Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

"Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng"


"Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng"


Trong cuộc tranh luận về vai trò phản biện xã hội của giới trí thức hồi đầu năm, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã có phát ngôn nổi tiếng: “Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng”. Bàn tròn Lao động Xuân năm nay đặt ra vấn đề trách nhiệm phản biện xã hội của người trí thức hiện nay.
*Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (LHH), TS Phạm Bích San: Phản biện khác với phê bình chung chung
TS Phạm Bích San.
Hiện nay, sự tham gia tư vấn phản biện xã hội (PBXH) của trí thức vẫn chưa mạnh mẽ, phải chăng sự “nhạy cảm” là lý do phải không, thưa ông?
- Diễn đàn để các trí thức tham gia tư vấn PBXH chưa có được quy chế. Cái khó có lẽ vì tại diễn đàn đó các phát biểu cần phải được chắc chắn không bị quy chụp. Cái khó thứ hai là vấn đề tiếp cận thông tin. Tôi phải khẳng định là thông tin mà chúng ta có, ngay cả thông tin những người làm công tác phản biện có, còn kém xa so với thông tin mà cơ quan quản lý có trong tay. Cái khó thứ ba đó là việc công bố thông tin. 
Xin nói rõ hơn, các thông tin trong các phản biện thường tạo dư luận, nếu không bình duyệt cẩn thận thì việc công bố sẽ có thể gây tác động rất lớn về mặt dư luận xã hội. Việc thông tin được công bố đến đâu? Ai chịu trách nhiệm trước? Công bố thế nào? Hiện vẫn còn chưa thống nhất. Nhưng điều quan trọng nhất, theo tôi, là diễn đàn không thể có nếu các quyền dân chủ trong học thuật và tự do trình bày ý kiến không được đảm bảo.

LHH từng tiến hành phản biện những dự án lớn như "Đường sắt cao tốc", "Bauxite Tây Nguyên", "Điện hạt nhân", "Quy hoạch Thủ đô" hay gần đây là "Động đất Sông Tranh". Việc cung cấp thông tin có đầy đủ để phản biện không?

- Thực chất, hoạt động phản biện là quá trình thu thập và đánh giá thông tin, nhưng trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam quả thực cũng có nhiều cái khó để tiến hành một cuộc phản biện theo đúng quy trình. Tùy từng vấn đề phản biện và người đặt hàng phản biện, các thông tin có thể được cung cấp rất đầy đủ hoặc một phần hoặc không có.

Ví dụ như "Quy hoạch Thủ đô" được các cơ quan có trách nhiệm cung cấp rất đầy đủ, nhưng dự án "Điện hạt nhân" thì chúng tôi lại phải tự tìm kiếm là chính. Phía cơ quan quản lý, có thông tin gì họ cung cấp cái đó. Có khi đó chỉ là một phần của thông tin. Chẳng có gì để đảm bảo họ sẽ cung cấp đầy đủ khi thông tin là lợi ích!

Chúng tôi cũng lấy làm tiếc khi Luật Tiếp cận thông tin không còn được đặt lên bàn Quốc hội như một luật cần làm gấp nữa. Đó là một thiệt thòi cho xã hội nói chung và phản biện xã hội nói riêng. Hiến pháp cho quyền tự do báo chí nhưng khi không có khả năng tiếp cận thông tin thì cũng bị giới hạn nhiều...

Thưa ông, trong phản biện của LHH sự thật được nói đến một cách đích đáng không?

- Đích đáng, tôi nghĩ thế. Đường hướng của LHH là phản biện dựa trên bằng chứng, cố gắng xác thực. Chúng tôi cũng cố gắng giữ thái độ điềm đạm với các kết luận cẩn thận, có chừng mực để đóng góp được nhiều nhất có thể. Nhưng trong các phản biện, chúng tôi nói thật. Vấn đề ở chỗ có công khai hay không mà thôi. Từ 2004 đến nay, chúng tôi đặt mục tiêu cố gắng tìm hạt nhân duy lý trong các chính sách của Nhà nước. Mọi sự tồn tại đều có lý của nó. Dù chính sách đó có phù hợp hay không là chuyện khác.

Bởi trong thực tế, với một đối tượng chưa phát triển có khi phải dùng biện pháp rất cực đoan, thoạt nhìn tưởng phi lý. Cho nên, phản biện là quá trình thu thập và đánh giá thông tin theo các phương pháp khoa học chuẩn mực. Nó đòi hỏi sự nghiêm cẩn và khách quan trong việc phân tích mọi chiều cạnh của một vấn đề hay một chính sách. Hơn nữa, đầu ra của nó dứt khoát phải có giải pháp rõ ràng chứ không thể chỉ phê phán chung chung.

Tuy nhiên, người làm phản biện như chúng tôi cho rằng, ít nhất, các nhà quản lý cũng đã có những thông tin trái chiều để cân nhắc trước khi ban hành chính sách. Quyền chọn lựa thuộc về họ chứ không phụ thuộc chúng tôi.

Xin cảm ơn ông.

*GS Trần Văn Thọ - Tokyo (Nhật Bản): Phản biện độc lập làm chi trí tuệ của toàn xã hội được nâng lên
GS Trần Văn Thọ.

Theo tôi, trí thức là người hiểu biết, có trình độ văn hóa cao, có kiến thức chuyên môn, và không bị ràng buộc vào (hoặc có ý thức tránh xa) những lợi ích phát sinh từ quan hệ với lãnh đạo chính trị hoặc từ sự thay đổi của các chính sách. Một tố chất nữa của trí thức là có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Nếu hiểu như vậy thì rõ ràng sự phản biện của trí thức đối với các vấn đề của đất nước là vô cùng quan trọng. Các chiến lược, chính sách của nhà nước hoặc là có thể bị chi phối bởi các nhóm lợi ích hoặc phải có tính cách dung hòa nhằm đáp ứng yêu cầu của các bộ ngành có các lợi ích và quan tâm khác nhau.

Sự phản biện của trí thức sẽ giúp cho nhà nước thấy được các hạn chế của chiến lược, chính sách ban đầu, hoặc trở thành “đồng minh” giúp nhà nước mạnh dạn chọn được phương án tối ưu. Ở nước nào cũng vậy, tinh thần trách nhiệm và lương tâm của trí thức luôn là động lực góp phần biến cải xã hội.

Tiền đề cho PBXH có hiệu quả là sự công khai thông tin về chính sách của nhà nước và có tự do ngôn luận. Ở Nhật, hàng năm, các bộ của chính phủ công bố bản báo cáo gọi là bạch thư tức là sách trắng, nổi tiếng nhất là bạch thư kinh tế và bạch thư về ngoại thương. Những bạch thư kinh tế thời cuối thập niên 1940 (lúc kinh tế Nhật đang khó khăn sau chiến tranh) hoặc những bạch thư đầu thập niên 1960 (là thời kỳ Nhật bắt đầu giai đoạn phát triển thần kỳ) đã để lại dấu ấn lớn trong lòng người Nhật ngày nay. Trong bạch thư kinh tế, chính phủ phân tích hiện trạng và các vấn đề được xem là cơ bản nhất về kinh tế Nhật và đưa ra phương hướng giải quyết cho những năm tới.

Trước khi công bố vài ngày, chính phủ gửi cho các tờ báo lớn để họ chuẩn bị đăng lên trong ngày công bố và nhân dịp đó, mỗi tờ báo nhờ các học giả, các nhà nghiên cứu uy tín viết bài đánh giá về bạch thư năm ấy. Các bài đánh giá này là các phản biện độc lập với chính phủ được đăng lên cùng với bản tóm tắt của bạch thư giúp cho người đọc so sánh được ý kiến của nhà nước với ý kiến của các chuyên gia độc lập.

Các chuyên gia trong bộ máy nhà nước thông thường không được tự do nêu hết ý kiến của mình trong bạch thư vì họ phải tham khảo ý kiến của các bộ ngành liên quan, đôi khi các ý kiến đó đối chọi nhau. Nhiều khi bạch thư phải viết theo lối dung hòa để tránh xung đột trong chính phủ. Các trí thức, chuyên gia độc lập thì tự do phát biểu trên căn cứ hoàn toàn khách quan, khoa học, và sự phản biện độc lập làm cho trí tuệ của toàn xã hội được nâng lên.

Có một số kế hoạch, chính sách sẽ thực thi nhưng nhà nước chưa thể công khai vì liên quan đến an ninh quốc gia hoặc ngoại giao. Trong trường hợp này nhà nước có thể mời các chuyên gia phản biện kín. Trong tương lai, vào một thời điểm thích hợp, các thông tin ấy được công khai và người lập chính sách cũng như các trí thức tham gia phản biện sẽ chịu trách nhiệm trước lịch sử về các quyết định hoặc ý kiến của mình.

*Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: Trí thức không thể quẩn quanh trong tháp ngà khoa học
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.

Trí thức là thành phần xã hội có tri thức và hiểu biết, có năng lực nhận thức và xét đoán khoa học, có tính cách độc lập và tư cách phát ngôn. Hai chữ “phản biện” dùng cho trí thức là đúng lắm. Phản biện đây là theo tinh thần hoài nghi khoa học trước mọi vấn đề, là chỉ tin khi đã được thuyết phục bằng lý tính, là tranh luận bàn bạc trong không khí tự do dân chủ thực sự để cùng nhau tìm ra sự thật và chân lý. Phản biện là bác bỏ để chấp nhận, không phải là “nói ngược” cho sướng miệng, cho hả tức giận, càng không phải là để tạo cớ nổi tiếng. Phản biện đúng là một vai trò quan trọng, không thể thiếu của trí thức, cả trong lĩnh vực chuyên môn và cả trong các vấn đề xã hội.

Trong cuộc tranh luận hồi đầu năm, có một thuật ngữ đã được đưa ra: “Trí thức trùm chăn”, để chỉ một bộ phận trí thức quay lưng lại thực tại xã hội, nhắm mắt bịt tai trước những vấn đề bức xúc, cấp thiết của nhân quần, chỉ quẩn quanh trong tháp ngà khoa học, cho rằng mình chỉ cần làm tốt công việc chuyên môn là đủ. Loại trí thức này thường bộc lộ vào những thời điểm lịch sử có nhiều biến động lớn, trong các phong trào cách mạng xã hội sôi động, khi cần tiếng nói và hành động của tầng lớp trí thức như những phần tử tinh hoa của xã hội thúc đẩy sự vận động của đời sống theo hướng tích cực.

Nhưng ngay cả vào những thời điểm quyết liệt, khủng hoảng nhất, bộ phận “trí thức trùm chăn” vẫn không phải là tiêu biểu, vẫn có nhiều trí thức dám dấn thân và xả thân cho đất nước. Thành công của cách mạng và kháng chiến ở nước ta hơn nửa thế kỷ qua là có phần đóng góp quan trọng của các trí thức dấn thân đó.

Sự xuất hiện của hai từ “phản biện” không chỉ trong lời lẽ thông thường mà cả trong các văn kiện chính trị cho thấy giới trí thức, ở những đại diện dũng cảm của mình, đã không cam chịu đánh mất vai trò như đã nói trên của mình. Họ lên tiếng tại nhiều diễn đàn công khai và chính thức, họ viết các kiến nghị, các tâm thư, các yêu cầu gửi các cấp chính quyền, họ viết báo viết mạng bày tỏ ý kiến chính kiến của mình. Tuy nhiên, để nói tới một phong trào phản biện sôi nổi, nghiêm túc, có người nói và người nghe, có phản và có biện, nói thẳng và nói thật, tiếp thu và trao đổi, bình đẳng và khách quan, thì quả thực những người trí thức dũng cảm vẫn đang đơn độc.

Trí thức vốn tự bản chất không hèn, nhưng có một cái sợ khiến họ phải hèn, hoặc tự làm hèn. Kể ra trí thức bị hèn vì sợ thì không còn là trí thức đúng nghĩa nữa. Dịp này cả nước đang thảo luận góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp, một điều tôi muốn đề xuất là: Những gì đã được hiến định thì phải cụ thể hóa thành luật để nhà nước và nhân dân thi hành, và không ai được có quyền vi hiến. Khi đó tôi tin phản biện xã hội của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là của giới trí thức, sẽ là một công cụ đắc lực phát triển xã hội.

*TS Phạm Ngọc Cương - Toronto (Canada): Tư duy tốt phải được kiểm chứng qua hành động xuất sắc
TS Phạm Ngọc Cương.

Nếu trí thức chỉ là tầng lớp tinh hoa, lớp váng mỡ, chiếm một vài phần trăm của xã hội thì tôi không thấy và không một lần ước mình rơi vào trong nhóm đó. Khoảng 70% học sinh tốt nghiệp phổ thông ở Canada học tiếp cao đẳng và đại học; tôi xếp mình vào đội ngũ lao động đông đảo đó. Kinh tế trí thức sẽ chỉ là bánh vẽ nếu không có dòng người lao động chính là trí thức thực thụ.

Hầu như người lái taxi nào ở Montreal cũng sành ít nhất hai thứ tiếng Anh và Pháp thì ta gọi họ là lao động phổ thông hay trí thức? Trong cùng lúc đó, ở phần khác của quả địa cầu, rất nhiều người là GS-TS, hay cử nhân tốt nghiệp khoa ngôn ngữ ra mà không xuyên qua nổi ít nhất một bức tường ngôn ngữ.

Nhưng dẫu trí tuệ là công cụ vạn năng của nền kinh tế trí thức, thì người trí thức vẫn phải luôn mang theo người nhiều hơn một công cụ lao động trong hành trang cuộc đời.

Cái giá và vai trò của người tri thức trong xã hội hiện đại là gì? Nobel kinh tế thì cũng loanh quanh một triệu đô trong khi cầu thủ, vận động viên có giá chuyển nhượng cả vài chục triệu. Mark Carney - Thống đốc ngân hàng Canada, được đánh giá là Thống đốc xuất sắc nhất thế giới mà lương bổng không quá triệu đô/năm. Nhưng giá của trí thức không chỉ ở cái xã hội trả trực tiếp cho họ mà ở cái xã hội nhận được nếu họ ở cương vị điều hành và quản lý.

Mark Carney cả mấy năm qua không cho phép một giọt khủng hoảng kinh tế thế giới nào tràn vào Canada. Còn hai năm nữa mới hết nhiệm kỳ ở Canada mà nước Anh, dẹp tuột tự ái dân tộc, chèo kéo ông sang làm Thống đốc ngân hàng Trung ương Anh Quốc từ mùa xuân năm sau.

Khi tỉ lệ trí thức chiếm phần không nhỏ trong nhân lực lao động xã hội mà chỉ kỳ vọng nơi họ vai trò phản biện thì là phí phạm sức lao động và làm họ hỏng. Tư duy tốt phải được kiểm chứng qua những hành động xuất sắc. Trí thức luôn cần phải biết hành động và vì có trang bị công cụ lao động sắc bén là trí tuệ thì phải biết tìm ra phương án hành động mang đến kết quả tối ưu.

Hành động thì thật muôn hình vạn trạng. Gặp nhiều giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư... gốc Việt, tôi hỏi giờ này có còn dành đến 20% tinh thần và nghị lực sống của họ để... yêu nước Việt? Thật quý hóa, nhiều người bảo tôi: "Bậy nào! Phải cỡ trên 70%!". Vậy mà con họ nhiều cháu không nói sõi được vài câu tiếng Việt. Ở xã hội tư bản ít tiền là bất lực với không ít chuyện mà nhiều vị mang danh học nhiều vẫn thấy chẳng mấy xông xênh so với mặt bằng thu nhập của xã hội.

Các triều đại của Việt Nam thường không sáng nghiệp từ cái nôi văn minh - nơi có sẵn đông đảo kẻ sĩ. Người được mệnh danh là sĩ đã không mấy khi dám phất cờ mà còn luôn mong “được” thu dụng, chỉ nguyện ước “được” xếp vào làm tay chân. Đến chặng xây dựng đất nước kẻ sĩ lại thường trông đợi tiếp vào may rủi của số phận.

Đáng trân trọng biết bao, trong việc hướng về Tổ quốc, nếu ai đó đang thực sự bắt tay vào làm một cái gì đó thiết thực để có thể thúc thêm nhiều cơn gió ngọt hơn cho cánh diều vàng Việt Nam được bay bổng. Nếu chỉ xếp họ vào cái rọ phản biện cuội thì một lần nữa trong chuyện lễ bái họ không vượt qua cả cái bóng gù của cha ông thời phong kiến - chuyên nghề gập mình ngong ngóng có vua để thờ!

*TS Lê Bá Trình - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Phải tạo môi trường cho trí thức phản biện xã hội
TS Lê Bá Trình.

Thời gian qua, Mặt trận tổ chức các hội nghị để nhân sĩ, trí thức đóng góp ý kiến, hiến kế cho Đảng và Nhà nước nhưng hiệu quả thì ra sao, thưa ông?

- Mặt trận đã tổ chức các hội nghị, diễn đàn theo từng nội dung cụ thể của việc xây dựng, thực hiện các chính sách, chủ trương… để các nhân sĩ, trí thức bày tỏ ý kiến, kiến nghị của mình. Những ý kiến này đã phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đóng góp trí tuệ chung của xã hội trong việc chuẩn bị và thực hiện các chính sách, chủ trương về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Nhiều ý kiến, kiến nghị đã được các cấp có trách nhiệm tiếp thu nhưng cũng không ít ý kiến chưa được xử lý thỏa đáng. Một trong những lý do là chúng ta chưa có cơ chế để thể chế hóa vai trò giám sát và PBXH của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.

Tại sao những hội nghị mang tính chất phản biện không được tổ chức nhiều? Việc quy chế giám sát và PBXH chưa được thông qua có phải là một cản trở?

- Việc Mặt trận tổ chức các hội nghị để trí thức bày tỏ ý kiến mang tính chất PBXH ít hay nhiều còn tùy thuộc vào mức độ về sự cần thiết và nội dung của từng vấn đề, công việc mà cuộc sống đòi hỏi người dân phải tham gia, Mặt trận phải thực hiện vai trò giám sát và PBXH. Việc tập hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, trong đó có ý kiến phản biện của trí thức không chỉ thông qua một kênh tổ chức các hội nghị mà còn qua nhiều kênh khác như phản ánh ý kiến trực tiếp của trí thức với Mặt trận, tập hợp ý kiến cử tri trước các kỳ họp của Quốc hội, HĐND các cấp…

Tôi cho rằng việc chậm thể chế chủ trương về vai trò giám sát và PBXH của Mặt trận đã được Đại hội X và Đại hội XI của Đảng đề ra là một trong những điểm yếu của quá trình thực hiện các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là các chủ trương liên quan đến việc tăng cường thực hiện dân chủ trong đời sống xã hội hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta cũng rất mừng là thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, quy chế về giám sát và PBXH của MTTQVN và các đoàn thể nhân dân đã được tích cực xây dựng.

Theo tôi biết thì hiện nay công việc chuẩn bị đã xong và đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Mặc dù đây cũng mới là bước đầu của quá trình thể chế hóa chủ trương trên (đến khi nào có được một pháp lệnh hoặc luật về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận thì cơ chế thực hiện mới thực sự cụ thể) nhưng khi quy chế được ban hành thì Mặt trận sẽ có cơ sở pháp lý và thuận lợi hơn trong việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tham gia giám sát và PBXH.

Ông có cho rằng PBXH là một trong những vai trò không thể thiếu của giới trí thức?

- Đúng vậy, với bản chất tốt đẹp vốn có của trí thức chân chính: Trước hết họ là người có tri thức; là người ý thức cao trách nhiệm công dân, nên luôn mong muốn đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vào nhiệm vụ chung của đất nước; không chịu ngồi yên để các giá trị tốt đẹp của cuộc sống bị vi phạm hay đòi hỏi thực hiện sự công bằng xã hội từ công tác quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng…

Từ những phẩm chất ấy định ra cho trí thức vai trò PBXH là điều tất nhiên. Người quản lý, điều hành xã hội phải hiểu điều này để tạo môi trường cho trí thức thực hiện phản biện. Tôi cho đó cũng là một trong những giải pháp để phát huy vai trò của trí thức trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Có rất nhiều ý kiến cho rằng chúng ta chưa có môi trường cho PBXH phát triển, ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?

- Trên thực tế, mặc dù chúng ta chưa có cơ chế để thể chế hóa chủ trương PBXH nhưng đã có nhiều chủ trương, chính sách, công việc cụ thể đã có sự đóng góp ý kiến, kiến nghị của nhân dân, trong đó có lực lượng trí thức. Lý do của ý kiến cho rằng chưa có môi trường cho PBXH phát triển trước hết là do chúng ta chưa có những định chế cụ thể về hoạt động này. Vì chưa có những định chế đó nên sự chấp nhận hay không chấp nhận ý kiến phản biện bị phụ thuộc vào “tính chủ quan” của cơ quan chức năng hoặc người có quyền quyết định.

Mặt khác người muốn phản biện cũng không nắm được phạm vi, quyền hạn và trách nhiệm của mình đến đâu nên có khi sự mong muốn chủ quan của mình vượt ra khỏi giới hạn cần thiết của vấn đề phản biện. Chính sự chưa gặp nhau này đang là lực cản cho sự đồng thuận xã hội ở một số vấn đề, vụ việc trong đời sống xã hội hiện nay.

Xin cảm ơn ông.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét