Ô tô Việt Nam đắt hơn nhập khẩu: Bán ai mua?
Khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0% vào năm 2018 thì lắp ráp xe trong nước sẽ cao hơn 20% so với xe nhập khẩu. Giá đắt thế ai dám mua ô tô Việt Nam và DN nào dám đầu tư sản xuất ô tô.
Muốn xe giá rẻ nhưng không chịu giảm thuế? |
Đây là một kịch bản đầy lo ngại mà các nhà sản xuất ô tô dự kiến khi nói về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch công nghiệp ô tô đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030. Theo các DN, chiến lược và quy hoạch mới ra đời đúng lúc công nghiệp ô tô đang rơi vào thế kẹt và nhiều thách thức.
Muốn giảm giá không chịu giảm thuế?
Dường như cảm nhận được điều này, tại buổi công bố chiến lược và quy hoạch, Bộ Công thương cho biết, ngay say đây sẽ có nhưng chính sách cụ thể về tín dụng ưu đãi, thuế, phí phù hợp nhằm thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường ô tô.
Theo ông Jesus N. Arias Jr, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, với chiến lược này đã khẳng định rõ ràng quan điểm của Việt Nam về phát triển ngành công nghiệp ô tô trong giai đoạn mới. Vấn đề quan trọng để thực hiện thành công chính sách này cần có một chương trình hành động cụ thể. Xây dựng các chính sách phải đảm bảo có sự ổn định lâu dài, có khả năng dự đoán được và mang tính cạnh tranh cao.
“Để hỗ trợ cho thị trường trong nước đạt tiềm năng, quy mô cần phải giảm thuế phí và các thủ tục hành chính rườm rà, tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các DN. Đặc biệt phải thu hẹp sự chênh lệch chi phí giữa xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc”, ông Jesus.
Vị Tổng giám đốc này cảnh báo, theo tính toán thì khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khu vực ASEAN về 0% vào năm 2018 thì chi phí lắp ráp xe trong nước sẽ cao hơn 20% so với xe nhập khẩu.
Trong khi đó, theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải thì lộ trình giảm thuế theo cam kết gia nhập AFTA với ô tô đang đến gần, vì vậy cần sớm đưa ra định hướng cho nhà sản xuất yên tâm.
“Trước hết chính sách cần hướng tới là phát triển thị trường để đạt quy mô về sản lượng thì sản xuất mới có hiệu quả. Trong lúc thị trường chưa đủ lớn, phải có những ưu đãi phù hợp về thuế, phí, tín dụng cũng như xây dựng các hàng rào phi thuế quan để bảo hộ cho sản xuất trong nước”.
Tuy nhiên, trong vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cắt giảm thuế thì điều nhiều DN lo ngại là sự thiếu sự thống nhất giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính
“Cần có chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt định hướng vào những sản phẩm chiến lược đã đề ra và làm nhanh vì nhà sản xuất vẫn đang chờ đợi. Hiện nay 2 cơ quan này vẫn đang thiếu nhất quán, liệu có cải thiện được không”, ông Dương đặt câu hỏi.
DN ngừng sản xuất ai làm ô tô?
Mục tiêu của phát triển Công nghiệp ô tô là đẩy mạnh và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Muốn vậy phải phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trước hết cần duy trì được sự tồn tại của các DN lắp ráp ô tô. Không có lắp ráp không thể có sản xuất linh kiện.
Sự thành công của ô tô Hàn Quốc cho thấy, nếu không có DN lắp ráp ô tô như Hyundai, Kia ... sẽ không bao giờ có công nghiệp hỗ trợ. Nếu DN thấy lắp ráp không hiệu quả bỏ đi thì mọi chiến lược hay quy hoạch đều chấm hết.
Nhiều hãng xe không loại trừ phương án đóng sản xuất đi bán xe. |
Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxukhi cho biết, qua điều tra tại nông thôn có tới 50% số hộ gia đình mong muốn mua ô tô để vận tải hàng hóa và đi lại, ở thành phố có 80% mong muốn có ô tô để đi lại. Tuy nhiên ô tô ở Việt Nam hiện nay giá quá đắt. Muốn có xe rẻ thì phải giảm thuế, phí, hỗ trợ DN sản xuất. Nhưng đến nay điều này vẫn không thực hiện được.
“Bộ Công thương muốn phát triển công nghiệp ô tô mạnh nhưng nói đến giảm thuế thì Bộ Tài chính không đồng tình và đẩy sang cho Quốc hội. Không đưa ra chính sách thuế khuyến khích sản xuất và tiêu dùng thì Chiến lược, Quy hoạch có hay đến mấy cũng chỉ tồn tại trên giấy mà thôi.
Ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch Công ty ô tô TMT cho rằng, phát triển công nghiệp ô tô đến nay chưa hề muộn, vấn đề là cần phải có chính sách đột phá.
Ông Hữu phân tích, hiện nay các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia có ngành công nghiệp ô tô đã khá phát triển, sản lượng lớn, tỷ lệ nội địa hóa cao. Trong khi đó Việt Nam mới bắt đầu phát triển, sản lượng thấp, tỷ lệ nội đại hóa cũng rất thấp, khó cạnh tranh. Chính vì vậy phải có sự đột phá về chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích tiêu dùng để kích cầu thị trường. Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ giảm 10% cho một số mẫu xe thì chẳng ý nghĩa gì.
Hầu hết các DN lắp ráp ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống cho biết, thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giữ ở mức 50% thì xe trong nước vẫn cạnh tranh tốt với xe nhập khẩu. Tuy nhiên, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm còn 0% vào năm 2018, xe nhập sẽ làm chủ thị trường. Với thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 10% -15% cho xe có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống kể cả xe nhập khẩu thì xe trong nước không có hưởng lợi nhiều.
Trần Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét