...

Tất cả những gì đang đe dọa đến mạng sống của người dân đều phải được giải quyết khẩn cấp, nếu không sẽ mắc nợ các oan hồn như ông Nguyễn Chua, chị Kim Ngọc...


LÊ KIÊN
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20141028/mac-no-nhung-oan-hon/663982.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét