Cuộc đối đầu Trung - Việt sẽ kết thúc cách nào?
Một tuần sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan khủng HD 981 vào hạ đặt bất hợp pháp trong Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, trang mạng ChinaFile thuộc Hội châu Á (Asia Society) đã tổ chức một cuộc thảo luận về sự kiện chấn động này. Tham dự thảo luận có 5 chuyên gia hàng đầu của Asia Society về khu vực châu Á-Thái Bình Dương; mỗi người đưa ra quan điểm của mình về bản chất của sự kiện, động cơ của Trung Quốc và triển vọng kết thúc cuộc giằng co với Việt Nam.Bài thảo luận được đưa lên mạng ngày 12/5. Đến nay tình hình đã có những chuyển biến mới, nhưng cốt lõi của vấn đề vẫn còn nguyên: giàn khoan HD 981 vẫn nằm chình ình ngoài biển và lực lượng hộ vệ của Trung Quốc vẫn hung hăng ngăn cản các cơ quan chấp pháp của Việt Nam.
Các ý kiến chuyên gia không tập trung vào các chuyển biến thời sự mà đi sâu phân tích những động cơ tiềm ẩn, có tính toàn cầu của sự kiện này; vì thế, chúng ta cũng nên biết để có thể nắm bắt tình hình một cách đầy đủ, toàn diện hơn, bên cạnh việc theo dõi những biến động ở trong nước.
Những cuộc thảo luận chuyên gia như thế này có tác động rất lớn đến dư luận của công chúng Mỹ và phương Tây; có phần ảnh hưởng quan trọng đến chính sách đối ngoại của các nước, cần đọc để biết họ nghĩ như thế nào và tương lai họ sẽ hành động ra sao.
Bài dài, mỗi người có phong thái diễn đạt khác nhau nên việc chuyển ngữ sang tiếng Việt có những khó khăn nhất định. Dù sao mình cũng cố gắng dịch ra nhanh nhất, chính xác nhất có thể để các bạn không rành tiếng Anh cũng theo dõi được. Ai sành tiếng Anh thì xin đọc nguyên văn theo đường dẫn bên dưới; chia sẻ thoải mái nếu thấy có ích.
Trả lời
Daniel Kliman |
[Daniel Kliman là cố vấn cao cấp Chương trình châu Á của Quỹ Marshall Đức (GMF), chuyên nghiên cứu về châu Á và tương lai của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp; từng là chuyên viên nghiên cứu Chính sách Nhật Bản tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) và Viện phân tích quốc phòng. D.Kliman tốt nghiệp Đại học Stanford và lấy bằng tiến sĩ chính trị học tại Đại học Princeton.]
Cách Ukraina 5 000 dặm, ngoài khơi bờ biển Việt Nam (VN), Trung Quốc (TQ) đang làm theo một trang trong cuốn sách bày trò của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Việc Bắc Kinh mới đây đặt một giàn khoan dầu khổng lồ trong vùng biển tranh chấp ở biển Đông là dùng cùng một kiểu chiến thuật. Ở Ukraine, Nga nhắm vào một đối thủ yếu trên biên giới của họ, không là đồng minh của Mỹ, sử dụng lực lượng bán quân sự để tránh phô vẻ xâm lược lộ liễu càng lâu càng tốt. Ở biển Đông, Bắc Kinh đang cố áp đặt yêu sách lãnh thổ đối với VN, một nước láng giềng thua kém về quân sự và không có liên minh với Mỹ để dựa. Bắc Kinh, giống như Moscow, cũng đã triển khai lực lượng một cách mờ đục, phủ nhận rằng đội tàu gồm 80 chiếc đi hộ tống giàn khoan không có bất kỳ tàu quân sự nào.
Ở Krym (Crimea), hình thức xâm lược xám đã thành công, nhưng ở biển Đông, có thể không như vậy. Được mất cho TQ là rất lớn, bắt đầu với việc kiểm soát các nguồn tài nguyên năng lượng và kết thúc với một mục tiêu xa hơn nhưng lại hấp dẫn – tạo ra một trật tự mới ở châu Á. Tuy nhiên, được mất trong ngắn hạn cho VN là cao hơn nhiều: chủ quyền và lòng tự trọng. Và TQ đang cố làm theo sách của Putin cho một mục tiêu khó khăn hơn. VN, trái với Ukraine, không gặp khó khăn do chia rẽ nội bộ, và chính phủ gần đây đã đầu tư vào việc nâng cấp quân sự.
Việc VN đã không né tránh leo thang trong quá khứ, và thề sẽ "áp dụng mọi biện pháp cần thiết và phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình" phải được xem xét một cách nghiêm túc. Có khả năng VN lần đầu tiên sẽ đưa vụ việc giải quyết qua luật pháp quốc tế và qua Hiệp hội các nước Đông Nam Á mà VN là một thành viên. Nhưng nếu các bước như thế thất bại và TQ cứ lấn tới với việc khoan dầu thì một cuộc đối đầu quân sự không phải là không thể xảy ra. TQ có khả năng sẽ thắng trong cuộc đụng độ vũ trang, nhưng nó lại có thể cho thấy là một chiến thắng trống rỗng, đẩy các láng giềng sợ sệt của Bắc Kinh tăng cường quân đội và tìm kiếm quan hệ càng gần gũi hơnvới Hoa Kỳ.
Ely Ratner |
[Ely Ratner là nghiên cứu viên cao cấp, phó giám đốc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương ở Trung tâm An ninh Hoa Kỳ (CNAS). Từng là chuyên viên về Trung Quốc ở bộ Ngoại giao Mỹ, theo dõi quan hệ đối ngoại của Trung Quốc ở châu Á, chuyên viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Tốt nghiệp đại học Princeton và lấy bằng tiến sĩ chính trị học tại Đại học UC Berkeley].
Mặc dù cuộc giằng co giữa Trung Quốc và Việt Nam hiện thời rõ ràng là nghiêm trọng và đầy kịch tính, nhưng có lẽ vẫn chưa nguy hiểm bằng một cuộc khủng hoảng tương tự có thể xảy ra ở một nơi khác ở châu Á. Thoạt tiên, hai chính phủ này có mối quan hệ gần gũi và khá tích cực, khác xa sự thù địch và thông tin kém cỏi vốn là đặc trưng của mối quan hệ hiện thời giữa Bắc Kinh với Manila và Tokyo.
Ngoài ra, Việt Nam không phải là một đồng minh có hiệp ước phòng thủ với Hoa Kỳ. Điều đó loại trừ các yếu tố phiêu lưu, tính toán sai lệch và leo thang căng thẳng đang phủ một bóng đen nguy hiểm lên cuộc tranh chấp hàng hải của Trung Quốc với Nhật Bản và Philippines. Bản thân Việt Nam, và khối ASEAN với tư cách một tổ chức, rất muốn thể hiện vai trò là tác nhân quan trọng nhất, nổi bật nhất trước khi Hoa Kỳ tham gia một vai trò tích cực.
Tuy vậy, biến cố này làm rõ hai khía cạnh thật sự gây rắc rối đang nổi lên trong hành xử chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Một là, đảng Cộng sản Trung Quốc có vẻ như càng ngày càng không có khả năng dung hòa các mục đích chủ đạo về chính trị và kinh tế là bảo đảm các mục tiêu chủ quyền mà vẫn duy trì được môi trường an ninh khu vực hòa bình và ổn định. Đã có một kỳ vọng đáng chú ý (dù rằng kỳ vọng đó đặt cơ sở lên niềm mong ước hơn là sự phân tích) rằng chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đưa ra được những chính sách đi dây mềm dẻo hơn giữa các mục tiêu mâu thuẫn nhau. Niềm hy vọng này được củng cố bởi bài phát biểu mà giờ đây đã trở nên nổi tiếng của ông ta về “ngoại giao biên ải” hồi tháng 10-2013 – bài phát biểu có vẻ như là báo trước sự quay trở lại với chiến lược “tấn công hấp dẫn” (charm offensive) đã định hình cách tiếp cận của Trung Quốc với Đông Nam Á vào giữa thập niên trước.
Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra, mà thay vì vậy chúng ta đã thấy Trung Quốc can dự vào những hành động vụng về, thiếu tự tin, làm bật lên những mối lo ngại không chỉ ở Tokyo và Manila mà cả ở Kuala Lumpur, Jakarta và bây giờ là Hà Nội. Suy cho cùng, điều này có nghĩa là các mệnh lệnh chính trị và hành chính quốc nội đã vượt qua các logic chiến lược ở Bắc Kinh, là sự phát triển nguy hiểm đối với bên ngoài vốn đang hy vọng rằng sự tính toán hơn thiệt tương đối (không phải chính trị và chủ nghĩa dân tộc) sẽ định hình việc ban hành quyết định về tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc.
Thứ hai là, sự kiện giàn khoan có nghĩa là cuối cùng, chúng ta hãy thôi nói về sự quyết đoán của Trung Quốc như là một “phản ứng” – điều có vẻ phù hợp ở thời điểm hai năm trước, khi Nhật Bản “quốc hữu hóa” quần đảo Senkaku và Philippines sử dụng một tàu hải quân ở bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough Reef) đã kích thích Trung Quốc hành động. Vào lúc ấy, các quan chức Trung Quốc đã nhanh chóng chỉ ra rằng, các nước khác đã ra tay trước. Và sự phê phán chủ yếu đối với phản ứng của Trung Quốc là ở chỗ phản ứng như vậy không phù hợp, có tính chất leo thang chứ không nhất thiết là “gây hấn”.
Lời biện hộ này không còn ý nghĩa gì nữa. Cho dù bản thân chủ tịch Tập vẫn tiếp tục khẳng định rằng, Trung Quốc chỉ đơn thuần phản ứng với những vụ gây hấn của nước khác, giờ đây, theo quan sát và trải nghiệm, cách nói đó đã trở thành một lời dối trá sau khi Trung Quốc công bố thiết lập Vùng nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên vùng biển Hoa Đông hồi tháng 11 năm ngoái và bây giờ lại khẳng định chủ quyền trên vùng biển của Việt Nam. Thay vì chờ đợi đến khi có lý do biện hộ cho việc đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền, giờ đây Trung Quốc ra tay trước mà không đợi ai gây hấn.
Hai yếu tố rắc rối này vẽ lên bức tranh về một đất nước mà chính sách ngoại giao đã bị tách rời khỏi logic chiến lược và ngày càng gắn bó với chủ nghĩa xét lại (revisionism – một thứ chủ nghĩa xét lại lịch sử, đòi lấy lại các vùng đất ngày xa xưa thuộc lãnh thổ của mình – ND) ưu tiên ra tay trước.
Đây không phải là tin lành cho hòa bình và ổn định cho vùng biển châu Á.
Thứ sáu, 9-5-2014, 9g49 sáng
Orville Schell |
[Orville Schell là giám đốc Trung tâm quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ tại Asia Society; nguyên là giáo sư và hiệu trưởng trường Cao học Báo chí của Đại học UC Berkeley. O. Schell đã xuất bản 10 cuốn sách về Trung Quốc và viết cho nhiều báo, tạp chí ở Mỹ. Ông tốt nghiệp xuất sắc của Đại học Harvard, ngành Lịch sử Viễn đông; từng đi nghiên cứu tại Đại học quốc gia Đài Loan trong thập niên 1960, sau đó lấy bằng tiến sĩ về Lịch sử Trung Quốc tại Đại học UC Berkeley].
Điều rắc rối nhất trong những xung đột vừa nổi lên trong tranh chấp biển ở Đông và Đông Nam Á (giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và thậm chí cả Indonesia) là chúng liên quan tới vấn đề chủ quyền. Đây là vấn đề nghiêm trọng bởi vì, ít nhất là đối với Trung Quốc, vấn đề “sự toàn vẹn lãnh thổ” là không thể nhân nhượng. Điều đó cũng có nghĩa là các nhà ngoại giao chỉ có một không gian rất hạn chế để đàm phán, nói gì đến nhân nhượng. Sự cứng nhắc này, có nguồn gốc lịch sử sâu xa, còn được nuôi dưỡng bởi tính chất vô cùng nhạy cảm của Trung Quốc đối với những vấn đề mà họ coi là liên quan tới việc xâm chiếm lãnh thổ.
Một trong những yếu tố rất rõ ràng trong chính sách ngoại giao mới của chủ tịch đảng CSTQ Tập Cận Bình là một quan điểm thoát thai từ cái gọi là “không bao giờ nữa” (never again) – một thái độ của người Trung Quốc nổi lên từ, và là phần quan trọng, của “Giấc mộng Trung Hoa”. Có thể nói sau hơn một thế kỷ đau khổ vì bị xâm lấn, biến thành gần như là thuộc địa, bị nước ngoài chiếm đóng, “các hiệp ước bất bình đẳng” và nhiều hình thức bóc lột khác của các quốc gia mạnh hơn, giờ đây Trung Quốc đã vững mạnh, họ sẽ “không bao giờ” cho phép mình nhân nhượng nữa (đặc biệt là dưới sức ép của các siêu cường) trong những vấn đề về toàn vẹn lãnh thổ.
Nhưng cũng như những người khác tham gia cuộc thảo luận này đã chỉ ra, để làm cho vấn đề thêm khó giải quyết, lập trường dựa vào sức mạnh mới của Trung Quốc trong việc đối đầu với các nước láng giềng dường như đã được khích lệ, ít ra là gián tiếp, từ thái độ hung hăng, thậm chí hiếu chiến của ông Putin, trong việc đòi lại những gì mà ông ta coi là lãnh thổ hợp pháp của Nga ở Ukraine. Trung Quốc và Nga chưa từng ký kết một hiệp ước chính thức nào. Và lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra rất tráo trở về chuyện một quốc gia đơn phương xâm lấn một quốc gia khác (nói gì đến việc để cho các thế lực bên ngoài xâm phạm vào đống bùi nhùi Tây Tạng, Tân Cương hoặc thậm chí cả Đài Loan). Do vậy, không nên hoài nghi rằng lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy rất gần gũi với sự thúc giục của Putin đứng lên chống lại phương Tây và Nhật Bản kiêu căng ngạo mạn mỗi khi có cơ hội.
Do thái độ cao đạo và khinh thị của phương Tây, trước là đối với các nước “khối Cộng sản” trước kia, và sau là thái độ trịch thượng của phương Tây đối với các phong trào hậu cải cách, hậu cải tổ (post-Perestroika) dẫn tới kết cục là các hệ thống chính trị chuyên chế kiểu Lê-nin được hiện đại hóa ngự trị ở cả Moscow và Bắc Kinh, hiện đang có ở những nơi ấy các kho chứa mối thâm thù lịch sử chống lại các quốc gia thuộc về cái được gọi tên một cách mơ hồ là “thế giới tự do” suốt thời Chiến tranh Lạnh. Trong khi các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc cũng ấp ủ những mối lo ngại lẫn nhau vốn có nguồn gốc sâu xa từ những ngày đầu tiên mà Mặt trận Thống nhất của Tôn Dật Tiên liên minh với Quốc tế Cộng sản, và sự quỵ lụy rất miễn cưỡng của Mao Trạch Đông sau này đối với Liên bang Xô viết, coi Liên Xô là “người anh cả xã hội chủ nghĩa” của Trung Quốc; thì ngày nay hai nước lại cùng chia sẻ cái mà chúng ta có thể định danh là “tình anh em” của những người có cùng “văn hóa nạn nhân” (victim kultur). Lãnh đạo cả hai nước này đều coi mình là kẻ bị làm nhục bởi “phương Tây” và Nhật Bản, và như vậy họ có một xu hướng tự nhiên là phải chứng mình cho thế giới thấy, bất kỳ lúc nào có thể, rằng họ không chỉ không còn cho phép mình bị dọa nạt, đe nẹt, chèn ép hoặc giật dây mà còn không cho ai ngăn cản họ củng cố những điều mà họ coi là quyền lịch sử của họ trong việc tái sáp nhập và giành lại những vùng lãnh thổ đã mất.
Thật vậy, đây sẽ là đường nứt gãy trên đó đang bắt đầu nổi lên một kiểu chiến tranh lạnh thời hậu Chiến tranh Lạnh. Một liên minh Nga-Trung như vậy sẽ hết sức nguy hiểm, không phải vì Bắc Kinh và Moscow cùng chia sẻ quá nhiều quyền lợi chung cụ thể và thực tế (mặc dù giữa hai nước cũng có đường biên giới dài hơn 4.000 dặm) mà vì họ cùng chia sẻ một cội nguồn chung rất sâu, nơi sinh ra cảm xúc muộn phiền của cả dân tộc rất tương đồng với nhau. Và đôi khi, chính cái phức cảm như vậy lại tỏ ra mạnh mẽ hơn rất nhiều, có hại hơn rất nhiều cho những vấn đề quốc tế hơn là những tính toán cứng rắn về lợi ích thật sự của quốc gia.
Thứ sáu, 9/5/2014; 12g16
Susan Shirk |
[Susan L. Shirk là chủ tịch Chương trình Trung Quốc thế kỷ 21; giáo sư về Trung Quốc và quan hệ Thái Bình Dương thuộc trường Quan hệ quốc tế và Nghiên cứu Thái Bình Dương của Đại học UC San Diego. Bà cũng là giám đốc danh dự Viện nghiên cứu xung đột và hợp tác toàn cầu của hệ thống đại học California. Hiện thời bà là nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ của Asia Society. Bà đã từng là Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Văn phòng Đông Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Cuốn sách mới đây của bà “Trung Quốc: siêu cường mong manh” (Oxford, 2007) thuộc loại sách bán rất chạy.]
Chúng ta cần xem hành động của Trung Quốc với đôi mắt tỉnh táo. Orville, tôi nghĩ, chúng ta sẽ mắc lỗi bóp méo nhận thức bằng cách vẽ nên mối liên hệ giữa cách ứng xử của Trung Quốc ở châu Á với cách nước Nga ứng xử ở châu Âu. Tình nghĩa láng giềng của khu vực ở châu Á đã đủ phức tạp mà không cần có thêm những yếu tố bên ngoài không liên quan, vốn chỉ tồn tại trong đầu óc của chúng ta.
Điều nổi bật hơn cả chính là điểm mà Ely Ratner đã đưa ra về cách thức hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ ngoài bờ biển Việt Nam, cũng như việc công bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, cho thấy Trung Quốc đang tiến hành những động thái đầu tiên và quyết đoán để áp đặt tuyên bố chủ quyền trên biển chứ không chỉ hành động phản ứng lại. Trung Quốc bảo vệ hành động của mình bằng cách nói rằng, việc đặt giàn khoan để bắt đầu khoan thăm dò chỉ là một bước tiếp diễn bình thường các cuộc khảo sát địa chấn 2 chiều và 3 chiều mà họ đã thực hiện ở khu vực này. Chắc chắn đây là nội dung mà tập đoàn dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc, CNOOC, đã báo cáo với những người ban hành quyết định ở Bắc Kinh. Nhưng do bản chất tranh chấp của vị trí này – chỉ cách 15 dặm từ điểm cực nam của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt của Việt Nam năm 1974, và cách 120 dặm từ bờ biển miền Trung Việt Nam – và đội tàu khổng lồ, gồm hơn 80 tàu của chính quyền, theo hộ tống giàn khoan – chắc chắn đây không phải là hoạt động kinh doanh bình thường.
Các nhà ngoại giao ở bộ Ngoại giao Trung Quốc, đặc biệt là bộ trưởng Vương Nghị, người đã thảo ra chiến lược rất thành công của Trung Quốc nhằm trấn an các quốc gia châu Á về những ý đồ thân thiện của Trung Quốc trong các năm 1996-2009, và giờ đây đang cố gắng làm sống lại chiến lược ấy dưới chế độ Tập Cận Bình, phải biết rất rõ rằng những vụ áp đặt chủ quyền lộ liễu như vậy sẽ kích hoạt một phản ứng mạnh trong cách nước láng giềng đang lo âu của Trung Quốc. Khi Asean gặp nhau vào tuần tới (bài này viết trước khi diễn ra hội nghị cấp cao Asean tại Miến Điện – ND), chắc chắn các nước Đông Nam Á sẽ điểm mặt chỉ tên Trung Quốc, như Taylor Fravel đã dự đoán trong bài Hỏi & Đáp có nhiều thông tin của ông đăng trên báo The New York Times. Nhưng tiếng nói của bộ Ngoại giao không còn là tiếng nói chủ đạo trong tiến trình hoạch định chính sách đối ngoại nữa.
Những gì mà hành động của Trung Quốc phản ánh, như Ely Ratner đã nói, là cái khả năng cực kỳ nguy hiểm rằng chính sách an ninh của Trung Quốc đã trở nên “xa rời cái logic chiến lược”. Nói cách khác, các nhóm lợi ích quan liêu trong nội bộ Trung Quốc và chủ nghĩa dân tộc trong công chúng nước này đang thúc đẩy mở rộng quá đáng những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ theo một phương cách thật sự gây tai họa cho những lợi ích an ninh quốc gia của chính Trung Quốc.
Thứ sáu 9/5/2014, 2g18 phút chiều.
Carlyle A. Thayer |
[Carlyle A. Thayer là tên tuổi quen thuộc ở Việt Nam. Ông là giáo sư danh dự Đại học New South Wales, Úc, giáo sư Học viện quốc phòng Úc ở Canberra, kiêm bình luận gia về quốc phòng và an ninh Đông Nam Á của tạp chí The Diplomat. Trước đó, ông từng làm việc ở Viện quốc tế về Nghiên cứu chiến lược ở London, Anh quốc, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Honolulu, Mỹ, trường nghiên cứu quốc tế chuyên sâu của Đại học Johns Hopkin, Đại học Ohio, Học viện quốc phòng Úc… Ông tốt nghiệp ngành Đông Nam Á học của Đại học Yale và lấy bằng tiến sĩ quan hệ quốc tế của Đại học Quốc gia Úc. Khi khủng hoảng giàn khoan nổ ra tuần trước, ông đang có mặt ở Hà Nội.]
Có ba cách diễn dịch cho quyết định của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ HD 981 tại Lô 143 trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các cách diễn dịch này không nhất thiết loại trừ lẫn nhau.
Cách diễn dịch thứ nhất cho rằng tập đoàn dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) quyết định tiến hành các hoạt động khai thác thương mại ở những lô dầu khí mà họ đã đưa ra gọi thầu đề đáp ứng lại việc Việt Nam ban hành Luật Biển vào giữa năm 2012. Như Susan Shirk đã lưu ý, CNOOC đã từng tiến hành khảo sát địa chấn và có vẻ như muốn làm tiếp công việc.
Cách giải thích này rất đáng ngờ do quy mô và thành phần của đội tàu hơn 80 chiếc mà Trung Quốc triển khai cùng với giàn khoan. Như Shirk quan sát, “chắc chắn đây không phải là hoạt động kinh doanh bình thường “. Thật vậy, các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh báo cáo rằng, các quan chức của CNOOC nhận được lệnh phải hạ đặt giàn khoan bất chấp những nỗi sợ hãi của họ về chi phí cao phải bỏ ra hàng ngày và trữ lượng dầu và khí ở Lô 143 bị đáng giá thấp.
Cách diễn dịch tứ hai cho rằng hành động của CNOOC là nhằm ứng phó với các hoạt động của tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobile ở các lô gần đó. Cách giải thích này cũng có vẻ không thực tế. ExxonMobile đã hoạt động ở Lô 119 từ năm 2011 bất chấp những phản đối ban đầu của Trung Quốc. Vẫn không rõ rằng, bằng cách nào mà hoạt động của giàn khoan dầu Trung Quốc ở Lô 143 lại có thể cản trở ExxonMibile ở các lô khác.
Cách giải thích thứ ba nhấn mạnh vào các động cơ địa-chính trị đằng sau hành động của Trung Quốc. Việc bố trí giàn khoan khủng của CNOOC là một phản ứng được tính toán trước đối với cuộc viếng thăm Đông Á gần đây của Tổng thống Barack Obama. Trung Quốc phẫn nộ trước sự ủng hộ mà Obama dành cho cả Nhật Bản và Philippines trong cuộc tranh chấp lãnh thổ của các nước này với Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc tạo ra một cuộc khủng hoảng giàn khoan để chứng tỏ với các quốc gia trong khu vực rằng Hoa Kỳ là một “con hổ giấy” và có một khoảng cách giữa lời nói và khả năng hành động của ông Obama.
Cách giải thích thứ ba nghe có vẻ hợp lí. TQ có thể làm để đạt tới điều họ nhắm tới rồi rút giàn khoan dầu khi nó đã hoàn thành sứ mệnh vào giữa tháng 8. Nhưng cách giải thích này nẩy sinh câu hỏi tại sao VN lại là tiêu điểm cho cuộc khủng hoảng này và lý do tại sao TQ lại hành động vào đêm trước của kỳ họp thượng đỉnh những người đứng đầu chính phủ / nhà nước của Hiệp hội các nước Đông Nam Á.
Thứ Hai, 12-05-2014 - 3:25 chiều
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét