Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

'Ai sẽ hậu thuẫn nếu Việt Nam bị tấn công?'

'Ai sẽ hậu thuẫn nếu Việt Nam bị tấn công?'
Một nhà quan sát tình hình châu Á đặt câu hỏi về kịch bản phản ứng của Việt Nam trong trường hợp chịu một cuộc tấn công vũ trang từ bên ngoài. TS. Jean-Francois Sabouret: "Ai sẽ hậu thuẫn Việt Nam nếu xảy ra một cuộc xung đột được nâng lên thành cấp độ xung đột quân sự và thậm chí là một cuộc chiến tranh, dù là một cuộc hải chiến chớp nhoáng?"
Trao đổi với BBC hôm 18/5 từ Paris, ông Jean-Francois Sabouret, giám đốc danh dự Mạng lưới Nghiên cứu châu Á (Réseau Asie) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) nêu quan điểm cho rằng Nhật Bản đã nghiêm túc đặt kịch bản xung đột trên biển, còn chưa rõ Việt Nam thì sao.

Ông nói: "Liên quan tới quần đảo Senkaku mà người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài, Nhật Bản đã đặt tình huống bị Trung Quốc tấn công, chiếm lĩnh.

"Họ không chỉ tính toán suông, mà có thể đã có những bàn bạc với đối tác, đồng minh chiến lược của mình, mà như thực tế đã chứng tỏ Hoa Kỳ đã tuyên bố an ninh của quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi trách nhiệm đồng minh để hậu thuẫn và bảo vệ của Hoa Kỳ."

"Ai sẽ hậu thuẫn Việt Nam nếu xảy ra một cuộc xung đột được nâng lên thành cấp độ xung đột quân sự và thậm chí là một cuộc chiến tranh, dù là một cuộc hải chiến chớp nhoáng?

"Liệu trong trường hợp đó nước Nga có tạo ra áp lực hòa bình hay quân sự để bảo vệ Việt Nam hay không? Và tương tự, phía Hoa Kỳ có giúp đỡ Việt Nam hay không để Việt Nam có thể bảo vệ được các vùng biển, đảo của mình?"

Tiến sỹ Sabouret

Tiến sỹ Sabouret nói: "Ba cường quốc đang hiện diện và muốn khẳng định sức mạnh, ảnh hưởng ở các vùng biển khu vực, đó là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga.

"Hoa Kỳ có vẻ đã có những động thái kiềm chế Trung Quốc và về phần mình Trung Quốc có vẻ đã tỏ ra không sợ ai, bằng chứng là họ đã thách thức, đe dọa các quốc gia như Nhật Bản, Philippines và mới nhất là Việt Nam."

'Các cường quốc bàn bạc'


Tuy nhiên, theo nhà quan sát, không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc mà các mối căng thẳng cũng đang gia tăng giữa các quốc gia khác trong khu vực với Trung Quốc.

Ông nói: "Sự căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc với Việt Nam, Trung Quốc với Nhật Bản và Trung Quốc với Philippines. Trước khi sự căng thẳng vượt quá giới hạn, có thể các cường quốc Mỹ, Trung Quốc và Nga sẽ phải ngồi xuống với nhau để bàn bạc."

"Nếu họ (Trung Quốc) thấy Việt Nam có sự hậu thuẫn, chẳng hạn được sự bảo vệ rõ ràng từ Nga hay Mỹ, thì có lẽ họ còn phải nghĩ lại, nhưng nếu Việt Nam hoàn toàn đơn độc, thì thế nào? Việt Nam nên khẩn trương chuẩn bị một kịch bản ứng phó xung đột chớp nhoáng, thậm chí là chiến tranh."

Nhà nghiên cứu châu Á cũng đưa ra dự báo: "Trung Quốc đã đang trở thành một thế lực kinh tế, tài chính, và theo cách thức mà họ đang thể hiện, có thể dự đoán rằng trong một vài chục năm tới đây, họ cũng muốn trở thành một thế lực quân sự bên cạnh là thế lực kinh tài đó."

Hôm 19/5, một nhà quan sát từ Hà Nội nói với BBC, có thể Trung Quốc đã có những toan tính, tính toán rất kỹ lưỡng từ trước khi đi nước cờ hạ đặt 'giàn khoan 981'.

Tàu Trung Quốc đón công nhân từ Việt Nam về nước sau các vụ 'bạo loạn.'

Không chỉ cho rằng Trung Quốc đã 'tương kế, tựu kế' khi Việt Nam có phản ứng mạnh, nhà quan sát này nói có các dấu hiệu cần kiểm chứng thêm rằng đã có bàn tay đạo diễn từ trước cho các cuộc 'bạo loạn' làm đánh lạc hướng dư luận quốc tế và khu vực, nhằm 'tiếp tay' cho động thái hạ đặt giàn khoan.

Trao đổi với BBC từ Hà Nội, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam Hà Lan, đặt vấn đề cho rằng đã có những người giả mạo công nhân và quần chúng để phá hoại các cuộc biểu tình của Việt Nam.

"Việt Nam đang chờ kết luận của cơ quan chuyên môn cũng như của cơ quan chức năng, nhưng tôi nghe anh em nói chuyện bảo rằng đấy không phải là anh em công nhân," ông Thắng nói.

"Những khuôn mặt, những con người đó không phải là anh chị em công nhân, họ từ đâu đến, họ rất chuyên nghiệp, họ có những khí cụ, những dụng cụ rất chuyên môn, rất chuyên nghiệp.

"Đặc biệt là họ còn có bộ đàm để liên hệ với nhau, chứ những người đi biểu tình không có ai có bộ đàm, tôi cũng đã từng tham gia biểu tình, và tôi xem ngay như ở Hà Nội, chúng tôi chỉ có khẩu hiệu, các biểu ngữ, chứ ai lại có các bộ đàm, các thông tin, rồi có các tổ chức, việc này rõ ràng do một tổ chức hay tập hợp nào đó.

"Không có lý gì để xảy ra sự việc như hồi năm 1979."
Ông Hoàng Vĩnh Giang

"Rõ ràng nó gây hại cho Việt Nam, gây hại cho hình ảnh của Việt Nam trên thế giới, và muốn hay không muốn, rõ ràng nó tiếp tay cho Trung Quốc," ông Thắng nêu giả thuyết.
Không tin có 'chiến tranh'

Hôm Chủ Nhật, một quan chức trong ngạch 'ngoại giao nhân dân' của Việt Nam bác bỏ khả năng có thể xảy ra một cuộc xung đột vũ trang, trước sự kiện Trung Quốc tuyên bố rút một số công dân khỏi Việt Nam và chấm dứt một số hợp tác.

"Không có lý gì để xảy ra sự việc như hồi năm 1979," ông Hoàng Vĩnh Giang, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympics châu Á, nói.

"Cố gắng làm thế nào xử lý mâu thuẫn bằng phương pháp hòa bình, theo luật của Việt Nam và theo luật của quốc tế.

"Tôi chắc là sẽ xử lý được, không đến mức như là thời kỳ năm 1979 đâu."

Tuy nhiên, hôm 17/5 một Phó Thủ tướng của Việt Nam, ông Vũ Đức Đam lên tiếng từ Hà Nội rằng Việt Nam đã tính toán cả tới các biện pháp 'không hòa bình' nếu các thương lượng qua kênh ngoại giao, hòa bình với Trung Quốc trong cuôc xung đột không đem lại hiệu quả.

Bình luận về phát biểu này của ông Vũ Đức Đam, một cựu thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói với BBC:

“Tuyên bố của ông Đam là không thể trả giá cho hòa bình bằng chủ quyền của đất nước, tôi nghĩ là đấy là một lời tuyên bố đúng đắn.

"Việt Nam cũng phải sẵn sàng với những biện pháp khác 'không hòa bình' như là Trung Quốc đang làm để bảo vệ chủ quyền của mình,” bà Phạm Chi Lan nói với BBC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét