Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

Những người đi viện 'hầu' cha mẹ người khác

Dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua osin về nghỉ Tết 10 ngày, gia đình tôi thuê người khác trông giúp tiền công 600.000 đồng/ngày. Nhưng thuê được cũng là may. Họ làm vất vả và môi trường độc hại nên tiền lương cũng cần tương xứng. Thu nhập này chẳng là gì so với nhân viên của các DNNN chuyên thua lỗ.

Những người đi viện 'hầu' cha mẹ người khác

Trong khoa Thần kinh - Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội), người đàn ông luống tuổi nhẹ nhàng đỡ lưng một cụ già bại liệt, vừa xúc cháo cho cụ, vừa dỗ: “Ông nhà ta giỏi quá!”. Người ngoài tưởng ông là con, nhưng thực ra ông chỉ là một 'osin bệnh viện' được thuê 200.000 đồng/ngày.

Ông tên là Lê Thành Công 53 tuổi (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), đã gần chục năm nay gắn bó với nghề chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện. Ông đang chăm sóc cụ Hoàng Tích Diên, 86 tuổi, nguyên cán bộ Bộ Giao Thông, bị phản ứng phụ do uống nhiều loại thuốc, cơ thể khó vận động, cụ vào viện điều trị bệnh viêm phế quản.
Có hàng trăm người lao động tỉnh lẻ như ông Công đang mưu sinh ở thủ đô bằng nghề này. Họ thường được thuê khi người nhà không có điều kiện chăm sóc trực tiếp. 

Một osin bệnh viện đang đo huyết áp cho bệnh nhân tại khoa Cấp cứu – Hồi sức (BV Hữu nghị Việt – Xô). Với thâm niên trong nghề, nhiều người có thể làm thay y tá các công việc đơn giản. Ảnh: Phan Dương.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, Phó phòng tổ chức cán bộ Bệnh viện Hữu nghị cho biết: “Nghề chăm sóc bệnh nhân đã thịnh hành ở Bệnh viện Việt - Xô từ cách đây 5-7 năm, Hiện nay, nhu cầu này vẫn còn rất cao. Mỗi ngày có từ 150 đến 200 người ở lại trong bệnh viện”.
Ngày ngày phải tiếp xúc với osin bệnh viện, điều dưỡngTrần Thị Liên Phương (khoa Thần kinh) nhận xét: "Họ hay gây mất trật tự, lộn xộn. Nhiều khi kéo cả người nhà vào bệnh viện gây lãng phí điện, nước. Tuy nhiên, nhờ có họ mà bác sĩ và gia đình được thông tin kịp thời về người bệnh".

Chính từ nhu cầu này mà nhiều bệnh viện vẫn để những lao động tỉnh lẻ phụ giúp công việc chăm sóc bệnh nhân. Theo ghi nhận của VnExpress.net tại bệnh viện này thường xuyên có tới 50 "osin" chờ đợi trước cửa khoa Cấp cứu - Hồi sức, chờ được nhận việc, có cả nam lẫn nữ.
Tương tự, tại Viện Lão khoa (Hà Nội), nơi có nhiều bệnh nhân cao tuổi, nhu cầu thuê người chăm sóc là rất lớn. Ở mỗi phòng bệnh luôn có vài người giúp việc túc trực. Các bệnh viện lớn khác như Bạch Mai, Bệnh viện 108, Thanh Nhàn cũng có khá đông lực lượng này.
“Hầu hạ người khác” là cụm từ mà các 'osin bệnh viện' chua chát nhận về mình. Ban ngày, họ trông nom, lau rửa, coi sóc bệnh nhân.
Ban đêm, họ thức trắng trên chiếc giường gấp cạnh giường bệnh. Nhờ "học lỏm" được các công việc chuyên môn nên đôi khi họ còn làm thay cả những việc của y tá.
“Chúng tôi cho người bệnh ăn xông, hút đờm, đóng Kbot, thay nước truyền… Trong đó tôi ngại nhất việc hút đờm (đối những bệnh nhân suy hô hấp) và đóng Kbot (lắp ống vào cơ quan bài tiết cho những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não không tự chủ được việc đại, tiểu tiện). Nhiều khi chẳng dám nhận chăm sóc những ca này”, bà Bùi Thị Hòa (56 tuổi, Hà Nam) chia sẻ.
4h chiều, trước bữa ăn tối, osin ở tất cả các phòng trong khoa Thần kinh (Bệnh viện Hữu nghị) tất bật bắt tay vào việc lau rửa cho bệnh nhân. Ông Lê Thành Công ghé sát vào bệnh nhân dõng dạc: “Ông ơi! Bây giờ lau rửa để còn ăn tối nhé!”, rồi sau khi nghe cụ Diên thì thào, ông nhẹ lau khắp người cụ. Tiếp đó, ông nâng cụ dậy, để cụ bám vào thành giường rồi giúp cụ vận động nhẹ nhàng. Một lúc sau đã thấy sắc mặt cụ hồng hào, lời nói cũng rõ hơn.
“Anh ấy giúp tôi vệ sinh cá nhân, ăn uống, vận động, xoa bóp. Cũng nhiệt tình, tự giác nhưng lấy tiền công cao quá. Tại nhà tôi neo người nên đành phải nhờ cậy vào những người như anh ấy chăm sóc”, cụ Hoàng Tích Diên tâm sự.
Cũng theo cụ, ban đêm cụ hay bị khó thở, ho dồn từng cơn nên ông Công phải túc trực cả đêm. Có lẽ vì vậy, sự mệt mỏi hiển hiện rõ trên đôi mắt ông Công cũng như đa phần các osin bệnh viện khác. Theo nghề này vài năm nhìn ai cũng thấy già đi nhanh chóng, đôi mắt thường sạm đen, thâm quầng vì thiếu ngủ lâu ngày, hoặc căng đỏ lên vì phải chống chọi với cái ngủ.
Rất đông người đang chờ nhận việc chăm sóc bệnh nhân trước cửa khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Ảnh: Phan Dương.
Giá một ngày công của osin bệnh viện dao động từ 200.000 đến 400.000 đồng, được xem như nghề “hái ra tiền” đối với các lao động nghèo. Tuy vậy, với họ, việc kiếm được đồng tiền không phải dễ.
Trong 7 năm gắn với người bệnh, ông Kiểm (57 tuổi, ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) từng gặp vài trường hợp bị khách hàng quỵt tiền mà vẫn phải “ngậm đắng, nuốt cay”. Như trường hợp ngày mùng 1 Tết năm 2007, ông nhận lau rửa thi thể cho một bệnh nhân vừa mất tại Bệnh viện 108 mà chỉ nhận được 65.000 đồng cùng một trận chửi té tát.
“Tôi lau rửa xong xuôi rồi nhẹ nhàng nói: Giá lau một xác chết thường là 800 nghìn đến một triệu đồng. Nhưng hôm nay là mùng 1 Tết, tôi chỉ xin 500.000 đồng, còn tùy gia đình lì xì thế nào”. Vừa dứt lời đã bị người ta mắng thậm tệ. Cầm 65.000 đồng mà nước mắt tủi nhục cứ ứa ra”, ông Kiểm kể, giọng xót xa, đôi mắt sập xuống.
Còn chuyện của chị Phạm Thị Hoa (40 tuổi, Bắc Ninh, đang chờ việc trước cửa khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị) khiến người nghe bất bình: “Vào tháng 11/2011, lúc tôi đang làm việc ở khoa này thì đang đêm y tá đến đuổi đi vì lý do không biết hút đờm cho bệnh nhân. Không biết làm bị đuổi đã đành, đằng này họ đuổi tôi để cho một osin mới khác vào. Dù cho trước đây họ đã ăn tiền một ngày công của tôi, tới 200.000 đồng”.
Câu chuyện của chị Hoa cũng là nỗi bức xúc của đa phần "osin bệnh viện" hiện nay. Đó là tình trạng bán ca, tức là y tá đưa osin này vào, đẩy osin khác ra. Người được vào phải đưa y tá một ngày công nhưng nếu không quen thân cũng chỉ làm được vài ngày lại bị y tá cho người khác thế chân.
Vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thắng, nói: “Nếu có chuyện này, bệnh viện sẽ kiên quyết xử lý. Không thể mua bán trên sức khỏe của bệnh nhân được”.
Ông Thắng cho biết thêm: “Hiện tại bệnh viện đang có chủ trương sử dụng một bộ phận mới có kinh nghiệm hơn để thay thế những người giúp việc chăm sóc thời vụ. Họ sẽ là những người đã nghỉ hưu có thân nhân tốt, các sinh viên mới ra trường, cán bộ của bệnh viện sử dụng ngày nghỉ và những người giúp việc có kinh nghiệm”.
Nếu chủ trương này đi vào thực hiện, rất nhiều người lao động nghèo sẽ không còn công việc để làm. Dù vậy, từ nay đến lúc đó, họ vẫn phải bấu víu vào công việc khổ chẳng giống ai này. Có những người đã chờ 5, 7 thậm chí cả chục ngày nay trên ghế đá Bệnh viện Hữu Nghị để chờ việc nhưng vẫn chưa có. Tối đến họ lại phải trốn chui lủi bên ghế đá, phòng hậu phẫu, cầu thang bên Bệnh viện 108 ở cạnh đó. Nhiều khi họ bị đuổi ra ngoài phải vật vờ ở hà chờ xe bus. Có đêm lạnh quá một số người đành thuê chỗ ngủ nhưng rồi cái giá 30.000 đồng mỗi đêm cũng khiến họ tiếc ngẩn ngơ vì ngày mai họ sẽ ăn gì khi mà vẫn chưa tìm được việc.
5h chiều ở Bệnh viện Hữu nghị, vài người đàn ông, phụ nữ đã tay xách, nách mang ba lô, túi xách dắt díu nhau đi ăn rồi tìm chỗ ngủ. Họ nói mà như đang tự nhủ: “Ngồi cả ngày chán quá phải đi ăn cho ấm bụng. Sau đó, tìm một chỗ ngủ để đỡ mất vài chục ngàn qua đêm ở nhà trọ”.
Phan Dương

2 nhận xét:

  1. nếu hút đàm không đúng cách sẽ gây nhiễm trùng ngược từ ngoài vào cơ thể ,hoặc tổn thương niêm mạc khi hút lực quá mạnh .việc rất quan trọng này phải thuộc về chuyên môn của nhân viên y tá cấp cứu chứ y tá lơ ngơ lớ ngớ ngoài khoa cũng làm không quen và không đúng cách .ban giám đốc ,phòng điều dưỡng quản lý như thế bó tay

    Trả lờiXóa
  2. tại sao BV nhà nước để tất cả công việc chuyên môm khoán hết cho người thân của bệnh nhân làm
    thí dụ : hút đàm ,thở oxy,cho ăn qua ống ,thay băng sau giờ sáng trưa chiều ,hoặc thở khí dung ,thay túi nước tiểu v.v...nguy hai khi người nhà không hiểu biết .đôi khi có chị em hộ lý làm dùm hay làm giúp y tá nữa .Vấn đề này quá sai nguyên tắc .Ban giám đốc và phòng điều dưỡng trưởng đơn vị phải xem lại thôi

    Trả lờiXóa