‘Bán’ đường cao tốc cho nước ngoài: Phí tăng, dân có chịu nổi?
(VTC News) – Chủ trương ‘bán’ một số tuyến cao tốc cho nhà đầu tư nước ngoài dấy lên lo ngại mức phí sẽ bị đẩy lên, khó kiểm soát khi 'rơi' vào tay tư nhân. Ngày 26/10, lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thông tin, từ gợi ý của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng, VEC đang lập tổ rà soát, nghiên cứu về cơ chế chính sách, tìm thị trường để bán quyền thu phí hoặc bán cổ phần các dự án đường cao tốc cho nhà đầu tư nước ngoài.
Một đoạn đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua Vĩnh Phúc
Cụ thể, trong thời gian tới VEC sẽ cho tiến hành thành lập một số công ty cổ phần nhằm chuyển nhượng toàn bộ 5 tuyến cao tốc gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành.Chiều 28/10, thông tin với báo chí về chủ trương này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng khẳng định thời gian tới Bộ sẽ đẩy mạnh việc này.
“Tôi cho rằng, việc này sẽ được các đại biểu Quốc hội ủng hộ, vì việc bán lại các công trình đường giao thông, ví dụ như cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ rút được nguồn vốn rất lớn, giảm được nợ công”, ông Thăng nhận định.
Thực tế, khi chủ trương bán một số tuyến đường cao tốc cho nhà đầu tư nước ngoài được Bộ GTVT đưa ra, cũng có hai luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người bày tỏ lo ngại khi các tuyến đường này "rơi" vào tay tư nhân, nước ngoài thì có thể mức phí sẽ bị đẩy lên, khó kiểm soát. Hậu quả là người dân sẽ gánh chịu.
Trả lời phỏng vấn VTC News bên hành lang Quốc hội sáng nay (29/10), đại biểu Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng những lo lắng đó của người dân hoàn toàn có thể được loại bỏ nếu ngay trong khâu ký kết hợp đồng chúng ta tính toán kỹ.
- Ông đánh giá như thế nào về chủ trương bán một số tuyến đường cao tốc quan trọng cho nhà đầu tư nước ngoài của Bộ GTVT?
Tôi chưa tiếp cận cái văn bản này, mới nghe thôi nhưng tôi nghĩ là Chính phủ cũng sẽ cân nhắc yếu tố ấy và nó là chủ trương rất hay.
ĐBQH Ngô Văn Minh |
Tất nhiên Chính phủ sẽ phải quy định anh sẽ thu phí như thế nào, bao nhiêu năm, bao nhiêu tiền. Cái này tôi biết là có sự tính toán cụ thể, có bao nhiêu lưu lượng xe đi qua, rồi tính toán mức là bao nhiêu để làm sao không ảnh hưởng đến người dân.
- Như vậy theo ông, đây là chủ trương đúng và nên đẩy mạnh trong thời gian tới?
Tôi hoàn toàn ủng hộ và tôi hy vọng là bán được. Thực ra, để bán thì với những nhà đầu tư chiến lược, người ta nhiều tiền, người ta mới làm được. Chứ giờ bảo là "mua trâu nguyên con mà bán thịt theo miếng" ấy thì nhiều nhà đầu tư cũng phải tính toán. Thế nên tôi nói thật, bán được thì quá tốt. Hy vọng sẽ bán được để có tiền đầu tư các dự án khác.
- Nhiều người tỏ ra lo lắng cước phí vận tải trên các tuyến đường này sẽ tăng cao nếu bán cho nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?
Đúng là có vấn đề đó đặt ra, tức là có thể nhà đầu tư họ sẽ đặt ra phí cao hơn. Chẳng hạn, thời gian hoàn vốn đặt ra là 20 năm, nhưng họ lại yêu cầu chỉ hoàn vốn trong vòng 15 năm thôi thì họ buộc sẽ phải thu phí tăng lên, có thể tăng từ 100.000 lên 120.000 chẳng hạn, thì cũng có thể xảy ra.
- Vậy theo ông, cần phải có cơ chế kiểm soát được những cái đó để tránh việc này khi mà mình đã bán hẳn cho nhà đầu tư rồi?
|
Tất nhiên nhà đầu tư cũng sẽ phải cân nhắc có lợi họ mới mua. Nhưng nói chung là mình vẫn phải cẩn trọng trong đàm phán, ký kết.
- Đối với các dự án hàng không, chẳng hạn như sân bay Long Thành, mình có nên để nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án ngay từ đầu?
Có chứ, hiện nay sân bay Long thành có nhiều hạng mục đang được đề cập là sẽ đầu tư theo hướng đó. Nhà nước chỉ đầu tư vào các hạng mục như đường lăn, sân đỗ, rồi những nơi làm việc cho cơ quan quản lý nhà nước, đài quan sát… Những nơi không thu hồi được vốn thì buộc nhà nước phải đầu tư. Chứ còn những hạng mục khác thì nên kêu gọi đầu tư nước ngoài ngay từ đầu, giảm nợ công, sẽ hiệu quả hơn nhiều.
- Ông có ý kiến như thế nào về dự án sân bay Long Thành vừa được Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội sáng nay?
Mỗi người dân đều mong ước chúng ta đều mong ước có cảng hàng không Quốc tế hiện đại, bởi theo quan sát của tôi thì khi chúng ta bước xuống một sân bay nào đó, thì thấy nghĩ ngay đến trình độ phát triển của đất nước. Hơn nữa với yêu cầu phát triển của đất nước thì chúng ta cần có cảng hàng không Quốc tế như thế.
Vấn đề ở đây là sự cấp thiết của nó, rồi hồ sơ rồi việc thời điểm trình đã hợp lý chưa?
Tôi thấy, chúng ta phát triển cảng hàng không này nó nằm trong chiến lược phát triển của đất nước nói chung, trong ngành GTVT nói chung và trong ngành hàng không nói riêng. Nhưng rất tiếc là thời điểm trình, theo tôi đáng tiếc là hơi muộn.
Nếu ngay từ năm 2011, vào kỳ họp Quốc hội khóa XII ấy, nếu trình dự án này thì tôi tin là sẽ được.
Theo tôi để triển khai được dự án này cần phải làm qua 2 kỳ họp Quốc hội. Tôi đồng ý về chủ trương, nhưng tôi cho rằng trước tiên phải cho chủ trương để lập dự án khả thi, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau để Quốc hội xem xét, cho làm hay không, rồi mới tính các bước tiếp theo.
» Phó Thủ tướng: Không có sân bay hiện đại, Việt Nam mất lợi thế
» ĐBQH: Dự án càng hoành tráng phần trăm càng cao » Bộ trưởng Thăng: Ai bảo đầu tư sân bay không hiệu quả?
http://vtc.vn/ban-duong-cao-toc-cho-nuoc-ngoai-rat-hay-hy-vong-se-ban-duoc.2.513707.htm
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét