Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Tiền thưởng, không phải là tất cả

Tiền thưởng, không phải là tất cả
Bởi lẽ, cái quan trọng hơn tiền thưởng là thái độ tiếp nhận, việc giải quyết những lá đơn tố cáo tham nhũng thế nào, sau đó, việc điều tra có kịp thời, khách quan và công minh hay không?
Ảnh minh họa
Dự thảo Thông tư liên tịch mới “Quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo tham nhũng” của liên bộ: Thanh tra Chính phủ và Nội vụ, thay thế cho Thông tư liên tịch số 03/2011/TTLT- TTCP- BNV cũng của hai cơ quan này, đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Theo dự thảo, thì người có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo tham nhũng, giúp nhà nước thu hồi được những khoản tiền lớn đã bị tham nhũng, sẽ được khen thưởng cả bằng tinh thần và vật chất.

Về tinh thần, người có thành tích xuất sắc sẽ được nhận một trong 3 phần thưởng sau: Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kèm theo đó là mức thưởng vật chất tương đương với 60; 40 và 20 lần mức lương cơ sở cho mỗi loại. Hình thức khen thưởng là có thể trao công khai hoặc không công khai, trong trường hợp phải bảo vệ người tố cáo.

Dự thảo cũng quy định bổ sung đối với những trường hợp mà số tiền Nhà nước thu hồi được vượt quá 600 lần mức lương cơ sở, thì người có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo tham nhũng sẽ được thưởng tới 10% giá trị số tiền thu được, nhưng không quá 5 tỷ đồng.

Ví dụ, anh tố cáo tham nhũng giúp nhà nước thu hồi được 100 tỷ, thì anh cũng chỉ được thưởng 5 tỷ đồng chứ không phải là 10 tỷ, tương đương 10%.

Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, khiến sinh lực quốc gia kiệt quệ và lòng tin của nhân dân vào chế độ bị bào mòn. Trước tình hình đó, việc quy định các mức độ khen thưởng để khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng, là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề không hẳn chỉ là thế.

Phần lớn trong hàng ngàn vụ tham nhũng bị phanh phui trong những năm qua, là do nhân dân và báo chí phát hiện. Số vụ việc do nhân dân phát hiện lớn hơn hẳn số vụ do cơ quan điều tra của công an và do thanh tra các cấp phát hiện.

Vượt lên trên tâm lý cầu an và nỗi sợ, hàng trăm người dân đã dũng cảm viết đơn gửi các cơ quan chức năng, tố cáo những hành vi có dấu hiệu tham nhũng của nhiều kẻ có chức có quyền. Nhiều người đã theo đuổi vụ việc cả chục năm. Nhiều người phải bán cả trâu, bò, đồ đạc… để lấy tiền đi chống tham nhũng.

Nhiều người đã phải hứng chịu những trận đòn trả thù của kẻ tham nhũng đến thành thương tích vĩnh viễn. Nhiều người khác đã bị chúng hủy hoại tài sản hoặc triệt đường làm ăn đến thành tay trắng, nhưng họ vẫn không bỏ cuộc.

Người dân tố cáo tham nhũng chỉ có hai bàn tay trắng, trong khi kẻ tham nhũng có tất cả: được cấp trên bao che, cấp dưới bảo vệ, thậm chí chúng còn có tất cả công cụ pháp luật trong tay, sẵn sàng sử dụng để chống lại người tố cáo. Lợi ích do tham nhũng mà có lại được ăn chia, nên đụng vào chúng không dễ.

Những người dân tay trắng ấy, khi hạ bút viết “ĐƠN TỐ CÁO THAM NHŨNG”, đều chỉ có một động cơ duy nhất, là bảo vệ chế độ, lấy lại sự công bằng xã hội, giữ vững kỷ cương, phép nước, chứ không hề gợn một chút đòi hỏi hay mong được phần thưởng này, phần thưởng nọ.

Vậy thì điều quan trọng nhất của các cơ quan chức năng, là thái độ tiếp nhận những lá đơn ấy thế nào, và việc giải quyết những lá đơn ấy, sau đó, việc điều tra có kịp thời, khách quan và công minh hay không?

Còn những tấm giấy khen và những đồng tiền thưởng, không phải là tất cả.

Vũ Hữu Sự
(Nông Nghiệp)
http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/130661/van-de-du-luan/tien-thuong-khong-phai-la-tat-ca.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét