Mùa Xuân Thứ Hai
Em như cô gái hãy còn xuân.
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần.
Xuân đến xuân đi trên mái tóc.
Cô gái đương xuân mơ chuyện … vợ chồng.
Nhã vừa nhặt rau vừa hát nho nhỏ bài tình ca thiết tha, sao mà nghe như rót mật vào lòng đến thế thì thôi. Nhất là câu cuối "Cô gái đương xuân mơ chuyện vợ chồng", làm nàng thẹn thùng đến đỏ bừng cả đôi má bình thường chỉ tai tái màu lá chuối khô. Không nao nức sao được, chỉ còn vài ngày nữa nàng có thể dung dăng dung dẻ nắm tay người tình trong mộng của nàng ra Tòa Đô Sảnh của thành phố Bá Linh ký giấy tù chung thân mọt kiếp. Ơ! Sao lại nói năng vớ vẩn thế. Người ta lên xe bông với người tình chung mà dám bảo là tù chung thân mọt kiếp, đã không chúc phúc thì thôi chứ.Các bạn đừng vội nóng, hãy nghe tôi kể rõ nguồn cơn.
Nhã đang ở trong giai đoạn níu kéo tuổi xuân, mùa xuân nào cũng lăm le dọa nạt đòi bỏ rơi nàng. Nhã sợ nhất câu "Mỗi tuổi nó đuổi xuân đi" vì nó đã đuổi của nàng đến năm mươi bảy mùa xuân rồi. Nhưng lần này mùa xuân thứ hai của nàng đã trở lại, khi nàng gặp Quang cũng đồng trang lứa với nàng ở ngưỡng cửa của tuổi sáu mươi.
Xét về tuổi tác đôi uyên ương già này rất xứng đôi vừa lứa, Nhã có lấy người trẻ hơn mình vài giáp đâu mà sợ thiên hạ dị nghị. Nàng đã ly dị với người chồng trước từ nhiều năm nay, con chỉ có một mống đã trưởng thành cho ra ở riêng. Vả lại Đời cua cua máy đời cáy cáy đào, mẹ phải lo hạnh phúc cá nhân cho mẹ chứ chẳng lẽ cứ đi làm vú em cho con mãi sao. Phần Quang gốc gác ở đâu bạn bè của Nhã hỏi ai cũng lắc đầu chịu thua, không tìm ra nguồn gốc. Chỉ nhìn làn da men mét như lá trầu úa và giọng nói của vùng ngoài, ta có thể đoán được chàng này ít nhất cũng phải một thời oanh liệt trên các tuyến đầu của núi rừng Trường Sơn. Lấy núi cao làm lều, lấy trăng sao làm màn và lấy muỗi rừng làm bạn lữ.
Nhã kể cho các bạn bè nghe về tình yêu đến muộn của nàng, nào là anh ấy yêu thương mình ghê lắm, chiều chuộng mình hết mực. Nhà có cửa tiệm tạp hóa Á châu, anh ấy suốt ngày nhặt rau phụ mình, đòi khiêng gạo nhưng mình sợ anh ấy lớn tuổi sơ xẩy nhỡ tụt xương sống thì khổ…
Thế ra họ lấy nhau vì Tình các bạn ạ! Cụ Phan Khôi có bài Tình Già bất hủ, nào là Hai mái đầu muối tiêu chụm vào nhau nhặt rau trong quán tạp phô nho nhỏ, ba mươi năm sau nhìn nhau ánh mắt còn có đuôi. Thôi thế cũng mừng cho hai mái đầu muối tiêu mà phần muối nhiều hơn phần tiêu các bạn ạ!
Nếu câu chuyện chỉ có thế thôi chắc tôi không uổng công viết ra bắt các bạn đọc đâu, Hoa Súng làm gì viết những chuyện nhạt như nước ốc như thế.
Chẳng là các bạn bè của Nhã đã lâu không để ý đến nàng, từ lúc nàng may túi Ba Gang để đựng tiền bồi thường của anh chồng kỹ sư Đào Cống. Anh này đã trả cho nàng một số tiền lớn để đổi lấy hai chữ Tự Do sau ba mươi năm dài chung sống. Sau cuộc chia tay, nàng cứ đổ riệt cho anh cái tội “Thấy Lê quên Lựu, Thấy Trăng quên Đèn, đi theo người đàn bà khác tài sắc hơn vợ". Trong khi nàng là người đàn bà mẫu mực, người vợ hoàn hảo trong mọi lãnh vực, nàng chi tiêu dè sẻn dành dụm chắt chiu trong bao nhiêu năm mới gây được cơ ngơi như ngày hôm nay. Muốn chia tay với nàng thì phải chia đôi sản nghiệp, các cụ chẳng bảo là Của chồng công vợ hay sao.
Anh chồng suốt đời chỉ biết đi đào hầm đào cống, đem tiền về nuôi vợ nuôi con. Đào ở xứ Đức hết cả hầm cống, anh chạy ra xứ người đào tiếp. Mọi việc gia đạo trong nhà anh giao hết cho nàng. Vì xa mặt cách lòng hơi lâu nên nàng mới nổi cơn ghen, cấm đoán anh mọi chuyện. Cũng có thể giấy nợ giữa chủ nợ và con nợ truyền kiếp đã hết hạn, anh mới can đảm đòi chia tay.
Ngày anh nhận được tin vui của người vợ cũ do cái đám bạn trai của anh truyền miệng. Anh đã lim dim chắp tay lên trời khấn vái, thầm cám ơn cái người đàn ông ấy. Phải chi người ấy đến với nàng sớm hơn ba chục năm thay chỗ cho anh, có lẽ anh sẽ gọi người ấy là Bồ Tát cứu khổ cứu nạn cho đời anh.
Trong cuộc diện này, biết phải bênh ai. Nếu luật pháp đã chia đôi tài sản từ cái đĩa đến cái máy giặt thì lỗi phải cũng bị chia hai, kiểu "tại Anh tại Ả tại cả đôi bên cho công bằng". Cái đáng nói ở đây là sau cuộc chia tay, cán cân tài chánh của hai phe không cân bằng. Chàng kỹ sư Hầm Cống đào hầm cả ba chục năm mà tay trắng vẫn hoàn trắng tay, bao nhiêu tiền của chạy cả sang túi Ba Gang của nàng.
Cái này phải nói là anh vụng tính, anh muốn dứt điểm cho nhanh với nàng đừng giây dưa cái nhà cái cửa làm chi nên đã mượn nợ nhà băng trả quách nửa phần của nàng cho xong. Thế là anh ôm nợ, nàng ẵm tiền trở thành bà chủ của một tiệm bán đồ khô xinh xắn trong vùng.
Tin Nhã bước thêm bước nữa cũng chẳng có gì chấn động, chẳng làm chết thằng Tây nào cả. Nhưng tin nàng bí mật dẫn người tình chung đi ký giấy dài lâu, khi gạo đã chín thành cơm, ván đã đóng thành thuyền nàng mới hớn hở báo tin cho bạn bè biết và hẹn ít tháng sau chọn ngày lành tháng tốt sẽ đãi tiệc vui. Các bạn bè nàng cho dù vô tâm đến đâu cũng phải đặt câu hỏi tại sao phải ký giấy tờ sớm, có phải để giữ chàng ở lại hay không? Càng không thể vì lỡ dại với chàng mà cưới gấp. Chàng xuất xứ từ đâu? Có phải hàng xuất khẩu từ nội địa đem sang với thương hiệu Việt Gian, made by Viet Gian, hay hàng nhập lậu từ biên giới Tiệp, Ba Lan, Liên Xô… nguồn gốc nổi trôi ở tận đâu đâu.
Nếu thế giả thuyết lấy nhau vì tình của họ có phần lung lay. Đấy là cái nhìn sai lầm chứa đầy lòng ganh tỵ của thiên hạ cho mùa xuân thứ hai của Nhã, chứ họ yêu nhau lắm. Các bạn cứ nghe mẫu đối thoại của Nhã và Quang sẽ thấy thế nào là mãnh lực của tình yêu.
Họ gặp nhau trong một buổi nói chuyện của các doanh nghiệp thương mại, cần tìm thị trường tại hải ngoại. Quang trong hình ảnh một doanh nhân thành đạt đang tỏa sáng, người lúc nào cũng diện bộ vét com-lê láng cón, tay cầm cặp xách sam-xông-nai bóng láng, trong chứa đầy ống giác hơi và vài lọ dầu gió Nhị Thiên Đường. Chàng nhờ nàng thông dịch trong những buổi tiếp tân khoảng đãi của công ty.
Nhã từ lúc mới sang xứ người đã mê dòng nhạc đỏ, trong đó lấp lánh bóng chàng với mũ tai bèo hiên ngang trên đường Trường Sơn lộng gió. Người lính ngang tàng xả mình cho lý tưởng, cho độc lập tự do, nay đã trở thành một doanh nhân lịch lãm, đưa đất nước vào con đường hội nhập, hay đúng hơn con đường ra biển lớn trong trào lưu quốc tế Vê-Kép-Tê-Ô (WTO).
Chàng nghe nàng nói về hình ảnh người chiến sĩ Trường Sơn với sự kinh ngạc tột cùng, chàng nhớ lại những buổi lăn lóc dưới mưa dầm gió lạnh, bụng đói meo không có gì để ăn ngoài những quả sim rừng tím thẫm, chát ơi là chát. Muỗi Trường Sơn đã lưu lại cho chàng những kỷ niệm khó quên bằng những cơn sốt rét mãn tính. Vốn liếng hành trang vào đời chưa vượt qua lớp tám, chàng đã vào chiến trường để gia đình được hưởng chế độ tem phiếu trong thời bao cấp. Chàng nhìn nàng dáng dấp bé nhỏ cần cù liên tưởng đến cô nàng hàng xén bên sông và chàng như lục bình trôi sông, đang đi tìm một bến đỗ bình yên.
Sau nhiều ngày giao tiếp với nhau, chàng mời nàng đi ăn cơm và ngỏ lời:
Em đúng là người mà anh đang đi tìm và đã gặp. Cảm ơn em cô gái xứ Bắc, nơi em anh có cả quê hương bên mình.
Nàng chớp mắt nhìn chàng bối rối, nàng xa quê hương từ tuổi mười tám hai mươi. Ba mươi năm sống xa quê hương ở đất người, đã có anh Việt kiều nào nói với nàng những câu nói trữ tình, đầy ắp yêu thương.
Ngày chia tay đã đến, chàng bày tỏ: Anh ao ước được ở bên em trong quãng đời còn lại. Sinh mạng anh đã gắn nơi em.
Ngập ngừng một lúc sau chàng nói tiếp: Anh đang nhờ những người quen thân quản lý giúp anh một số tài sản không nhỏ. Anh ước gì được giao niềm tin này cho em.
Nhã rưng rưng nước mắt: Nếu thế chúng ta sẽ ở bên nhau mãi mãi, anh sẽ là của em.
Chàng dồn dập hỏi gấp: Bằng cách nào em yêu?
Nàng lấy tay dí vào trán chàng day day nói: Chúng ta sẽ cưới nhau, anh sẽ được ở lại đây hợp pháp.
Nhã quên hết cả lời mẹ dặn là đừng tin lời đường mật của đàn ông, nhất là loại đàn ông nói như Vẹm kiểu này. Nhưng thôi con gái Bắc 54 chín nút, lấy trai Bắc bẩy nhăm cũng xứng đôi vừa lứa lắm rồi.
Kể từ đây Quang đã trở thành một loại quần xà-lỏn xuất khẩu, với niềm tin kiên cố, với ý chí kiên cường của thời Chống Mỹ cứu nước còn sót lại trong người, Quang cứ ngỡ mình sẽ làm nên những việc lớn kiểu “Đem chuông đi đánh xứ người“. Không tự hào sao được, thiên hạ muốn có chữ ký như của Nhã phải tốn ít nhất vài chục cây vàng, đằng này mình chỉ cần vài câu Đĩ Mồm rẻ tiền, nhặt vài cái rau vớ vẩn đã cho nàng vào rọ dễ như không.
Sau thủ tục kết hôn, giấy tờ giằng co đi lại giữa hai xứ sở Đức Việt thật phiền toái. Chẳng là chính phủ xứ Phổ Lỗ Sĩ này chẳng thèm tin cái giấy giả đóng bằng củ khoai của một số người Việt nhà ta, nên tất cả các giấy tờ kết hôn xuất xứ từ Việt Nam đều bị đưa ra tòa án liên bang để tra xét xem rõ thật hư. Làm mất nhiều thì giờ và tốn kém muôn phần.
Rồi cuối cùng cũng đến ngày hội ngộ tương phùng cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Hai mái đầu muối tiêu lại có cơ hội chụm vào nhau cho thỏa lòng mong nhớ. Họ đang hưởng mật ngọt của tình yêu qua hình ảnh những hôm trưa hè oi ả Nhã mặc áo ba lỗ khoe cánh tay trần lực lưỡng, Quang ngồi đối diện mắt kèm nhèm say đắm nhìn sang. Khách đến mua hàng ai cũng thầm khen cho Nhã khéo chọn chồng, kiếp trước khéo tu nên bằng này tuổi đầu vẫn có người săn đón yêu thương. Chả bù với một số người suốt đời chỉ bóng lẻ phòng không.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, nó đi đi mãi không chờ đợi ai, mới đó mà họ đã ở với nhau cũng gần được hai năm, hai năm đầy dấu ấn của tình yêu.
Nền kinh tế xứ Đức ngày càng đi xuống, lỗi ở nạn kinh tế hoàn cầu, các hãng xưởng tham nhân công ở các nước thứ ba rẻ đã đóng cửa hãng mình tại quê nhà về đầu tư nơi xứ người, làm dân chúng thất nghiệp dài dài.
Cửa hàng của Nhã bị cơn bão hết tiền của dân Đức, cộng thêm thuế giá trị gia tăng sinh ra ế ẩm, Nhã thấy túi Ba Gang của mình ngày càng thâm thủng, miệng ăn núi lở đâm suy nghĩ lo toan.
Nhã hỏi: Sao không thấy anh làm việc cho công ty. Quang lấp lửng: Được ở bên em là tất cả, còn những việc công ty chỉ là chuyện vặt.
Nhã nghe xong cũng thấy mát ruột, không tra hỏi chi thêm cho sứt mẻ mối tình.
Nhiều lúc nhìn Quang trộm vía, Nhã thấy nước da chàng đã sáng sủa ra nhờ xứ lạnh tình nồng, không như thời mới bảo lãnh cho sang, nhìn vào cứ men mét như lá trầu úa bỏ không đến phát sợ. Nhưng khi nhìn sang hàm răng khấp khểnh như cầu rửa chân ở bờ hồ Hoàn Kiếm và vàng ám của Quang, nàng nhớ có lần Quang kể trong thời bao cấp và chiến tranh, không có phương tiện đã phải dùng xà phòng công nghiệp của Liên Xô thay thế cho kem đánh răng nên mới ra nông nỗi này.
Nhã thì thầm hỏi Quang: Thế còn tài sản của anh ở VN ra sao? Anh quản lý bằng cách nào, đã đến lúc sang tên cho em để chúng ta cùng được hưởng thành quả của anh. Quanh đi quẩn lại vẫn là câu chuyện đầu tiên là tiền đâu của nàng, lâu nay ăn tiêu làm lủng đáy túi Ba Gang của nàng hơi nhiều, nhưng chàng vẫn lấp la lấp lửng, không đi vào vấn đề và ra sức chiều chuộng nàng với hy vọng Nhã sẽ quên những câu hỏi tương tự như trên.
Nhã cũng nhẫn nại chờ đợi, phần không muốn không khí gia đình căng thẳng, phần nữa linh tính báo cho nàng biết có điều gì không ổn trong cách xử sự của chàng. Nhưng điều nàng sợ hơn tất cả là lại thêm một lần nữa chia tay.
Ngày lại ngày Nhã như ngồi trên thùng thuốc súng, cửa hàng buôn bán ế ẩm. Các công việc lặt vặt trong cửa hàng như lau dọn vệ sinh, bấm giá tiền nhặt rau, do cô bé làm nửa buổi, nay đã giao lại cho Quang. Cuộc sống lứa đôi từ trong cửa tiệm đến trên giường đã làm nàng phát ngấy. Quang không biết tiếng Đức, nàng phải kiêm luôn việc thông dịch khi chàng trái gió trở trời, phải đưa chàng đi bác sĩ.
Chiến tích oai hùng của Trường Sơn năm xưa đã sống lại những căn bệnh quái ác không giải thích được ở bên chàng. Chẳng hạn có lần nàng đưa chàng đến tăng thân để sinh hoạt, đang vui chợt hồi chuông chánh niệm vang lên. Các bạn trong tăng thân dừng tất cả các hoạt động theo tiếng chuông chánh niệm và trố mắt ra nhìn chàng chăm chú. Nhã liếc nhìn sang Quang, thấy chàng hai tay ôm đầu chạy vào góc tường, thu mình dưới một góc bàn. Sau hồi chuông chánh niệm Nhã đến bên Quang hỏi: Anh làm sao thế! Quang mặt mày tái mét lắp bắp: Tại sao lại có tiếng kèn báo động B52 của rừng Trường Sơn. Nhã kéo Quang về nhà và từ đó nàng giã từ những buổi họp mặt với tăng thân để tránh những việc giở khóc giở cười như ngày hôm nay.
Nhã nhìn Quang với cặp mắt khe khắc hơn, có phần xoi bói chì chiếc, những lần Quang gãi sồn sột trước mặt khách hàng. Nàng quá xấu hổ tống chàng vào kho và không cho xuất hiện trước khách hàng. Cũng khổ cho Quang cơn ngứa của những mụt ghẻ tàu hắc lào nơi chân không hẹn mà cùng nổi lên một lượt, làm sao Quang trấn áp chúng trước mặt khách hàng.
Mùa xuân đến vạn vật như bừng lên trong tấm áo mới, nụ hoa muôn màu muôn sắc tỏa hương thơm nồng nàn. Quang ngây ngất trong vườn hoa công viên, thả hồn nhớ lại rừng hoa bạt ngàn của núi rừng Trường Sơn. Những đóa hoa rừng những cành lá rừng phủ kín mũ, áo, ba lô của những chàng trai tuổi xuân hừng hực trên đường Nam tiến.
Một cơn gió thoảng qua nhẹ nhàng làm chàng nhẩy mũi, theo thói quen Quang thọc tay vào túi tìm lọ dầu Nhị Thiên Đường đưa lên mũi hít hà. Cảm giác quen thuộc thân thương trở về, chàng nhớ da diết điếu thuốc lào. Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên. Nghĩ là làm chàng hăm hở trở về nhà, giờ này Nhã đang còn trong cửa hàng. Chàng đường hoàng lôi chiếc va li dấu kín trong một góc và trịnh trọng lôi ra một dọc tẩu. Chàng thần thánh vê từng viên thuốc bỏ vào dọc tẩu rồi châm lửa. Hương thuốc lào tỏa ngát trong không gian bọc kín hồn chàng, chập chờn lúc gần lúc xa. Chàng rít một hơi dài, chiếc dọc tẩu kêu dòn dã phát ra những tiếng ro ro. Chàng khoan khoái ngả mình ra phía sau, mắt lim dim hả mồm nhả ra những vòng khói mà tưởng như cột khói của nhà máy xi măng Hải Phòng.
Nhã bực dọc nhìn đồng hồ, miệng lẩm bẩm: Quái, đến giờ này vẫn chưa vác mặt đến đây, không biết cha nội lại giở trò gì nữa đây, bực ơi là bực! Từ sáng đến giờ Nhã ngồi đến gần thiu cả người chưa bán được một mảy may. Không hiểu khách hàng quen của nàng biến mất nơi đâu, chả lẽ không ăn uống gì sao. Ăn phở cũng phải cần đến bánh phở và rau húng của tiệm nàng chứ. Thì ra các bà nội trợ khách hàng của Nhã đã sợ phát khiếp hình ảnh gãi ghẻ của Quang và cái mặt đanh thép nhiếc chồng không thương tiếc của nàng trước bàn dân thiên hạ.
Mặt trời đã xế bóng, Nhã đóng vội cửa tiệm nóng lòng về nhà xem cái tên chồng chết tiệt đang làm gì. Vừa bước vào nhà, Nhã muốn chết ngất vì mùi thuốc lào xông lên sặc sụa. Người chồng yêu quí của nàng với áo sơ mi cởi phanh ngực, quần xà-lỏn, chân đi vớ, đang ôm nàng tiên nâu nằm co quắp như con tôm, há mồm ngáy ro ro như tiếng nhịp của con tim.
Ba máu sáu cơn, Nhã định tiến đến chụp cái dọc tẩu quẳng vào tường. Nhưng tiếng nói của Sư Ông chợt văng vẳng trong tai "Thở đi con", Nhã muốn thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười như nụ cười bất diệt của Sư Ông. Nhưng với căn cơ thấp kém như nàng làm sao tâm nàng được tĩnh lặng trong tình thế dầu sôi lửa bỏng như vậy. Cái dọc tẩu nhờ hình bóng của Sư Ông cứu mạng, không bị vỡ tan tành thành trăm mảnh là may lắm rồi.
Phần Quang vẫn bình chân như vại, từ ngày bị vợ khám phá ra mình đang ngoại tình với nàng tiên nâu và cái dọc tẩu vẫn bình yên vô sự. Chàng chính thức hóa cho mối tình vụng trộm với nàng tiên nâu, ban ngày cũng như ban đêm nằm lim dim hút thoải mái trong phòng khách. Nhã đã tống chàng ra khỏi chiếc giường loan phụng của hai người. Làm sao dám ôm ấp một người lúc nào cũng ám khói thuốc lào, cho hắn ra ở riêng ngoài phòng khách cho đỡ ngứa mắt, nhưng mũi thì không thể nào chịu nổi.
Ta chỉ nghe nỗi khổ của Nhã, nhưng có ai hiểu cho nỗi đoạn trường của Quang trong xứ sở chỉ toàn mùa đông này không. Chàng như người câm người điếc trong cuộc sống hội nhập, từ tiếng tăm cho đến văn hóa, khí hậu đều đảo lộn 180 độ so với những gì chàng đã sống, đã cảm nhận. Cái xứ gì mà tối ngày chỉ gậm mẩu bánh mì đen, lại cứng như đá. Nói phải tội thứ này nếu có ném chó cũng phải chết. Nhắc đến sinh vật đáng yêu này Quang chợt nhớ da diết đến đĩa cầy tơ, món ăn dân tộc của vùng quê chàng. Rồi hình ảnh người vợ cũ của núi rừng Trường Sơn, đã theo chân chàng từ lúc ra Khu đến khi về Thành, lúc nào cũng biết ý chồng, ráng tìm cho chồng những đĩa tiết canh lòng lợn béo ngậy chấm với mắm tôm. Xơi xong hút một điếu thuốc lào tráng miệng, leo lên võng đong đưa đánh một giấc đến chiều. Nói dại nhỡ máy bay B52 có dội trên đầu Quang cũng không thèm tránh.
Nhưng thực tế hiện nay, Nhã đã cấm không cho chàng thưởng thức mùi vị mắm tôm trong căn hộ, sợ mấy ông Tây bà Đầm hàng xóm Đức sang than phiền, chê mình là giống dân nhược tiểu. Quang ở nhà bị đưa vào chức vụ nội tướng, ngày ngày bấm nồi cơm điện, hút bụi rửa bát chờ nàng. Những khi rảnh rỗi hay bật đài VTV4 xem tin tức tại quê nhà, tình cờ chàng nghe được một bài hát cải biên của một anh chàng nào đó diễn tả đúng ngay tâm trạng của chàng hiện nay, làm chàng suýt bật khóc.
Em như một người chồng, nàng lo chuyện lòng vòng.
Anh như người vợ hiền, tề gia và tòng quyền.
Nấu cơm với rửa chén, giặt quần áo cho em, rồi bọc tã cho con.
Bao năm cuộc tình này hằng mơ được một ngày.
Bao nhiêu lần định chuồn, bị em liệng vào buồng.
Đắng cay như cà cuống, rồi thì bó tay anh, rồi thì trói chân anh. Buồn!
Cuộc tình lỡ đã như ri. Cũng cam tâm như một thằng lỳ.
Vì từ ngày nàng xuất giá vu quy, đón đưa tôi vào Nhị tỳ.
Tàn đời một đấng Nam nhi, đất Cali mình bị Đì. Bạn bè nhìn tôi chúng khi.
Qua bên này lạ kỳ. Đàn ông chẳng còn gì.
Khi xưa mình thật chì. Quyền uy trời là nhì.
Muốn gì là được nấy. Giờ thì đấm lưng em, giờ thì bóp chân em. Buồn.
Buồn quá ! … Buồn thiu.
Quả tình buồn thật, tối ngày chỉ quanh quẩn trong xó bếp như Gà què ăn quẩn cối xay, làm sao một chiến sĩ oai hùng của núi rừng Trường Sơn chịu nổi. Quang thấy xương cốt đau nhức, tứ chi bải hoải, rồi bao nhiêu cơn bệnh cũ mới lần lượt đổ ập xuống người chàng. Nhã cũng điên đầu vì anh chồng vô tích sự này. Bao nhiêu công việc chưa lo xong, nào tiệm nào nhà xoay sở chưa xuôi, thì giờ đâu đưa chàng đi bác sĩ ngồi đợi hàng giờ. Đã bảo đi học tiếng Đức để đỡ đần cho người ta mà người đâu dốt thế, ngữ này có bửa đầu nhét chữ vào cũng không nhớ.
Cho dù Nhã có chửi rủa hay ngọt ngào với Quang cuộc diện vẫn không thay đổi, chàng lúc nào cũng là gánh nặng cho nàng, một thứ Chí Phèo trong đời. Sau cùng cả hai đều đồng ý nhất trí đưa Quang về cố quận để cái nôi của dân tộc che chở cho chàng, đưa chàng đến các Trung tâm Y học dân tộc với phương pháp trị liệu cổ truyền để các thầy lang châm cứu, bấm huyệt.
Quang nghe phán quyết của nàng như mở cờ trong bụng, về lại cố hương ôi sao bốn chữ ngọt ngào. Ai bảo đi Tây đi Tầu là sướng, chứ Quang thấy sang đây như đi ở tù, một nhà tù êm ái có đầy đủ các vật chất nhưng thiếu xót về tâm hồn. Quang thật sự không hiểu chủ nghĩa duy vật mà mình đã đổ bao công sức ra bảo vệ có còn tồn tại nơi đây không, hay lý thuyết đã thật sự lung lay trong người chàng. (.......).
Từ ngày Quang về Việt Nam chữa bệnh, Nhã thấy khỏe khoắn trong lòng, không phải ngửi mùi thuốc lào ám khói, không phải nhìn tấm thân bệnh hoạn rên la. Tưởng lấy chồng để có nơi nương tựa chứ biết phải vác cái của nợ ấy thì có các vàng Nhã cũng chẳng ham.
Quang về bên ấy nắng ấm trời trong nên bệnh tình đã thuyên giảm nhiều, đâu cần mấy thang thuốc Bắc hay vài cọng lá cây sấy khô trợ lực, chỉ cần chai rượu đế nếp mới và đĩa lòng lợn béo ngậy chấm với mắm tôm là Quang lại khỏe như Vâm ngay. Bà vợ Trường Sơn của Quang nghe tin chồng vinh quy bái tổ về nước cũng mon men lại chào và ra sức hầu hạ chàng. Dù ăn ở với nhau không có giấy tờ nhưng họ đã có chung với nhau một cậu con trai và cả một quá khứ oai hùng từ lúc một hột muối cũng phải cắn đôi, bây giờ có cục đường chẳng lẽ chàng lại nuốt hết. Quang hưởng hết những ưu đãi trời ban riêng cho mình, cứ những tháng trở lạnh chàng về quê, đến hè nắng ấm chàng sang Đức để kiểm tra sức khỏe. Cứ cái đà dọc ngang ngang dọc như thế được vài lần, thì Nhã cũng phải thấy được bộ mặt con thò lò sáu mặt của chàng. Nhưng biết làm sao hơn. Cái giấy hôn thú của nàng không thể cầm chân được chàng bằng đĩa tiết canh lòng lợn với ngò gai húng quế của chị vợ Trường Sơn.
Càng nghĩ Nhã càng ngao ngán cho thân phận đời mình, đang tự do sung sướng với túi Ba Gang rủng rỉnh, muốn đi đâu chơi cũng chẳng ai cấm, muốn vất tiền qua cửa sổ cũng chẳng ai ngăn. Ấy thế mà Ma đưa lối quỉ dẫn đường. Khi không những chốn đoạn trường mà đi.
Nhã chợt nhớ đến hai chữ Ngiệp Quả, nhớ đến người chồng cũ hiền lành suốt đời chỉ cung phụng cho nàng, nhưng nàng quá khắt khe cay nghiệp khiến chàng ta phải cuốn gói ra đi.
Ngày chàng ra đi, Nhã bị tổn thương đến tột cùng, tự ái của nàng bị xâm phạm một cách trắng trợn. Bằng này tuổi đầu, nhan sắc còn đâu làm sao Nhã kiếm được một tấm chồng xem cho ra hồn để dọa nạt cái tên chồng bội phản ấy. Rồi cuối cùng nàng cũng kiếm được, thật ra chẳng cần kiếm đâu cho xa, cái của nợ của nàng từ đâu đã lù lù dẫn xác đến tìm, như một lời hẹn từ muôn kiếp. Ngày lên xe hoa nàng đã vênh cái mặt bên anh chồng độc đáo cho bạn bè lé mắt. Bây giờ than thở với ai, nói ra chúng cười vào mặt chỉ có nước độn thổ xuống đất mà thôi. Thật là cảnh Há miệng mắc quai, ngậm bồ hòn đắng làm ngọt.
Ca dao ta có câu : Trai yêu vợ mới chẳng rời. Gái thương chồng cũ biết đời nào quên. Nhã không ngờ người xưa lại tâm lý đến thế, cứ chồng mới làm điều gì không phải ta lại đem tên chồng cũ ra so sánh, rồi tiếc rẻ rồi trách thầm sao ta quá vụng dại. Phải chi hồi ấy ta thế này, ta thế nọ, ta có thể biến đổi cuộc diện tốt đẹp hơn. Nhã quên mất một điều là đàn ông tên nào cũng có cái tốt và cái xấu. Nếu lỡ yêu hắn rồi thì nên yêu luôn cái xấu của hắn đi và tên đàn ông nào mình đã chịu đựng được đến hơn hai chục năm rồi thì cứ chịu đựng tiếp đi. Giữa đường đổi ngựa sẽ bị hất văng vào vỉa hè ngay.
Nhưng Nhã nghĩ lại chuyện mình, tên chồng cũ của nàng bỏ nàng trước chứ nàng tội gì phải bỏ người đã cung phụng mình hơn nửa đời người. Hắn mới là người làm nên tội, đã đưa nàng vào tình trạng nửa khóc nửa cười như ngày hôm nay. Nếu hắn đừng bỏ nàng, đừng tạo cơ hội cho cái tên chồng hút thuốc lào vô tích sự lại lừa dối nàng về tiền bạc, nhà cửa nhảy vào.
Nhã thấy thâm thù đàn ông, đàn ông là giống bạc tình, là phường đểu cáng chuyên đi làm khổ phụ nữ như nàng. Nhã le hét, nàng rên rỉ rồi khóc lóc cho vơi nốt cơn tủi hận đang trào dâng như sóng thủy triều tràn ngập tâm hồn nàng.
Ôi! Bao nhiêu công trình tu tập, bao nhiêu lần lặn lội mưa gió đi tham dự các khóa Thiền, bao nhiêu lần thực tập cách thở nhẹ và sâu cũng không giúp ích gì cho Nhã trong tình huống bi đát này. Nhã đang mắc phải một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm là Tham Sân Si, giống tương tự như bệnh ung thu với di căn đang chạy hết khắp người nàng. Nàng Tham tiền của anh chồng cũ, hốt cho đầy túi Ba Gang, chưa đủ nàng tham luôn số konto ma với sáu số của anh chồng mới, mấy cái nhà ảo ở Hà Nội, Sài Gòn giá ít nhất cũng ngàn cây vàng. Nàng Si mê mùa xuân thứ hai vừa hé mở với anh doanh nhân thành đạt. Và cuối cùng nàng nổi cơn Sân chửi rủa thù hận cái bọn đàn ông vô tội. Thật là Oan ôi ông Địa cho bọn chúng.
Không biết cuộc đời của Nhã đoạn sau sẽ đi về đâu, nàng cũng chẳng còn nhiều cơ hội để lập lại cuộc đời nữa, vì bà Sáu Tấm cũng đang vẫy tay chào đón nàng.
Nhã phải trả cái giá khá đắt cho việc làm liều lĩnh quá hấp tấp của nàng chỉ vì muốn thỏa mãn lòng tự ái, lúc nào mình cũng là người hoàn hảo. Và chính trong góc cạnh này Nhã không muốn ly dị Quang, không muốn tai tiếng để người đời dị nghị làm hỏng cái thể diện sẵn có của nàng, cái này các cụ gọi là phải còn Giữ Mẽ nữa. Vả lại vợ chồng bỏ nhau phải có lý do chính đáng như tứ đổ tường, cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách. Hút đây là hút xì ke ma túy chứ có ai xin tòa ly dị vì tội chồng hút ít điếu thuốc lào đâu. Còn tội lười biếng lười chẩy thây, ghẻ lở thối tai hôi nách thì ráng mà chịu. Ai bảo lúc trước không chọn lựa kỹ càng thuận mua vừa bán mà.
Mùa Xuân Thứ Hai của Nhã chưa có đoạn kết, Hoa Súng để lửng lơ con cá vàng như thế cho các bạn ai muốn hiểu sao thì hiểu. Muốn thương cảm hay sỉ vả nhân vật nào trong truyện cứ toàn quyền quyết định vì tất cả đều là hư cấu. Trên đời này làm gì có những nhân vật vớ vẩn như Nhã và Quang.
Chúc các bạn một mùa xuân tươi thắm thứ ba.
Hoa Lan
Mùa Xuân 2007
http://khoahocnet.com/2014/08/24/hoa-lan-mua-xuan-thu-hai/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét