Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Trật tự TG mới: Nền KT phân phối lợi tức theo luật lũy thừa

Trật tự thế giới mới: Lao động, tư bản, và sáng kiến trong một nền kinh tế phân phối lợi tức theo luật lũy thừa
Ghi chú của dịch giả: Bài tiểu luận này là một trong nhiều bài viết xuất hiện trên Foreign Affairs trong những số gần đây, phân tích hậu quả của nền kinh tế hậu công nghiệp đồng thời đề xuất những biện pháp của một chế độ dân chủ xã hội (social democracy) nhằm đối phó tình trạng bất bình đẳng kinh tế-xã hội do hai lực tác động của thời đại gây ra: toàn cầu hóa và công nghệ thông tin. Những bài liên quan mà chúng tôi đã dịch đăng trên pro&contra là: Chủ nghĩa tư bản và tình trạng bắt bình đẳng và Tương lai dân chủ xã hội Mỹ .
Những tiến bộ gần đây trong công nghệ đã tạo ra một thị trường toàn cầu ngày càng hợp nhất cho lao động và vốn. Khả năng chuyển dịch của cả hai yếu tố sản xuất này hướng đến những công dụng có giá trị cao nhất, bất chấp chúng được sử dụng ở quốc gia nào, đang làm cân bằng giá cả của chúng khắp hoàn cầu.
Trong những năm gần đây, sự quân bình hóa rộng lớn giá cả của các yếu tố sản xuất đã có lợi cho những quốc gia dư thừa lao động rẻ và những quốc gia tiếp cận vốn rẻ dễ dàng. Một số nhà nghiên cứu tranh luận rằng tiến bộ công nghệ hiện nay đang phục vụ lao động, nhưng một số khác lại tranh luận rằng tiến bộ này đang phục vụ tư bản. Điều mà cả hai trường phái đã coi nhẹ là, công nghệ không những đang kết hợp các nguồn lao động và vốn hiện có lại với nhau, mà lại còn tạo ra các nguồn lao động và vốn mới.

Máy móc đang thay thế nhiều dạng thức lao động của con người hơn bao giờ hết. Và khi chúng tự sao chép chính mình, máy móc cũng tạo thêm tư bản. Điều này có nghĩa là kẻ thắng thế thực sự trong tương lai không phải là các nguồn cung cấp lao động rẻ hay là các chủ tư bản thông thường, vì cả hai lực lượng kinh tế này càng ngày càng bị tiến trình tự động hóa [automation] chèn ép. Thay vào đó, vận may sẽ nghiêng về một nhóm thứ ba: những người có phát kiến và sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ, và mẫu hình kinh doanh mới.

Sự phân phối lợi tức dành cho tầng lớp sáng tạo này thường mang dạng thức một biểu đồ của luật lũy thừa [a power law], với một thiểu số gồm những kẻ thắng thế chiếm gần hết phần thưởng và một cái đuôi dài gồm các thành phần khác đã tham dự vào tiến trình kinh tế. Vì thế trong tương lai, các sáng kiến sẽ là đầu vào khan hiếm thực sự trên thế giới — hiếm hơn cả lao động và vốn – và cái thiểu số cung cấp sáng kiến này sẽ gặt hái các phần thưởng khổng lồ. Đảm bảo một mức sống khả dĩ chấp nhận được cho đa số còn lại và xây dựng các nền kinh tế và xã hội không loại bỏ bất cứ ai sẽ là những thách thức ngày càng nghiêm trọng trong những năm sắp đến.

NHỮNG NỖI ĐAU CỦA GIỚI LAO ĐỘNG


Lật chiếc iPhone thì bạn có thể đọc được cả một kế hoạch kinh doanh gồm vỏn vẹn tám chữ đã phục vụ tốt cho hãng Apple: “Designed by Apple in California. Assembled inChina.” [Do Apple thiết kế tại California. Được lắp ráp tại Trung Quốc.] Với ước lượng vốn thị trường trên 500 tỉ USD, Apple đã trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Các biến thể khác nhau của chiến lược sản xuất này đã thành công không những đối với Apple và các đại công ty toàn cầu khác mà còn đối với các hãng có tầm cỡ trung bình và thậm chí đối với các “công ty đa quốc vi mô” [micro-multinationals]. Càng ngày càng có nhiều công ty cỡi lên trên hai lực tác động vĩ đại — công nghệ và toàn cầu hóa — để tiến tới việc thu hoạch lợi nhuận.

Công nghệ đã thúc đẩy nhanh chóng tiến trình toàn cầu hóa, cắt giảm các phí tổn vận chuyển và giao dịch một cách ngoạn mục và đưa thế giới tới gần một thị trường toàn cầu to lớn duy nhất đối với lao động, vốn, và các đầu vào khác cho việc sản xuất. Mặc dù lao động không dễ di chuyển, nhưng các yếu tố sản xuất khác ngày càng trở nên hoàn toàn di động. Do đó, những yếu tố khác nhau của các dây chuyền cung cấp toàn cầu có thể dời đến địa điểm có lao động rẻ mà ít gây ra xung đột hay tốn kém. Khoảng một phần ba hàng hóa và dịch vụ trong các nền kinh tế tiên tiến là có giá trị mậu dịch [tradable], và con số này đang gia tăng. Và hiệu ứng của cạnh tranh toàn cầu đang lây sang khu vực kinh tế phi mậu dịch, trong các nền kinh tế tiên tiến lẫn các nền kinh tế đang phát triển.

Tất cả sự kiện này tạo cơ hội không những cho việc gia tăng hiệu năng và lợi nhuận kinh tế, mà còn cho các đợt chuyển dịch công việc to lớn. Nếu một công nhân tại Trung Quốc hay Ấn Độ có thể làm một công việc như một công nhân tại Mỹ, thì qui luật kinh tế đòi hỏi rằng các công nhân này rốt cuộc sẽ kiếm được đồng lương tương đương (được điều chỉnh vì một vài chênh lệch khác trong năng suất quốc gia). Đó là một tin mừng cho hiệu năng kinh tế nói chung, cho giới tiêu thụ, và cho công nhân các nước đang phát triển – nhưng là điều bất lợi cho công nhân các nước đã phát triển hiện đang đối mặt với sự thi đua cắt giảm phí tổn tại các công ty. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các khu vực sản xuất hàng hóa mậu dịch tại các nước công nghiệp tiên tiến trong hai thập kỷ qua nói chung không tạo thêm công việc. Điều đó có nghĩa là việc tạo thêm công ăn việc làm gần như chỉ diễn ra trong khu vực phi mậu dịch [nontradable] rộng lớn, nơi đó lương công nhân bị kềm giữ ở mức thấp bởi sự cạnh tranh ngày càng gia tăng do những công nhân bị mất việc từ khu vực mậu dịch.

Tuy vậy, ngay cả khi câu chuyện toàn cầu hóa còn tiếp diễn, thì một câu chuyện khác thậm chí quan trọng hơn lại bắt đầu diễn ra: câu chuyện tự động hóa, gồm trí thông minh nhân tạo, công nghệ người máy, và công nghệ in 3 chiều, v.v. Và câu chuyện thứ hai này đang vượt qua câu chuyện thứ nhất, với một số hậu quả nghiêm trọng nhất của nó chắc chắn sẽ ập đến cho giới công nhân tương đối thiếu kỹ năng tại các quốc gia đang phát triển.

Nếu đến thăm một nhà máy tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, chẳng hạn, bạn sẽ thấy hàng ngàn thanh niên lao động ngày này qua ngày khác trong những công việc thông thường, lặp đi lặp lại đều đặn, như nối hai phần của một bàn phím vi tính. Những công việc này hiếm khi thấy, nếu còn có chăng nữa, tại Mỹ và các nước giàu khác trên thế giới. Nhưng có lẽ chúng cũng không tồn tại lâu dài tại Trung Quốc và các nước đang phát triển khác, vì chúng gồm một loại động tác mà rôbốt có thể làm dễ dàng. Khi các loại máy thông minh trở nên rẻ hơn và có khả năng hơn, chúng sẽ càng ngày càng thay thế sức lao động của con người, đặc biệt trong những môi trường tương đối được cơ cấu như các nhà máy, nhất là đối với công việc lặp đi lặp lại thường ngày. Nói cách khác, việc các nước tiên tiến đưa công việc ra nước ngoài thường chỉ là một trạm trung chuyển trên con đường dẫn đến tự động hóa.

Điều này sẽ diễn ra thậm chí tại những nơi có giá lao động thấp. Thật vậy, Foxconn, công ty Trung Quốc lắp ráp iPhone và iPad, mướn hơn một triệu công nhân với mức lương thấp – nhưng hiện nay đang bổ sung và thay thế họ bằng một đạo quân rôbốt ngày một lớn mạnh. Như vậy, sau khi nhiều công việc trong khu vực chế tạo được đưa từ Mỹ sang Trung Quốc, bây giờ chúng có vẻ cũng đang biến mất từ Trung Quốc. (Dữ liệu đáng tin cậy về sự chuyển đổi này không dễ thu thập. Các số liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy khu vực gia công đã giảm bớt 30 triệu công việc kể từ 1996, tức 25 phần trăm tổng số, thậm chí trong khi năng suất của ngành sản xuất tăng vọt quá 75 phần trăm, nhưng một phần của sự giảm bớt này có thể phản ánh những lần duyệt lại các phương pháp thu thập dữ liệu.) Ngoài ra, khi công việc không còn chạy theo lao động rẻ nữa, nó sẽ bị thu hút về những nơi nào có thị trường sau cùng, vì việc này sẽ gia tăng giá trị bằng cách thu ngắn thời gian giao hàng, cắt giảm các phí tổn tồn kho, và các chi phí tương tự.

Các tiềm năng đang tăng trưởng của việc tự động hóa đe dọa một trong những chiến lược đáng tin cậy nhất mà các nước nghèo đã sử dụng để thu hút đầu tư nước ngoài: cung cấp lao động rẻ để bù lại năng suất thấp và thiếu kỹ năng. Và xu thế này sẽ vượt ra ngoài khu vực chế tạo. Các hệ thống tương tác trả lời tự động [interactive voice response systems], chẳng hạn, giảm bớt nhu cầu tương tác trực tiếp giữa hai cá nhân [direct person-to-person interaction], việc này đang gây lo lắng cho các trung tâm chăm sóc khách hàng qua điện thoại [call centers] tại các nước đang phát triển. Tương tự như vậy, các chương trình vi tính ngày càng đáng tin cậy sẽ cắt giảm công việc của ngành tốc ký [transcription] thường được sử dụng trong thế giới đang phát triển. Càng ngày càng có nhiều lãnh vực, trong đó nguồn “lao động” rẻ nhất sẽ là các máy móc thông minh và linh động, đối lập với những con người có đồng lương thấp tại các nước khác.

HÌNH PHẠT DÀNH CHO TƯ BẢN
Nếu lao động rẻ và dễ kiếm không còn là một con đường hiển nhiên đưa đến tiến bộ kinh tế, thì cái gì mới là? Một trường phái tư duy chỉ vào những đóng góp ngày một gia tăng của tư bản: những tài sản hữu hình và vô hình kết hợp với lao động để sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế (ta có thể nghĩ đến thiết bị, địa ốc, bằng sáng chế, thương hiệu, vân vân). Như nhà kinh tế Thomas Piketty lý luận trong cuốn sách bán chạy nhất của ông, Capital in the Twenty-first Century [Tư bản trong Thế kỷ 21], phần vốn trong nền kinh tế có khuynh hướng gia tăng khi tỉ số lợi nhuận trên số vốn đó lớn hơn tỉ lệ tăng trưởng kinh tế tổng quát, một tình trạng mà ông tiên đoán cho tương lai. Việc “tăng vốn” trong các nền kinh tế mà Piketty dự báo sẽ được đẩy mạnh hơn nữa khi rôbốt, máy vi tính, và phần mềm (tất cả đều là những dạng thức tư bản) càng ngày càng thay thế cho công nhân. Chứng liệu cho thấy rằng cùng một hình thức thay đổi công nghệ dựa vào vốn [capital-based technological change] như thế đang diễn ra tại Hoa Kỳ và khắp thế giới.

Sự phân chia gần như bất biến trong lịch sử giữa phần lợi tức quốc gia thuộc về lao động và phần lợi tức quốc gia thuộc về vốn hữu hình, có vẻ đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua. Như các nhà kinh tế Susan Flex, John Glaser, và Shawn Sprague ghi nhận trong Nguyệt san Monthly Labor Review của Phòng Thống kê Lao động Mỹ năm 2011, “Phần lợi tức thuộc về lao động tính trung bình là 64,3% từ năm 1947 đến năm 2000. Phần lợi tức lao động đã sút giảm trong thập kỷ qua, rơi xuống mức thấp nhất trong quí ba năm 2010, là 57,8%.” Những động thái gần đây nhằm đưa hoạt động sản xuất từ nước ngoài về lại Mỹ, kể cả quyết định của Apple sản xuất máy vi tính Mac Pro mới nhất tại Texas, sẽ không giúp gì nhiều để đảo ngược xu thế này. Vì muốn đứng vững trong lãnh vực kinh tế, những cơ sở sản xuất mới ở trong nước cần phải được tự động hóa cao độ.

Các nước khác cũng đang chứng kiến những xu thế tương tự. Các nhà kinh tế Loukas Karabarbounis và Brent Neiman đã cung cấp tư liệu về những sút giảm đáng kể trong phần đóng góp của lao động cho Tổng sản lượng [GDP] tại 42 trong số 59 nước được nghiên cứu, kể cả Trung Quốc, Ấn Độ, và Mê-hi-cô. Trong việc mô tả những phát hiện của họ, Karabarbounis và Naiman đã diễn tả rõ ràng rằng tiến bộ trong các công nghệ kỹ thuật số là một động lực quan trọng đưa đến hiện tượng này: “Sự giảm giá tương đối của các hàng thiết bị [investment goods], thường được coi là do những tiến bộ của công nghệ thông tin và thời đại vi tính, đã khiến các công ty dần dần tách khỏi lao động và hướng tới vốn. Giá rẻ hơn của hàng thiết bị có thể giải thích sự cắt giảm gần một nửa phần đóng góp của lao động được quan sát trong bản nghiên cứu.”

Nhưng nếu phần đóng góp của vốn trong lợi tức quốc gia đã và đang gia tăng, sự tiếp diễn của xu thế này vào tương lai có thể bị đe dọa khi một thách đố mới đối với tư bản xuất hiện – không phải từ khu vực lao động được phục hồi, mà từ một đơn vị ngày một quan trọng ngay trong hàng ngũ của vốn: đó là vốn kỹ thuật số [digital capital].

Trong một thị trường tự do, những phần thưởng lớn nhất sẽ thuộc về những đầu vào hiếm hoi nhất được cần tới trong quá trình sản xuất. Trong một thế giới mà loại vốn như phần mềm và rôbốt có thể được tái tạo với giá rẻ, giá trị biên của chúng sẽ có xu thế đi xuống, thậm chí khi loại vốn này được sử dụng nhiều hơn trong tập hợp vốn. Và khi tăng thêm vốn mà không tốn kém thêm bao nhiêu, giá trị của vốn sẵn có trên thực tế sẽ bị đẩy xuống. Khác hẳn với các nhà máy thông thường chẳng hạn, nhiều loại vốn kỹ thuật số có thể được thêm vào với giá cực rẻ. Phần mềm có thể được sao chép và phân phối gần như không tốn kém thêm chút nào. Và nhiều thành tố của phần cứng máy vi tính, được chi phối bởi các biến thể của định luậtMoore, nhanh chóng và liên tục trở nên rẻ hơn qua thời gian. Tóm lại, vốn kỹ thuật số là rất dồi dào, càng tăng số lượng càng ít tốn kém, và ngày càng quan trọng gần như trong mọi công nghiệp.

Do đó, thậm chí khi quá trình sản xuất cần vốn hơn cần nhân công [more capital-intensive], các phần thưởng mà tập thể các nhà tư bản kiếm được có thể không nhất thiết tiếp tục gia tăng so với phần thưởng dành cho lao động. Các phần thưởng này sẽ tùy thuộc vào các chi tiết cụ thể của quá trình sản xuất, phân phối, và các hệ thống quản trị.

Quan trọng hơn cả, sự tưởng thưởng sẽ tùy vào những đầu vào nào là khan hiếm nhất đối với quá trình sản xuất. Nếu các công nghệ kỹ thuật số tạo ra các phương tiện sản xuất rẻ để càng ngày càng thay thế cho một số việc của công nhân, thì đó không phải là một vận hội tốt cho người lao động. Nhưng nếu các công nghệ kỹ thuật số cũng ngày càng thay thế cho vốn, thì tất cả các chủ tư bản cũng không nên kỳ vọng kiếm được những lợi nhuận kếch sù.

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ĐẢO LỘN TRẬT TỰ THẾ GIỚI

Thành tố nào sẽ là tài nguyên khan hiếm nhất, và do đó có giá trị nhất trong cái mà hai người trong chúng tôi (Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee) gọi là “thời đại cơ giới thứ hai,” một kỷ nguyên được thúc đẩy bởi các công nghệ kỹ thuật số và các đặc tính kinh tế của chúng? Thành tố đó sẽ không phải là lao động phổ thông hay vốn thông thường mà là những người có thể đưa ra các ý tưởng mới lạ và các cải tổ.

Hẳn nhiên, từ trước đến nay những người này luôn luôn có giá trị kinh tế cao và thường hưởng những lợi nhuận to lớn nhờ các phát minh của họ. Nhưng trong quá khứ họ phải chia lợi nhuận do sáng kiến của họ với giới lao động và các nhà tư bản, vốn là những thành phần cần thiết để mang thành quả trí tuệ của họ vào thị trường. Các công nghệ kỹ thuật số càng ngày càng biến cả lao động thông thường lẫn vốn thông thường thành hàng hóa, và do đó đa số các phần thưởng phát xuất từ sáng kiến sẽ thuộc về những người có óc sáng tạo, cải tổ và kinh doanh. Người có sáng kiến, chứ không phải là công nhân hay người đầu tư, sẽ là tài nguyên khan hiếm nhất.

Mô hình căn bản nhất mà các nhà kinh tế sử dụng để giải thích tác động của công nghệ coi tài nguyên khan hiếm nhất này như là số nhân giản đơn [a simple multiplier] cho mọi thứ khác, gia tăng năng suất tổng thể thậm chí cho cả mọi thành phần. Mô hình này được dùng trong tất cả các lớp kinh tế nhập môn và cung cấp nền tảng cho sự hiểu biết qua trực giác thông thường – và, mãi cho đến gần đây, rất hợp lý – rằng ngọn thủy triều đang dâng của tiến bộ công nghệ sẽ đồng loạt nâng mọi chiếc thuyền lên ngang nhau, khiến tất cả các công nhân có năng suất cao hơn và do đó có giá trị hơn.

Tuy nhiên, một mô hình phức tạp hơn và thực tế hơn lại cho phép một khả năng là công nghệ có thể không ảnh hưởng đồng đều lên mọi đầu vào mà thay vào đó dành ưu tiên cho một số đầu vào này nhiều hơn một số đầu vào khác. Biến chuyển kỹ thuật dựa vào kỹ năng [skill-based technical change], chẳng hạn, diễn ra có lợi cho những công nhân có tay nghề hơn những công nhân thiếu tay nghề, và biến chuyển kỹ thuật dựa vào vốn [capital-based technical change] sẽ ưu đãi các nhà tư bản hơn giới công nhân. Cả hai loại biến chuyển kỹ thuật này từng đóng vai trò quan trọng trong quá khứ, nhưng ngày càng rõ nét, một loại thứ ba – cái mà chúng tôi gọi là biến chuyển kỹ thuật dựa vào các siêu sao [superstar-based technical change] – đang đảo lộn nền kinh tế toàn cầu.

Ngày nay, người ta có thể đem nhiều hàng hóa, dịch vụ, và phương pháp ra mà mã hóa [codify] chúng. Một khi được mã hóa, chúng có thể được số hóa [digitized], và một khi được số hóa, chúng có thể được sao chép ra vô số phiên bản [replicated]. Các phiên bản kỹ thuật số có thể được làm ra gần như không tốn kém gì cả và có thể chuyển đến bất cứ nơi nào trên thế giới gần như tức khắc, mỗi đơn vị đều giống hệt nguyên bản. Sự kết hợp ba đặc tính sau đây đã đưa tới một ngành kinh tế kỳ lạ và tuyệt diệu: chi phí cực thấp, hiện hữu đều khắp và nhanh chóng, và hoàn toàn trung thực [perfect fidelity]. Nó có thể tạo ra sự dư thừa trong lãnh vực trước đây hoàn toàn khan hiếm, không những đối với các hàng hóa tiêu thụ, như video âm nhạc, mà còn đối với những đầu vào kinh tế, như một số loại lao động và loại vốn nhất định.



Lợi nhuận trong những thị trường kỹ thuật số này thường theo một mô hình rõ rệt — luật lũy thừa, hay đường cung Pareto, trong đó một thiểu số tác nhân rất nhỏ gặt hái một phần quá lớn các phần thưởng kinh tế. Các hiệu ứng mạng lưới [network effects], theo đó một sản phẩm càng có giá trị nếu càng có nhiều người sử dụng, cũng có thể tạo ra các loại thị trường như thế, trong đó những người thành công sẽ hưởng hết hoặc hầu hết mọi lợi nhuận [“được ăn cả” / winner-take-all]. Ta thử lấy Instagram, diễn đàn chia sẻ ảnh, làm ví dụ cho khoa kinh tế của nền kinh tế mạng lưới kỹ thuật số. Mười bốn thành viên tạo dựng công ty này không cần thuê mướn nhiều công nhân thiếu tay nghề để làm được việc đó, và họ cũng chẳng cần đến vốn hữu hình là bao nhiêu. Họ tạo ra một sản phẩm kỹ thuật số có thể vận dụng hiệu ứng mạng lưới, và một khi nó đã nhanh chóng chiếm thị trường, họ đã bán lại công ty chỉ sau một năm rưỡi với giá gần 3/4 tỉ USD — mỉa mai là việc này đã diễn ra chỉ vài tháng tiếp theo sau sự phá sản của một công ty ảnh khác, đó là công ty Kodak, một công ty mà ở đỉnh cao của nó đã có đến 145.000 nhân viên và giữ nhiều tài sản vốn đáng giá hàng tỉ USD.

Instagram là một ví dụ cực đoan của một qui luật tổng quát hơn. Thông thường là, khi các cải tiến trong các công nghệ kỹ thuật số thúc đẩy việc số hóa một sản phẩm hay một tiến trình, các siêu sao thấy lợi tức của mình tăng vọt, trong khi các ngôi sao hạng hai, các nhà kinh doanh thứ yếu, và các người đến muộn thường phải cạnh tranh vất vả hơn. Những diễn viên hàng đầu trong âm nhạc, thể thao, và các ngành khác cũng nhận thấy tiềm năng và lợi tức của mình tăng nhanh từ thập niên 1980, một cách trực tiếp hay gián tiếp đã cỡi lên những xu thế này để đi lên.

Nhưng không chỉ phần mềm và các phương tiện ghi hình ảnh và âm thanh là đang được chuyển đổi. Số hóa và mạng lưới [digitization and networks] là hai hiện tượng đang diễn ra đều khắp trong mọi công nghiệp và chức năng của nền kinh tế, từ buôn bán lẻ và các dịch vụ tài chính đến khu vực chế tạo và khuyến mãi. Nghĩa là kinh tế siêu sao đang ảnh hưởng lên nhiều hàng hóa, dịch vụ, và dân chúng hơn bao giờ hết.

Thậm chí lãnh đạo hàng đầu của các công ty cũng bắt đầu kiếm được thù lao tương đương với các ngôi sao nhạc rock. Vào năm 1990, lương trung bình của tổng giám đốc công ty tại Mỹ lớn gấp 70 lần lương của một công nhân bình thường; nhưng năm 2005, lớn gấp 300 lần. Thù lao của tổng giám đốc trên toàn cầu nói chung đều đi theo cùng một chiều hướng, dù có thay đổi đáng kể theo từng nước. Nhiều lực tác động đang diễn ra trong lãnh vực này, gồm các thay đổi thuế má và chính sách, các qui phạm văn hóa và tổ chức đang diễn biến, và cả vận may nữa. Nhưng nghiên cứu của một người trong chúng tôi (Brynjolfsson) và Heekyung Kim đã cho thấy, một phần của sự tăng trưởng thù lao này được gắn liền với việc sử dụng công nghệ thông tin rộng rãi hơn trước. Công nghệ đã mở rộng tầm với tiềm năng, phạm vi hoạt động, và khả năng theo dõi của một người làm quyết sách, gia tăng giá trị của một người làm quyết sách giỏi bằng cách khuyếch đại các hệ quả tiềm năng do các lựa chọn của người đó. Việc quản lý trực tiếp qua các công nghệ kỹ thuật số khiến một người quản lý giỏi trở nên có giá trị hơn trước đây, khi mà các lãnh đạo công ty phải chia sẻ quyền kiểm soát với những chuỗi dài gồm các thuộc cấp và chỉ có thể ảnh hưởng lên một tầm hoạt động nhỏ hơn. Ngày nay, trị giá thị trường của một công ty càng lớn, thì lý do phải cố gắng tìm cho ra các nhà quản lý ưu tú nhất để lãnh công ty càng trở nên bức thiết.

Khi lợi tức được phân phối theo luật lũy thừa, hầu hết mọi người sẽ ở dưới mức lương trung bình, và khi các nền kinh tế quốc gia rõ ràng ngày một chịu sự chi phối của các động lực này, mô hình phân phối lợi tức vừa nói sẽ diễn ra trên cấp độ quốc gia. Và như dự kiến, Hoa Kỳ ngày nay là một trong những nước đặc biệt có GDP trên mỗi đầu người cao nhất thế giới – trong khi thu nhập trung bình của người công nhân gần như đứng yên một chỗ suốt hai thập kỷ vừa qua.

CHUẨN BỊ CHO CUỘC CÁCH MẠNG THƯỜNG TRỰC

Các lực tác động trong thời đại cơ giới thứ hai là mãnh liệt, ảnh hưởng lên nhau, và phức tạp. Không ai có thể nhìn vào tương lai xa vời mà tiên đoán được phần nào tác động sau cùng của các lực này là gì. Tuy nhiên, nếu các cá nhân, các doanh nghiệp, và các chính phủ hiểu được những gì đang diễn ra, chí ít họ có thể cố gắng điều chỉnh và thích nghi.

Hoa Kỳ, chẳng hạn, có thể giành lại một số doanh nghiệp khi câu thứ hai trong kế hoạch kinh doanh tám chữ của hãng Apple được đảo nghĩa và các hoạt động sản xuất một lần nữa được thực hiện bên trong biên giới của nước Mỹ. Nhưng câu thứ nhất của kế hoạch này lại trở nên quan trọng hơn bao giờ cả, và chính ở điểm này, người Mỹ cần phải lo lắng chứ không được tự mãn. Vì không may là, chính cái tính năng động và óc sáng tạo đã từng làm cho nước Mỹ trở thành quốc gia có nhiều sáng kiến nhất thế giới có lẽ đang bị lung lay.

Nhờ cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra không ngưng nghỉ, lãnh vực thiết kế và sáng kiến hiện nay đã trở thành một bộ phận của khu vực mậu dịch [tradable sector] trong nền kinh tế toàn cầu và sẽ gặp phải cùng loại cạnh tranh đã từng thay đổi khu vực sản suất. Khả năng lãnh đạo trong ngành thiết kế tùy thuộc vào một lực lượng lao động có kiến thức và một văn hóa kinh doanh, nhưng lợi thế truyền thống của Mỹ trong những lãnh vực này hiện đang suy giảm. Mặc dù có thời Mỹ đã dẫn đầu thế giới về số người tốt nghiệp đại học trong lực lượng lao động của mình chí ít với bằng cao đẳng, nhưng hiện nay Mỹ đã rơi xuống vị thứ 12. Và mặc dù cảm hứng kinh doanh tại những nơi như Thung lũng Silicon vẫn sôi sục, nhưng dữ liệu cho thấy kể từ 1996, số công ty khởi nghiệp [start-ups] tại Mỹ sử dụng nhiều hơn một người đã giảm hơn 20 phần trăm.

Nếu những xu thế đang bàn luận ở đây là có tính toàn cầu, thì những hệ quả địa phương của chúng sẽ bị chi phối một phần do các chính sách xã hội và đầu tư mà các nước lựa chọn để thực hiện, cả trong lãnh vực giáo dục nói riêng và trong việc nuôi dưỡng sáng kiến và tính năng động kinh tế nói chung. Qua hơn một thế kỷ, hệ thống giáo dục Mỹ được cả thế giới thèm muốn, với giáo dục phổ thông [miễn phí và cưỡng bách] từ mẫu giáo đến lớp 12 và các đại học đẳng cấp quốc tế có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Nhưng trong những thập kỷ gần đây, phẩm chất giáo dục tại các trường tiểu học và trung học Mỹ không được đồng đều, vì phải tùy thuộc vào mức lợi tức của từng khu dân cư và nhà trường vẫn còn chú trọng vào việc cho học sinh học thuộc lòng bằng cách lập đi lặp lại [rote learning].

May là, chính cuộc cách mạng kỹ thuật số hiện đang biến đổi các thị trường sản phẩm và lao động cũng đồng thời có thể đóng góp cho việc biến đổi giáo dục. Các chương trình học trực tuyến [online learning] có thể giúp sinh viên bất luận ở đâu tiếp cận các vị thầy, nội dung bài học, và các phương pháp hay nhất. Hơn nữa, các phương pháp mới mà sự tiến bộ dựa vào dữ liệu chứ không dựa vào trực giác hay kinh nghiệm cá nhân [data-driven approaches] để theo đuổi ngành học có thể khiến việc đo lường chỗ mạnh, chỗ yếu, và tiến bộ của người sinh viên dễ dàng hơn. Việc này chắc chắn tạo cơ hội thuận lợi cho các chương trình học tập và tiếp tục trau dồi bản thân theo nhu cầu của từng cá nhân, bằng cách sử dụng một số kỹ thuật phản hồi [feedback techniques] vốn đã biến đổi các khám phá khoa học, buôn bán lẻ, và khu vực sản xuất.

Toàn cầu hóa và thay đổi công nghệ có thể làm gia tăng của cải và hiệu năng kinh tế của các quốc gia và cả thế giới nói chung, nhưng chúng sẽ không mang phúc lợi đến cho hết thảy mọi người, chí ít trong ngắn hạn và trung hạn. Đặc biệt là, giới lao động phổ thông [ordinary workers] sẽ tiếp tục chịu những đòn nặng nề của những biến đổi kinh tế này; họ hưởng lợi trong vị thế của người tiêu thụ nhưng không nhất thiết hưởng lợi trong vị thế của người sản xuất. Điều này có nghĩa là, nếu không có sự can thiệp hơn nữa [của chính phủ], bất bình đẳng kinh tế có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng, đặt ra một loạt vấn đề khác nhau. Lợi tức không đồng đều có thể dẫn đến cơ hội không đồng đều, tình trạng này sẽ tước đoạt của các quốc gia khả năng tiếp cận nhân tài và phá hoại khế ước xã hội [the social contract]. Đồng thời, quyền lực chính trị thường theo đuôi quyền lực kinh tế, trong trường hợp này sẽ phá hoại thể chế dân chủ.

Những thách thức này có thể và cần được đối phó thông qua việc cung cấp các dịch vụ công cộng cơ bản có chất lượng cao, gồm giáo dục, y tế, và an ninh kinh tế cho người nghỉ hưu. Những dịch vụ này sẽ là cốt yếu để tạo ra sự bình đẳng đích thực về cơ hội trong một môi trường kinh tế đang thay đổi nhanh chóng và để đẩy mạnh sự thăng tiến từ đời này sang đời khác về lợi tức, của cải, và viễn ảnh tương lai.

Riêng việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung, gần như có một sự đồng thuận giữa các nhà kinh tế nghiêm túc về đa số các chính sách được coi là cần thiết. Chiến lược cơ bản thì giản dị về mặt tri thức, dù khó thực hiện về mặt chính trị: đẩy mạnh đầu tư vào khu vực công trong ngắn hạn và trung hạn đồng thời làm cho đầu tư này có hiệu năng hơn và phải lên kế hoạch việc củng cố ngân sách qua dài hạn. Mọi người đều biết rằng các đầu tư công cộng thường có thành quả cao trong các nghiên cứu cơ bản về y tế, khoa học, và công nghệ; trong giáo dục; và trong chi phí hạ tầng về đường sá, phi trường, các hệ thống cung cấp nước và vệ sinh công cộng, về năng lượng và các mạng lưới giao thông. Gia tăng chi tiêu của chính phủ trong những lãnh vực này sẽ đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế hiện nay đồng thời tạo được của cải thực cho các thế hệ mai sau.

Nếu cuộc cách mạng kỹ thuật số vẫn tiếp tục mạnh mẽ trong tương lai như đã diễn ra trong những năm gần đây, thì cấu trúc của nền kinh tế hiện đại và vai trò của bản thân công việc có thể cần phải được xét lại. Như một tập thể, con cháu của chúng ta có thể sẽ làm việc ngắn giờ hơn và có cuộc sống tốt đẹp hơn – nhưng cả công việc lẫn các phần thưởng lao động có thể sẽ được phân phối thậm chí bất bình đẳng hơn trước, gây hậu quả xấu dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc tạo tăng trưởng kinh tế bền vững, công bằng, và không loại bỏ một thành phần xã hội nào sẽ đòi hỏi nỗ lực phi thường. Bắt đầu bằng sự hiểu biết đúng đắn rằng mọi việc đã tiến nhanh tiến xa như thế nào.

ERIK BRYNJOLFSSON là Giáo sư Khoa Quản lý tại Trường Quản lý Sloan Đại học MIT và là đồng sáng lập viên chương trình Sáng kiến về Kinh tế Kỹ thuật số tại MIT. ANDREW MCAFEE là một nhà nghiên cứu chính tại Trung tâm Nghiên cứu Doanh nghiệp Kỹ thuật số thuộc Trường Quản lý Sloan tại MIT và là đồng sáng lập viên chương trình Sáng kiến về Kinh tế Kỹ thuật số tại MIT. MICHAEL SPENCE là Giáo sư Kinh tế và Kinh doanh tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York.

Nguồn: Foreign Affairs, July-August 2014
Bản tiếng Việt © 2014 Trần Ngọc Cư & pro&contra

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác LTMai đăng bài tuyệt vời này dù không dễ đọc. Nhưng càng buồn cho VN mình.

    Trả lờiXóa