Bước qua lời nguyền
Truyện ngắn: Tạ Duy Anh
Tôi phải nhớ rằng thành phần gia đình tôi bần nông. Dĩ nhiên bần nông là gì, nó khác địa chủ, phú nông ở chỗ nào thì tôi không biết. Đầu óc trẻ con của tôi làm sao hiểu được những quy định thiêng liêng ấy. Con bé có cái tên rất thành thị: Quý Anh. Nó kém tôi một tuổi, là đứa duy nhất trong lớp có lý lịch phức tạp như lời người lớn vẫn nói. Ngày ngày nó đi học cùng với chúng tôi nhưng bao giờ cũng sau một đoạn:
- Mày là con địa chủ bóc lột!
Văng vẳng bên tai Quý Anh suốt thời cấp một là những lời trêu chọc như vậy. Dường như ý thức được số phận của mình, nó luôn luôn sợ hãi xung quanh. Chiếc mũ rơm bao giờ cũng che sụp gần hết mặt. Vào lớp nó ngồi khép nép ở bàn cuối.
Khi cô giáo của chúng tôi giảng bài “Đôi bạn” thì Quý Anh trở thành tên tội phạm thực sự. Đoạn con hươu được con rùa mách, đá lão địa chủ ngã nhào, một đứa ngồi giữa lớp hét toáng lên: “Bố con Quý Anh đấy! Chết cha bọn địa chủ đi”. Cả lớp cười khoái chí trong khi Quý Anh gằm mặt xuống bàn. Nó không khóc nhưng gương mặt đờ đẫn tới mức chính cô giáo phải chữa lại: “Không phải bố Quý Anh đâu. Chỉ là một thằng bạn của bố em ấy thôi”.
Tan học, đám trẻ con chúng tôi ùa nhau chạy trên đê Chùa, Quý Anh tụt lại, lủi thủi như con chó con bị đàn ruồng bỏ. Nó tưởng thế là thoát, nào ngờ hôm đó chúng tôi quyết định “đấu” con bé thay bố nó.
Mặt tái mét, Quý Anh bị xô đi đẩy lại, đứng vào giữa vòng tròn. Thoạt đầu một đứa con gái trong đám bần nông cầm roi quất vào người Quý Anh:
- Tại sao mày bóc lột nhân dân?
Quý Anh ôm chặt chiếc cặp sách, mắt trống rỗng nhìn đám đông. Một hòn đất nát bay thẳng vào mặt con bé: “Khai mau!”. Lại một hòn nữa rồi cả trận mưa đất trút lên toàn thân Quý Anh. Nó vội ngồi ngụp xuống, đưa tay gỡ đất và xoa lên vết thương. Không hé nửa lời.
- Thôi tha cho nó, hôm sau lại đấu tiếp.
Hôm sau, tháng sau và suốt một thời trẻ con, chúng tôi không ngớt hành hạ Quý Anh. Có hôm mặt nó tím bầm. Cũng có bận nó khóc, còn đa phần nó đều gắng chịu đựng, một sự chịu đựng mà ngay cả lúc lớn tôi vẫn không sao giải thích được.
Bố Quý Anh là lão địa chủ nòi. Trước kia lão gian ác có hạng. Sau cải cách ruộng đất, gia sản của lão bị xé nát và vợ chồng lão phải dựng lều ra ở rìa làng. Chẳng biết ngày xưa lão lý trưởng ấy ăn gan uống máu ra sao, nhưng khi tôi lớn lên chỉ thấy lão cặm cụi cùng vợ con cày xới mảnh vườn tí tẹo. Ra đồng, lão lý trưởng xưa kia cũng đứng riêng một chỗ. Gặp từ đứa trẻ lên sáu, nhất nhất lão đều lên tiếng chào trước.
Một hôm tôi bảo với bố tôi:
- Ông Hứa ngày xưa ác bá ra sao, mà ngày nay ông hiền thế.
Bố tôi trợn mắt:
- Mày sắp quên mối thù rồi đấy. Chẳng qua thời nay là thời của Bần-cố nông thì lão phải chịu đấy con ạ. Mẹ tiên sư, giá lúc nó xua tuần đến đốt nhà ông nội mà mày được chứng kiến nhỉ!
- Lão Hứa xua hả bố?
- Chứ còn ai vào đấy. Thằng Tư Vê đeo kiếm dài chấm đất lúc nào chẳng cặp kè với lão Hứa, ai dám ho he. Gớm, nó chả hiền sớm cho đấy.
Và để tôi ghi mối thù vào xương tuỷ, mỗi ngày bố tôi lại kể cho tôi nghe một chuyện thời xưa, về sự tàn ác của lão Hứa. Mỗi ngày một chuyện, lời kể của ông tuyệt vời như kể chuyện cổ tích, khiến tâm hồn tôi thấy đẫm những hồi ức kinh hoàng không bao giờ còn hong khô được nữa.
* * *
Sau trọn mười năm, kể từ ngày tôi khóc thầm ra đi, tôi lại trở về cái nơi còn ghi dấu mãi tuổi thơ cay đắng của tôi. Bố tôi già đi ghê gớm. Tóc ông bạc như cước, xơ xác trên vầng trán bị thời gian đào rãnh lô xô. Em út tôi lớn phổng lên thành một thiếu nữ xinh đẹp. Mười năm trước, chính nó từng họa theo lời bố tôi để thét lên: “Anh hèn hạ lắm! Anh cút đi cho bớt tai tiếng”. Lúc đó nó mới 12 tuổi, nổi tiếng là đứa bé có bản lĩnh. Nó giống bố tôi như đúc cả về hình thức lẫn tính cách. Giờ đây em tôi, con bé chỉ thích đeo kiếm đóng vai nữ tướng hồi bé, vồ lấy tôi khóc nức nở. Nó khóc thổn thức, ai oán đến nỗi tôi phải ngồi thụp xuống gạt nước mắt. Đến lượt mẹ tôi, bà chỉ dám khóc thầm sau tấm màn che gió. Lâu lâu bà mới cất tiếng:
- Đưa anh đi rửa ráy, con!
Đấy là bà bảo em tôi. Ôi trái tim người mẹ, bao giờ cũng có chỗ cho ta, sau khi mệt mỏi về trú ngụ. Bố tôi thì khác, ông xúc động theo kiểu của người cha. Ông ngồi ở bàn, vầng trán vằng vặc như chính người đang toan tính tiếp con đường công nghiệp mà người mơ cho tôi, bị đứt đoạn mười năm. Cặp mắt người vốn nổi tiếng một vùng vì độ thấu xa, không mảy may biểu lộ người mừng hay coi đó chỉ là chuyện trẻ con.
Tôi đến ngồi ghé trên chiếc tràng kỷ nhẵn bóng, đối diện với bố tôi:
- Mười năm anh đi những đâu?
- Thưa thầy con đi gần hết cái đất nước này.
- Anh thấy nó rộng hay hẹp?- …
- Chưa vượt biên chứ?
Tôi vẫn im lặng, bắt gặp cái nhìn chia sẻ từ sau cánh cửa của em tôi. Tiếng bố tôi vẫn đều đều:
- Mười năm anh học được cái gì mang về?
- Con học được nhiều thứ. Nhưng cái quí nhất là cuộc đời con phải biết tự định đoạt lấy mình.
- Nghe nam nhi đấy! Giỏi!
Tiếng “giỏi” mà bố tôi buông ra cũng giống như dấu chấm hết một đoạn văn hay nhưng với ông không lọt được lỗ tai.
Tiếng “giỏi” ấy còn có nghĩa: “Được, để xem”. Hết chuyện. Tôi uể oải đứng dậy theo em gái tôi ra phía bể nước. Nó cầm chiếc khăn mặt chờ sẵn ở cửa, cầm tay tôi kéo như chạy.
- Anh chấp bố làm gì! Càng lớn em càng thương bố. Cuộc đời cũ vầy vật bố đến mức bố không thể quên được nó.
Đứng xem tôi hành hạ chiếc khăn mặt, nó tỉ tê:
- Anh về mà xem làng xóm, thay đổi khủng khiếp. Lớp người tuổi bố chết gần hết rồi. Vẫn hẹn nhau xuống mồ nữa cơ.
- Những ai mà chết gần hết?
- Ngoài bố ra còn ba vị nữa đang thập thò miệng lỗ. Cho các vị đi hết đi để đến lượt anh em mình làm chủ thế giới. Đến khổ với các vị.
- Vẫn thù nhau à?
- Thù càng ác liệt. Ngày mai anh sang chơi ông Mịch mà xem. Tuy tím tái hết chân tay đấy nhưng vẫn hỏi luôn mồm thằng ấy, thẳng nọ có vác mặt đến không thì lót lá dắt ra ngõ hộ.
Nước mát làm đầu óc tôi bớt nặng nề. Nhưng càng tỉnh táo tôi càng như bị ném vào tình thế phải che chắn tứ bề. Sẽ ứng xử ra sao cho ba vuông bảy tròn giữa những con người cứng đờ vì thiên kiến. Cuộc đời chiến sĩ chỉ dạy tôi điều đơn giản, nếu kẻ thù ở hướng nào thì phải quay súng về hướng ấy. Còn nếu nó ở bốn phía thì chính mình phải nổ tung! Trong trường hợp này, quá lắm tôi cũng chỉ đến mức – như mười năm trước – gào to lên lời nguyền rủa độc địa cho cái mảnh đất đầy thù hận này chìm lãng đi.
Tôi theo em gái ra thăm khu nghĩa địa. Quê tôi vẫn có thói quen chỉ tin vào người chết! Khu nghĩa địa của làng tôi lúc đầu chỉ có độc chiếc mả ngựa. Một vị tướng, không rõ từ thời nào, đã an táng con chiến mã của mình khi con ngựa đầy chiến tích ấy đến làng tôi thì gục xuống chết. Khi tôi lớn lên người ta vẫn gọi khu đất hoang ấy là “gò con ngựa”, mặc dù chính thức là nơi yên nghỉ của những người đã hưởng tuổi Trời. Giờ đây bãi nghĩa địa bị chia cắt làm ngôi mộ của họ xem ra cũng hiền lành. Nhấp nhô hàng trăm lô đất sàn sàn như nhau, cỏ mọc xanh rì. Làng tôi gọi đấy là khu bình dân. Sau hàng rào quét sơn trắng nổi lên đám mộ được xây cất công phu thò ra thụt vào, chạy song song nhau. Rồi lại một đám khác, lù lù mấy nấm đất cao ngang đầu, trên nóc đều có cây thiên tuế uốn éo một cách dị dạng. Tách biệt với khu bình dân và khu phú quí lại có một khu khác thập thò vài chục mô đất sè sè, nom hiu quạnh như lũ mộ vô chủ, cả năm may lắm được một lần hương khói vào dịp Thanh Minh.
Em gái tôi trở thành người hướng dẫn đắc lực:
- Đám trắng toát kia là của mấy ông phó Cả, phó Hai, phó Ba. Lần này thì chắc không bị đào nữa.
- Sao? Ai đào?
- Người ta đồn các ông phó mang theo vàng xuống âm phủ nên dân đào vàng bán xới họ đào.
- Còn đám kia?
- Đám ấy của cha ông phó Hộ. Thật là lúc chết vẫn muốn lù lù trước thiên hạ.
- Cuối cùng cũng chỉ là nấm đất với một dúm xương tàn. – Tôi nói bâng quơ như một ý tưởng đến bất chợt.
- Đúng! – Em tôi đồng tính – Giá lúc sống các vị biết cho điều ấy nhỉ.
Ngừng một lát, em tôi tiếp:
- Trông thì gia phong thế thôi – là em bảo cái đám mộ kia kìa. Chứ lúc hấp hối các vị mới lộ chân tướng thật, nghĩ mà rùng mình.
- Có chuyện gì thế?
- Khi cụ Hộ – bố của các ông phó – hấp hối, cụ mới đưa ra bảng phân vai. Đứa trước đây là cháu bây giờ thành con. Đứa trước đây là em thì bây giờ lên chú… đến nỗi đám con cháu thảm hại ấy như lạc vào mê cung ngôi bậc. Hoá ra thời mấy chục năm trước, khi các ông Phó đi lính đồn trú cho Pháp thì cụ Hộ ngủ cả với mấy cô con dâu. Bà nào có mang liền lên bốt ở với chồng vài tháng…
- Chết tiệt !!! – Tôi muốn gào thật to vào bầu trời thẳm sâu, tôi muốn gào xuống tận âm ty địa ngục cho quỷ thần nghe thấy, biết rằng chẳng để làm gì.
- Thôi anh ạ! Cuối cùng họ chỉ còn lại trước cuộc đời bằng độc một mô đất. Cứ chia đều cho mỗi vị một nén.
Tôi làm theo lời em gái tôi, lòng không chút cảm xúc. Những nấm đất! Những nấm đất vô tri, lạnh lẽo. Các vị sống thế nào thì chết cũng thế ấy! – Tôi nguyền thầm.
Chợt tôi phát hiện có một mô đất bẹp dí ở rìa khu bình dân, sát mép nước. Tuồng như nó cố tình lút xuống để người sống khỏi ngứa mắt. Thấy tôi ngẩn ngơ nghi hoặc, em gái tôi vội nói:
- Lão Hứa đấy. Lão chết hồi năm kia sau 7-8 năm ỉa đái ra quần. Làng không cho lão vào nghĩa địa nên lão đành tạm ở đấy. Hồi đưa tang lão, thối khắp làng đến nỗi ruồi xanh đuổi theo quan tài đông hơn ong vỡ tổ. Mấy ngày sau tháng khí còn chưa hết khiến mấy chục con chó hoá dại một lúc rồi theo lão cả. Chỉ tội cho chị Qu…u.. ý Anh và cái Quý Hương…
“Quý Anh!” – Ký ức tôi bật chồm dậy như con ngựa chứng chưa thuần. Phút chốc những kỷ niệm mặn chát một thời của tôi vụt hiện lên, tươi rói như vết thương đang ứa máu.
- Cô ta bây giờ thế nào? – Giọng tôi như vọng về từ một thế giới khác.
- Chị ấy vẫn chờ anh. Cả làng bảo chị ấy mắc nghiệp chướng do lão Hứa gây ra. Nhưng chỉ mình em biết chị ấy chờ anh.
Phần 2:
Trong những câu chuyện bố tôi kể thì ông và cuộc đời xưa kia là hai nhân vật chính, đối nghịch nhau suốt cuốn tiểu thuyết đầy máu và nước mắt. Ông tổ bốn đời của tôi vốn nghèo rớt mồng tơi. Chẳng biết sao cụ rất giỏi chữ Nho. Chính nhờ cái vốn chữ thánh hiền ấy mà cụ tôi, dù suốt đời cùng đinh vẫn được đám hào lý gờm nhất. Sau vụ cha con lão Lý Bá khuynh gia bại sản chỉ vì một bài thơ của cụ, thì cụ bốn đời của tôi bị liệt vào hạng nguy hiểm cho đám chức sắc từ Chánh tổng trở xuống. Vậy mà cụ tôi vẫn sống ngoài tám chục tuổi ung dung thoát tục như một ông tiên.
Ông nội tôi không thừa hưởng được số chữ của cụ tôi nên đám hào lý coi nhờn. Sẵn mối thù “bố nợ con trả” ông tôi bị chèn ép suốt một đời. Tuy thế ông nội cũng nuôi chí lớn lắm. Ông tôi vờ cúi rạp dưới chân đám quan lại, xin được một chân Trương tuần. Kỳ thực ông tôi thầm thu nạp khoảng hai chục thanh niên trai tráng, định đánh úp nhà Chánh tổng. Việc bại lộ, ông tôi bị trói nghẽn giữa đình suốt hàng tháng trời, kỳ đến tróc hết da vì đòn mới thôi. Bị bãi chức, ông tôi quay về cày chia cấy rẽ, lòng vẫn ôm ấp một mưu đồ lớn.
Chuyện ông tôi bị lão Hứa đánh giập phổi là chuyện sau này. Chỉ biết rằng lúc hấp hối, ông tôi dặn lại truyền cho con cháu: “Còn làng Đồng thì còn mối thù với thằng Hứa và con cháu hắn”.
Bố tôi kể: Chú Hai tôi chết vì thiếu đúng một bát cơm nguội. Sau này cứ vào ngày mồng 5 tháng ba âm lịch, bố tôi lại dậy từ nửa đêm, xúc một bát cơm nguội để trước mặt. Ông ngồi lặng hàng giờ, mặt đanh lại như sắt thép. Chú Hai tôi chết quá tang thương. Chuyện đó tôi thuộc lầu từ bé. Mãi khi đã lớn thỉnh thoảng tôi vẫn nằm mơ gặp chú, hoàn toàn do tôi tưởng lại từ lời bố tôi mô tả: “Đầu to, cao long khòng, toàn thân là một cái khung bằng xương”. Nhưng thôi, để yên cho bố tôi kể.
Dạo ấy bố tôi 16 tuổi, làm thằng ở chăn trâu cho Chánh tổng. Hàng ngày bố tôi sống chết cũng phải ăn cắp được một giỏ cơm nguội cho bà nội và hai chú tôi. Hôm ấy không hiểu sao bố tôi không về. Bà tôi và hai chú chờ mãi cho đến khi chú Ba tôi chết lả trong giấc ngủ. Chú Hai tôi đói quá tính đường đi ăn cướp. Chú đi dật dờ ở chợ, mắt vờ không thấy gì. Kỳ thực chú đã liếc thấy ở dãy hàng quán có người đang đưa lá bánh vừa bóc lên miệng liếm. Chú tôi dật dờ đến gần. Vụt! Chú tôi chao mất miếng bánh của người đàn bà nọ trong nháy mắt. Thế là loạn chợ, tiếng kêu cướp, tiếng đuổi nhau, tiếng đòn gánh nện chát chúa… Chú Hai tôi phóng vù xuống mép sông, phồng mồm nhai miếng bánh, lưng ròng máu vì mấu đòn gánh bổ dọc.
Bố tôi lại ăn cắp được cơm. Bố tôi đi tìm chú Hai tôi. Anh em gặp nhau, chú tôi sợ ăn đòn bỏ chạy. Bố tôi cầm bọc cơm gào đứt hơi suốt mấy làng ven sông Đáy. Hôm sau bố tôi tìm đuợc chú Hai tôi ở Tràng Cát, một làng nổi tiếng nhiều cướp. Chú tôi ăn cắp ngô non bị đám Trương tuần chôn sống. Rồi chính họ lại bới chú tôi lên – cho khỏi thối làng – bó chiếu giúp bố tôi. Bố tôi kể đêm ấy mưa bão, bố tôi vác chú Hai về đến nhà cũng vừa sáng. Sẵn có cái hố ngập nước, bố tôi thả tõm chú Hai xuống đó, mắt chú tôi vẫn mở trừng trừng.
Lần nào nghe bố tôi kể, tôi và em út đều chứa chan nước mắt. Bố tôi bảo: “Chỉ vì một bát cơm nguội mà chú mày chết. Mà bát cơm nguội ấy thằng Hứa giật đoạn trên tay tao đổ cho chó”.
Sau đận ấy bố tôi hận đời quyết chí bỏ lên rừng cũng đúng vào dịp lão Hứa được bổ lý trưởng. Lão biết bố tôi đi đâu nên thi thoảng lại đến hạch sách ông nội và mẹ tôi. Sau đêm chánh tổng chết hụt vì lựu đạn du kích, lão Hứa lấy cớ điệu ông tôi ra đình, bắt xin lỗi chính quyền vì chót đẻ ra bố tôi. Ông tôi không nghe. Lão Hứa sai tuần đem diêm đến đốt nhà ông tôi. Đến đêm, lão Hứa xua lệ ập đến, trói nghiến ông tôi kéo ra đình. Sáng hôm sau ông tôi chỉ còn như miếng giẻ đẫm máu. Mẹ tôi đem ông về. Mỗi ngày ông thổ ra một ít huyết tươi. Biết sắp chết, ông bắt mẹ tôi phải ghi lại lời nguyền. Mẹ tôi kể, sát ngày ông tôi về trời, ông dặn mẹ tôi sau này phải đẻ ít nhất 3 thằng con trai.
* * *
Năm tôi lên 10 gia đình tôi đang ở thời kỳ đại thịnh. Khỏi phải nói khi có quyền trong tay bố tôi đã đè bẹp, nghiền nát đám quan lại cũ ra sao. Lão Hứa tất nhiên thuộc đối tượng đầu tiên ông nghĩ đến. Lão bị tịch thu đến cả chiếc lư hương, khu trại cũ bị san phẳng thành ruộng. Lão sống lủi thủi như con chó lạc loài. Thằng cháu họ một thời cặp kè bên lão cũng quay lưng lại với lão. Để nịnh bố tôi, ông Tư Vê đã ỉa vào cửa nhà lão cả đống tướng.
Một hồi, dạo đó tôi 12 tuổi, tôi bắt gặp lão Hứa bới trộm khoai lang. Lão địa chủ cũ nhìn trước nhìn sau rồi chùi củ khoai lang vào vạt áo, đưa lên miệng nhai ngấu nghiến. Lão đói. Con cái lão cùng bị bỏ đói. Sau Quý Anh, lão còn bắt vợ rặn cho lão thêm một đứa nữa đặt tên là Quý Hương. Quý Hương giống chị như hai giọt nước, đẻ cùng tháng với em tôi. Thấy bảo hôm đón con bé, lão Hứa định ngầm bóp chết. Lão cần có đứa con trai để hy vọng đến ngày nào đó gia thế nhà lão lại phất lên. Chờ đúng lúc lão Hứa đang phồng má trợn mắt, tôi hét lên:
- Có thằng ăn trộm!
Lão Hứa suýt ngã vì sợ và xấu hổ. Lão nhè vội miếng khoai, xoa tay vào áo, dùng chân lấp lại chỗ đất lão vừa bới rồi quay lưng định lủi mất. Hình ảnh chú tôi chết đói, hình ảnh ông tôi chết vì đòn như kêu gào tôi trả thù. Tôi muốn nhân cơ hội này đâm cho lão Hứa một nhát. Có lẽ bộ mặt tôi lúc ấy gớm ghiếc lắm nên lão Hứa co rúm lại.
- Lão Hứa!
Lão địa chủ xưa kia đổ khuỵu xuống.
- Lão có biết lão mắc tội gì không?
- Cậu Tư ơi, tôi đói quá!
- Lão đói nhưng lão chưa chết. Còn chú ta, ông ta đều chết về tay lão thì lão tính sao?
Lão Hứa mếu xệch miệng. Tôi tiếp:
- Chỉ vì một bát cơm nguội mà chú ta thành ma đói. Lão có nhớ không?
- Tôi nhớ.
- Tại sao lão ác thế?
- Tôi van cậu Tư. Thì ông nhà đã đòi đủ ở tôi rồi mà!
- Chưa được bao nhiêu. Hôm nay lão phải trả nốt.
Tôi tiến lên, gí thanh nứa vạt đầu vào cổ lão Hứa. Lão địa chủ xưa kia vội đưa tay túm ngay chiếc que.
- Kìa cậu Tư, tôi cắn cỏ lạy cậu. Cậu thử hỏi ông nhà xem, có phải có lúc tôi đã tử tế với ông nhà không?
- Còn ông ta và chú ta, lão tử thế đấy à?
- Cậu Tư ơi! – Lão Hứa cuống quít đẩy thanh nứa đang bị tôi ấn mạnh thêm.
- Cậu cứ lớn lên đi cậu sẽ hiểu tôi chả là cái gì trước số phận, trước thời thế. Tôi có trực tiếp đánh ông cậu đâu. Tôi có trực tiếp chôn sống chú cậu đâu. Cuộc đời cũ nó ắt phải như thế.
Tôi không đủ sức để hiểu những lời lão Hứa nói. Đại loại lão muốn bảo tôi rằng việc làm của lão xưa với việc bố tôi tịch thu tài sản của lão, cả hai việc ấy đều do cuộc đời muốn thế. Tôi còn đang do dự không biết có nên lấy của lão một tí máu cho mát lòng ông và chú tôi, thì từ đâu Quý Anh hớt hải chạy ra. Thấy cảnh đó mặt nó cắt không còn giọt máu. Trông thấy con, lão Hứa vội kêu lên:
- Quỳ xuống đi con. Quỳ xuống xin cậu Tư và ông bên nhà đi con.
Quý Anh từ từ quỳ xuống, hai tay chắp trước ngực. Trông nó đối nghịch gay gắt với lão bố phàm tục của nó.
Sau này mỗi lần bắt gặp một tiên đồng trong các cuốn tiểu thuyết, tôi thường nhớ đến Quý Anh ở giây phút ấy. Khuôn mặt nó trong veo, cặp mắt trong veo với hai lọn tóc lắc lư bên má. Xin đừng nghĩ đơn giản về trái tim cậu bé tuổi 12 như tôi. Lòng tôi sóng sánh như bát nước đầy… Tôi để tuột thanh kiếm tráng sĩ vì một lời khẩn nguyện dâng lên từ đất: “Cậu và tôi… và những mùa vàng rực nắng, chúng ta cùng là con đẻ của một cuộc đời không thù hận.”
Hẳn lúc ấy tôi chỉ cảm thấy có gì đó khác thường đã xảy ra trong trái tim bé con của tôi. Nhưng khi tôi bắt đầu hiểu cuộc đời, tôi cứ nhớ có một lời khấn thầm như thế ngấm vào tôi. Có thể nó đến bằng một giấc mơ thanh sạch ở tuổi chớm lớn. Nhưng bao giờ lời khấn thầm ấy cũng đi cùng hình ảnh Quý Anh quỳ trước tôi từ buổi ấy. “Cậu và tôi…” lẽ nào điều ấy đã xảy ra khi vào một đêm nào đó tôi úp mặt lên gối khóc nức nở, quằn quại trong nỗi ân hận đành chịu mang tội với ông và chú Hai tôi.
Phần 3
Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều. Chiều chiều trên bãi thả, không cứ gì chúng tôi, người lớn cũng hò hét nhau thả diều thi. Diều của người lớn làm bằng cả cây tre to mấy người khiêng. Lúc thả lên trời, cánh diều khổng lồ ấy chao lắc như đảo đồng. Ở dưới dất, đám người lớn có vẻ bị lùn đi một chút, đang ăn thua nhau từng tấc một. Họ mượn cánh diều để ám chỉ sự phát lộc của từng gia đình nhau. Tôi còn nhớ đã từng xảy ra ẩu đả đẫm máu vì những cuộc thi diều. Con lợn năm chục cân làm giải thi, cứ từ chuồng nhà này sang chuồng nhà kia sau những thông báo sốt dẻo từ bãi thả.
Cánh diều của trẻ con chúng tôi mềm mại như cánh bướm. Thanh sạch vì không hề vụ lợi. Trong khi người lớn chạy bật móng chân để rong diều thì đám mục đồng chúng tôi sướng đến phát dại nhìn lên trời. Sáo lông ngỗng vi vu trầm bổng. Sáo đơn rồi sáo kép, sáo bè… như gọi thấp xuống những vì sao sớm. Ban đêm trên bãi thả diều thật không còn gì huyền ảo hơn. Có cảm giác diều đang trôi trên dải Ngân Hà! Người lớn sợ bóng đêm như sợ mất con lợn cứ thu diều về dần, bỏ mặc chúng tôi với bầu trời tự do, đẹp như một thảm nhung khổng lồ. Có cái gì cứ cháy lên, cháy mãi trong tâm hồn chúng tôi. Sau này tôi hiểu đấy là khát vọng. Tựa như khi tôi đọc truyện cổ tích và ước thành chàng hoàng tử lao vào chém mãng xà bảy đầu cứu công chúa. Chỉ có trăng, sao và những cánh diều hộ mệnh. Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời. Bởi vì bao giờ tôi cũng hy vọng khi tha thiết cầu xin: “Bay đi diều ơi! Bay đi!…” Cánh diều tuổi ngọc ngà đứt dây bay đi, mang theo nỗi khát khao héo mòn của tôi.
Cho đến một hôm cánh diều trở lại thật. Nó xác xơ, ủ rũ và bị xách ngược lên, tàn nhẫn như người ta xách con cá.
- Cháu nhặt được ở Đồng Cát.- …
- Cháu biết ngay là diều của cậu đứt dây. Cậu xé vở dán diều à?- …
- Bố cháu bảo mang trả lại cậu. Cậu đã ôn bài cô giáo cho chưa?
Con em út tôi nghe thấy giọng nói ngập ngừng của Quý Anh, lao vụt ra như con chèo bẻo:
- Ai cho mày đến nhà tao. Cút ngay đồ bóc lột.
Quý Anh co người lại, câm lặng trở lui. Vốn sống bằng mặc cảm bị khinh ghét từ bé, nó và những đứa con lão Hứa đều xưng cháu với bất cứ ai trong làng. Nó sẵn sàng im lặng để một đứa lên ba cào vào mặt.
Dạo ấy chân ruộng gieo mạ chưa bị tận dụng tăng vụ như bây giờ. Sau khi đưa hết mạ xuống đồng cấy, chân ruộng ấy bị bỏ rờm cho đến lứa mạ sau. Thật là một thời kỳ hiếm có mà trời ban cho bọn trẻ chúng tôi. Không bị ngăn cản, đám cây cút kít, cỏ dày, cỏ mật… mọc nhanh như có phép, tạo một cái thảm cỏ xanh tuyệt đẹp chạy hút đến tận bờ đê là nơi mặt trời thường nhô lên mỗi sáng. Chúng tôi bỏ mặc lũ trâu chạy ăn tự do trên cánh đồng. Từng đàn chèo bẻo sà xuống bắt ruồi, thỉnh thoảng lại xoẹt cánh ngang mặt chúng tôi. Có hôm bọn tôi chạy toé kèn vì một đôi vợ chồng chèo bẻo mất con. Giống chim này say đòn, sẵn sàng bổ toác đầu đối phương, bất kể đó là người.
Quý Anh cũng có mặt trong đám trẻ chăn trâu. Lẽo đẽo theo nó là con Quý Hương. Hai chị em Quý Anh cùng với chiếc rổ sề, bao giờ cũng cặm cụi một chỗ kiếm rau lợn.
Con trâu nhà Quý Anh vốn nổi tiếng hung dữ. Ngoài hai chị em Quý Anh, bất kể ai có ý định đến gần nó, đều rất có thể bị húc lòi ruột. Ấy vậy mà trước hai cô chủ, nó hiền lành đến đáng ngờ.
Dạo ấy “Cu Nhỡ” mới lớn, là con trâu giống duy nhất trong làng. Nó cậy uy thế có bộ cà, độc chiếm đàn trâu cái vừa béo mượt trở lại sau vụ cày. Nó luôn canh cánh cảnh giác con Sừng Măng nhà Quý Anh là đối thủ cuối cùng khiến nó còn kiềng mặt. Sở dĩ gọi là con Sừng Măng vì cặp sừng của nó ngắn củn, to và nhọn như hai cái măng. Khi lao vào đối thủ, đôi sừng ấy lợi hại vô cùng. Nó có thể móc mắt, đâm thủng hầu đối phương mà không bị đánh trả.
Hôm ấy đám trẻ trâu chúng tôi đang mải quần nhau với đôi vợ chồng chèo bẻo mất con. Từ trên ngọn cây gạo, vợ chồng chèo bẻo thi nhau chửi chúng tôi. Ý chừng nó bảo: “Lũ sát nhân kia! Chúng mày giấu con bà ở đâu. Chẹp chẹp chẹp… bà thì móc mắt chúng mày ra”. Khi con chèo bẻo vợ chõ mỏ chửi một cách chua ngoa thì bất thần thằng chồng cục súc thu người lại, lao như tên bắn vào đám trẻ chúng tôi. Lúc đến gần, mắt nó loé lên như hai cục than, bộ móng chụm lại, chỉ nhãng ý tí là thủng đầu với nó. Tuy đã chuẩn bị trước nhưng bao giờ chúng tôi cũng bất ngờ, đành vụt vu vơ vào chỏm đuôi con chèo bẻo rồi lăn ra cười như nắc nẻ.
- “Chẹp chẹp… chồng bà thương lũ chúng bay đầu xanh tuổi dại đấy”.
- “Lần này thì mày chết. Chỉ một nhà là tụi ông nướng chả.”
- “Choẹt!”
- “Ai chà!”
Cứ thế chúng tôi quên bẵng mất đàn trâu và không hề biết Cu Nhỡ và Sừng Măng đang hẹn nhau đấu phân vai. Anh hùng vô song! Phải có một con đàn em kia. Như một cuộc đấu danh dự, hai con vật đều cố tỏ ra đàng hoàng. Nhận được lời thách, Cu Nhỡ tách đám trâu cái luôn sán đến bên nó, tiến dần về điểm hẹn. Con Sừng Măng gật đầu đáp lễ. Cu Nhỡ hỏi: “Ông nghĩ kỹ chưa?” Sừng Măng đáp: “Thằng oắt con lêu lổng, để xem mày được mấy hơi”.
Hai con vật phóng vào nhau bằng tất cả niềm căm thù bấy lâu bị dồn ép. Con Sừng Măng không vội đánh. Nó chỉ né mình tránh những nhát đòn trời giáng của Cu Nhỡ. Hăng máu vì liên tiếp trượt đòn, Cu Nhỡ càng lồng lên, mắt đỏ ối như lửa. Mặt đất ầm ầm rung động đến mức vợ chồng chèo bẻo quên cả đánh chúng tôi, dỏng tai nghe ngóng.
Cu Nhỡ vẫn lao vào như hoá dại nhưng không sao dứt điểm được với lão Sừng Măng. Con Sừng Măng vốn lõi đời trong nghề giang hồ, vẫn trơ ra như đá. “Thằng tráng niên ngu ngốc, liệu mà ông cho mày hết thói huênh hoang. Phầm! “Lão già quỷ quyệt, thời của lão còn đâu nữa”. Phầm! “Đánh với chác! Mày chỉ được cái tài lựa bọn đàn bà con gái”. Phầm! Phầm! Phầm… Đám đất dưới chân Cu Nhỡ tung lên. Một mũi sừng của nó đã gại được vào yết hầu con Sừng Măng, đủ làm đỏ một đám ruộng.
- Chết cha con Sừng Măng đi! Chết cha quân bóc lột đi!
- Gọi chị em con Quý Anh ra đây mà xem Cu Nhỡ lột da con Sừng Măng.
Nhận được lời cổ vũ. Cu Nhỡ càng lao vào như điên. Tuy trúng đòn, con Sừng Măng vẫn không hề nao núng. Nó xoay người một cách mau lẹ, lừa đối thủ vào miếng. Cu Nhỡ hở đòn do một giây chủ quan khiến mảng yết hầu phơi ra trước cặp mắt lão Sừng Măng cáo già. Phụp! Chiếc sừng sắc như dao cắm quá nửa vào cổ Cu Nhỡ. Nhưng giết Cu Nhỡ có lẽ không phải mục đích trận đấu của Sừng Măng. Nó sẽ buồn chán khi không còn kẻ nào đáng mặt thán phục nó. Nhưng nó phải dạy cho gã tráng niên ngu ngốc kia hết thói hợm đời. Rút khỏi cổ Cu Nhỡ, Sừng Măng luồn ngay chiếc sừng đỏ máu ấy vào giữa đoạn sừng đối thủ rồi khẽ lắc nhẹ một cái. Khi Cu Nhỡ thoát ra được, trông nó thật thảm hại. Một bên sừng bị gãy, lủng lẳng rủ xuống khiến đến lúc già nó còn khổ sở vì bị đám trâu cái coi thường. Con Sừng Măng phóng theo một đoạn, cốt cho đúng luật rồi tế một mạch đến cúi đầu chịu tội trước hai cô chủ.
Bọn trẻ chúng tôi sững sờ một lúc rồi ùa xuống cầm đất ném chí tử vào con Sừng Măng. Lúc đầu con vật gườm gườm nhìn lại. Nhưng bọn trẻ chúng tôi dùng cả lửa quăng lên lưng con vật khiến nó tung vó chạy thục mạng. Bọn trẻ đang cơn khát trả thù bèn quay ra túm lấy chị em Quý Anh. Con Quý Hương so vai rụt cổ, mặt cắt không ra máu. Nó được ưu tiên còn bé, tha cho về trước nhưng cấm không được hé với người lớn nửa lời.
Quý Anh bị túm tóc lôi ra trước bãi đấu. Nó ngầm đưa mắt cho tôi, đầy lên lời van xin được cứu mạng. Tôi muốn gàn đám bọn chăn trâu nhưng sợ bị chúng gán cho tôi có tình ý với con địa chủ. Trời sập tối rất nhanh. Bình thường như mọi khi, chờ trăng lên là chúng tôi dong trâu về. Nhưng mải “tra tấn” Quý Anh, chúng tôi bỏ mặc vầng trăng bơ vơ một mình.
Quý Anh bị trói vào cây phi lao cụt ngọn, miệng mím chặt nhìn vào cánh đồng mênh mông. Đám trẻ ồn ào phân công nhau kiếm phương tiện tra tấn. Một đứa thò ngay chân xuống nước để nhử lũ đỉa bám vào rồi bắt lấy. Cái giống thân mềm này chỉ cần nom thấy đã ghê tởm. Vậy mà lát nữa nó sẽ bò loe ngoe trong ngực Quý Anh. Một tụi khác chạy tản đi rình túm những con lăng quăng lúc nào cũng nhan nhản trên đường. Những con lăng quăng không làm chết được ai, nhưng chỉ cần chạm vào nó đã đủ chết khiếp. Chúng tôi thấy trước tiếng rú thảm thiết của con bé bị trói kia. Với riêng tôi, có lẽ do trái tim mách bảo, tôi còn nghe thấy cả tiếng thì thầm: “Lên trời tôi sẽ bóp cổ cậu”.
Tôi chùng chình nán lại trước khi đám trẻ trâu chạy tản đi thực hiện nhiệm vụ từng đứa. Khi tôi quay nhìn Quý Anh, tôi thấy mắt nó sáng như hai viên bi thuỷ tinh. Tôi chạy vụt đến bên cây phi lao cụt, quỳ hẳn xuống dùng cả răng lẫn tay dứt tung lớp dây quấn từ ngực đến chân Quý Anh.
- Chạy đi!
- Cậu Tư chạy với cháu.
Chúng tôi nhằm bờ đê, chạy lọp bọp qua ruộng nước. Giả sử lũ bạn tôi có nhìn thấy, chúng cũng tưởng đồng bọn đang đuổi con rắn nước nào đó. Và lát nữa trở lại không thấy Quý Anh đâu, thì chính chúng lại đem lũ con vật bắt được ra tra tấn. Những con đỉa sẽ bị kẹp vào giữa ống cỏ, suốt cho đứt đuôi. Kỳ đến chán trò, đứa nào đứa ấy mới lo cuống lên tìm trâu của mình.
Chúng tôi chui vào một chiếc hầm tránh bom nổi trên bờ đê. Quý Anh chưa hết run ngồi ép vào tôi.
- Cậu Tư bao nhiêu tuổi?
- Mười lăm… còn mày?
- Cháu mười bốn.
- Sao mày nhớn thế?
- Cháu là con gái mà. Cậu Tư xem này.
Quý Anh cầm tay tôi thản nhiên đặt vào ngực nó. Xin thề là bàn tay tôi lúc ấy trong trắng như thiên thần nên tôi rất thích chí trước một bí mật. Tôi lật úp lật ngửa bàn tay, cốt để xoa lên hai trái vú mềm như nhung, hơi răn rắn ở đầu, không bợn lên một vụ lợi nào; tựa như tôi vẫn xoa đầu con mèo, hay vạch quần tóm chim một thằng bé nào đó.
- Cháu mặc quần “con” rồi đấy.
- Để làm gì?
- Cậu chả biết được. Mới lại phải tội chết… Sau này lớn nhất định cháu với cậu đẻ chung một đứa con. Chỉ cần cậu sờ vào ngực cháu như lúc nãy là cháu đẻ.
Đêm hôm ấy, sau một hồi hút chết vì mất trâu, tôi nằm mơ được ngủ với một cô tiên. Chợt khi cô kéo đầu tôi vào ngực cô, có cái gì rút dọc sống lưng tôi. Cô tiên cười đưa cho tôi bông hoa thần lấy từ ngực cô. Tôi lên cơn sốt mê man, mặt mày xây xẩm như bị ai bắt vía. Sáng ngày ra tôi thấy mẹ tôi lo lắng nhìn tôi.
- Có làm sao không hở mẹ?
- Chuyện bình thường, con trai mẹ ạ. Từ giờ con là một chàng trai và phải có trách nhiệm với việc làm của mình.
Tôi đã giã từ tuổi thơ bằng một giấc mơ.
Phần 4
Bố tôi kể: Làng Đồng xưa kia vốn chỉ là một bãi đất bằng dùng làm nơi để cày bừa nhà Chánh tổng. Trong năm gia đình đầu tiên đặt tên “Đồng” cho làng tôi, có ông tổ bốn đời của tôi. “Đồng” có nghĩa là cùng một lòng, cùng một chí hướng và cùng lấy một họ. Về sau dân tứ chiếng kéo đến. Đôi vợ chồng phu phen phiêu bạt trên đường kiếm ăn; một ông cướp chán nghề, quàng vào một ả nào đó tự dưng thích sống yên ổn. Rồi có khi là ông mõ làng khác bị đuổi, đến xin giữ nguyên nghề… Làng rộng dần ra cho đến bây giờ.
Thấy cái miếng đất “gan chó” trở nên màu mỡ riêu cua, chánh tổng xin quan huyện cho đặt lý trưởng. Lão Hứa nhảy tót lên ngồi mâm nhất. Cũng bắt đầu từ đó chữ “Đồng” mất hẳn ý nghĩa bởi làng bị cắt thành năm bảy miếng, do năm bảy ông anh bà chị “hùng cứ một phương”. Tuy nhiên tất cả đều bị đặt dưới sự kiềm toả của lão Hứa.
Không biết từ bao giờ có lời nguyền: con trai con gái trong làng không được lấy nhau? Sau khi lão Hứa bị tước triện bạ và chính quyền của lão sụp đổ, lời nguyền kia không những không mất đi mà còn có thêm những lý do bổ sung để tồn tại một cách tai quái. Chính quyền của lão Hứa đã rất thành công khi tạo ra những mối hằn thù sâu sắc giữa những cuộc đời đều phải đánh vật để sống. Người ta bắt đầu lục lại gia phả để định giá trị từng nhóm họ. Bố tôi là chủ tịch xã nên nhóm họ của ông thuộc loại danh giá nhất. Theo đó đến cánh nhà ông phó Hộ, rồi đến cánh các ông phó Nhất, Nhị, Tam… Bất cứ mối quan hệ nào cũng bị đem ra xét xử thật sự. Đã từng xảy ra một thảm kịch yêu đương ở làng Đồng. Một cô gái thuộc nhóm họ có ông tổ làm nghề cướp, đem lòng yêu chàng trai bạ cư ở đầu làng. Họ đã cố hết mức để chỉ hai người biết với nhau. Nhưng làm sao mà giữ kín được bất cứ một chuyện gì ở làng tôi? Bên nhà gái như động mả, họp nhau vật ngửa cô gái ra, cạo trọc đầu bôi vôi, doạ sẽ trầm hà nếu không đích thân tố cáo anh chàng kia can tội rủ rê. Chàng trai bị điệu ra trước hội nghị nhân dân (Hội nghị nhân dân hẳn hoi) để lĩnh hàng trăm lời nguyền rủa. Anh bị đặt trước hai điều kiện: hoặc phải quỳ xuống xin lỗi cả làng, hoặc cút về cái nơi ông bố bà mẹ tội lỗi của anh đã sinh ra anh. Tuy bố tôi lúc ấy đang nổi tiếng vì có tầm nhìn xa, khi được hỏi ý kiến cũng tặc lưỡi: “Lệ làng thế nào cứ vậy mà làm”. Trong thâm tâm ông biết điều đó là sai. Nhưng sự nghiệt ngã trước cái nghĩa vụ phải bảo vệ danh giá của nhóm họ mình, đã đẩy ông đến chỗ hành động theo cảm tính. Có lẽ mọi chuyện sẽ qua đi nếu hàng tháng sau tình yêu của đôi trai gái nọ không cứ bị đem ra phỉ bang như một tội lỗi. Một đêm đôi trai gái ấy hẹn nhau ở ngôi nhà thờ Tổ của làng. Sau khi nguyền rủa cả trái đất, họ đã hiến thân cho nhau và chết trần truồng bên bệ thánh.
Sự kiện đó tác động trước hết đến các bà mẹ. Bắt đầu từ tuổi đi học, mỗi chúng tôi đều được kể cho nghe rành rẽ về từng nhà một trong làng. Tựa như đứa nào dại dột quan hệ với con nhà này nhà nọ sẽ bị tuyệt nòi tuyệt giống vì phải trả nợ thay “ông tổ 5 đời đức mỏng như bàn tay”. “Thằng bố nó ngày xưa chuyên đi lừa lọc”. “Cái năm cải cách, con mẹ nó chả vơ từ sanh thủng…”
Với riêng tôi và anh chị em tôi, đứa nào cũng thấm đẫm vào trí nhớ một câu bất hủ: “Lão Hứa và con cháu lão là kẻ thù truyền kiếp”.
Ai ngờ tôi là đứa phản bội bố tôi trước tiên, mặc dù tôi được dạy dỗ khá cẩn thận về địa vị gia đình mình, nhưng hễ gặp Quý Anh là tôi quên mất. Quý Anh vào tuổi 17, đẹp như tiên sa. Tôi sẵn sàng cãi nhau với bố tôi để bênh vực Quý Anh.
Một hôm bố tôi đi họp về, quăng chiếc cặp lên bàn là quát gọi mẹ tôi:
- Bà có biết chuyện gì đã xảy ra trong nhà này không?
Mẹ tôi lo lắng nhìn tôi.
- Tư! – Bố tôi quay sang tôi – Mày quan hệ với con Quý Anh từ bao giờ?
- Từ ngày chúng con còn để chỏm.
Bố tôi ngã ụych xuống ghế thở dốc. Ông căm ghét nhìn về phía tôi nhưng không ngớt lời nguyền rủa mẹ tôi. Chờ còn hai mẹ con, mẹ tôi mếu máo hỏi tôi:
- Con nói thật đi, có đúng con giăng dện với con Quý Anh không?
- Con yêu cô ấy.
- Trời đất ơi! – Bà chu chéo – Mày có biết nó mang dòng máu của ai trong người không? Của kẻ đã giết ông và chú mày.
Thấy tôi im lặng, mẹ tôi dịu giọng:
- Có đời thủa nhà ai lại như thế bao giờ. Rồi người ta ỉa vào cửa nhà mày. Con không thấy anh em phó Hộ nó đặt vè đấy à?
- Mẹ chấp làm gì bọn loạn luân ấy…
- Mày phải thôi ngay hoặc tao thắt cổ tao chết.
- Thì thôi! – Tôi gắt lên – Con trai mẹ chả cao giá lắm đâu.
- Dù sao con cũng phải nghĩ đến bố con. Khối kẻ chỉ chờ nhà ta hở ra là chọc vào, con có lớn mà không có khôn.
Chưa bao giờ tôi căm ghét đồng loại đến thế. Nửa đêm tôi lẻn dậy trốn khỏi nhà cùng với cây vồ sàn bằng gỗ lim. Đây rồi, sự ngu ngốc, thói dởm đời, long thù hận, đều vì những cây nấm độc này. Tôi đập nát tất cả bảy chiếc miếu thờ để suốt đêm ấy tôi ngồi khóc âm thầm như kẻ bị ruồng bỏ.
* * *
Bây giờ các vị đã nằm cả ở đây, nơi trước kia chỉ là cái gò con ngựa. Bỗng dưng tôi cảm thấy cô đơn. Đôi khi có cảm giác người ta chưa kịp để lại gì cho trần thế đã mất hút trong sự lãng quên khắc nghiệt. Không biết ở dưới mồ còn vị nào chưa yên giấc? Tôi tha thứ cho các người. Bởi vì ngày ấy cũng đã mười năm. Mười năm đủ cho tôi thấm nỗi đau của cả mấy thế hệ mà số phận bị nhào nặn bằng một bàn tay phàm tục.
Giờ đây ở giữa sự hoang lạnh của khu nghĩa địa, tôi lại nhớ đến cái đêm khủng khiếp ấy. Tất cả các vị đang nằm đây đều có mặt để xét xử chúng tôi. Đêm ấy không có trăng nhưng đầy sao và hương thơm mùa màng toả ra từ đất. Lần đầu tiên trong đời, trái tim nóng như hòn than cháy ngút trong ngực, khi tôi biết cảm nhận sự kỳ diệu của da thịt… Tôi và Quý Anh, hai kẻ trong trắng như nhau đã bước qua lời nguyền, đã ân xá cho nhau trong sự chứng kiến của các thiên thần. Và đêm ấy các vị đã bọc chặt chúng tôi bằng giáo mác, bằng nỗi căm ghét phi lý. Dưới ánh đuốc, các vị có thể thấy rõ dù chết chúng tôi cũng không rời nhau. Vậy mà các vị cứ quấn chặt chúng tôi bằng vòng lửa của địa ngục khiến tôi hét lên:
- Đâm đi! Các người cứ lấy máu chúng tôi sẽ thấy nó mặn như nhau đỏ như nhau… vì chúng tôi được hoài thai từ một bà mẹ nhân hậu hơn bà mẹ đã sinh ra các người. Cả làng – hẳn các vị còn nhớ – đã không ai dám tiến thêm nửa bước.
Tôi gào tiếp:
- Các người chỉ quen để ý nhau từng lời, từng chữ, rình xem mâm cơm nhà khác có thịt cá không để quy kết, bôi nhọ. Nhưng làng xóm tiêu điều thì các người bỏ vắng. Các người thành kính dựng người chết dậy để thờ trong khi đó nhẫn tâm để kẻ đang sống, đang yêu xuống mổ. Chúng tôi căm ghét và thương hại các người.
Tôi biết tóc bố tôi bạc đi một cách khủng khiếp một phần vì những đau khổ tôi trút lên cuộc đời Người.
* * *
Mọi việc tôi làm trong kỳ nghỉ phép đều không lọt mắt bố tôi. Ông đáp trả bằng sự im lặng. Đợi đến khi tôi xếp đồ vào ba lô, ông mới bất ngờ hỏi tôi:
- Tại sao con Quý Anh nó không đến?
- Cô ấy sợ.
Bố tôi gục xuống và khi ông ngẩng lên, tôi tưởng như không tin ở mắt mình. Mặt ông bị vò nát bởi hàng trăm nếp gấp khắc nghiệt. Trên khuôn mặt ấy tôi lại thấy cái quá khứ vật vã đẫm máu và nước mắt mà bố tôi vừa căm ghét vừa hãnh diện. Trên khuôn mặt ấy như vừa thoáng hiện hình ảnh ông tôi, chú tôi, bị xé nát trong tiếng kêu cứu tuyệt vọng. Giá còn nước mắt thì hẳn ông đã khóc. Tiếng ông khô khốc:
- Chờ nhau ngần ấy năm… thời buổi này không dễ có mấy người. Anh chị đã quyết, tôi cũng không dám cản. Nhưng tôi chỉ xin ở anh một yêu cầu.
- Vâng, bố cứ nói.
- Anh cứ đợi khi nào tôi chết hẵng đưa nó về ở nhà này. Tôi biết nói ra điều này không xứng đáng với một ông bố. Nhưng tôi không thể… anh hiểu ý nguyện của tôi chứ?
Bố tôi lại gục xuống như vừa bị cả khối nặng khủng khiếp đè lên vai. Hình như ông đã khóc được.
T.D.A
Nguồn: vanhaiphong.com
(Thứ tư, 25 Tháng 12 2013 11:24 |)
Bây giờ các vị đã nằm cả ở đây, nơi trước kia chỉ là cái gò con ngựa. Bỗng dưng tôi cảm thấy cô đơn. Đôi khi có cảm giác người ta chưa kịp để lại gì cho trần thế đã mất hút trong sự lãng quên khắc nghiệt. Không biết ở dưới mồ còn vị nào chưa yên giấc? Tôi tha thứ cho các người. Bởi vì ngày ấy cũng đã mười năm. Mười năm đủ cho tôi thấm nỗi đau của cả mấy thế hệ mà số phận bị nhào nặn bằng một bàn tay phàm tục.
Giờ đây ở giữa sự hoang lạnh của khu nghĩa địa, tôi lại nhớ đến cái đêm khủng khiếp ấy. Tất cả các vị đang nằm đây đều có mặt để xét xử chúng tôi. Đêm ấy không có trăng nhưng đầy sao và hương thơm mùa màng toả ra từ đất. Lần đầu tiên trong đời, trái tim nóng như hòn than cháy ngút trong ngực, khi tôi biết cảm nhận sự kỳ diệu của da thịt… Tôi và Quý Anh, hai kẻ trong trắng như nhau đã bước qua lời nguyền, đã ân xá cho nhau trong sự chứng kiến của các thiên thần. Và đêm ấy các vị đã bọc chặt chúng tôi bằng giáo mác, bằng nỗi căm ghét phi lý. Dưới ánh đuốc, các vị có thể thấy rõ dù chết chúng tôi cũng không rời nhau. Vậy mà các vị cứ quấn chặt chúng tôi bằng vòng lửa của địa ngục khiến tôi hét lên:
- Đâm đi! Các người cứ lấy máu chúng tôi sẽ thấy nó mặn như nhau đỏ như nhau… vì chúng tôi được hoài thai từ một bà mẹ nhân hậu hơn bà mẹ đã sinh ra các người. Cả làng – hẳn các vị còn nhớ – đã không ai dám tiến thêm nửa bước.
Tôi gào tiếp:
- Các người chỉ quen để ý nhau từng lời, từng chữ, rình xem mâm cơm nhà khác có thịt cá không để quy kết, bôi nhọ. Nhưng làng xóm tiêu điều thì các người bỏ vắng. Các người thành kính dựng người chết dậy để thờ trong khi đó nhẫn tâm để kẻ đang sống, đang yêu xuống mổ. Chúng tôi căm ghét và thương hại các người.
Tôi biết tóc bố tôi bạc đi một cách khủng khiếp một phần vì những đau khổ tôi trút lên cuộc đời Người.
* * *
Mọi việc tôi làm trong kỳ nghỉ phép đều không lọt mắt bố tôi. Ông đáp trả bằng sự im lặng. Đợi đến khi tôi xếp đồ vào ba lô, ông mới bất ngờ hỏi tôi:
- Tại sao con Quý Anh nó không đến?
- Cô ấy sợ.
Bố tôi gục xuống và khi ông ngẩng lên, tôi tưởng như không tin ở mắt mình. Mặt ông bị vò nát bởi hàng trăm nếp gấp khắc nghiệt. Trên khuôn mặt ấy tôi lại thấy cái quá khứ vật vã đẫm máu và nước mắt mà bố tôi vừa căm ghét vừa hãnh diện. Trên khuôn mặt ấy như vừa thoáng hiện hình ảnh ông tôi, chú tôi, bị xé nát trong tiếng kêu cứu tuyệt vọng. Giá còn nước mắt thì hẳn ông đã khóc. Tiếng ông khô khốc:
- Chờ nhau ngần ấy năm… thời buổi này không dễ có mấy người. Anh chị đã quyết, tôi cũng không dám cản. Nhưng tôi chỉ xin ở anh một yêu cầu.
- Vâng, bố cứ nói.
- Anh cứ đợi khi nào tôi chết hẵng đưa nó về ở nhà này. Tôi biết nói ra điều này không xứng đáng với một ông bố. Nhưng tôi không thể… anh hiểu ý nguyện của tôi chứ?
Bố tôi lại gục xuống như vừa bị cả khối nặng khủng khiếp đè lên vai. Hình như ông đã khóc được.
T.D.A
Nguồn: vanhaiphong.com
(Thứ tư, 25 Tháng 12 2013 11:24 |)
http://vanhaiphong.com/tac-pham/311-bc-qua-li-nguyn-t-duy-anh-.html
Ai bảo người VN đoàn kết ? Dân tộc VN chia rẽ từ độ nào và cho đến bây giờ cũng thế ! Chỉ có hận thù mới "liên kết" những người có thù chung. Xong rồi thì lại chia rẽ tiếp. Cứ thế cho đến bao giờ ?
Trả lờiXóa