Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Trận Chiến Hối Đoái


Francesco Guerrera, Theo The Wallstreet Journal
Hệ thống giá hối đoái cố định được lâp ra năm 1944 tại Bretton Woods, tiểu bang New Hampshire, Hoa Kỳ. Một quan chức cao cấp tại Quỹ Dự Trữ Tiền Tệ Liên Bang đã có lần nói với tôi rằng: “hạ giá hối đoái cũng giống như đái dầm trên giường vậy, Thoạt đầu thì sảng khoái lắm, nhưng rồi thì mọi sự bát nháo cả lên.”
Trong thời gian gần đây, tình trạng xón đái hối đoái có vẻ như đã trở thành chính sách có chủ ý tại các thủ đô trên thế giới, từ Bắc Kinh, đến Hoa Thịnh Đốn, qua ngả Tokyo. Tình trạng này tạo ra một sự bát nháo, dẫn đến những báo động rằng một “trân chiến hối đoái” toàn cầu sẽ toả rộng ra thành những chủ nghĩa bảo hộ (protectionism) trên thế giới.
Danh sách những nhà tiên tri hối đoái đọc lên toàn là những tên tuổi nổi cộm trong ngành chính trị và tài chính thế giới: nào là lĩnh tụ Đức Angela Merkel, thống đốc ngân hàng dự trữ St. Louis James Bullard, thống đốc ngân hàng Bundesbank Jens Weidman, và cả Mervyn King, thống đốc sắp hết nhiệm kỳ của ngân hàng quốc gia Anh. Mà danh sách này còn nhiều nữa.
Những ông bà tai to mặt lớn này đã sai lầm ở một vài điểm. Thế giới hiện nay không phải “đang mấp mé” bên bờ một trận chiến tranh hối đoái như các ông bà nghĩ, mà nó đã đang ở ngay giữa lòng trận chiến rồi còn đâu. Tuy nhiên, điều đáng mừng là sự đối đầu này có thể sẽ không kết thúc quá tồi tệ như trận giảm giá hối đoái mang tính hủy diệt trong cuộc Đại Khủng Hoảng Mỹ, hay như cuộc khủng hoảng tài chính Á châu trong hai năm 1997 và 1998.

Từ khi hệ thống hối đoái cố định Bretton Woods sụp đổ khoảng đầu thập niên 1970 thì những trận chiến hối đoái vẫn luôn là chất liệu chính của nền tài chính hiện đại. Ông Marc Chandler, người lãnh đạo chiến lược hối đoái thế giới tại công ty Brown Brothers Harriman, đã nói: “Phần đông các chính phủ đều cho rằng bản tệ của mình rất quan trọng nên không thể nào để mặc cho thị trường định đoạt.” Vì thế các nhà làm chính sách thường cố gắng can thiệp vào thị trường để điều khiển giá trị đồng bản tệ của họ.

Những năm gần đây Trung Quốc nổi bật lên như là một quốc gia đã làm nhiều việc nhất để giữ đồng bản tệ của họ trong thế yếu, ngõ hầu kích thích xuất khẩu. Nhưng Trung Quốc không phải là nước duy nhất đã làm điều đó. Những nỗ lực của Trung Quốc đã khiến Fred Bergsten, học giả cao cấp tại viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson gọi hành động như vậy của nhiều quốc gia là “tranh đua và trả miếng”

Thường thì hậu quả tệ hại nhất của những can thiệp gây va chạm này là chúng dẫn đến những chính sách “bần cùng hóa anh láng giềng”. Đó là những nỗ lực để cải thiện nền kinh tế quốc gia mình mặc kệ mọi kẻ khác, tuy chúng chẳng đi đến đâu.

Tuy nhiên, tình huống hiện nay về bản chất lại khác biệt nhiều. Hầu hết những căng thẳng trên thị trường hối đoái không phải là phó sản của sự can thiệp trực tiếp hay của những trận chiến thương mại nữa, mà chúng lại là sản phẩm của những phương sách hối đoái cực đoan hầu khỏa lấp cho sự thiếu vắng những chính sách tài khóa (đáng lẽ ra phải có).

Khi Nhật, Trung Quốc, và Hoa Kỳ cùng theo đuổi chính sách hối đoái yếu thì những nền kinh tế lớn khác sẽ trả miếng lại. Deborah Kan của tờ Wall Street Journal đã phát biểu với James Rickards của tổ hợp Tangent Capital Partner về vấn đề hạ giá hối đoái thì có gây ra một khủng hoảng trao đổi thương mại hay không.

Khi những quốc gia phát triển như Nhật hay Hoa Kỳ ráng kích thích nền kinh tế trì trệ của mình bằng lãi suất cực thấp và những trận say sưa in tiền thả giàn, họ tức thời tạo ra áp lực hạ thấp giá bản tệ của họ. Những chính sách tiền tệ lỏng lẻo này chủ yếu là để kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên hệ quả của nó rồi sẽ lan tràn ra cả thế giới.

Từ cuối tháng 11, khi mọi người thấy rõ rằng Shinzo Abe sẽ thắng cử cùng với chương trình tăng trưởng bằng mọi giá của ông, đồng yen đã mất đi 10% trị giá của nó đối với đồng đô la, và mất đi 15% trị giá của nó đối với đồng euro. Tuần vừa qua đồng đô la xanh đã hạ giá thấp hơn đồng euro hơn bất cứ lúc nào khác trong 15 tháng vừa qua.

Những chuyển động này đã làm cho những quốc gia chú trọng xuất khẩu như Ba Tây và Hàn Quốc tức giận. Nhưng ngoài ra chúng cũng khuấy động cả Âu châu nữa. Khu vực đồng euro phần động đã đứng ngoài sự kích cầu hối đoái này, và bây giờ thấy mình bị lâm vào tình trạng đáng bất mãn là kinh tế của mình co rút lại và giá bản tệ tăng. Vì thế buổi họp của Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu vào thứ năm này là một sự kiện đáng được theo dõi.

Kho lưu trữ Hulton – Hình ảnh của viện bảo tàng Getty
Trao đổi quan điểm: nhà kinh tế Anh John Maynard Keynes (ngồi giữa)
tại cuộc hội đàm ở Bretton Woods.

Một bí mật bẩn thỉu hay được áp dụng là: để tránh khỏi phải thực hiện những quyết định làm mất lòng người, hay để tránh khỏi phải đối đầu với những vấn đề tài khóa hay ngân sách khó khăn, các chính phủ hay tìm cách đi tắt bằng cách làm yếu bản tệ của mình đi, dù cố ý hay vô tình.

Ông Mohamed El-Erian, tổng giám đốc điều hành và đồng giám đốc đầu tư của công ty Quản Lý Đầu Tư Thái Bình Dương, đã phát biểu: “Tôi chưa bao giờ thấy các ngân hàng trung ương lại thích thí nghiệm thử như bây giờ. Nó cũng giống như một công ty dược phẩm bị bắt buộc phải mang một thứ thuốc mới tung ra thị trường, ngay cả khi họ chưa có thì giờ thử nghiệm thấu đáo”.

Tình trạng này sẽ ngả ngũ ra sao đây? Chỉ có hai kết quả đối ngược nhau mà thôi: hoặc thảm bại, hoặc thành công.

James Rickards, một nhà tài chính lão luyện và tác giả của quyển “Trận Chiến Hối Đoái: Sự Tạo Ra Cơn Khủng Hoảng Thế Giới Sắp Đến” đã tiên đoán là khả năng thứ nhất sẽ xảy ra.

Ông kể cho tôi nghe: “Mọi người hỏi tôi ai thắng. Tôi bảo không ai cả. Tôi tin rằng hệ thống tiền tệ quốc tế sẽ mất ổn định và sẽ sụp đổ. Sẽ có quá nhiều tiền được in ra bởi các ngân hàng trung ương khiến lòng tin của dân chúng vào tiền giấy suy giảm đi, và lạm phát sẽ tăng dữ dội”.

Sự sụp đổ của hệ thống hối đoái thế giới đã xảy ra thường kỳ một cách đáng ngại rồi, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc chiến hối đoái này sẽ chấm dứt trong nước mắt đầm đìa.

Thoạt tiên là, có thể là sự khôn ngoan thường tình sẽ chế ngự và chấm dứt trò chơi nguy hiểm “bần cùng hóa hay đổ lỗi cho anh hàng xóm” này. Dù sao đi nữa thì Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cũng được lập ra để đề phòng những cuộc đua nhau phóng xuống đáy như thế này, và họ phải lo dàn xếp một trận đình chiến cho các chiến sĩ hối đoái chứ.

Nếu điều đó nghe có vẻ ngây ngô, thì hãy nghĩ đến khả năng là gói kích cầu khủng này sẽ có thể tạo ra một cuộc phục hồi vững chải do nhu cầu tiêu dùng quốc nội thúc đẩy. Hoặc là chính sách tài chính cuối cùng rồi cũng được mang ra thi hành.

Một trong hai kết quả trên đây sẽ dẹp đi động cơ tranh nhau giảm giá hối đoái và thúc đầy các chính quyền nâng cao đồng bản tệ của mình để tránh làm nhen nhúm lạm phát.

Tăng trưởng (kinh tế) sẽ chữa lành nhiều bệnh. Kẻ cả bệnh xón đái hối đoái.

Francesco Guerrera là biên tập viên về tiền tệ và đầu tư của tờ Wall Street Journal. Độc giả có thể liên lạc với ông tại crrentaccount@wsj.com và theo dõi ông trên Twitter tại: @guerreraf72.

https://danluan.org/tin-tuc/20130207/francisco-guerrera-tran-chien-hoi-doai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét