Trước khi bấm nút
Siêu dự án sân bay Long Thành tổng đầu tư lên tới 18 tỷ USD. Theo TS Trần Đình Bá, nếu không cẩn thận thì đây sẽ là một "cú lật thuyền" vì gánh nợ khổng lồ. Dự án sân bay Long Thành được trình Quốc hội vào ngày 29/10/2014. Nhưng từ nhiều tháng nay, cái tên Long Thành đã xuất hiện hàng ngàn lượt mỗi ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Mô hình sân bay Long Thành
Những người ủng hộ siêu dự án này đều nhất loạt cho rằng đây sẽ là một “cú lật cánh” để ngành hàng không của ta cất cánh (nhưng toàn cất cánh chậm), sánh vai và cạnh tranh được với ngành hàng không của các nước trong khu vực và quốc tế.Nhưng theo TS Trần Đình Bá, tác giả của “Chiến lược hàng không Việt Nam”, bằng việc đi vay tới 8 tỷ USD để đầu tư (giai đoạn I, nếu tính cả giai đoạn II thì dự án trị giá tới 18 tỷ USD) vào dự án này, thì không những không tạo được “cú lật cánh” mà nguy cơ lại là một “cú lật thuyền”, vì một gánh nợ khổng lồ, và ngành hàng không khó mà hoàn vốn.
Bởi theo ông, thì đánh giá rằng năm 2017, sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đạt 25 triệu lượt hành khách và sẽ quá tải, hoàn toàn không đúng. Nếu được tổ chức tốt, có nhiều nhà ga, thì một năm Tân Sơn Nhất có thể đạt được 40 triệu lượt khách và hàng triệu tấn hàng hóa.
Năng lực hạ tầng hàng không của ta hiện đạt 220 triệu lượt khách/năm. Nhưng toàn ngành mới vận tải được 12 triệu lượt khách và 140 ngàn tấn hàng hóa/năm, chiếm chỉ 0,3% thị phần, thấp nhất trong 5 loại hình vận tải. Số máy bay cần tới 220 chiếc, trong khi chỉ mới có khoảng 120 chiếc. Tóm lại, là 94% năng lực hạ tầng hàng không vẫn đang còn bị lãng phí.
Trong điều kiện ấy mà lại đi xây một sân bay khổng lồ như Long Thành, là một điều khá lạ lùng. Con số 8 tỷ USD cho giai đoạn I để đạt 25 triệu lượt khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, chỉ là thủ thuật làm nhỏ vốn đầu tư để dễ được Quốc hội thông qua.
Cũng theo TS Trần Đình Bá, thì cũng đừng mơ tới việc Long Thành sẽ trở thành cảng hàng không “trung chuyển của thế giới”, bởi chúng ta sẽ không thể cạnh tranh nổi với những nước xung quanh, khi họ đã đi trước, thậm chí còn không cạnh tranh nổi với cả Tân Sơn Nhất.
Nhưng thôi. Đó là chuyện quốc gia đại sự. Không dám lạm bàn. Tin nóng bỏng đây. Việc người dân phải đu dây qua suối, vô cùng nguy hiểm đến tính mạng, không còn là sự cảnh báo nữa, mà đã trở thành hiện thực rồi. Ngày 26/10/2014, trong lúc đu dây qua sông Krông Ana, đoạn qua thôn 6 xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông, Đăk Lăk) để sang rẫy hái cà phê. Do bánh xe trược khỏi dây cáp, ông Nguyễn Chua (SN 1960) đã rơi từ độ cao 10 mét xuống bãi đá và tử vong.
Đau xót hơn là trước đó 2 tháng, bà Nguyễn Thị Thọ, vợ ông Chua, cũng đu dây vượt đoạn sông đó đi làm rẫy, và cũng bị ngã bất tỉnh, phải nhập viện do đa chấn thương trầm trọng, đến nay vẫn đang nằm viện. Hàng ngày, ông Chua vẫn phải ở viện để phục vụ vợ. Do rẫy cà phê chín quá, ông phải bỏ vợ ở viện một mình để về đi hái, thì bị chết một cách tức tưởi.
Một cây cầu qua một con sông nhỏ tý, chỉ tốn dăm bảy trăm triệu. So với số tiền khổng lồ 161.000 tỷ phải bỏ ra để xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn I, thì nó chỉ là hạt bụi. Nhưng vì không có nó mà chỉ trong hai tháng trời, một người đã chết còn một người thì cửu tử nhất sinh. Điều đó liệu có đáng phải suy nghĩ không, thưa các Đại biểu Quốc hội?
Vậy thì xin các vị hãy nhìn xuống một lần, một lần thôi, trước khi bấm nút quyết định số phận của siêu dự án Long Thành.
Vũ Hữu Sự
(Nông Nghiệp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét