Đảng phải sửa lỗi thì dân mới tin
TT - Là người nhận bản di chúc được công bố lần đầu tại tang lễ Bác Hồ, ông Triệu Vũ chia sẻ những trăn trở về những điều chưa làm được theo di chúc của Người. Ông nói: "Tôi giảng những bài học về Bác Hồ, lúc cao trào, thầy khóc mà trò cũng khóc. Mấy mươi năm rồi, lòng tin của dân với Bác, với tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vẫn nguyên vẹn - đó là sức mạnh tập hợp lòng dân".
Ông Triệu Vũ - Ảnh: M.Hương
Ông Triệu Vũ - nguyên trưởng khoa lịch sử Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II - người giữ cẩn thận di chúc suốt 45 năm). Ông Vũ nói: Lâu nay, người ta chỉ chú ý đến bản di chúc công bố tại lễ tang chính thức. Riêng tôi chú ý đến bản di chúc viết năm 1968. Bản này Bác nói là “viết thêm một vài điều không đi vào chi tiết”, nhưng thật ra Bác chỉ rõ có những việc làm phải tức thời ngay nhưng cũng có những việc kéo dài nhiều năm sau, thậm chí tới bây giờ mà vẫn chưa làm xong. Đậm nét nhất, còn ngổn ngang nhất là chuyện xây dựng Đảng, xây dựng con người, đào tạo cán bộ...
Sa sút lòng tin
Bây giờ, chuyện bức xúc lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân quan tâm là chuyện lòng tin.
Tôi thấy 20 năm gần đây, lòng tin trong dân bắt đầu bị sa sút do có nhiều chuyện làm chưa tốt. Nghe nghị quyết thì thấy xuôi, thấy sáng, thấy tin tưởng lắm nhưng rồi tới khi làm lại méo mó. Ví như nói xóa nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, xóa mãi, làm mãi mấy chục năm rồi mà thấy nghèo vẫn còn nhiều, có nơi còn đến vài ba chục phần trăm. Số giàu chiếm tỉ lệ nhỏ thì tài sản ngày một lớn.
Nói chống tham nhũng mấy chục năm nay mà càng chống lại càng thấy nhiều. Cứ khui ra lại thấy dính đến cán bộ, đảng viên - cả số đương chức lẫn số đã về hưu. Một vụ tham nhũng thì nhùng nhằng bao nhiêu năm. Kéo lâu vậy là vì dính dấp nhiều quá, bứt dây động rừng.
Công bằng mà nói, có nhiều cái mình làm được: kinh tế tăng trưởng, đời sống thay đổi, cơ sở hạ tầng khá hơn, vị thế đất nước tăng. Nhưng lòng của người dân chưa an, chưa phấn chấn, chưa hào hứng vì còn chứng kiến nhiều cái ngang trái, thậm chí nghịch lý, phi lý, trái đạo lý mà vẫn tồn tại. Chính cái đó làm cho người ta mất lòng tin.
Từ ngày về hưu, tôi làm bí thư chi bộ ở khu phố, có điều kiện gần gũi nhiều với người dân, tôi biết chuyện chạy trường, chạy việc, chạy hộ khẩu, chạy chức... là chuyện thường.
Tôi cũng đến các cơ quan hành chính nhà nước, thấy bộ phận tiếp dân còn hạch sách, quan liêu, xa dân lắm. Thấy ai có chức thì họ khép nép lịch sự, còn gặp người dân, nhất là người có vẻ không có trình độ thì quát nạt, hạch sách coi thường - điều này Bác gọi là những “quan cách mạng”.
Sửa được thì dân tin
Muốn cứu, muốn giữ, phải củng cố lại lòng tin, trong Đảng, trong quần chúng thì bản thân Đảng, các cấp lãnh đạo phải khắc phục, sửa cho được cái yếu kém, khuyết điểm của mình. Sửa được thì dân tin.
Kinh nghiệm từ thời cải cách ruộng đất, ta cũng sai lầm nghiêm trọng. Lúc đó Bác Hồ đã xin lỗi, nhận khuyết điểm trước trung ương, trung ương thì tự phê bình, tổng bí thư Trường Chinh từ chức, nhiều cán bộ bị kỷ luật, bị khai trừ Đảng.
Sau đó, Đảng quyết liệt sửa sai, nên người dân tin trở lại. Dân có tin, kháng chiến chống Mỹ mới có ngày thắng lợi. Truyền thống dân tộc là không cố chấp, không bảo thủ. Lòng dân rất chân thành. Cái quan trọng là đừng để kéo dài những tệ nạn, những khuyết tật.
Trong lá thư “Gửi đồng bào tỉnh Nghệ An” ngày 17-9-1945, Bác có viết một câu mà tôi thấm thía: “Thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ. Thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều”.
Đế quốc có mạnh, ta mất mấy mươi năm kháng chiến trường kỳ, hi sinh xương máu rồi cũng thắng. Cái nghèo nàn có thể vươn lên được, nhưng còn cái lạc hậu, bảo thủ, trì trệ thì chống khó lắm. Trong di chúc, Bác nói muốn thắng trong “cuộc chiến đấu khổng lồ” này thì phải khơi lại lòng tin, huy động sức của toàn dân, toàn dân vào cuộc.
Tôi giảng những bài học về Bác Hồ, lúc cao trào, thầy khóc mà trò cũng khóc. Mấy mươi năm rồi, lòng tin của dân với Bác, với tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vẫn nguyên vẹn - đó là sức mạnh tập hợp lòng dân.
Tôi nhìn thấy một lần nữa sức mạnh tập hợp đó trong đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lại ao ước giá như bây giờ có được những cán bộ mà nói một tiếng, dân tin và nghe theo từ tận đáy lòng.
MAI HƯƠNG ghi
(Tuổi trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét