Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Facebook đã có dấu hiệu nhàm chán

Facebook đã có dấu hiệu nhàm chán
Cách nay 10 năm không ai nghĩ công trình thiết kế mạng xã hội mang tên Facebook của một nhóm sinh viên Đại học Harvard với $1000 khởi nghiệp lại có thể trở thành một công ty kếch sù trị giá 184 tỉ USD được xếp hạng Top 5 trong danh sách những công ty thuộc ngành công nghệ thông tin (IT) của Mỹ.
Facebook đã trở thành một hiện tượng “cộng đồng ảo” phát triển nhanh nhất và mạnh nhất với hơn một tỉ người. Sức hút và tốc độ lan truyền mạnh mẽ của FB, đặc biệt đối với giới trẻ, là do việc sử dụng được ở mọi lúc, mọi nơi. Bằng việc khai thác các kỹ thuật công nghệ tương tác, Facebook tạo điều kiện cho con người tìm nhau và giao tiếp trong môi trường Internet, từ đây hình thành một “mạng xã hội” liên kết với những con người thật, cộng đồng thật và xã hội thật.

Riêng với việc có thể truy cập trên nhiều dòng điện thoại thông minh khác nhau, Facebook giúp cho người sử dụng luôn sẵn sàng giao tiếp với bạn bè, người thân hoặc các đối tác cho dù họ đang ở nơi nào trên trái đất và vào bất cứ lúc nào, miễn là họ đang kết nối vào mạng xã hội qua Internet. 


Việc kết nối và tìm bạn rất dễ: Mỗi người đăng ký một tài khoản trên Facebook, rồi tạo cho mình một tiểu sử cá nhân (profile) để mọi người có thể nhận ra, sau đó sẽ tìm tên những người sử dụng (username) khác mà mình muốn kết bạn. Khi người kia chấp nhận làm bạn thì đôi bên có thể trao đổi giao tiếp với nhau bằng các hình thức thông điệp hoặc hình ảnh. Số lượng bạn của mỗi người không bị giới hạn vì thế có người có mấy trăm hoặc cả ngàn “bạn FB”, thể hiện khả năng giao tiếp và độ phong phú trong các mối quan hệ xã hội cá nhân.

Thêm vào đó, người sử dụng Facebook có thể tạo ra hay gia nhập các nhóm (group) giữa những người có mối quan tâm chung như cùng làm việc một nơi, cùng học một trường, hay có những đặc tính hoặc sở thích giống nhau. Người sử dụng có thể phân loại bạn mình thành nhiều nhóm, thí dụ “đồng nghiệp”, “bạn thân” để chuyển các thông điệp đến đúng nơi, đúng lúc, đúng hoàn cảnh.

Có thể nói Facebook chỉ là một trang mạng, không hơn không kém, và dịch vụ duy nhất là để bạn bè gia đình kết nối và chia sẻ. Tuy nhiên các thành viên của Facebook đã tự nguyện cho lên trang mạng xã hội này các thông tin dữ liệu cá nhân của mình để Facebook đứng giữa và hưởng lợi bằng cách khai thác thương mại quảng cáo với những doanh nghiệp khách hàng. 

Nhưng sau 10 năm đứng đầu trong tất cả các mạng xã hội thời huy hoàng của Facebook đã có dấu hiệu suy giảm. Điều này được dẫn chứng khi FB mất đi 11 triệu người dùng, đa số là giới trẻ. Cũng dễ hiểu thôi, vì giới trẻ luôn theo đuổi những trào lưu mới, và sau 10 năm thì FB chẳng còn gì là mới mẻ cả, nếu không nói là đã trở nên nhàm chán đối với họ.

Một trong những lý do khiến FB mất sức thu hút với giới trẻ là sự tham gia ngày càng đông của người lớn tuổi và phụ huynh. Ngày nay nhiều người lớn tuổi tham gia Facebook không những để cập nhật xu hướng công nghệ mới mà còn dùng nó như công cụ kiểm soát con cái. Có nhiều trường hợp những người dùng Facebook trẻ tuổi đã bị phụ huynh bắt quả tang khi làm những hành động sai trái hoặc nói những điều không làm cha mẹ hài long, vì thế nên giới trẻ cảm thấy mất đi sự tự do.

Trong thương trường bất cứ công ty lớn mạnh nào ở vị trí hàng đầu đều phải đối đầu với những đối thủ cạnh tranh và FB cũng không ngoại lệ; ngày nay giới trẻ ưa chuộng các trang mạng xã hội khác như Twitter, Instagram, LinkedIn, Pinterest, Google+, Tumblr, YouTube, Flickr, Meetup, Tagged, vv.... Những mạng xã hội này đếu có tác dụng khác nhau. Nếu người dùng muốn chia sẻ hình ảnh họ sẽ làm điều đó trên Instagram, muốn check-in họ sẽ thực hiện điều này với Foursquare, những người muốn kết nối với những doanh nhân hoặc thành viên chuyên nghiệp sẽ dùng LinkedIn, ít có nhiều người muốn sử dụng Facebook để tổng hợp tất cả những thứ này nữa.

Từ khi FB gia nhập thị trường chứng khoán thì phải kiếm tiền theo quy tắc cạnh tranh của thị trường do đó đã thay đổi rất nhiều. Vì đã nắm trong tay số lượng người dùng cao nhất nên FB không cần lấy lòng họ nữa mà chỉ nhắm vào khách hàng quảng cáo để kiếm lời, do đó người dùng thường thấy vô số những mẫu quảng cảo hiện lên trên trang cá nhân của mình từ các trang mà họ đã trót bấm “Like”, cùng các đường link đã lỡ bấm vào xem. Điều này cho thấy FB luôn thu thập dữ liệu và theo dõi người dùng để biết họ thích cái gì cho mục đích đăng quảng cáo trên trang của họ.

Ngày nay với nạn ăn cắp lý lịch nhiều người còn lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân và quyền riêng tư (privacy) mà theo đó FB đã bị chỉ trích là khá lỏng lẻo trong chế độ bảo mật thông tin người dùng và còn khai thác dữ liệu cá nhân để bán lại cho các nhà quảng cáo. Trước đây FB đã từng hứng mũi dùi dư luận khi được biết các tài khoản được tùy chỉnh theo quy chế riêng tư (private), đôi khi lại là công khai và mọi người đều xem được. Sau đó FB lại tái cấu trúc cách thức tìm kiếm, kết bạn và tính năng Graph Search để tìm ra rất nhiều dữ liệu khác nhau. Ngoài ra, những bức ảnh của mình (hoặc ảnh có mặt mình) được đăng tải trên FB có thể được đăng tải lại ở những trang mạng công cộng khác mà mình không hề biết.

Ngày nay nhiều thủ thuật tin học có thể khui ra mọi thông tin cá nhân của một người mà họ không hề biết. Hơn nữa một khi trao đổi thông tin trên mạng, có nghĩa là đã vô tình trao cho kẻ khác quyền được khai thác các thông tin đó.

Gần đây một bài viết của Chris Chan trên trang mạng LinkedIn về FB đã là đề tài nổi bật với hơn nửa triệu lượt đọc và gây sự chú ý của Mark Zuckerberg, chủ tịch và đồng sáng lập viên của Facebook. Chris Chan, Giám đốc Dự án, Chuyên gia Tư vấn khách hàng của hãng Inova Software ở New York đã giải thích lý do tại sao anh từ bỏ Facebook như sau:

Thông thường, mỗi trang mạng chỉ sử dụng dữ liệu của chúng ta ở một mức độ nào đó, nhưng Facebook thì tham lam và hung bạo hơn tất cả các mạng xã hội khác. Facebook không coi chúng ta là khách hàng mà chỉ đối xử với chúng ta như một sản phẩm của họ. Khách hàng đích thực của Facebook là các nhà quảng cáo - kẻ mà Facebook đang ra sức mời chào, rao bán chúng ta cho họ.

Đúng vậy giờ đây những quảng cáo len lỏi vào từng trang cá nhân, trang chủ, những tài khoản cũng được sử dụng với mục đích quảng cáo. Mới đây nhất, Facebook còn áp dụng tính năng quảng cáo dạng video tự chạy bắt buộc người dùng phải xem cho dù họ có ghét tới mức nào. Giờ đây việc đầu tiên khi vào Facebook sẽ không còn là kiểm tra tin nhắn hay những thông báo nữa, mà sẽ là xem quảng cáo.

Dần dần FB mất đi sự tuyệt vời của nó mà còn phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực, có người dùng nó để nổi danh, đánh bóng tên tuổi của mình, để quảng bá dịch vụ, sản phẩm, để công kích chỉ trích kẻ khác, có người thì thích khoe đủ mọi thứ trên trang cá nhân. Vì thế nên Facebook được ví như một 'bãi rác', nơi mọi người ném đủ thứ đồ vô bổ vô nghĩa mà không hề chọn lọc, nơi thường thấy thông tin về những sự kiện không hề có ý nghĩa thiết thực gì đối với cuộc sống, nơi mà những thông tin hữu ích lại bị xáo trộn giữa những thông tin hỗn độn.

Ngay cả khả năng tìm bạn và kết nối mấu chốt của FB cũng bị phê bình vì nhiều người kết bạn ngay cả với những người không hề quen biết. Facebook có thể “mở rộng” nhưng không thể “đi sâu” trong các mối quan hệ, Facebook có thể đem lại “số lượng lớn” các mối quan hệ nhưng lại thiếu sót về “chất lượng”. Facebook dễ biến mọi người thành những người hờ hững vì thường nhìn thấy bạn bè, hay người thân trên Facebook mỗi ngày và nghĩ thế là đủ, không cần gọi điện thoại hỏi thăm hay trò chuyện vì thế các mối quan hệ thật sự không được hâm nóng và trở nên lạt lẽo.

Phải thừa nhận rằng, FB đem lại rất nhiều tiện ích, nhất là sự kết nối thông tin và những ứng dụng giải trí thú vị (chơi game, nghe nhạc, xem phim). Nếu sử dụng đúng mục đích và ở chừng mực phù hợp, mạng xã hội này sẽ là công cụ hữu hiệu cho những người chuộng công nghệ hiện đại. Điều tốt hay hại của FB căn bản vẫn là ở nhận thức của người dùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét