Tiền không mua được gì?
Ngày nay, người ta trả tiền cho bất cứ thứ gì, thậm chí vượt quá sức tưởng tượng. Chẳng hạn, 150.000 USD cho quyền bắn tê giác đen hay 18 USD cho quyền “thải 1 tấn carbon vào khí quyển”.
Bìa cuốn sách Tiền không mua được gì?
Trong cuốn sách triết học , tác giả Mỹ Michael Sandel liệt kê một loạt cách tiêu tiền “mới mẻ”. Chẳng hạn: 777 USD cho trán để xăm các thông điệp quảng cáo, 7.500 USD để làm chuột bạch thử nghiệm thuốc mới, 250 đến 1.000 USD để đánh thuê ở Afghanistan, trường học ở Dallas (Mỹ) trả 2 USD cho học sinh để đọc sách, 378 USD để giảm 6,5kg trong 4 tháng…Ngày nay, người ta không chỉ mua bán ở chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, thị trường chứng khoán… Ngày nay, thị trường bước ra cuộc đời. Nói cách khác, cuộc sống biến thành một thị trường khổng lồ, nơi đồng tiền luân chuyển khắp nơi và từng giờ tạo ra những thay đổi ít ai lường trước được.
Ở Việt Nam, chúng ta từng sống qua thời kỳ không phải muốn gì là có thể mua nấy mà phụ thuộc vào tem phiếu. Khi thị trường chưa mở, việc tiêu tiền bị kìm hãm. Còn ngày nay, Việt Nam bắt kịp thế giới ở chỗ tiền mua được hầu như mọi thứ. Nhưng đến lúc đó, khó khăn khác lại nảy sinh: không có tiền, hoặc ít tiền, thì phải làm sao?
Đó chính là vấn đề mà Sandel đã đúc rút ra từ xã hội Mỹ. “Trong một xã hội mà mọi thứ đều mua bán được, những người càng ít của cải thì cuộc sống càng khó khăn”. Đó chính là sự bất công mới. Đi kèm là gì? Tham nhũng. Tiền đã hấp dẫn, tiền chùa càng hấp dẫn hơn.
Không phải tất cả người giàu đều tham nhũng, nhưng việc họ dùng tiền để cho mình những đặc quyền hơn hẳn người khác cũng không ai cấm được. Và chính điều đó lại gây ra hố sâu về đẳng cấp trong xã hội.
Người có tiền ngày càng chiếm nhiều lợi thế. Trong phim thiếu nhi thường có cảnh đứa trẻ giàu tranh sân chơi của đứa trẻ nghèo. Ngày nay, không chỉ là sân chơi, mà còn điều kiện giáo dục, chế độ y tế, sự an toàn, vẻ đẹp ngoại hình, ảnh hưởng chính trị. Ngày càng xuất hiện những ngôi trường VIP với học phí hàng chục triệu một tháng, với phương pháp giáo dục tuyệt vời không dành cho tất cả mọi người.
Một thế hệ trẻ em sẽ lớn lên mà đầu óc hằn rõ ý thức về lợi thế của cái giàu và sự hèn mạt của cái nghèo. Những đứa trẻ sẽ không tin rằng các lĩnh vực như sức khỏe, giáo dục, cuộc sống gia đình, tự nhiên, nghệ thuật, trách nhiệm công dân… có thể tách khỏi đồng tiền mà vẫn tốt đẹp. Những đứa trẻ đó cũng sẽ phân biệt đẳng cấp rất nghiệt ngã. Điều đó có lợi gì cho tâm hồn con người?
Viết cuốn sách này, tác giả Sandel gọi thời nay là “kỷ nguyên tôn vinh thị trường”. Ông lo ngại khi đồng tiền từ vị trí chỉ là phương tiện nay đã trở thành động lực và chi phối con người. Con người phải làm gì? Đọc xong cuốn sách, độc giả sẽ biết rằng họ buộc phải trăn trở.
Tiền không mua được gì? của Michael Sandel, bản tiếng Việt do Nguyễn Diệu Hằng dịch, nằm trong tủ sách Cánh cửa mở rộng của NXB Trẻ. Tác giả cũng có cuốn Phải trái đúng sai khá thú vị nằm trong cùng bộ sách.
Nguồn Thể Thao Văn Hóa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét