Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

AEC: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): 
Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
Lê Đăng Doanh - Cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và năng lực cạnh tranh là đòi hỏi cấp thiết đặt ra cho Việt Nam khi ASEAN nhảy vọt từ nấc Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lên nấc thang Liên minh Kinh tế AEC.
Ngày 20/11/2007 tại Singapore, lãnh đạo 10 nước ASEAN đã quyết định thay đổi Nghị quyết của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2003 ở Bali dự kiến sẽ thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2020 bằng cách đẩy việc thành lập Cộng đồng này sớm hơn năm năm, vào cuối năm 2015. Rõ ràng quyết định này nhằm nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh của cả khối ASEAN trước sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc, tạo ra một nền sản xuất và thị trường thống nhất của 600 triệu dân với GDP đạt 1.900 tỷ USD.

Như vậy, theo sơ đồ dưới đây của B.Balassa về các nấc thang của quá trình hội nhập, ASEAN đã nhảy vọt từ nấc thang hiện nay là Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lên nấc thang Liên minh Kinh tế AEC, một bước chuyển đổi mà Liên minh châu Âu (EU) đã cần đến 50 năm.

Song, trên thực tế, theo những cam kết đã được công bố, AEC mới chỉ vượt qua được mức Liên minh thuế quan và có một số yếu tố của thị trường chung theo sơ đồ trên đây, chưa có chính sách kinh tế chung và cũng chưa có các cơ quan liên quốc gia như EU. Vì vậy, khái niệm Cộng đồng kinh tế có thể tạo ra sự nhầm lẫn hay ảo tưởng như một Liên minh Kinh tế nhưng thực tế không phải như vậy và có nhiều chỉ dấu cho thấy ASEAN sẽ không lặp lại mô hình có đồng tiền chung của EU.

 Từ năm 1993, Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) đã được thành lập, các nước ASEAN-6 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei) đã hầu như hoàn tất lộ trình cắt giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan của họ nên không còn không gian đáng kể nào thêm cho tự do hóa thương mại giữa các nền kinh tế ASEAN-6. Còn với AEC, bốn nước thành viên mới CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) có nền kinh tế kém phát triển hơn, hội nhập chậm hơn, sẽ phải cắt giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan cho hàng hóa và dịch vụ từ các nước ASEAN khác mà chủ yếu và thực chất là từ các nền kinh tế phát triển hơn của ASEAN-6. Đây là cơ hội mà các nước ASEAN-6 đang nóng lòng chờ đợi, vì họ có thể mở rộng thị trường, tận dụng lao động và tài nguyên giá rẻ ở bốn nước CLMV. Báo chí ở các nước đó gần đây đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về “sự chuẩn bị chậm chạp” cũng như “biểu hiện thiếu quyết tâm” thực hiện đầy đủ các cam kết AEC ở bốn nước CLMV.

Cơ hội cho tự do dịch chuyển lao động?

Để thực hiện cam kết có tính mới và đột phá về “tự do dịch chuyển của lao động có chứng chỉ đào tạo”, 10 nước ASEAN đã thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của mỗi nước thành viên đối với tám loại nghề nghiệp: bác sỹ, nha sỹ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch. Song, mỗi nước có quyền áp đặt những quy định của nước sở tại đối với sự dịch chuyển lao động này vào nước họ. Thí dụ như lao động đến hành nghề ở Thái Lan sẽ phải trải qua kỳ thi viết bằng tiếng Thái để chứng tỏ trình độ ngôn ngữ. Qua được kỳ thi này, bác sỹ có thể được làm việc cùng đồng nghiệp Thái trong bệnh viện, song,  nếu muốn mở phòng mạch tư hay văn phòng riêng sẽ phải trải thêm một kỳ thi sát hạch về luật pháp Thái viết bằng tiếng Thái. Kiểm toán viên cũng phải trải qua kỳ thi bằng tiếng Thái về luật pháp và hệ thống thuế không đơn giản của Thái Lan. Một giáo sư Thái Lan đã thẳng thắn bộc bạch trong trao đổi riêng tư, cơ hội cho lao động Việt không được đào tạo ở Thái Lan là vô cùng thấp. Có thể dự báo các nước khác cũng sẽ có những quy định tương tự, làm cho tác động thực tế của dịch chuyển lao động sẽ thua xa Liên minh châu Âu. Cho đến nay chưa thấy các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có bất kỳ công bố nào về các điều kiện tương tự cho dịch chuyển lao động vào Việt Nam.

Về lý thuyết, các lao động có tay nghề cao từ các nước ASEAN-6 có thể tràn vào các vị trí bốn nước CLMV và hệ lụy về xã hội của một sự xáo trộn như vậy trong tương lai có thể sẽ phức tạp và không thể xem thường. Các nước EU đã phải trưng cầu dân ý trước khi thực hiện các cam kết tương tự để chuẩn bị trước dư luận, trước những diễn biến bất lợi có thể xảy ra.

Trước thách thức và cơ hội cạnh tranh với lao động các nước ASEAN khác, Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động trẻ đông đảo, khéo tay, học nhanh và làm việc chăm chỉ nếu được trả lương tương xứng. Tuy nhiên lao động Việt Nam có nhược điểm là rất kém về kỷ luật lao động, kỹ năng sống và sẵn sàng chuyển việc nếu được hứa hẹn tiền lương cao hơn nơi đang làm. Trình độ chuyên môn và kỹ năng của lao động trong nước đa số chưa cao, đòi hỏi về lâu dài ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ để nâng cao chất lượng đào tạo lao động.

Nhiều thách thức

Cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, kể cả doanh nghiệp tư nhân và nông nghiệp, nâng cao trình độ khoa học-công nghệ và năng lực cạnh tranh là đòi hỏi cấp thiết đặt ra cho Việt Nam khi gia nhập AEC. Xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố cho năm 2014-2015 ở mức rất khiêm tốn và ít có cải thiện từ nhiều năm nay.

Nghiêm trọng hơn, theo những đánh giá và xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong báo  cáo này, xếp hạng về thể chế của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với xếp hạng về kinh tế như bảng dưới cho thấy.


Xếp hạng thể chế của Việt Nam (Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới): 

Chỉ tiêu
Xếp hạng trên 144 nước
Điểm số (1-7 là cao nhất)
Thể chế
92
3.5
Thể chế công
85
3.5
Luật về sở hữu
104
3.4
Chi phí ngoài pháp luật và đút lót cho xuất, nhập khẩu
109
3.2
Chi phí ngoài pháp luật và đút lót cho nộp thuế hàng năm
121
2.6
Chi phí ngoài pháp luật và đút lót để nhận được kết quả tư pháp thuận lợi
104
3.5
Hiệu quả của Chính phủ
117
2.9
Gánh nặng của Chính phủ
91
3.2
Gánh nặng của quy định của Chính phủ
101
3.1
Tính minh bạch của quá trình soạn thảo chính sách của Chính phủ
116
3.5

Nền quản lý hành chính lạc hậu, nhiều thủ tục rườm rà gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh, chi phí về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp Việt Nam, đơn cử như việc các doanh nghiệp Việt Nam cần đến 872 giờ/năm để đóng thuế trong khi con số bình quân của dịch vụ đó ở các nước ASEAN-6 chỉ là 172 giờ/năm. 

Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu nằm ở lao động giá rẻ với các ngành dệt-may, da-giày và một số nông sản như hồ tiêu, cà phê, thủy-hải sản, nhưng đa số các nước ASEAN khác cũng chú trọng vào các ngành này – ngoại trừ Singapore là nước nhập khẩu toàn bộ nông sản và các sản phẩm dệt may, da giày – dẫn tới sự cạnh tranh không tránh khỏi, như cạnh tranh với Thái Lan và Campuchia về gạo, dệt-may, da giày v.v. 

Để đón nhận AEC, các nước ASEAN-6 đã đua nhau đầu tư vào các chuỗi bán lẻ ở Việt Nam. Thái Lan đã mua lại Metro, Malaysia có chuỗi siêu thị Parkson và chắc chắn rằng khi AEC có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu vào Việt Nam bằng không, thì các siêu thị đó sẽ đưa hàng hóa của nước họ chiếm lĩnh thị trường nội địa Việt Nam. Lúc đó, không chỉ hàng công nghiệp mà hàng nông sản của Việt Nam cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Kịch bản xấu là người Việt Nam sẽ chỉ còn làm thuê cho công ty nước ngoài và doanh nghiệp và nông dân Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà.

Gần đây, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về hàng điện tử và điện thoại di động thông minh Galaxy của Samsung nhưng đó là những mặt hàng lắp ráp của những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mà giá trị gia tăng trên lãnh thổ Việt Nam chỉ khoảng 10% giá trị xuất khẩu. Chúng ta cần ý thức rõ hạn chế này để không tự huyễn hoặc mình bằng giá trị xuất khẩu cao của các sản phẩm này.

Nghiêm trọng hơn, theo những đánh giá và xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong báo cáo này, xếp hạng về thể chế của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với xếp hạng về kinh tế như bảng trên cho thấy.

Nền quản lý hành chính lạc hậu, nhiều thủ tục rườm rà gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh, chi phí về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp Việt Nam, đơn cử như việc các doanh nghiệp Việt Nam cần đến 872 giờ/năm để đóng thuế trong khi con số bình quân của dịch vụ đó ở các nước ASEAN-6 chỉ là 172 giờ/năm.

Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu nằm ở lao động giá rẻ với các ngành dệt-may, da-giày và một số nông sản như hồ tiêu, cà phê, thủy-hải sản, nhưng đa số các nước ASEAN khác cũng chú trọng vào các ngành này – ngoại trừ Singapore là nước nhập khẩu toàn bộ nông sản và các sản phẩm dệt may, da giày – dẫn tới sự cạnh tranh không tránh khỏi, như cạnh tranh với Thái Lan và Campuchia về gạo, dệt-may, da giày v.v.

Để đón nhận AEC, các nước ASEAN-6 đã đua nhau đầu tư vào các chuỗi bán lẻ ở Việt Nam. Thái Lan đã mua lại Metro, Malaysia có chuỗi siêu thị Parkson và chắc chắn rằng khi AEC có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu vào Việt Nam bằng không, thì các siêu thị đó sẽ đưa hàng hóa của nước họ chiếm lĩnh thị trường nội địa Việt Nam. Lúc đó, không chỉ hàng công nghiệp mà hàng nông sản của Việt Nam cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Kịch bản xấu là người Việt Nam sẽ chỉ còn làm thuê cho công ty nước ngoài và doanh nghiệp và nông dân Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà.

Gần đây, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về hàng điện tử và điện thoại di động thông minh Galaxy của Samsung nhưng đó là những mặt hàng lắp ráp của những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mà giá trị gia tăng trên lãnh thổ Việt Nam chỉ khoảng 10% giá trị xuất khẩu. Chúng ta cần ý thức rõ hạn chế này để không tự huyễn hoặc mình bằng giá trị xuất khẩu cao của các sản phẩm này.

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&News=8015&CategoryID=7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét