Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Châu Âu: Ngân sách khắc khổ mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng


Chủ tịch Hội đồng châu Âu H. Van Rompuy. Ảnh ngày 08/02/2013
Chủ tịch Hội đồng châu Âu H. Van Rompuy. 
Ảnh ngày 08/02/2013, Reuters
Thanh HàChuyên gia kinh tế, nghị sĩ châu Âu thuộc đảng Xã Hội Hoàng Ngọc Liêm phân tích về ngân sách khắc khổ chung châu Âu 960 tỷ euro cho giai đoạn 2014-2020 vừa đạt được đồng thuận của 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu.
Khuynh hướng bài châu Âu ngày càng mạnh và khi gặp khó khăn thì các thành viên Liên Hiệp Châu Âu vẫn đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết. Đó là nhận xét của các chuyên gia sau Thượng đỉnh châu Âu trong hai ngày 07 và 08/02. Phe chủ trương áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng cho toàn khối châu Âu đang thắng thế.
Dù xem mục tiêu tăng trưởng của Liên Hiệp Châu Âu là một ưu tiên hàng đầu, nhưng Pháp không thuyết phục được các đối tác còn lại như Đức hay Thụy Điển, Đan Mạch … Đó là nhóm các quốc gia muốn giảm khoản đóng góp cho gia đình châu Âu. Thắng lợi duy nhất tổng thống Hollande mang về từ Bruxelles là ông đã cứu vãn được chính sách trợ cấp nông nghiệp của châu Âu mà Pháp là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất (43 % Chính sách Nông nghiệp Chung Châu Âu PAC được dành cho nông gia Pháp).

Dù chỉ tương đương với đúng 1 % GDP toàn khối và đã bị giảm đi đến 3,5 % so với ngân sách của giai đoạn 7 năm trước (2007-2013) nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ của Liên Hiệp Châu Âu đã mất hơn 24 giờ đàm phán. Đồng thuận đã đạt được trong đường tơ kẽ tóc tránh để bị mất mặt sau khi đã thất bại trong đợt đàm phán lần trước vào tháng 11/2012. Thế nhưng, thỏa thuận về ngân sách chung vừa đạt được đã bị chỉ trích kịch liệt. Bốn đảng lớn tại Nghị viện châu Âu báo trước sẽ bác bỏ ngân sách khắc khổ, nhân khóa họp vào mùa tháng 7 tới đây.
Trả lời phỏng vấn đài RFI nghị sĩ châu Âu, giáo sư kinh tế Hoàng Ngọc Liêm cho rằng vào lúc kinh tế châu Âu đang gặp khó khăn, Bruxelles đã đi lạc hướng khi thông qua một ngân sách khắc khổ.
Ngày 08/02/2013 lãnh đạo 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu đạt đồng thuận về ngân sách chung cho giai đoạn 2014-2020. Sau một cuộc đàm phán kéo dài hơn 24 giờ đồng hồ, các bên mới đồng ý về nguyên tắc của một ngân sách chỉ tương đương với 1 % GDP của toàn khối.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy không khỏi tự hào là đã thuyết phục được các bên tìm ra đồng thuận về ngân sách chung 960 tỷ euro. Theo ông đấy là một ngân sách « thực tế » và cho phép Liên Hiệp Châu Âu « hướng về tương lai ».
Tại Thượng đỉnh lần trước, một số nước, đứng đầu là Anh Quốc, đã không khoan nhượng đòi Liên Hiệp Châu Âu mạnh tay cắt giảm chi tiêu, tức là giảm ngân sách chung dưới ngưỡng 900 tỷ euro. Như vậy giảm được các khoản đóng góp của những nền kinh tế phát triển nhất trong khối và của những quốc gia đóng góp cho Liên Hiệp nhiều hơn là các khoản trợ cấp nhận được từ châu Âu.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu từng đề nghị một ngân sách khắc khổ 973 tỷ, nhưng đề nghị đó đã bị bác bỏ do bị coi đấy chưa phải là một ngân sách khắc khổ. Lần này, tránh để bị tai tiếng, Liên Hiệp đề nghị một ngân sách chung khiêm tốn hơn. Bruxelles chấp nhận một số hy sinh : Ngân sách dành để phát triển hạ tầng cơ sở bị cắt mất 10 tỷ euro trong 7 năm tới. Các chương trình viện trợ lương thực của châu Âu bị giảm 40 % so với hiện tại.
Chính sách Nông nghiệp Chung châu Âu cũng bị cắt giảm tương tự như ngân sách về an ninh và hợp tác trong ngành tư pháp và các khoản chi phí hành chính. Bù lại, châu Âu chú trọng vào chính sách hỗ trợ cho thanh niên hội nhập vao thị trường lao động : Bruxelles dự trù 6 tỷ euro đễ giúp các vùng có tỷ lệ thấp nghiệp cao nhất.
Nhưng trong mắt giáo sư kinh tế Hoàng Ngọc Liêm thì ngân sách khắc khổ 2014-2020 hoàn toàn trái ngược với tham vọng đẩy mạnh tiến trình hội nhập của châu Âu cũng như với mục tiêu đem lại thịnh vượng cho toàn khối.
Trước hết, giáo sư Liêm kiêm nghị sĩ châu Âu đánh giá về thỏa thuận mà 27 lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu vừa đạt được tại thượng đỉnh Bruxelles hôm 08/02/2013 :
Đây là một thỏa thuận không tốt đẹp chút nào bởi vì ngân sách chung của Liên Hiệp Châu Âu 2014-2020 thấp hơn so với đề xướng của Nghị viện châu Âu đến 3,5 %. Ủy ban kinh tế tại Nghị viện châu Âu đã đề nghị một ngân sách 1047 tỷ euro. Nhưng cuối cùng, các bên đã đồng ý về khoản ngân sách 960 tỷ. Ngân sách cho 7 năm sắp tới của Liên Hiệp thấp hơn cả ngân sách chung trong thời gian 2007-2013. Đây là lần đầu tiên, 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu giảm ngân sách chung. Sự thụt lùi này khó hiểu vào lúc kinh tế châu Âu đang phải đương đầu với nhiều khó khăn và Bruxelles đang thực sự tìm kiếm một đà tăng trưởng cho toàn khối.
Phải chăng là Liên Hiệp Châu Âu đang hy sinh mục tiêu tăng trưởng ?
Mục tiêu của Bruxelles nhằm tạo việc làm và đem lại tăng trưởng kinh tế cho Liên Hiệp, đã từng tham vọng hơn nhiều. Ủy ban của Nghị viện châu Âu đã đề nghị tăng 5 % ngân sách 2014-2020 so với ngân sách của giai đoạn 2007-2013. Trong đó, Ủy ban này đặt nhiều ưu tiên cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu.
Với ngân sách chung vừa được 27 thành viên đồng ý tại Thượng đỉnh Bruxelles, chúng ta thấy mục tiêu đẩy mạnh khả năng cạnh tranh vẫn là một quan tâm hàng đầu và các bên không động chạm đến các khoản chi tiêu đó. Ngược lại, ngân sách dành để giúp đỡ các nước nghèo phát triển thì đã bị cắt giảm mạnh tay. Trong một chừng mực nào đó thì Chính sách Nông nghiệp Chung châu Âu cũng bị thu hẹp lại. Riêng Pháp quốc gia được hưởng nhiều quyền lợi nhất trong chính sách nông nghiệp, Paris đã cứu vãn được tình thế.
Khi đang phải đối mặt với những khó khăn thì lọi ích quốc gia lấn át mục tiêu hội nhập vào Châu Âu ?
Trong các cuộc thảo luận hành lang, người ta thường gọi nhóm các quốc gia chủ trương chính sách thắt lưng buộc bụng là "câu lạc bộ của những nước bần tiện". Đó là những nước đóng góp cho Liên Hiệp Châu Âu nhiều hơn so với các khoản trợ cấp mà họ nhận được từ phía Bruxelles. Trong thời buổi khó khăn, nhóm này không muốn phải chia sẻ gánh nặng với phần còn lại của Liên Hiệp.
Trong số những nước đóng góp nhiều hơn là các khoản trợ cấp nhận được từ Liên Hiệp Châu Âu,phải kể đến ba nền kinh tế nặng ký của Liên Hiệp Châu Âu là Đức, Pháp và Anh. Anh và Đức muốn giảm các khoản đóng góp của họ cho đại gia đình châu Âu. Nói một cách khác, khi gặp khó khăn thì những quốc gia này quên hẳn thế nào là tinh thần liên đới giữa các thành viên cùng một nhà.
Tại Thượng đỉnh Bruxelles vừa qua, phe "bần tiện" – từ trong ngoặc kép- đã thắng thế. Ở đây đặt ra một vấn đề cơ bản cho tương lai Liên Hiệp Châu Âu : Châu Âu đang muốn thúc đẩy tiến trình hội nhập. Để đạt được mục tiêu đó, Bruxelles cần có một ngân sách chung quy mô hơn. Ủy ban châu Âu, cũng như Ủy ban Kinh tế của châu Âu tại Nghị viện đang nghiên cứu khả năng tìm một nguồn ngân sách ‘độc lập’ cho châu Âu, có nghĩa là sẽ không còn lệ thuộc vào các khoản đóng góp của các thành viên như hiện nay.
Hiện tại, quá 60 % ngân sách của Liên Hiệp Châu Âu là do các thành viên đóng góp. Với những gì vừa diễn ra tại Thượng đỉnh Bruxelles tuần trước, chúng ta thấy trước là sớm muộn gì, Liên Hiệp cũng sẽ bị dồn vào chân tường. Tranh cãi về ngân sách sẽ ngày càng gay gắt. Muốn tránh để kịch bản đó xảy ra, Bruxelles hướng tới giải pháp là thu thuế trực tiếp của các công dân châu Âu. Một ngõ thoát khác –nhưng cần đòi hỏi thời gian để thực hiện- sẽ là sửa đổi Hiệp ước Lisboa để cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể vay tín dụng như là một Nhà nước, để tài trợ các chương trình chi tiêu.
Với tư cách là một nhà kinh tế, ông có lo ngại vì ngân sách 2014-2020 hay không ?
« Tôi rất quan ngại về ngân sách mới đạt được đồng thuận ở cấp lãnh đạo. Bởi vì nếu chúng ta nhìn vào khu vực đồng tiền chung châu Âu - mà hiện có 17 nước trong Liên Hiệp đã tham gia, khi chúng ta không thể điều chỉnh tỷ giá đơn vị tiền tệ với mục tiêu kích thích tăng trưởng, thì chúng ta chỉ còn lại hai con đường : Một là điều chỉnh cơ cấu thị trường để đem lại tăng trưởng. Đó là những biện pháp mang tính cơ cấu, chẳng hạn như một nền kinh tế gặp khó khăn, cần hạ mức lương trung bình để thu hút chú ý của giới sản xuất, hay giảm chi tiêu công cộng qua đó giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước, giảm mức nợ công so với GDP … Điển hình là trường hợp của Hy Lạp. Thực tế cho thấy rằng đây không phải là chìa khóa đưa các nền kinh tế đó đi lên.
Giải pháp thứ nhì còn lại là sử dụng ngân sách của Liên Hiệp, qua trung gian các quỹ chung châu Âu, để đầu tư vào hạ tầng cơ sở. Nhờ đó, tạo công việc làm và tiếp sức cho kinh tế tư nhân. Theo tôi thì đây chính là vế mà Liên Hiệp Châu Âu cần phải đẩy mạnh thêm.
Với tư cách là một nghị sĩ châu Âu ông đánh giá thế nào khả năng Nghị viện bác bỏ ngân sách chung 2014-2012 ?
Hiệp ước Lisboa đã mở rộng quyền hạn của Nghị viện châu Âu, đặc biệt là đối với ngân sách chung. Trong trường hợp cần thiết, định chế này có thể dùng quyền phủ quyết để bác bỏ ngân sách 2014-2020. Có nhiều khả năng Nghị viện châu Âu sẽ bác bỏ ngân sách chung vừa được các lãnh đạo 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu thông qua. Khi đó châu Âu sẽ trở lại với ngân sách hàng năm có nghĩa là mỗi năm các thành viên sẽ họp nhau lại để bàn thảo về ngân sách cho năm tới.
Cụ thể là ngân sách chung cho năm 2014 sẽ không thay đổi gì so với ngân sách của năm nay. Rồi vào năm tới, các bên sẽ họp lại để bàn tiếp về ngân sách cho năm 2015 nhưng dựa trên cơ sở ngân sách 2013. Theo tôi thì ngân sách 2013 có lợi hơn cho Liên Hiệp Châu Âu so với những gì mà các bên vừa đạt được đồng thuận tại Thượng đỉnh Bruxelles cuối tuần trước. Tôi nghĩ là vì quyền lợi của Liên Hiệp, Nghị viện sẽ bỏ phiếu chống lại ngân sách khắc khổ 2014-2020. Đây là một sự lựa chọn và chúng ta nên có tham vọng đưa châu Âu thoát khỏi khủng hoảng thay vì cứ đau đáu muốn cân bằng ngân sách Nhà nước, và giảm nợ công. Hai mục tiêu này đã không cho phép Liên Hiệp Châu Âu đem lại tăng trưởng kinh tế và khối này cũng không giảm được bội chi ngân sách. Trước mắt, bốn nhóm chính tại Nghị viện châu Âu đều thông báo là sẽ bỏ phiếu chống ngân sách khắc khổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét