Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Giảm thuế nhập khẩu ô tô xuống 0% vào năm 2018

Cam kết giảm thuế nhập khẩu ô tô xuống 0% vào năm 2018
(HQ Online)- Việt Nam cam kết thực hiện lộ trình giảm thuế suất nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á (ASEAN) xuống mức 0% vào năm 2018.
Ảnh minh họa. (Nguồn: vietnamnet.vn).
Đồng thời, áp dụng mức thấp nhất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô từ 16 đến 24 chỗ ngồi và mức thuế ưu đãi đối với các dòng xe thân thiện môi trường… là những chính sách tài chính dành cho khu vực tiêu dùng nhằm mục đích kích cầu. Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị công bố Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội, ngày 26-8.

Ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, riêng các dòng xe chở người đến 9 chỗ và có dung tích động cơ trên 3.0l sẽ phải áp dụng mức thuế suất cao. Việc điều chỉnh thuế, phí sẽ theo hướng tạo điều kiện cho phát triển ngành công nghiệp ô tô, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của nền kinh tế và người dân, cũng như đồng bộ với các điều kiện về hạ tầng giao thông và các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đối với khu vực sản xuất, chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với nhiều lợi ích kèm theo như đảm bảo ổn định chính sách tín dụng xuất khẩu, được hưởng những chính sách ưu đãi của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cũng như chương trình cơ khí trọng điểm.

Xe ô tô thân thiện môi trường sẽ được hưởng các ưu đãi cao nhất hiện hành và xe nông dụng nhỏ đa chức năng sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Những phụ tùng linh kiện nào đã sản xuất được trong nước, nếu nhập khẩu sẽ phải chịu áp dụng mức trần thuế suất.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô sẽ được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhả nước với mức lãi suất thấp nhất theo từng thời kỳ, quan trọng hơn là sẽ được hưởng các ưu đãi theo Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ” của Chính phủ.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đề ra mục tiêu chung là xây dựng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trở thành ngành quan trọng, đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.

Thông tin về kế hoạch thực hiện, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2035, tổng sản lượng xe ô tô sản xuất trong nước sẽ đạt gần 228 nghìn chiếc đến trên 1,5 triệu chiếc xe.

Tỷ lệ xe sản xuất lắp ráp so với nhu cầu nội địa sẽ tăng từ 67% đến gần 78%. Ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô cũng sẽ được tập trung đẩy mạnh để đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Đặc biệt, sẽ có khoảng 9 vạn xe ô tô được sản xuất và lắp ráp để xuất khẩu trong giai đoạn này, với tổng giá trị khoảng 10 tỷ USD.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nhấn mạnh, để đạt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô rất cần sự nhất quán về hệ thống chính sách cũng như tính ổn định, lâu dài khi ban hành các văn bản pháp luật phải có thời hạn áp dụng tối thiểu là 10 năm. Có như vậy mới phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và thế giới, cũng như tạo sự tin tưởng đối với các nhà đầu tư, nhà sản xuất và kích thích tiêu dùng.

Bên cạnh các chính sách tài chính áp dụng cho khu vực sản xuất và để kích cầu, Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp cũng đề xuất việc bổ sung các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với xe ô tô sản xuất trong nước nhằm bảo vệ người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời bổ sung các quy định, tiêu chuẩn về đại lý nhập khẩu như phải đảm bảo về khả năng tài chính, kho bãi, chế độ bảo hành, bảo trì…/.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét