Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Bộ trưởng Thăng: "Giờ không làm thì chỉ có nước... trèo lên đầu nhau"

Đọc lý luận của bác # mà thấy não lòng với bác này. 
1. Bác tưởng dân thực hiện tốt việc đội mũ bảo hiểm à ? Vì chỉ cần vài chục nghìn đồng là có 1 cái mũ nên dân tặc lưỡi mua để tuân thủ quy định của bác. Nhưng mũ đó có tác dụng bảo hiểm không hay chỉ là cục nợ buộc phải mang trên đầu để lừa cảnh sát giao thông ? Tất cả các bác lãnh đạo đều biết phần lớn dân ta hiện nay dùng mũ bảo hiểm kém chất lượng nhưng toàn xã hội đều giả vờ như không biết. Như thế bên ra lệnh cũng sướng vì bắt được toàn xã hội tuân thủ; bên bị bắt đội cũng sướng vì chỉ mất vài chục nghìn là lừa được đám lãnh đạo. Chỉ có điều tình trạng người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn không giảm dù CP chi rất nhiều tiền cho nhiệm vụ này, trong khi đám làm mũ rởm vẫn tiếp tục thu lợi nhuận.
2. Bác # còn phán nếu người dân có ý thức, đừng ra đường vào giờ cao điểm nữa, cứ lùi 1 tiếng hẵng ra, thì sẽ hết tắc đường ("mọi người dân nếu có ý thức tự điều chỉnh cho phù hợp thì sẽ không bị tắc đường. Một đằng thì anh cứ nhao ra đường vào giờ ấy, nhưng anh chậm một tiếng. Một đằng anh tự điều chỉnh giờ sao cho phù hợp thì sẽ hiệu quả hơn. Quan trọng là ý thức của mỗi người"). Vậy là tắc đường là do người dân chứ chẳng phải do đường ít hay muôn vàn lý do khác. Như thế thì cần gì phát triển mạng lưới giao thông nữa. Cứ giáo dục người dân làm theo bác là hết tắc đường: ra khỏi nhà lúc 6h30 sáng và rời cơ quan về nhà lúc 7h30 tối, không cần biết đưa đón con đi học thế nào, khi nào cơ quan mới bắt đầu làm việc...
3. Tôi đọc bài này và lưu lại đây không phải vì những phát ngôn trên của bác # mà do thấy lạ: Báo Giáo dục (http://giaoduc.net.vn) mà lại đăng phát ngôn quá lỗ mãng, giống dân chợ búa: "Giờ không làm thì chỉ có nước... trèo lên đầu nhau". Nói thế tức là chửi dân tộc này ngu quá, tao bảo làm mà chúng mày cứ cãi thì chúng mày chỉ còn nước đạp lên đầu nhau mà sống.

Bộ trưởng Thăng: "Giờ không làm thì chỉ có nước... trèo lên đầu nhau".

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam
Thứ tư 01/02/2012 17:37
"Mỗi một quyết định đưa ra thì đều có người đồng ý hay không đồng ý, đấy là chuyện rất bình thường"
Kể từ hôm nay (1/2), 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì của Hà Nội sẽ chính thức áp dụng giờ làm việc, học tập mới. Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với PV.

Bộ trưởng Đinh La Thăng

PV: - Việc thay đổi giờ học, giờ làm chính thức có hiệu lực từ hôm nay,01/02/2012, nhưng chủ trương này đã gặp rất nhiều những phản ứng trái chiều của dư luận. Bộ trưởng đã dự liệu tình huống này như thế nào?


Bộ trưởng Đinh La Thăng:
- Mỗi một quyết định đưa ra thì đều có người đồng ý hay không đồng ý, đấy là chuyện rất bình thường. Nhưng vấn đề ở chỗ là quyết định ấy là vì ai? là vì số đông. Trước đây, việc đội mũ bảo hiểm cũng bị phản đối thế nhưng rồi vẫn thực hiện tốt, có vấn đề gì đâu. Rồi việc cấm xe tự chế, cấm xe công nông, xe ba bánh, cấm xích lô... người ta thậm chí còn biểu tình thế mà bây giờ vẫn thực hiện tốt, có vấn đề gì đâu. Đó là những chuyện hết sức bình thường.

... Tất nhiên mình cũng rất chia sẻ với mọi người. Nói vậy nhưng đổi giờ ảnh hưởng đến một số gia đình chứ. Một gia đình vợ chồng con cái đang sinh hoạt bình thường, bây giờ đổi đi là xáo trộn cả gia đình. Mình cũng có sự thông cảm và chia sẻ, nhưng mình phải thấy rằng cái được là được cho số đông. Và trong đó có những người này, cũng được hưởng cái lợi chung đó.



PV: - Trong khi Bộ GTVT quán triệt nguyên tắc phải dùng giải pháp đồng bộ chống ách tắc thì liệu đây có phải là giải pháp nhất thời?


Bộ trưởng Đinh La Thăng:
- Đây chỉ là một trong tổng thể các giải pháp để giảm ùn tắc. Nếu thay đổi giờ làm để giảm ùn tắc thì người ta đã thực hiện từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới thay đổi. Đây chỉ là một trong những giải pháp tổng thể để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông chứ không phải là biện pháp duy nhất.

Rõ ràng ngày Tết đường vắng vì người ta đi bớt đi. Trước tất cả đang dồn vào một giờ, bây giờ sẽ dãn ra. Đương nhiên là sẽ phải giảm đi chứ.


PV: - Tức là việc thay đổi giờ làm, giờ học lần này chỉ lưu ý đến vấn đề lưu lượng người tham gia giao thông, thưa ông?


Bộ trưởng Đinh La Thăng:
- Đúng là như thế. Bây giờ, người tham gia giao thông dồn vào một giờ, dãn giờ ra thì sẽ giảm bớt được.

PV: - Có ý kiến cho rằng, giải pháp giảm ùn tắc giao thông là vấn đề nan giải, nếu chỉ loay hoay điều chỉnh lưu lượng tham gia giao thông mà không quan tâm đến vấn đề gốc là cơ sở hạ tầng và vấn đề nhập cư thì chỉ rơi vào vòng luẩn quẩn, ông nghĩ sao về vấn đề này?


Bộ trưởng Đinh La Thăng:
- Nói như thế thì có nghĩa là không phải làm nữa, không cần làm gì nữa sao? Quan trọng như tôi đã nói đây chỉ là một giải pháp. Còn giải pháp tổng thể của nó một là phải quy hoạch và phải làm lại. Trước người ta quy hoạch thành phố có 25 vạn dân, bây giờ nó lên 7 triệu thì phải quy hoạch lại. Vì vậy, chủ trương của Chính phủ mới đưa bệnh viện, trường học ra ngoài, đầu tư cơ sở hạ tầng, phải làm xe điện ngầm, phải làm đường sắt trên cao, tổ chức phân làn, phân luồng giao thông... chứ đâu phải một thứ thay đổi giờ học, giờ làm.

PV: - Việc đánh giá hiệu quả của việc thay đổi giờ học, giờ làm sẽ được bộ thực hiện bằng biện pháp khoa học nào, thưa Bộ trưởng?


Bộ trưởng Đinh La Thăng:
- Phương pháp khoa học thì dài lắm, nhưng có một điều cụ thể là tôi đi làm lúc 6h30, hơn 7h mới về tôi chả thấy bao giờ tắc đường cả. Mọi người cũng thế thôi. Đấy, ngày Tết vắng hết, đường Hà Nội đi thoải mái. Cái này thế giới làm lâu rồi, giờ mình mới làm. Thôi thì mình cứ làm đi, cứ ngồi chờ thì chỉ có nước trèo lên đầu nhau. Hai là phải làm những việc trong tổng thể những giải pháp chúng ta đang thực hiện.

Bây giờ đầu tư hạ tầng ví dụ như đang làm đường trên cao, đường vành đai 3, đang làm đường sắt trên cao Hà Nội, Hà Đông, Nhổn, rồi đang tổ chức phân làn, phân luồng lại, quy hoạch cũng đang rà soát lại, rồi làm đường vành đai 4 và vành đai 5, một loạt những công trình khởi công, những công trình đưa vào sử dụng vừa rồi đó là những giải pháp chống ùn tắc. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường chất lượng của cảnh sát giao thông đường bộ, thanh tra giao thông, rồi tuyên truyền ý thức người dân.


Tất nhiên, trách nhiệm của Nhà nước phải đầu tư hạ tầng, phải làm việc nọ, việc kia nhưng quan trọng là không có tiền. Ai chả muốn làm tàu điện ngầm ngay, ai chả muốn làm đường sắt trên cao ngay, nhưng cái nguồn lực của mình có giới hạn thì phải dần dần, không thể làm ngay được. Chứ còn thật ra như các nước như Anh, Mỹ vẫn có tình trạng ùn tắc nhưng chỉ ở những giờ cao điểm thôi. Nếu bây giờ mình không làm thì mình chỉ cứ chờ.


Nhiều người bảo phải có giải pháp đồng bộ chứ ai làm manh mún thế, làm thế này là biện pháp chắp vá, nhất thời. Thế thì không đồng bộ chúng ta không làm sao? Đồng bộ là phải có đầy đủ mọi thứ, nâng cao chất lượng xe bus lên, đường phải rộng ra, phải có tàu điện ngầm đi rồi lúc ấy mới đổi giờ.
Thế thì chỉ có trèo lên đầu nhau mà thôi.

PV: - Lịch trình làm việc của ông sẽ như thế nào kể từ ngày thay đổi giờ học, giờ làm?


Bộ trưởng Đinh La Thăng:
- Tôi đi làm từ 6h30 sáng và 7h30 mới từ Bộ về nhà nên không có ảnh hưởng gì tới lịch chung cả. Nói chung, mọi người dân nếu có ý thức tự điều chỉnh cho phù hợp thì sẽ không bị tắc đường. Một đằng thì anh cứ nhao ra đường vào giờ ấy, nhưng anh chậm một tiếng. Một đằng anh tự điều chỉnh giờ sao cho phù hợp thì sẽ hiệu quả hơn. Quan trọng là ý thức của mỗi người.

Nếu thực sự người ta quan tâm thì người ta đã phải lo lắng rồi, vậy mà sáng nay đi ô tô nghe đài vẫn thấy người dân kêu tôi chưa biết, trong khi dự thảo có từ lâu lắm rồi, trong khi có quyết định từ lâu rồi. Thậm chí còn hoãn một tháng để cho mọi người chuẩn bị vậy mà lại bảo là không biết thì thật là vô lý. Chứng tỏ có ai quan tâm đâu, chính người ta không quan tâm, chứng tỏ không ảnh hưởng đến người ta cả.


Qua đây cho thấy bản thân các cơ quan Nhà nước trong đó Bộ GTVT cần phải nâng cao nỗ lực hiệu quả quản lý trong lĩnh vực của mình, tiếp tục tăng cường trong công tác tuyên truyền cho người dân. Ngược lại người dân cũng phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, trách nhiệm trước hết với bản thân mình, với gia đình mình, với người thân và với cộng đồng. Tất cả từng người một ý thức mình sẽ góp một phần trong việc giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, hoặc mình cũng là nguyên cớ gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông thì chắc chắn ùn tắc sẽ giảm.


- Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Thông tin cụ thể về phương án đổi giờ học giờ làm từ ngày 1/2 của Hà Nội:

Sau khi Thủ tướng có văn bản chấp thuận, sáng 17/1 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức triển khai phương án đổi giờ học, làm việc với Bộ GD&ĐT cùng nhiều sở ngành.


Theo quyết định này, 10 quận nội thành và 2 huyện là Từ Liêm, Thanh Trì sẽ điều chỉnh giờ học, làm việc theo 3 nhóm.


Cụ thể: Nhóm 1, gồm sinh viên, học viên các trường ĐH-CĐ -Trung học - Dạy nghề và học sinh THPT. Buổi sáng, sinh viên, học viên vào học từ trước 7h và kết thúc sau 7h tối.


Nhóm 2: Gồm học sinh các trường Mầm non, THCS: sáng vào học từ 8h, chiều kết thúc vào 5h, riêng các trường bố trí giáo viên nhận cháu từ 7h30 sáng và trả đến 5h30; với cán bộ, viên chức (cả Trung ương và Hà Nội) sáng bắt đầu làm việc từ 8h và kết thúc vào 5h chiều.


Nhóm 3: gồm Trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) sáng bắt đầu làm việc từ 9h và kết thúc vào 7h tối. Với các nhóm đối tượng khác thời gian làm việc vẫn giữ nguyên.


Để cho phù hợp và phục vụ tốt việc đổi giờ của thành phố, từ 1/2, Sở GTVT Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch đổi giờ hoạt động của nhiều tuyến bus hoạt động tại 10 quận nội thành và 2 huyện. Cụ thể, nếu hiện nay giờ cao điểm của xe bus sáng từ 6h30 đến 8h30, chiều từ 4h30 đến 6h30, từ 1/2 sẽ điều chỉnh sáng từ 6h đến 9h, chiều từ 4h30 đến 7h30.


Cùng với đó, Sở GTVT cũng điều chỉnh giãn cách chạy xe giờ cao điểm từ 10 phút/lượt hiện nay xuống 7 phút lượt với các tuyến bus chạy qua nhiều trường ĐH-CĐ. Riêng các tuyến bus nhanh như 02, 06, 08, 16, 27, 28, 32, 39, 54, 56, 58 được điều chỉnh lại giờ chạy và tăng thêm chuyến, lượt; với 6 tuyến chạy nhiều trường ĐH-CĐ như 02, 16, 27, 28, 32, 39 sẽ được tổ chức thêm 37 lượt/ngày.


Lực lượng CSGT cũng làm việc từ 6h sáng để đảm bảo tính đồng bộ cho phương án này.

Hiện tượng Đinh La Thăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét