Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Bất đắc dĩ, tôi trở thành chuyên gia KTNN&PTNT

Bất đắc dĩ, tôi trở thành chuyên gia kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn
(Tác giả: Vũ Trọng Khải; viết nhân kỷ niệm 47 năm nhận công tác ở Bộ Nông nghiệp, ngày 05 tháng 8 năm 1967
Hồi nhỏ, tôi sống ở núi rừng Việt Bắc, nên đã biết chăn nuôi dê, gà và trồng rau, biết vào rừng tìm kiếm lâm sản để giúp mẹ tôi kiếm sống. Nhưng từ sau năm 1954, tôi sống cùng cha mẹ ở thành phố cảng Hải Phòng, trở thành thị dân, không biết gì về nông nghiệp, nông thôn.
Năm 1963 sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi dự thi vào Đại học Bách Khoa Hà Nội, ngành Vô Tuyến điện. Nhưng giấy báo gọi nhập học lại là Đại học Kinh - Tài (Kinh tế - Tài chính), sau đổi thành Đại học Kinh tế - Kế hoạch, nay là Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. Lúc đó, học ngành gì do Đảng và nhà nước phân công, ít khi phù hợp với nguyện vọng cá nhân. Nhập học trường Đại học Kinh - Tài, người ta phân tôi học ngành Kinh tế Nông nghiệp, thuộc khoa “công - nông” (kinh tế công nghiệp và kinh tế nông nghiệp).

Tôi lên văn phòng khoa, trình bày nguyện vọng, xin chuyển sang ngành Kinh tế Công nghiệp, vì tôi là thị dân trên đất Cảng, không biết gì về nông nghiệp, nông thôn. Ông Nghĩa phụ trách Tổ chức - Hành chính khoa bảo: “Học sinh phổ thông thì học ngành gì chẳng được. Tổ chức đã phân công, không thể thay đổi được”. Tôi đành bằng lòng học ngành Kinh tế nông nghiệp, khóa 5 (1963-1967) của Đại học Kinh - Tài. 

Sau này, tôi mới biết việc phân công sinh viên vào học các ngành của trường Đại học này theo mức độ “tốt, xấu” của lý lịch: (i) Ngoại giao, ngoại thương; (ii) Kế hoạch hóa; (iii) Tài chính, ngân hàng; (iv) Kinh tế Công nghiệp. Còn Kinh tế Nông nghiệp dành cho những người có lý lịch như tôi: “tiểu tư sản”. Ba mẹ tôi đều không phải là Đảng viên Đảng Lao động (nay là Đảng Cộng sản). Thế là tôi được ưu ái lắm rồi, so với các bạn đồng tuế khác, lúc đó. 

Tôi có một người bạn kém tôi gần 10 tuổi. Bà mẹ anh ấy đã kể với tôi rằng: anh ấy giỏi và mê văn lắm, nhưng hai lần thi vào Khoa Văn, trường Đại học Tổng Hợp, Hà Nội, đều trượt. Lý do rất đơn giản: Bố anh ấy tuy đã là đảng viên Đảng Cộng sản từ 1930 trong phong trào cách mạng “Tiếng trống Tiền Hải”, đã từng là Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng, Bí thư Đảng đoàn của một bộ, nhưng đang ở tù vì bị quy là “thành phần xét lại, chống Đảng”. Bức xúc vì con trai không được vào đại học chỉ vì lý lịch, bà mẹ anh ta lên Ban Tổ chức Trung ương Đảng phản đối và làm ầm ĩ. 

Cuối cùng, vị chuyên viên Ban Tổ chức Trung ương Đảng hỏi bà mẹ anh ấy rằng “Chị có đồng ý cho cậu ấy học Đại học Nông nghiệp không? Nếu đồng ý thì tôi có thể giải quyết được”. Bà mẹ anh ấy đành chấp nhận. Ông chuyên viên liền nhấc điện thoại gọi đến trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, yêu cầu nhà trường tiếp nhận anh ấy học mà không qua thi tuyển. Nhà trường buộc phải đồng ý, tuy rằng lúc đó đã là tháng 11, sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đều đã học được hai tháng. 

Hiện nay, anh ta đã trở thành một vị tiến sĩ khá nổi tiếng và đang giữ chức Viện trưởng một viện thuộc một bộ quan trọng. Thế mới biết, ở cái đất nước có hơn 70-80% dân cư sống bằng nông nghiệp, mà người ta lại coi thường nông nghiệp như vậy. Những người có lý lịch chính trị “không tốt” theo tiêu chí của chế độ, chỉ có thể vào học đại học nông nghiệp! May mắn cho ngành nông nghiệp, những người bị bất đắc dĩ phải học các trường, khoa nông nghiệp vì lý do lý lịch “có vấn đề” lại thường là những người thông minh.

Thời đó, giáo trình Đại học Kinh tế hầu như được sao chép của Liên Xô và Trung Quốc. Chương trình học về chủ nghĩa Mac-Lenin bao gồm: Kinh tế Chính trị học, Triết học, Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, mất hai năm. Chuyên ngành gồm hai môn là Kinh tế Nông nghiệp và Tổ chức Quản lý Xí nghiệp Nông nghiệp (nông, lâm trường quốc doanh và hợp tác xã nông nghiệp dựa trên chế độ sở hữu tập thể của nông dân về ruộng đất và các tư liệu sản xuất chủ yếu khác). Đương nhiên là giáo trình không dựa trên cơ sở quy luật của nền kinh tế thị trường, mà là nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và do nhà nước chỉ huy thống nhất. (Thực chất là nền kinh tế nhà nước hóa cao độ).

Vậy là khi nước ta chuyển sang kinh tế thị trường từ 1986, toàn bộ kiến thức học ở Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội của tôi không còn giá trị gì. Nhưng cũng may là cuộc sống luôn mách bảo cho con người ta những kiến thức quý báu, đúng đắn. Nhờ quá trình công tác gắn bó, mẫn cảm với thực tiễn nông nghiệp, nông thôn, nên tôi ngộ ra nhiều điều về tính hợp lý của kinh tế thị trường. Và mỗi lần ngộ ra như vậy, trong bối cảnh không có thông tin từ thế giới văn minh, tôi cứ tưởng mình tìm ra “Châu Mỹ”. Thật thảm hại cho cái sự học của tôi. 

Lớp tôi có 48 sinh viên, nhưng chỉ có 8 sinh viên xuất thân là học sinh phổ thông. Trong 8 sinh viên này, tôi là người duy nhất sống ở thành phố. 40 sinh viên còn lại là cán bộ được cử đi học. Họ học chương trình phổ thông ở trường đặc biệt gọi là “Bổ túc văn hóa công nông Trung ương”, có khi một năm học hết chương trình ba lớp phổ thông. Họ gọi tôi là “nông dân cày đường nhựa”. Trong thời gian học đại học, có lẽ hứng thú nhất đối với tôi là giờ thảo luận trên lớp, đối thoại trực tiếp giữa thầy và trò. 

Ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi là cuộc đối thoại giữa tôi và thầy Đỗ Tư, dạy môn Chủ nghĩa Xã hội Khoa học. Thầy nói rằng, Lênin quan niệm: “Giai cấp vô sản làm cách mạng không mất gì. Có mất là mất xiềng xích, còn được thì được cả thế giới”. Tôi buột mồm hỏi lại thầy: “Thưa thầy, thế giai cấp hữu sản làm cách mạng thì được gì?”. Câu hỏi này không bị quy tội là thất lễ với thầy mà là tội “chết người”: “mất quan điểm, lập trường của giai cấp công nông”. May cho tôi, thầy Đỗ Tư là người uyên bác, rộng lượng, đã từ tốn giải thích về cái được của giai cấp hữu sản là tinh thần, lý tưởng, vì sự giải phóng giới cần lao khi họ đi theo giai cấp vô sản, làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. 

Nhưng nhìn vào thực tế gia đình tôi, bạn bè của cha mẹ tôi, cách giải thích ấy thật khiên cưỡng. Ở Hải Phòng, ông Nguyễn Mạc là một nhà tư sản, bạn thân của cha mẹ tôi, không đi vào Nam mà ở lại để tham gia khôi phục kinh tế đất nước sau hòa bình lập lại, Hải Phòng được “giải phóng” (5/1955). Ông Nguyễn Mạc kinh doanh sản xuất giày, dép và đồ da các loại. Thường tối thứ 7, cha mẹ tôi và tôi đến ăn cơm thân mật tại tư gia của ông trên đường Trần Phú. Ông hồ hởi tham gia công ty hợp doanh với nhà nước trong công cuộc cải tạo tư bản công, thương nghiệp của thành phố cảng. Nhưng rồi, trong công ty hợp doanh, một vài công nhân “cốt cán” tố cáo ông tham gia “công đoàn vàng”, một tổ chức thân với chính quyền thời Pháp chiếm đóng Hải Phòng. Ông lo sợ bị đấu tố, cộng thêm với việc cha mẹ tôi mấy tuần liên không đến nhà ông ăn cơm như trước. Ông Đ.M, một vị lãnh đạo ở Hải Phòng lúc đó, đã khuyến cáo ba tôi là không nên có quan hệ quá thân tình với những người trong giới tư sản. Ông Mạc nghĩ rằng ba tôi sợ liên lụy với một người tham gia “công đoàn vàng”, nên không dám đến chơi. Rồi ông lo lắng, tuyệt vọng nên đã thắt cổ tự tử. Ông Đ.M lại trách ba tôi là đã không quan tâm, lui tới thăm viếng để giải thích chính sách cải tạo tư sản của chính phủ cho ông Mạc, nên đã dẫn đến cái chết bi thương ấy!?

Hơn 10 người con của ông Mạc đi học phổ thông bị phân biệt đối xử và không có ai được vào học đại học.

Về gia đình tôi, ba tôi bảo, lúc còn làm luật sư tập sự cho một luật sư người Pháp ở Hải Phòng, lương 70 đồng/ 1 tháng, đủ nuôi cả nhà, gồm bà nội, mẹ tôi, bốn anh chị em tôi, chú và cô ruột tôi. Sau khi hết tập sự, nếu ra lập văn phòng luật sư riêng thì, chỉ sau vài năm có thể mua được nhà, ô tô. Những điều đó đã không thành, vì trước năm 1945, ba tôi đã tham gia Việt Minh, theo cụ Hồ làm cách mạng tháng 8 ở Hải Phòng, rồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đến khi chết (1/1996), cha mẹ tôi vẫn ở căn hộ tập thể, thuê của nhà nước với giá bao cấp, “gần như cho”, nhưng tiện nghi thì quá đơn sơ. Nhà ở 40 Lạch Tray gồm 5-6 hộ gia đình cùng sử dụng chung một nhà vệ sinh, hố xí xổm. Mỗi lần mưa, nước dưới bể phốt lại tràn lên mặt sân mà công ty quản lý nhà của nhà nước không sửa. Bức tường bao quanh nhà bị sập nhiều năm cũng không được xây lại. May mắn là năm 1968, luật sư Trình Đình Thảo, anh ruột mẹ tôi, từ Nam ra Bắc, xuống thăm gia đình tôi, người ta mới xây lại bức tường này để “bảo vệ ông Thảo” và mang đến một bộ salon để ba mẹ tôi tiếp ông Thảo. Sau đó, người ta lại mang bộ salon ấy đi!

Trở lại việc học, tôi tự nghĩ mình đã chấp nhận học ngành này thì phải học thật giỏi để các bạn đồng môn phải nể phục “anh nông dân cày đường nhựa” là tôi. Do đó, tôi chịu khó đọc sách và tự viết thu hoạch cho mình, thể hiện ý kiến riêng trước những kiến thức thu được. Bây giờ người ta gọi là “comment” (bình luận). Học đại học không thể tiếp thu sự truyền thụ kiến thức của thầy và sách giáo khoa một cách thụ động mà phải là đi tìm cái mình chưa biết, dựa trên cái đã biết của mình và cái đã biết của người khác qua sự giảng dạy của thầy và qua sách, báo. Tôi gọi là “cách học theo phương pháp nghiên cứu khoa học”. Lãnh đạo Đoàn Thanh niên Lao động của trường thấy cách học của tôi là sáng tạo nên bảo tôi đi báo cáo kinh nghiệm học tập cho các lớp và khoa khác trong trường.

Năm 1967, tôi học năm cuối và phải làm luận văn tốt nghiệp. Cơ may là do có sự hợp tác giữa Khoa Kinh tế Nông nghiệp và Bộ Nông trường Quốc doanh, nên sinh viên lớp tôi được cử vào các đoàn cán bộ của bộ này thực hiện nhiệm vụ: “3 xây 3 chống” ở các nông trường quốc doanh (chống quan liêu, lãng phí, tham ô, xây dựng chế độ quản lý mới, gồm ba nội dung mà nay tôi quên mất rồi). Nhờ vậy, việc nghiên cứu thực tế được thực hiện dễ dàng. Tôi đã hoàn thành xuất sắc luận văn tốt nghiệp “Cải tiến tổ chức lao động ở đội trồng cà phê, thuộc Nông trường Quốc doanh Thanh Hà, tỉnh Hòa Bình”, do thầy Nguyễn Đình Nam hướng dẫn (lúc đó, thầy Nguyễn Đình Nam là Tổ trưởng Bộ môn Tổ chức Quản lý Xí nghiệp Nông nghiệp, sau này là Giáo sư, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Kế hoạch). Nhưng điều quan trọng hơn cả là, qua thời gian tham gia đoàn cán bộ “3 xây 3 chống”, tôi đã hiểu hơn thực tế quản lý ở một đơn vị sản xuất nông nghiệp cơ sở thuộc sở hữu nhà nước, thu được một số kinh nghiệm về phương pháp xâm nhập thực tế, nhất là cách xử lý mối quan hệ với các cán bộ quản lý ở cấp vi mô (nông trường, đội, tổ sản xuất). Kết quả bốn năm học đại học vượt trội của tôi đã khiến các bạn đồng môn nể phục.

Sau khi tốt nghiệp, tháng 8 năm 1967, tôi được nhà trường phân công công tác về Bộ Nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp lại phân tôi về Vụ Kế hoạch, làm cán bộ nghiên cứu chính sách và giá cả, theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp thời bây giờ. Từ đó cho đến khi về hưu, tôi không được dự bất kỳ một khóa học nào, kể cả trong nước và nước ngoài, nhưng tôi đã được học ở trường đại học lớn nhất là thực tế quản lý nông nghiệp ở Việt Nam, qua những đợt khảo sát kế tiếp nhau. Nhờ vậy, tôi đã trở thành chuyên gia về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Việt Nam. Trong khi phần lớn các bạn đồng nghiệp cùng trang lứa với tôi, công tác ở các cơ quan khác nhau, lần lượt được cử đi học ở nước ngoài để trở thành Phó Tiến sĩ, thì tôi lao vào các chuyến đi công tác thực tế ở nông thôn, hết đợt này đến đợt khác. Đó cũng là cơ duyên. Chính điều đó đã tạo nên sự khác biệt giữa tôi và các bạn đồng môn, đồng nghiệp. Cũng chính sự khác biệt đó đã làm nên “thương hiệu” của tôi.

Đợt nghiên cứu khảo sát đầu tiên mà tôi được tham gia là “Tổng kết chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trong khu vực kinh tế tập thể, sau 10 năm hợp tác hóa”. Tôi đã có dịp kể trong câu chuyện trước rồi. Kết quả là tôi viết được một báo cáo khoa học, trình bày trước Đảng đoàn Bộ Nông nghiệp ngày 30 tháng 4 năm 1969 và đăng trên tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, tháng 12 năm 1969, đã gây tiếng vang lớn. Bởi vì, tôi đã đề xuất cho xã viên và hợp tác xã tự do buôn bán lương thực và các nông sản khác, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước. Nhưng dĩ nhiên chả ai chấp nhận những kết quả nghiên cứu này của tôi.

Đầu những năm 70 của thế kỷ 20, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn có chủ trương lớn là cơ giới hóa nông nghiệp. Một tổ công tác được thành lập gồm các chuyên gia kĩ thuật cơ khí nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp, do ông Hoàng Bá Sơn, ủy viên Ủy Ban Nông Nghiệp Trung ương (hàm Thứ Trưởng) phụ trách và ông Lê Kiểm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cơ khí và trang thiết bị nông nghiệp (thuộc Ủy ban Nông Nghiệp Trung ương) trực tiếp chỉ đạo thí điểm cơ giới hóa nông nghiệp tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tôi được giao nghiên cứu các vấn đề kinh tế của việc cơ giới hóa nông nghiệp. 

Kết quả nghiên cứu của tôi đã được công bố bằng bản báo cáo “Mấy vấn đề kinh tế của việc cơ giới hóa nông nghiệp trong khu vực kinh tế tập thể” trình lên Ủy ban Nông nghiệp Trung ương và đã được tạp chí Nghiên cứu Kinh tế đăng trên hai số tháng 10 và tháng 12 năm 1971. Kết luận khoa học của tôi là không thể cơ giới hoán nông nghiệp, bởi vì: 

(i) Xét trên khía cạnh kỹ thuật, sức lao động được giải phóng khỏi công việc đồng áng nhờ cơ giới hóa chỉ tồn tại dưới dạng giảm số ngày công lao động cần thiết đầu tư cho sản xuất trên 1 ha gieo trồng (giảm 90 ngày công/1ha gieo trồng lúa), không giảm được số người lao động phải đảm trách 1 ha đất nông nghiệp, do không có hệ thống máy móc nông nghiệp sử dụng trong tất cả các khâu canh tác, nên năng suất lao động làm bằng máy và làm bằng tay ở các khâu canh tác không tương thích nhau. Điều đó còn gây ra tình trạng phổ biến là “máy chờ ruộng” hoặc “ruộng chờ máy”; 

(ii) Xét về mặt kinh tế, lý do chính cản trở cơ giới hóa nông nghiệp là những ngày công lao động được máy thay thế không tạo thêm thu nhập do không có việc làm mới. Vì vậy, càng cơ giới hóa cao, thu nhập của hợp tác xã và xã viên càng giảm. “Máy ăn thịt người”. Nhưng người ta vẫn thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp trong mấy năm liền ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Thất bại là điều đương nhiên.

Năm 1973, tôi lại được tham gia tổ chỉ đạo cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thọ, huyện Bình Lục (Hà Nam). Tôi đã chủ trì “thiết kế” cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý mới và tham gia chỉ đạo “thi công” bản “thiết kế” này trong ba năm (1973 – 1976). Hợp tác xã Mỹ Thọ được thưởng huân chương lao động hạng 3 năm 1975 và hạng 2 năm 1976 vì thành tích phát triển sản xuất và bán lúa vượt mức hai lần mức nghĩa vụ cho nhà nước. Tôi đã có bài báo “Thực hiện một nề nếp quản lý mới ở một hợp tác xã vùng đồng bằng” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Kinh tế các số tháng 8, 10 và 12 năm 1974. Dựa trên kết quả nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện mô hình quản lý mới của hợp tác xã Mỹ Thọ, tôi đã viết luận án Phó Tiến sĩ và bảo vệ thành công ngày 5/10/1982 với tiêu đề “Quan điểm hệ thống đối với việc xây dựng một mô hình tổ chức - quản lý sản xuất - kinh doanh mới của hợp tác xã, qua thực tiễn ở hợp tác xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục”. Lần đầu tiên, và có lẽ là rất hi hữu, kết quả nghiên cứu của tôi được ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn quản lí nông nghiệp ở một hợp tác xã.

Trong những năm 1977 và 1978, ở Hà Nội đã diễn ra cuộc đấu tranh khá gay gắt về chính sách giá cả nông sản giữa hai quan điểm cấp tiến, hướng theo cơ chế thị trường và quan điểm bảo thủ theo cơ chế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu, bao cấp. Đại diện cho quan điểm cấp tiến là ông Trần Phương, Bộ trưởng Bộ Nội thương và ông Võ Thúc Đồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Đại diện cho quan điểm bảo thủ là ông Tô Duy, Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước. 

Ông Trần Phương thực hiện mua nông sản giá cao, bán giá cao để tăng lượng cung thực phẩm cho dân cư phi nông nghiệp, phê phán chính sách giá nông sản “mua như cướp, bán như cho”. Quan điểm bảo thủ lập luận rất “củ chuối”: Sở dĩ mua lúa của hợp tác xã thấp với giá 0,3 đồng/ kg (ba hào), vì lương tối thiểu là 27 đồng/ tháng. Lương tối thiểu chỉ có 27 đồng/ tháng, là bởi vì giá mua lúa 0,3 đồng/ kg và còn vì giá gạo bán cho dân phi nông nghiệp (không phải chỉ cho người làm công ăn lương của nhà nước) là 0,4 đồng/kg gạo!? Đúng là một thứ tư duy logic “đèn cù”. 

Tôi được tham gia nghiên cứu chính sách giá nông sản dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Tiến sĩ Chu Hữu Qúy, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp, thuộc Bộ Nông nghiệp. Chúng tôi đã có nhiều cuộc tranh luận rất gay gắt với cán bộ Ủy ban Vật giá Nhà nước ngay tại hợp tác xã và ở văn phòng. Sau khi đi khảo sát một số hợp tác xã, tôi đã có bài viết “Về phương pháp tính giá thành sản xuất lúa ở các hợp tác xã nông nghiệp” để làm cơ sở hoạch định chính sách giá theo hướng thị trường, đăng trên tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số tháng 8 năm 1977. Nhưng dĩ nhiên, kết quả nghiên cứu này cũng chỉ để đăng báo, “ghi điểm” trong lí lịch khoa học của tôi mà thôi.

Từ tháng 10 năm 1982, sau khi bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ, tôi làm giáo viên ở trường Quản lý Hợp tác xã, nay là trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi ngộ ra một điều là muốn giảng dạy tốt, giáo viên phải nghiên cứu khoa học, vận dụng lý luận vào thực tiễn, nhận dạng và phân tích bản chất kinh tế xã hội của các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn quản lý nông nghiệp ở tầm vĩ mô và vi mô, trên cơ sở đó có thể đề xuất các giải pháp khắc phục để phát triển. Những kết quả nghiên cứu ấy sẽ được đưa vào giảng day theo phương pháp nghiên cứu tình huống (case study). 

Tôi đề ra phương châm “Nhất thể hóa quá trình: Thực tiễn quản lý – Nghiên cứu ứng dụng – Tư vấn và Giảng dạy”. Nghiên cứu khoa học ứng dụng trong quản lý nông nghiệp là sức sống của nhà trường. Kết quả nghiên cứu khoa học phải là nội dung cơ bản của các khóa học của nhà trường. Giảng dạy được coi như là một cách tư vấn cho người học. Học viên là những cán bộ quản lý và cả nông dân đương chức ở cả đơn vị kinh doanh (nông trường quốc doanh, hợp tác xã, trang trại) và ở cơ quan hoạch định chính sách, quản lý nông nghiệp ở các cấp. Họ đến trường không phải để học lý thuyết như sinh viên các trường kinh tế. Họ cần các kiến thức thiết thực, giúp họ giải quyết các vấn đề thực tiễn đang nảy sinh trong phạm vi chức trách, quyền hạn của mình. Trong quá trình học, học viên và giảng viên, thông qua thảo luận các tình huống, họ vừa là thầy, vừa là trò của nhau. Do đó, tôi đã nhận thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và thành phố.

Trong các năm 1987, 1988, 1989, tôi chủ trì nghiên cứu đề tài cấp thành phố “Những bài học kinh nghiệm về cải tạo xã hội chủ nghĩa nền nông nghiệp ở ngoại thành TP HCM” và “Xây dựng và chỉ đạo thực thi mô hình hợp tác xã kinh doanh tổng hợp – hợp tác xã Xuân Lộc, huyện Hóc Môn [nay là quận 12]”. Hai đề tài này đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. Đề tài những bài học kinh nghiệm cải tạo nông nghiệp ngoại thành TP HCM đã được nhà xuất bản Khoa học - Kỹ thuật của TP HCM in và phát hành năm 1990 với tiêu đề “Kinh tế hàng hóa và sự hình thành hệ thống quản lý và kinh doanh mới trong nông nghiệp, qua thực tiễn ở TP HCM”. Đề tài thành công ở chỗ đã đưa ra cơ sở khoa học dựa trên qui luật của kinh tế thị trường để hình thành và phát triển hệ thống quản lý nông nghiệp ở cả tầm vĩ mô (cấp thành phố) và tầm vi mô (các hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp).

Điểm đặc biệt là, khi triển khai đề tài xây dựng mô hình hợp tác xã kinh doanh tổng hợp Xuân Lộc, tôi đã ngầm chấp nhận thực tiễn là không tập thể hóa ruộng đất. Ruộng đất thuộc hộ xã viên nào, xã viên đó tự chủ canh tác. Hợp tác xã chỉ làm dịch vụ đầu vào - đầu ra cho sản xuất của xã viên và kinh doanh vận tải, tín dụng và cả hàng tiêu dùng…, nhằm đáp ứng yêu cầu đa dạng của xã viên, cũng như của cư dân trên địa bàn xã Thạnh Lộc. Hồi đó, nếu cấp lãnh đạo TP HCM và trường Quản lý Hợp tác xã, nơi tôi công tác, biết được điều này chắc chắn tôi bị sa thải. Bí mật này được giữ cho đến tháng 4 năm 1988 thì không còn cần thiết nữa vì Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về quản lý nông nghiệp đã thừa nhận hộ nông dân xã viên là đơn vị kinh tế tự chủ trong nông nghiệp. Điều này, vô hình chung, đã thừa nhận sự cáo chung của hợp tác xã dựa trên chế độ sở hữu tập thể về ruộng đất và các tư liệu sản xuất chủ yếu khác và xác lập sự đúng đắn của mô hình Hợp tác xã Xuân Lộc, không tập thể hóa quyền sở hữu ruộng đất của xã viên. Tuy vậy, các kết quả nghiên cứu này cũng chỉ giúp ích cho việc giảng dạy của tôi mà thôi.

Chuyển sang kinh tế thị trường kể từ sau Đại hội Đảng lần 6 năm 1986, nhiều vấn đề kinh tế và quản lý mới nảy sinh. Điều đó tuy là đương nhiên, nhưng nó đòi hỏi những nhà hoạch định thể chế quản lý vĩ mô và vi mô (doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại) phải thay đổi tư duy để thay đổi pháp luật và chính sách, phương thức quản lý phù hợp với qui luật của kinh tế thị trường. Vì vậy, để làm tốt việc bồi dưỡng kiến thức cho học viên – các nhà quản lý đương chức, việc thực hiện tốt phương châm “Nhất thể hóa quá trình Thực tiễn quản lý nông nghiệp - Nghiên cứu ứng dụng - Đào tạo, Tư vấn” lại càng trở nên cần thiết và cấp bách. Do đó, tôi đã thực hiện nhiều đề tài khoa học.

Năm 1985, miền Nam tuyên bố “cơ bản hoàn thành cải tạo nông nghiệp, thành lập hàng loạt các tập đoàn sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp dựa trên việc tập thể hóa quyền sở hữu ruộng đất”. Tôi đề xuất và được Bộ Nông nghiệp cho thực hiện đề tài “Xã hội hóa nền nông nghiệp tiểu nông ở Nam Bộ”. Tôi phát hiện rằng, trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa nền nông nghiệp Nam Bộ bằng chính sách “điều chỉnh ruộng đất” theo phương châm “nhường cơm xẻ áo” đã xóa bỏ thành phần trung nông, lực lượng sản xuất hàng hóa chủ yếu trong nông nghiệp Nam Bộ. Tiếp đến, việc thành lập các tập đoàn sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp và thực hiện cơ chế khoán sản phẩm theo chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (1981) đã một lần nữa “cào bằng” ruộng đất giữa các hộ nông dân do việc giao khoán diện tích ruộng đất theo mức bình quân nhân khẩu trong hợp tác xã, tập đoàn sản xuất. Thậm chí, ruộng đất còn giao cho các hộ tiểu thương ở thôn quê. Tôi đã viết bài “Vấn đề ruộng đất ở Nam Bộ”, đăng trên tạp chí của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cảnh báo trước tình trạng tranh chấp ruộng đất và giảm sút sản lượng nông sản hàng hóa. Chỉ những vùng nông thôn nào không thực hiện đúng chính sách ruộng đất (như ở hợp tác xã Xuân Lộc, Hóc Môn, TP HCM được nêu ở trên), với “chiêu” khoán “nguyên canh”, vấn đề tranh ruộng đất mới không xảy ra. Thực tiễn đã diễn ra như tôi đã dự báo. Đầu những năm 90 của thế kỉ 20, tình trạng tranh chấp ruộng đất đã diễn ra khá gay gắt ở Nam Bộ, còn kết quả nghiên cứu khoa học của tôi lại được cất trên kệ sách. Để quá độ sang kinh tế thị trường, phải chuyển các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã trong nông nghiệp sang các loại hình tổ chức kinh doanh mới. Các thể chế quản lí vĩ mô và vi mô đã thay đổi nhưng do không hiểu đúng bản chất của kinh tế thị trường nên có rất nhiều ngộ nhận. Tôi đã viết những bài nghiên cứu để phản biện các thể chế quản lí và vạch ra sự ngộ nhận trong nhận thức về kinh tế của nhiều người, được đăng tải trên báo và tạp chí khoa học. Điển hình là các bài “Đa dạng hóa quyền sở hữu trong xí nghiệp quốc doanh”, để hình thành các loại hình doanh nghiệp theo cơ chế kinh tế thị trường, “Tổng công ty 90-91 và kinh tế thị trường”; “Trang trại và kinh tế thị trường”, “Bản chất kinh tế - xã hội của hợp tác xã kiểu mới”, “Mô hình nông trường quốc doanh Sông Hậu”…

Thực hiện đề tài cấp thành phố về “Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước trong nông nghiệp” ở TP HCM (năm 1993), tôi đã xây dựng được cơ sở khoa học và thực tiễn để hình thành bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp theo cơ chế kinh tế thị trường.

Khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở các nước Đông Nam Á năm 1997, đầu năm 1998, tôi đã tổ chức hội thảo khoa học và có bài tổng kết đăng trên báo Nhân dân “Đối sách của các doanh nghiệp Việt Nam trước cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ trong khu vực”.

Dĩ nhiên các kết quả nghiên cứu này cũng chỉ giúp ích cho việc giảng dạy của tôi mà thôi.

Năm 2002, kỷ niệm 35 năm tốt nghiệp đại học và làm nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy về quản lý nông nghiệp, tôi đã tập hợp các bài viết, các kết quả nghiên cứu khoa học để nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in và phát hành cuốn sách Hai mô hình kinh tế và sự đổi mới kinh tế, qua thực tiễn phát triển nông nghiệp ở Việt Nam.

Tôi đang nghĩ sẽ không tham gia thực hiện các đề tài khoa học nữa, vì cơ chế quản lý tài chính trong khoa học rất tồi tệ, làm nản lòng các nhà khoa học. Các nhà khoa học không chấp nhận “thay thế văn minh lúa nước của cha ông bằng văn minh phong bì”!

Nhưng rồi, “sinh nghề tử nghiệp”, do cuộc sống xô đẩy, tôi trúng thầu đề tài cấp nhà nước KX 01-13 “Tổng kết và xây dựng mô hình phát triển nông thôn Việt Nam từ làng xã truyền thống đến văn minh thời đại” (năm 2003 và 2004). Tôi làm chủ nhiệm đề tài với sự cộng tác đắc lực của Giáo sư Xã hội học Đỗ Thái Đồng và Tiến sĩ Tâm lý học Phạm Bích Hợp. Đề tài đã đạt kết quả xuất sắc và nhà xuất bản Nông nghiệp đã in và phát hành năm 2004.

Năm 2005, trước tình trạng quản lí yếu kém của các nông trường quốc doanh tôi buộc phải tham gia và đã trúng thầu đề tài trọng điểm cấp bộ “Đa dạng hóa chủ thể sở hữu doanh nghiệp nông nghiệp nhà nước” với sự cộng tác của Tiến sĩ Nguyễn Thắng, Hiệu trưởng trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II từ tháng 6 năm 2006 đến nay (tôi hướng dẫn luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Nguyễn Thắng với đề tài trên, nhưng chỉ trong phạm vi ngành cao su và đã bảo vệ thành công năm 2004). Đề tài cũng được nghiệm thu, đánh giá xuất sắc và nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in và phát hành năm 2006. Từ 2006, tôi không tham gia đấu thầu các đề tài khoa học vì quá mệt mỏi với cơ chế quản lí tài chính đối với hoạt động nghiên cứu khoa học. Tôi gọi cơ chế quản lí tài chính này được thiết kế theo nguyên lí Trạng Quỳnh “ị mà cấm đái”. Nhưng cuộc sống đã thúc giục tôi viết nhiều bài báo chuyên luận, phản biện các chính sách và cơ chế quản lí nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như các phương thức quản lý doanh nghiệp nông nghiệp. Chúng được đăng tải trên các báo, như Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thời báo Kinh tế Việt Nam, tạp chí Khoa học Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, báo Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)… Chủ đề của các bài báo bao gồm từ chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách ruộng đất, mua lúa gạo, đến tổ chức sản xuất theo hợp đồng trong nông nghiệp, quản lý chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, quản lý hợp tác xã, trang trại, xây dựng nông thôn mới…

Năm 2010, tôi nghỉ hưu ở tuổi 65, trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II đã tập hợp các bài báo nói trên của tôi, in thành cuốn sách Phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện nay – những bức xúc và trăn trở. Sang năm 2015, tôi tròn 70 tuổi. Tôi dự định tái bản cuốn sách này, có bổ sung các bài viết từ năm 2010 đến nay. Cuốn sách này sẽ như là biểu hiện sự kết thúc sự nghiệp của tôi với tư cách là một chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn một cách bắt đắt dĩ.

Điều cuối cùng, tôi muốn nói là: (1) Tôi chỉ xứng đáng là nhà nghiên cứu và giảng dạy kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam và chỉ của Việt Nam mà thôi. Đối với thế giới, tôi không phải là “nhà” hay “lều” nào hết. (2) Những đóng góp của tôi cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn được diễn ra theo hai giai đoạn phát triển nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam: 

(i) Trong giai đoạn thực thi nền kinh tế nhà nước hóa dựa trên chủ nghĩa Mac-Lenin, do bám sát thực tiễn và được thực tiễn mách bảo, tôi đã phát hiện ra những vấn đề đang cản trở sự phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, lý giải tìm nguyên nhân của nó và đề xuất các giải pháp khắc phục để phát triển theo hướng thị trường. Tôi gọi đó là quá trình “tự ngộ” diễn ra theo quy luật của nhận thức “từ thực tiễn khái quát thành lý luận”. Bi kịch là chỗ, mỗi lần “tự ngộ”, tôi cứ tưởng mình “phát hiện ra châu Mỹ”, trong khi thế giới, người ta đã biết từ hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm trước và viết thành hàng ngàn cuốn sách. 

(ii) Trong giai đoạn thực thi kinh tế thị trường, nhờ mở cửa hội nhập, tôi có điều kiện thuận lợi “học lỏm” được nhiều tri thức của nhân loại trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn và các lĩnh vực có liên quan. Do đó, tôi đã thành công trong việc vận dụng tri thức – những khái niệm, lý luận, phương pháp nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới – vào thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam (phát hiện vấn đề mới nảy sinh, lý giải nó, tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục các vấn đề này để phát triển theo quy luật kinh tế thị trường). Đó chính là quá trình “từ lý luận đến thực tiễn”.

Điều đáng buồn là ở Việt Nam, hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động hoạch định thể chế quản lí ở cả tầm vĩ mô và vi mô diễn ra như hai đường thẳng song song. Các kết quả nghiên cứu khoa học chỉ giúp cho các bài giảng của tôi hấp dẫn người học hơn, chưa bao giờ nó trở thành cơ sở khoa học trong việc hoạch định chính sách và cơ chế quản lí trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn. 

Học viên thường nói với tôi là nội dung của bài giảng của thầy đúng nhưng không áp dụng được vào thực tế. Biết vậy, nhưng tôi vẫn làm hết sức mình trong mấy chục năm qua. Vì cái tính tôi nó vậy. Kết quả là, dù không muốn tôi đã trở thành chuyên gia về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, với thương hiệu riêng có, tạo ra một trường phái khoa học trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Việt Nam. Cái giá phả trả cho các thành tựu “LA DIEU BONG” đó là tôi đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội kiếm tiền hợp pháp trên thị trường đất đai, địa ốc, chứng khoán. Trong khi đó, nhiều người bạn tôi đã không bỏ lỡ cơ hội này nên đã trở nên giàu có. Nhưng tôi không hối tiếc.
Vũ Trọng Khải
Tháng 08 năm 2014

Có thể đọc lại các cuốn sách và các bài báo của tôi trên website http://www.cmard2.edu.vn/
Tác giả gửi BVN. (Bauxitte)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét