Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Sở hữu đất đai "quyền thiêng liêng của dân"

Sở hữu đất đai "quyền thiêng liêng của dân"


Luật sư Trần Quốc Thuận
Luật sư Trần Quốc Thuận đề nghị cải cách xã hội triệt để

Một cựu Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội lên tiếng với BBC cho rằng Việt Nam cần cải tổ triệt để thể chế, luật pháp, viết lại Hiến pháp, trong đó trả lại quyền sở hữu đất đai "thiêng liêng, bất khả xâm phạm" cho người dân và tôn trọng các quyền cơ bản khác của nhân dân.
Bình luận với BBC hôm 11/02/2012 về kết luận, xử lý của Bấm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng xung quanh vụ việc tranh chấp đất đầy bạo lực giữa chính quyền Tiên Lãng, Hải Phòng và gia đình ông Đoàn Văn Vươn, luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng chính phủ nên "chủ động giải quyết", mà không nên đợi tới khi phải "chịu các áp lực" từ trong và ngoài nước mới ứng phó, xử lý.
Ông khẳng định, qua biến cố Đoàn Văn Vươn cũng như cách ứng phó của chính quyền Hải Phòng và xử lý của chính phủ, cho thấy hệ thống luật pháp Việt Nam hiện nay là bất cập "làm theo cũng chết, mà không làm theo cũng chết" và do đó Việt Nam chưa thể là một nhà nước pháp quyền.
Theo luật sư, Việt Nam "lẽ ra đã phải chuyển đổi" chế độ sở hữu và sở hữu đất đai từ năm 1986, khi nước này bắt đầu tiến hành đổi mới.
Nay theo ông là lúc Việt Nam phải sửa lại Hiến pháp, cải tổ thể chế một cách triệt để, chứ không nên "cải cách nửa vời," đồng thời tiến hành "sửa sai toàn bộ" đối với tất cả các oan sai, sai lầm về đất đai từ trước tới nay, cũng như cải tổ "thực lòng" công tác xử lý khiếu nại, khiếu kiện của người dân.

Trước câu hỏi cần sửa lại ra sao trong Hiến pháp điều khoản quy định về chế độ sở hữu đất đai, ông Trần Quốc Thuận nêu quan điểm:
"Khi xây dựng Hiến Pháp Việt Nam năm 1992, vấn đề này cũng được đặt ra và dư luận trong nước cũng đòi hỏi phải thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân. Đó là một trong những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
"Dĩ nhiên trong một Nhà nước có nhiều loại đất, và trong đó có những loại đất phải thuộc người dân còn Nhà nước chỉ giữ một phần công hữu nhỏ. Một số trường hợp khác, một số nước cũng đang làm như thế.
"Sở hữu toàn dân này bây giờ lại thuộc về sở hữu của một nhóm người có chức, có quyền ở trong chế độ này, từ địa phương tới trung ương... là nguyên nhân sâu xa của một chế độ tham nhũng tràn lan, kéo dài, không ngăn cản được"
Luật sư Trần Quốc Thuận
Luật sư Thuận đề nghị sửa đổi chế độ sở hữu đất đai này trong Hiến pháp với tinh thần có thể tóm lược trong một câu như sau: "Đất đai thuộc về sở hữu của người dân, các thành phần kinh tế khác, trong đó có nhà nước."
Cựu quan chức ngành lập pháp cho rằng pháp luật Việt Nam "không nhất quán" và "không phù hợp" với nền kinh tế thị trường của Việt Nam đang mở ra.
Những người làm luật, theo ông, đã "lắt léo" khi quy định và đưa ra năm loại quyền liên quan tới sở hữu, trong đó có các quyền sử dụng, chuyển nhượng, đầu tư, hợp tác v.v... nhưng các quyền này đã bị vô hiệu hóa và khóa bởi một điều khoản được cho là "tù mù," đầy mâu thuẫn, là nguyên nhân của tham nhũng bộ máy.
Luật sư nói: "Lại có một quyền phủ lên bên trên làm cho năm quyền đó trở thành không có quyền gì cả. Đó là sở hữu nhà nước thuộc về toàn dân. Mà toàn dân là một thuật ngữ tù mù, không là gì cả.
"Nhưng sở hữu toàn dân này bây giờ lại thuộc về sở hữu của một nhóm người có chức, có quyền ở trong chế độ này, từ địa phương tới trung ương.
"Mà cái đó cũng là nguyên nhân sâu xa của một chế độ tham nhũng tràn lan, kéo dài, không ngăn cản được, do một nền kinh tế chuyển sang thị trường mà không chuyển đồng bộ các cơ chế khác. Đó là một điều rất không bình thường."
'Bài học giành quyền'
Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND Huyện Tiên Lãng Hải Phòng
Luật sư Thuận cho rằng Chính phủ đã thiếu chủ động trong việc xử lý vụ việc ở Tiên Lãng
Luật sư Thuận tin rằng biến cố Tiên Lãng, Hải Phòng xảy ra đầu năm 2012 cho "một bài học" về điều mà ông tin là "cuộc đấu tranh" giành quyền thiêng liêng của người dân Việt Nam.
"Đó là quyền dân chủ, đó là nhân quyền. Cho nên, cuộc đấu tranh ở Tiên Lãng dẫn đến một bài học rất rõ là nếu muốn chống tham nhũng như Nghị quyết 4 đã đề ra thì phải để cho người dân tham gia, để cho công luân tham gia, chứ anh không thể đóng cửa chống tham nhũng."
Trích dẫn lời của cố lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hồ Chí Minh, ông Thuận nhấn mạnh tham nhũng là một thứ "giặc nội xâm" mà không thể sử dụng biện pháp đóng cửa trong nội bộ Đảng. Cựu quan chức Quốc hội đề nghị:
"Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, tham nhũng là giặc nội xâm. Mà đã là giặc thì không thể dùng phương pháp phê và tự phê bên trong được. Chống giặc thì phải có những biện pháp và những đòn mạnh mẽ."
Nhân sự kiện Tiên Lãng đang được xử lý và Nghị quyết 4 về chỉnh đốn đảng mới được Trung ương Đảng cộng sản ban hành, chuyên gia lập pháp kiến nghị phải thay đổi trong cách thức công khai hóa tài sản quan chức nhà nước. Ông nói:
"Nếu quả thật các ông lãnh đạo Đảng này muốn chống tham nhũng, thì phải mở cửa để người dân và báo chí tham gia vào. "
Luật sư Trần Quốc Thuận
"Nếu quả thật các ông lãnh đạo Đảng này muốn chống tham nhũng, thì phải mở cửa để người dân và báo chí tham gia vào. Đặc biệt, nên công khai tài sản của các vị lên công luận và báo chí chứ không chỉ công khai ở cơ quan và nơi cư trú.
"Đó là một việc làm buồn cười mà nhiều năm nay lặp đi lặp lại để che chắn những tài sản bất minh. Cho nên pháp luật Việt Nam có những vấn đề không bình thường."
Luật sư cho rằng việc này dẫn đến một "hậu quả tai hại," không bình thường, đó là việc quyền lực tập trung chỉ ở một nhóm người hay một số người đang làm phương hại cho đất nước, cho Đảng. Ông khẳng định:
"Người ta dùng chữ quyền lực tập trung cho Đảng. Điều đó không phải như thế. Cái chữ "Đảng" này được hiểu là một nhóm người rất nhỏ ở Trung ương, mà trong Nghị quyết 4 đã nói đó là những nhóm lợi ích."
Trên cơ sở nhận thức này, luật sư Thuận đề nghị khi sửa Hiến pháp 1992, Việt Nam cần sửa "cơ bản" để làm rõ các quyền cơ bản của công dân mà theo ông đã được quy định rõ ngay từ bản Hiến pháp 1946. Ông nhấn mạnh:
"Các quyền cơ bản công dân trong Hiến pháp từ năm 1946, tới 1958, 1980 đến 1992 đều đã nêu ra mà không thực hiện được, thì đây là dịp để mở ra các quyền đó để dân tộc này ngẩng mặt lên nhìn Thế giới được."
'Cải cách toàn diện'
Báo chí, truyền thông mạng tham gia đưa tin bài, phóng sự về vụ Tiên Lãng
Báo chí, truyền thông mạng tham gia đưa tin bài, phóng sự về vụ Tiên Lãng
Vị cựu quan chức của Quốc hội cho rằng đã tới lúc Việt Nam tiến hành một cải cách toàn diện, chứ không chỉ dừng ở một cuộc cải cách ruộng đất mới, mặc dù hiện nay theo ông là "thời điểm tốt nhất" để xem xét lại "toàn bộ sai trái" của chính quyền từ quá khứ tới nay về đất đai và các tranh chấp, oan sai khác.
Ông khẳng định: "Tôi cho rằng ở Việt Nam phải làm một cuộc cải cách toàn diện chứ không phải chỉ là cải cách ruộng đất hay là các cuộc cải cách nửa vời."
"Từ năm 1975 tới nay (có) rất nhiều cuộc cải cách nửa vời. Và những cuộc cải cách nửa vời đó đưa đất nước, dân tộc này không biết đi về đâu, mà như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, sẽ là nguy cơ của sự tồn vong của Đảng này, chế độ này."
Ý kiến của luật sư Trần Quốc Thuận đã có sự gặp gỡ với quan điểm, nhận thức của một số quan chức, chuyên gia phản biện xã hội từ trong nước.
Nói với BBC gần đây xung quanh vấn đề tranh chấp đất đai giữa chính quyền và dân và nạn tham nhũng do các nhóm lợi ích ở nông thôn Việt Nam, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, đương kim Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (IPSARD,)Bộ Nông nghiệp, cho rằng:
"Nếu không xử lý tốt vấn đề đất đai, Việt Nam sẽ khó đảm bảo được công bằng xã hội, một mục tiêu được các Đại hội Đảng đưa vào văn kiện.
"Nếu không xử lý nghiêm minh nó sẽ lan tỏa ra cả nước, cho nên sự phản ứng ở Tiên Lãng là một báo hiệu của người dân không thể coi nhẹ."
Đại tướng Lê Đức Anh
"Đây không những là nguồn gốc của tham nhũng, nó làm hỏng đội ngũ quản lý ở các cấp, mà đây còn là nguồn gốc của sự bất bình của dân chúng làm cho ổn định xã hội không đảm bảo."
Còn Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cựu thành viên Ban cố vấn Chính phủ dưới thời các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, khẳng định với BBC:
"Nếu không có những cải cách rất mạnh bạo đối với vấn đề đất đai, không có sự công khai minh bạch, và không có sự mở rộng dân chủ để người dân nói lên tiếng nói thì các sự việc như vụ Tiên Lãng, như các vụ việc khác, sẽ rất khó tránh khỏi."
Mới đây nhất, theo truyền thông trong nước, nguyên Chủ tịch Nước, Đại tướng Bấm Lê Đức Anh tỏ ra quan ngại về hậu quả của vụ Tiên Lãng, ông nói: "Nếu không xử lý nghiêm minh nó sẽ lan tỏa ra cả nước, cho nên sự phản ứng ở Tiên Lãng là một báo hiệu của người dân không thể coi nhẹ".
Cũng chính vị Bấm Cựu Chủ tịch Nước cho báo chí trong nước hay, trong vụ Tiên Lãng "chính quyền huyện, xã đều sai" và ông cũng không tán thành việc chính quyền huy động lực lượng vũ trang tham gia cưỡng chế dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét