Hiện trạng và trách nhiệm
Tại Kỳ họp thứ Bảy, về vấn đề nợ công, trong khi Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định trước QH ngày 11.6.2014, rằng nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn các chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn, thì báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước QH nhận định có dè dặt hơn: nợ công tuy vẫn nằm trong giới hạn an toàn, nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn.
1. Thẳng thắn và đúng lúc
Tại phiên họp tổ ngày 21.10.2014, một ĐBQH đã chỉ ra rằng trong chi tiêu ngân sách, ba nguyên tắc trụ cột về kinh tế đã bị vi phạm. Đó là tốc độ tăng chi lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động; tốc độ tăng cho chi an sinh xã hội cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách; tốc độ tăng chi thường xuyên cao hơn tốc độ tăng chi cho đầu tư phát triển. Do vậy, nhiều chính sách ra đời không thực hiện được chỉ vì không có tiền. Ý kiến này chắc có cơ sở vì vị đại biểu này là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đương nhiệm.
Tại Kỳ họp thứ Bảy, về vấn đề nợ công, trong khi Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định trước QH ngày 11.6.2014, rằng nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn các chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn, thì báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước QH nhận định có dè dặt hơn: nợ công tuy vẫn nằm trong giới hạn an toàn, nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn.
Cử tri hoan nghênh các phát biểu và nhận định trên đây vì đúng lúc QH thảo luận về ngân sách và kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2015 mà lành mạnh hóa chi tiêu ngân sách và nâng cao hiệu quả đầu tư công là hai nhiệm vụ bức thiết.
2. Không thể dừng lại ở hiện trạng
Tuy nhiên cử tri cho rằng với cương vị của mình, vị ĐBQH không thể chỉ nói lên hiện trạng mà cần chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm để góp phần lành mạnh hóa ngân sách và nợ công, đồng thời nhận lấy phần trách nhiệm thuộc về mình, nếu có.
Với vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được quy định trong Nghị định 116/2008/NĐ-CP, ngày 14.11.2008 và Nghị định 178/2007/NĐ-CP ngày 3.12.2007, quá trình dẫn đến tình trạng không có tiền để thực thi chính sách, đầu tư cho phát triển thấp, khả năng huy động và trả nợ (công) rất khó khăn, chắc chắn có phần trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và của các bộ trưởng tiền nhiệm và đương nhiệm của Bộ. Bởi lẽ nếu đầu tư công có hiệu quả trong thời gian qua thì tình hình sẽ khác nhiều, mà tư lệnh trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt đầu tư công, là ai thì quá rõ.
3. Công tác quy hoạch yếu kém là một nguyên nhân
Yếu kém bất cập trong đầu tư công có phần bắt nguồn từ quy hoạch, trong đó chi phối toàn cục là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ), và quy hoạch xây dựng (QHXD).
Bên cạnh những yếu kém bất cập trong QHSDĐ mà Nghị quyết của QH số 17/2011/QH13 ngày 22.11.2011 về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia đã chỉ ra, và trong QHXD mà nhiều ĐBQH đã phát biểu khi thảo luận dự thảo Luật Xây dựng, còn có tình trạng ba quy hoạch chủ lực không phối hợp với nhau, chồng chéo nhau.
Thực tế hiện nay là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với (để không nói là lãnh địa của) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy hoạch sử dụng đất gắn với Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy hoạch xây dựng và quy hoạch xây dựng đô thị gắn với Bộ Xây dựng, quy hoạch ngành gắn với các bộ, ngành tương ứng.
Để khắc phục tình trạng này và tăng cường công tác quy hoạch, cách đây bốn năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 2178/CT-TTg ngày 2.12.2010. Chỉ thị chỉ ra những tồn tại cần khắc phục, từ đó giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương.
Chỉ thị yêu cầu “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng Luật Quy hoạch; đồng thời, phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ để đưa dự án Luật Quy hoạch vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2011”.
Việc chậm chấp hành Chỉ thị 2178/CT-TTg trách nhiệm ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rõ. Nhưng không chỉ có Bộ này, những địa chỉ khác cũng đã rõ.
4. Ngân sách nhà nước không phải là chùm khế ngọt
Trong buổi phát Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 26.10.2014 trên VTV1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin rằng tình trạng đầu tư công ở các tỉnh và thành phố sẽ đi vào quy củ.
Cử tri không mong gì hơn. Bởi lẽ QH từ các Khóa X, XI đã cảnh báo về các hội chứng xi măng lò đứng (vô cùng ô nhiễm), nhà máy mía đường (công nghệ quá lạc hậu), cảng biển(cách nhau khoảng 100km nhưng không cảng nào hoàn chỉnh)... Giờ đây danh sách các hội chứng dài ra thêm với khu hành chính hoành tráng, trường đại học, nhà máy thủy điện, nhà máy lọc dầu, cảng hàng không, khu nông nghiệp công nghệ cao, và hình như có cảkhu công nghệ cao...
Mười lăm năm sau hội chứng vẫn còn, thậm chí còn phát triển. Rõ ràng để chấm dứt tình trạng đầu tư theo phong trào, bất chấp cơ sở khoa học, bất chấp hiệu quả kinh tế, coi ngân sách nhà nước như chùm khế ngọt mặc tình trèo hái, cần phải lần đến tận gốc để tìm ra những nguyên nhân đích thực. Nếu không, đầu tư công ở các địa phương sẽ khó mà đi vào quy củ.
5. Trách nhiệm của Quốc hội
Trong tình hình ngân sách và nợ công hiện nay có phần trách nhiệm của QH. Giá mà các ĐBQH phát biểu mạnh mẽ hơn, có chứng cứ từ ngành của mình, từ địa phương mà mình là đại biểu, và bấm nút thông qua với tinh thần trách nhiệm cao nhất! Giá mà các báo cáo thẩm tra và các báo cáo giám sát sâu sát hơn, thực chất và mang tính phát hiện hơn!
Cử tri mong rằng phát biểu của vị ĐBQH Bộ trưởng, tuy mới dừng lại ở hiện trạng, là dịp để QH suy nghĩ về các nguyên nhân, về trách nhiệm của mình, và có những quyết định tích cực ngay trong Kỳ họp thứ Tám này của QH.
Gs. Tskh Nguyễn Ngọc Trân
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=331346
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét