Thủy điện Mekong có thể 'tống' miền Tây ra biển
SÀI GÒN 24-8 (NV) .- Nông dân miền Tây của miền nam Việt Nam nay đã cảm nhận được hậu quả của các dự án thủy điện trên sông Mekong. Đó là tường thuật của tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Theo tường thuật này, dự báo của các chuyên gia về những dự án thủy điện trên sông Mekong nay đang thành hiện thực, đồng bằng sông Mekong - khu vực phía Tây của miền Nam Việt Nam (miền Tây) đang mất cân bằng về nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa và hệ sinh thái đang suy kiệt.
Trẻ em miền Tây ngụp lặn bắt ốc kiếm sống vào
mùa lụt. (Hình: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Tại một hội thảo nhằm chuẩn bị cho việc tham vấn về Dự án xây dựng đập thủy điện Donsahong tại dòng chính của sông Mekong trên đất Lào, vừa diễn ra ở Cần Thơ hồi cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Hiệp, một nông dân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), than rằng, hồi xưa khi nước lưu thông tự nhiên, nông dân dễ dàng ứng phó với hạn hán, lụt lội. Còn bây giờ khi dòng chảy của nước thay đổi do tác động của thủy điện, nông dân không biết đâu mà lường.Theo ông Hiệp, ở miền Tây hiện nay, mùa mưa dòng chảy tràn quá lớn, nông dân không kịp trở tay, nhưng đến mùa khô thì dòng chảy kiệt, nước mặn xâm nhập vào ruộng đồng càng ngày càng sâu. Cũng vì vậy, nông dân miền Tây càng ngày càng khó tính toán trong việc trồng trọt. Các nguồn lợi thủy sản như cá, tôm,… càng ngày càng ít. Chưa kể vì phù sa giảm, chi phí cho phân bón không ngừng gia tăng.
Giới nghiên cứu về tác động của các dự án thủy điện trên sông Mekong từng cảnh báo, khi thủy điện Donsahong hoàn tất, vào mùa khô, khu vực hạ du của sông Mekong sẽ mất 50% lượng nước, 75% lượng cá.
Ông Lê Anh Tuấn, làm việc tại Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ, nói thêm, Donsahong chỉ là dự án thủy điện thứ hai trên dòng chính Mekong. Hiện có tới 19 dự án thủy điện đã, đang hoặc sẽ xây trên dòng chính của sông Mekong. Trong số này, riêng đoạn sông Mekong chảy trên lãnh thổ Trung Quốc đang có bốn dự án đã hoàn tất và đang hoạt động, chưa kể bốn dự án khác sẽ được xây dựng.
Tại Lào, dự án thủy điện Xayabury đang được xây dựng, dự án thủy điện Donsahong đang chuẩn bị khởi công, Lào còn dự tính sẽ thực hiện thêm bảy dự án thủy điện khác. Ngoài Lào, Cambodiaa cũng đang dự tính thực hiện hai dự án thủy điện trên sông Mekong.
Ông Dương Văn Ni, một tiến sĩ cũng làm việc tại Đại học Cần Thơ, cảnh báo, trong bối canh tác động của biến đổi khí hậu đối với miền Tây càng ngày càng lớn, các dự án thủy điện trên sông Mekong không chỉ mở đường cho nước mặn xâm nhập sâu vào ruộng đồng ở đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô.
Điều đáng sợ nhất là việc có quá nhiều đập nước nối nhau theo kiểu bậc thang sẽ làm nông dân miền Tây chết ngộp nếu các đập thủy điện này đồng loạt xả lũ vào mùa mưa. Chỉ cần một trong các đập bị vỡ, tác động dây chuyền sẽ tạo ra một khối nước khổng lồ, đẩy toàn bộ vùng hạ du ở khu vực đồng bằng sông Mekong trôi ra biển.
Việc thi nhau xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong, dòng sông được xem là lớn nhất Đông Nam Á, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Lào, Miến Điện, Thái Lan, Cambodia, Việt Nam rồi đổ ra Biển Đông, từng được báo động liên tục bởi tác động tiêu cực tới cuộc sống của khoảng 60 triệu người và hủy diệt môi trường của bốn quốc gia nằm ở hạ lưu con sông này là Việt Nam, Cambodia, Thái Lan, Lào, trong đó, Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Hồi năm 2011, Việt Nam chính thức đề nghị hoãn việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong ít nhất 10 năm để nghiên cứu về tác động của chúng nhưng đề nghị đó không được quan tâm.
Sau khi khởi công xây dựng đập thủy điện Xayaburi, tháng 9 năm 2013, Lào loan báo sẽ thực hiện tiếp đập thủy điện Don Sahong và đến lúc đó, cả Thái Lan, Cambodia, Việt Nam mới đồng loạt bày tỏ sự lo ngại về tác hại của các đập thủy điện đối với môi trường, hệ sinh thái và ngư nghiệp ở khu vực hạ lưu Mekong.
Tranh luận giữa bốn quốc gia trong Ủy hội sông Mekong (Lào, Thái Lan, Cambodia, Việt Nam) trở thành kịch liệt. Hồi giữa Tháng Giêng năm nay, cuộc họp của Ủy hội sông Mekong đã không đạt kết quả mà chính quyền và dân chúng nhiều quốc gia ở hạ lưu con sông này mong đợi: Ngưng thực hiện dự án thủy điện Don Sahong.
Gần đây, dường như sức ép từ Thái Lan, Cambodia, Việt Nam có vẻ bắt đầu có hiệu quả, hồi hạ tuần Tháng Sáu, tại cuộc họp lần thứ 20 của ủy hội, Lào tuyên bố sẽ thực hiện thủ tục tham khảo ý kiến các quốc gia có liên quan về dự án thủy điện Don Sahong. Tuy Lào đã chấp nhận “tham vấn trước” nhưng giới bảo vệ môi trường vẫn lo ngại đó chỉ là hình thức trấn an. (G.Đ.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét