Bài viết cũ của tôi:
TIẾT KIỆM, ĐẦU TƯ TRONG TIẾN TRÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ: LÝ THUYẾT VÀ KINH NGHIỆM THẾ GIỚI
CHƯƠNG III
CÁC NHÂN TỐ CHÍNH XÁC ĐỊNH TIẾT KIỆM VÀ ĐẦU TƯ TRONG QUÁ TRÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ
CHƯƠNG III
CÁC NHÂN TỐ CHÍNH XÁC ĐỊNH TIẾT KIỆM VÀ ĐẦU TƯ TRONG QUÁ TRÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ
MỤC I: CÁC NHÂN TỐ CHÍNH XÁC ĐỊNH TIẾT KIỆM, ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC
Trong mục trên, chúng ta đã chứng minh rằng tỷ lệ đầu tư là một trong những nhân tố quan trọng nhất xác định tỷ lệ tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, đầu tư có thể được thực hiện bằng hai nguồn tiết kiệm trong nước và tiết kiệm nước ngoài; trong đó vốn trong nước thường chiếm tỷ trọng áp đảo. Vì vậy, tiết kiệm trong nước là phần tử quan trọng của quá trình tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, quá trình đi từ tiết kiệm đến đầu tư và tăng trưởng không phải lúc nào cũng diễn ra theo đúng các lập luận kinh tế. Kinh nghiệm ở nhiều nước đang phát triển đã cho thấy có khi tỷ lệ tiết kiệm cao nhưng lại không có đầu tư và tăng trưởng vì môi trường kinh tế không chắc chắn, sự phối hợp chính sách quá tồi... làm mất lòng tin của người đầu tư nên tỷ lệ đầu tư sẽ thấp.
Việc xác định đúng các nhân tố giải thích tiến triển của tiết kiệm và đầu tư trong nước có ý nghĩa rất quan trọng để từ đó tìm ra các giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn, động viên tốt hơn nguồn lực trong nước. Kinh nghiệm cho thấy nhiều khi không xác định đúng các nguyên nhân ảnh hưởng đến tiết kiệm và đầu tư, nên các chính phủ không khai thác được nguồn tiết kiệm rất phong phú của nước mình mà lại đi khai thác nguồn vốn từ bên ngoài vốn rất bấp bênh, dẫn đến những mất cân đối ngày càng trầm trọng trong quan hệ kinh tế đối ngoại, thậm chí có thể rơi vào khủng hoảng kinh tế khi nguồn vốn bên ngoài bị cắt giảm đột ngột.
I - CÁC NHÂN TỐ CHÍNH XÁC ĐỊNH TIẾT KIỆM TRONG NƯỚC TRONG QUÁ TRÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ
Các lý thuyết kinh tế đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc của tiết kiệm nội địa, nhưng nhân tố quan trọng nhất xác định tiết kiệm vẫn là thu nhập. Đặc biệt, khi thu nhập biến động, phần tiêu dùng sẽ ít biến động hơn, ngược lại phần tiết kiệm sẽ biến động mạnh theo xu hướng biến động của thu nhập.
Tiết kiệm quốc gia được đưa vào đầu tư qua ba kênh: chính phủ, tự tài trợ cho đầu tư và các trung gian tài chính. Tầm quan trọng của mỗi kênh phụ thuộc chủ yếu vào trình độ phát triển của nền kinh tế và vai trò của khu vực nhà nước, tư nhân trong nền kinh tế. Gần đây, do khuynh hướng mở rộng vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế và do luồng vốn nước ngoài có xu hướng tăng chậm lại, vai trò của các trung gian tài chính đối với quá trình tiết kiệm - đầu tư đã tăng dần.
1) Các nhân tố chính xác định tiết kiệm nhà nước
Như đã phân tích ở trên, để tăng tiết kiệm nhà nước, một trong những giải pháp chính là tăng thuế suất. Tuy vậy, việc tăng mức thu thuế ở các nước đang phát triển để tăng tiết kiệm và đầu tư nhà nước không phải lúc nào cũng dễ dàng. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, ngoài các nước được ưu đãi về nguồn tài nguyên thiên nhiên như các nước sản xuất dầu mỏ, khai thác vàng bạc đá quý hoặc các khoáng sản với khối lượng lớn, các nước đang phát triển khác nhìn chung không nên hy vọng có thể tăng thuế suất lên cao như ở các nước công nghiệp phát triển vì thu nhập bình quân đầu người ở các nước đang phát triển còn rất thấp, thường chỉ đủ để thoả mãn những nhu cầu tối thiểu của người dân. Dĩ nhiên, theo đà phát triển kinh tế, thu nhập của dân cư sẽ tăng dần, trên cơ sở đó chính phủ có thể tăng dần thuế suất; tuy nhiên, quá trình này nên được tiến hành thận trọng và mang tính lâu dài.
Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng nhiều nước đang phát triển đã tăng được thuế suất trong khoảng nửa thế kỷ qua. Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, Government Finance Statistics Yearbook) cho thấy thuế suất trung bình tại các nước đang phát triển đã tăng từ 11% trong những năm 50 lên 16% vào những năm 70, 18% trong những năm 80 và khoảng 20% trong những năm gần đây.
Để tăng tiết kiệm nhà nước, con đường nhanh nhất và được sử dụng phổ biến nhất là tăng tỷ lệ thuế (tổng thu thuế so với GDP) thông qua những đợt cải cách cơ cấu thuế và tăng thuế suất. Cũng do kinh nghiệm thành công khi đó của một số nước, đặc biệt là khối các nước XHCN, các nước cho vay cũng đề cao việc tăng thuế suất, coi đó là con đường thích hợp nhất để công nghirjp hoá và tăng trưởng thành công. Thậm chí, nhiều tổ chức viện trợ, trong đó có Mỹ, đã sử dụng mức thuế suất và “nỗ lực thu thuế” làm chỉ số đầu tiên đánh giá cam kết của các quốc gia đang phát triển trong thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”; tiếp đó, trong chương trình ổn định kinh tế do Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới chủ trì thực hiện phổ biến trong thập kỷ 70 và 80 tại các quốc gia nhận viện trợ, chỉ tiêu này cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá cam kết của chính phủ sở tại. Thực tế là các nước sẵn sàng chịu thực hiện chính sách thuế suất cao và có những cải cách thuế theo hướng này để giảm mạnh tiêu dùng, tăng thu ngân sách chính phủ, đã là những nước được ưu tiên giúp đỡ tài chính trước.
Trong quá trình phân tích tình hình tiết kiệm nhà nước tại các nước đang phát triển, nhiều nhà kinh tế đã rút ra một số điểm đặc biệt sau: Một là, thuế suất tại các nước nghèo nhất (GDP đầu người dưới 300 đô la Mỹ) có xu hướng giảm nhẹ trong nửa thế kỷ qua. Ngoài ra, đối với những nước đã vượt qua ngưỡng nghèo những không nhiều thì thuế suất cũng tăng lên rất chậm. Chính vì vậy, thuế suất tăng tại các nước đang phát triển đã chủ yếu dựa vào số tăng tại các nước có thu nhập khá trong khối các nước này; trong đó nhiều nước tăng thuế suất không xuất phát từ chính sách có ý thức nhằm huy động thêm tiết kiệm thông qua đánh thuế mà do có được những thu nhập bất ngờ từ khai thác tài nguyên thiên nhiên hoặc giá bán tài nguyên tăng cao, ví dụ trường hợp các nước xuất khẩu dầu mỏ và khoáng sản.
Hai là, thuế suất cao sẽ làm tăng thu nhập chính phủ, nhưng cũng có thể không làm tiết kiệm nhà nước tăng nếu như chính phủ sử dụng nguồn thu nhập tăng thêm của mình vào tiêu dùng. Đáng tiếc là tình hình này lại diễn ra khá phổ biến tại các nước đang phát triển trong thập kỷ 60 và 70 do xu hướng tăng nhu cầu tiêu dùng quá nhanh; thậm chí khuynh hướng gia tăng tiêu dùng tại một số nước cao đến mức mà càng tăng thu nhập từ thuế thì tổng tiết kiệm nhà nước lại càng giảm chứ không lớn hơn. Hiện tượng này đã phổ biến đến mức Stanley Fischer đã tổng kết thành thuyết hiệu ứng tự nhiên (please effect) và kêu gọi các tổ chức tài chính thế giới phải lưu ý đến hiện tượng này khi thực thi chương trình ổn định kinh tế thông qua chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Tuy nhiên, từ đầu thập kỷ 80 đến nay, tình hình có vẻ không diễn ra như vậy, xu hướng tăng tiêu dùng chính phủ đã chậm lại khi quan điểm của thuyết tân cổ điển (tự do hoá kinh tế) do M. Freadman bảo vệ thắng lợi. Mặt khác, rất đáng ngạc nhiên là trong khi ảnh hưởng không tích cực tới tiết kiệm nhà nước, tăng thuế suất lại có tác dụng làm thay đổi tiết kiệm trong khu vực dân cư và doanh nghiệp tư nhân.
Mặc dù thuế suất tại các nước đang phát triển đã liên tục tăng thêm trong những thập kỷ qua, song chi tiêu cho tiêu dùng của chính phủ tại nhiều nước đã tăng thêm với tốc độ quá nhanh, thường cao hơn tỷ lệ tăng trưởng GDP, nên phần để tăng quỹ tích luỹ nhà nước rất thấp và tỷ trọng của tích luỹ trong tổng chi ngân sách nhà nước giảm sút. Theo tổng kết của Gillis (1987) đối với trường hợp 65 nước đang phát triển điển hình thì có tới 48 nước có tỷ lệ tiêu dùng trong khu vực nhà nước năm 1983 cao hơn tỷ lệ năm 1960 và chỉ có 17 nước trong đó tỷ lệ tích luỹ tăng lên. Như vậy, tình hình trên mang tính chất phổ biến chứ không phải là cá biệt. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ gần đây, có vẻ như đang diễn ra một xu hướng ngược lại.
Như vậy, nhu cầu tích luỹ để đầu tư phát triển tăng cao tại các nước đang phát triển có thu nhập thấp trong nửa thế kỷ vừa qua nhưng đã không được đáp ứng thông qua chính sách tăng thuế suất do sự gia tăng nhanh chóng của tiêu dùng nhà nước; hậu quả là sự gia tăng tiết kiệm nhà nước đã không phải là nguồn chính để đầu tư phát triển tại các nước này, mà như chúng ta đã phân tích, nguồn tiết kiệm nước ngoài đã chiếm một tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng số vốn tích luỹ và đầu tư của các nước đó.
Tuy nhiên, tình hình trên nói chung đã không xảy ra đối với các nước đang phát triển trung bình. Nguồn tiết kiệm gia tăng cần thiết để trang trải những khoản đầu tư ngày càng lớn tại những nước này đã cơ bản được đáp ứng bằng sự gia tăng nhanh chóng của tiết kiệm tư nhân.
2) Các nhân tố chính xác định tiết kiệm tư nhân trong nước
Cho đến nay, vẫn có nhiều chính phủ và tổ chức tài chính tại các nước đang phát triển coi đầu tư tư nhân là thứ yếu so với tiết kiệm nhà nước và tiết kiệm nước ngoài (thông qua huy động vốn nước ngoài, nhất là vốn ưu đãi và viện trợ). Tuy vậy, một số số liệu đã chứng minh tiết kiệm tư nhân càng ngày càng đóng vai trò chủ yếu trong việc hình thành vốn đầu tư tại các nước đang phát triển.
Số liệu trong các báo cáo phát triển hàng năm của Ngân hàng Thế giới cho thấy nhiều nước đang phát triển có khả năng kìm hãm được tốc độ tăng trưởng tiêu dùng tư nhân để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tích luỹ trong khu vực này. Trung Quốc và Ấn độ là 2 trường hợp điển hình của các nước đang phát triển có thu nhập thấp, nhưng có khả năng tiết kiệm tư nhân trong một khoảng thời gian rất dài. Tỷ trọng tiêu dùng tư nhân trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở hai nước này đã giảm mạnh, từ khoảng 3/4 GDP năm 1965 xuống còn khoảng 3/5 GDP năm 1983; ngược lại tỷ trọng tỷ lệ tiết kiệm tư nhân đã tăng mạnh, từ 1/4 lên 2/5. Nhờ đó, tỷ lệ tích luỹ tư nhân toàn khối các nước đang phát triển có thu nhập thấp đã tăng tương ứng từ 25% lên 32% trong thời kỳ này.
Tuy nhiên, đối với nhóm các nước có thu nhập thấp còn lại, tình hình đã không diễn ra như vậy. Tỷ trọng tích luỹ đã tăng tại một số nước nhưng lại giảm tại một số nước khác. Trong số 24 nước có thu nhập thấp trong báo cáo tình hình phát triển thế giới năm 195 của Ngân hàng thế giới, chỉ có 9 nước tăng được tỷ lệ tiết kiệm tư nhân trong khi tỷ lệ này tại 15 nước khác bị giảm sút. Tính chung, tỷ lệ tiết kiệm tư nhân của tất cả các nước có thu nhập thấp, không kể Trung Quốc và Ấn Độ, đã giảm từ 22% xuống còn 20% trong giai đoạn 1965-1983. Cũng trong giai đoạn này, các nước có thu nhập trung bình chỉ tăng được tỷ lệ tiết kiệm tư nhân của mình từ 32% GDP lên 34%.
Để xác định các nhân tố quyết định tiết kiệm tư nhân, chúng ta sẽ xem xét các nhân tố xác định hai thành phần của tiết kiệm tư nhân, gồm tiết kiệm của dân cư và tiết kiệm của các doanh nghiệp.
a) Tiết kiệm của dân cư:
Kinh nghiệm tại các nước đang phát triển cũng như lập luận của các lý thuyết kinh tế đều cho thấy tiết kiệm của dân cư luôn luôn chiếm tỷ trọng cao trong tiết kiệm tư nhân; và nguồn chủ yếu hình thành lên tiết kiệm của dân cư là thu nhập của các đơn vị sản xuất nhỏ thuộc phạm vi quản lý của các gia đình. Đặc biệt, khi nghiên cứu tiết kiệm của dân cư, các nhà kinh tế tìm thấy 3 đặc điểm phổ biến sau liên quan đến tiết kiệm dân cư:
- Trong một nước, ở vào mỗi thời điểm nhất định, các gia đình có thu nhập cao hơn sẽ có một tỷ lệ tiết kiệm cao hơn so với các gia đình có thu nhập thấp hơn;
- Tỷ lệ tiết kiệm của dân cư của một nước thay đổi rất ít trong những khoảng thời gian không dài; tỷ lệ này tại nước thu nhập đầu người thấp thường thấp hơn tại nước có thu nhập đầu người cao hơn;
- Hiện tượng phổ biến tại các nước là tỷ lệ tiết kiệm không thay đổi ngay và tương ứng với thay đổi thu nhập.
Tiết kiệm của khu vực dân cư thường được giải thích bằng các quan điểm của Keynes, Duesenberry, Friedman và Kaldor.
Theo thuyết thu nhập tuyệt đối của Keynes, có một mối quan hệ trực tiếp giữa thu nhập và tiết kiệm của dân cư; trong đó tiết kiệm của dân cư phụ thuộc vào thu nhập sau khi đã nộp thuế của họ. Do đó, khi thu nhập sau khi đã nộp thuế tăng lên thì tiết kiệm của dân cư sẽ tăng lên. Về mặt toán học, mối quan hệ này được diễn đạt như sau:
S = a + s. (R - T)
trong đó S là tiết kiệm của dân cư, R là thu nhập, T là số thuế phải nộp, a là hệ số cố định với giả định a < 0 vì khi không có thu nhập thì không những không phải nộp thuế và không có tiết kiệm mà còn phải sử dụng tiết kiệm quá khứ; s là khuynh hướng gia tăng tiết kiệm, 0 < s < 1.
Phương trình trên cho thấy tỷ lệ tiết kiệm của dân cư có xu hướng không ngừng tăng lên tại tất cả các nước theo đà tăng lên của thu nhập. Tuy nhiên, thực tế có vẻ không phải như vậy; theo các nghiên cứu số liệu ở trên, thuyết thu nhập tuyệt đối của Keynes dường như không phù hợp để giải thích tiến triển của tiết kiệm của dân cư tại các nước đang phát triển (và cả ở các quốc gia đã phát triển). Theo Gillis, cách giải thích của Keynes chỉ mô tả được sự vận động của tiết kiệm của dân cư trong thời gian ngắn chứ không giải thích được sự vận động của nó trong thời gian dài. Trên thực tế, trong khoảng thời gian dài (1 năm trở lên), tiết kiệm và tiêu dùng của dân cư phụ thuộc không chỉ vào thu nhập hiện tại mà vào cả mức thu nhập và thói quen tiêu dùng trong quá khứ; do đó trong phương trình trên của Keynes, hệ số a có thể bằng 0, tức là tỷ lệ tiết kiệm và tiêu dùng có thể không đổi theo thời gian.
Để sửa chữa những điểm chưa hoàn thiện trong cách nhìn của Keynes, J. Duesenberry vào cuối những năm 40 đã đưa ra thuyết thu nhập tương đối để giả thích tiến triển của tiết kiệm của dân cư. Phương trình xác định tiêu dùng (từ đó xác định tiết kiệm) của dân cư của ông như sau:
Ci = a + (1 - s) . Yi + b . Ch
trong đó Ci là tiêu dùng trong giai đoạn i; Yi là thu nhập trong giai đoạn i, Ch là trung bình của một số mức tiêu dùng cao kỷ lục trong quá khứ. Các điều kiện về hệ số là: 0 < s < 1 và 0 < b < 1. Phương trình trên cho thấy tiêu dùng và tiết kiệm vận động theo kiểu nhảy cóc trong những khoảng thời gian ngắn, nhưng trong thời gian dài, khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng sẽ điều chỉnh thói quen chi tiêu của họ cho phù hợp với mức thu nhập cao hơn; theo đó, trong mỗi khoảng thời gian ngắn, họ không muốn điều chỉnh giảm hay tăng nhanh tiết kiệm và tiêu dùng dù thu nhập có giảm đi hay tăng lên nhanh.
Như vậy, theo thuyết của Duesenberry, tiết kiệm của dân cư không chỉ phụ thuộc và thu nhập tuyệt đối của họ tại thời điểm đó mà còn phụ thuộc vào thói quen chi tiêu đã hình thành trong quá khứ. Thuyết thu nhập tương đối của Duesenberry lúc đầu được xây dựng để giải thích sự vận động của tiết kiệm và tiêu dùng tại Mỹ, một quốc gia công nghiệp, nhưng sau đó đã được áp dụng tại nhiều nước đang phát triển vì khả năng giải thích của nó.
Quan điểm thứ ba giải thích nguyên nhân thay đổi tỷ lệ tiết kiệm của khu vực dân cư là thuyết thu nhập cố định của M. Friedman. Thuyết này được xây dựng vào những năm 50 của thế kỷ trước và nhanh chóng được thừa nhận rộng rãi tại các nước công nghiệp cũng như tại các nước đang phát triển. Tư tưởng của thuyết này rất đơn giản; vì con người cho rằng mình sẽ sống trong nhiều năm nên họ quyết định chi tiêu theo thời gian và thu nhập lâu dài chứ không chỉ căn cứ vào thu nhập hiện tại. Theo thuyết này, thu nhập của dân cư được chia làm hai bộ phận: thu nhập cố định và thu nhập động; trong đó thu nhập cố định là kết quả của sự giàu có bao gồm cả giá trị các tài sản cố định và giá trị con người mà mỗi cá nhân có được. Vì mỗi cá nhân có thể dự đoán tương đối chính xác và có căn cứ tổng thu nhập cố định mà họ có thể nhận trong toàn bộ cuộc đời nên họ sẽ quyết định chi tiêu ở mức được coi là bình thường hay là cố định so với thu nhập họ có theo thời gian. Do đó, tiêu dùng thường chiếm một tỷ lệ cố định của thu nhập cố định; tỷ lệ này có thể tới gần 100%. Phần tiết kiệm của họ được lấy từ thu nhập động, là những khoản thu nhập không được dự tính trước, không định kỳ, ví dụ như thu nhập phát sinh từ những thay đổi giá trị tài sản (tiền bạc, cổ phiếu...), trúng xổ số và những khoản thu nhập bất ngờ khác do may mắn.
Phương trình cơ bản của thuyết thu nhập cố định của Friedman như sau:
S = a + b1 . Yc + b2 . Yd
trong đó S là tiết kiệm; Yc là thu nhập cố định, Yd là thu nhập động. Trong khả năng cực đoan nhất, tất cả các khoản tiết kiệm đều có nguồn gốc từ thu nhập động và tất cả các khoản thu nhập động đều được dành để tiết kiệm, nên b1 = 0 và b2 = 1. Trong trường hợp bình thường, một phần của thu nhập cố định cũng sẽ được dùng để tiết kiệm và một phần của thu nhập động lại được dùng vào tiêu dùng, khi đó 0 < b1 < b2 < 1.
Thuyết thứ tư thường được kể đến khi xem xét các nhân tố ảnh hưởng quyết định đến tiết kiệm của dân cư là thuyết các nhóm tiết kiệm của dân cư do Kaldor đề xuất. Thuyết này cho rằng những thói quen về tiêu dùng và tiết kiệm của các nhóm dân cư trong xã hội rất khác nhau; công nhân kiếm thu nhập chủ yếu qua bán sức lao động nên họ thường có khuynh hướng tiết kiệm rất thấp; ngược lại các nhà tư bản có thói quen kiếm thu nhập từ vốn (lợi nhuận, lãi suất, địa tô...) nên họ có khuynh hướng tiết kiệm cao hơn. Phương trình xác định tiết kiệm của toàn xã hội như sau:
S = sc . L + st . P
trong đó sc và st lần lượt là khuynh hướng tiết kiệm của giai cấp công nhân và của giai cấp tư bản; L là thu nhập từ sức lao động và P là thu nhập từ vốn. Điều kiện đặt ra đối với các tham số ước lượng là:
0 < sc < st < 1
Tóm lại, các lý thuyết kinh tế chính đều coi thu nhập là nhân tố quyết định tới tiến triển của tiết kiệm. Do đó, vấn đề quan trọng hàng đầu để nâng cao tỷ lệ tiết kiệm ở các quốc gia là nâng cao thu nhập, trong đó có thu nhập hiện tại, thu nhập cố định hay thu nhập tương đối và thu nhập của các nhóm dân cư.
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của khu vực tài chính tiền tệ, trong những thập kỷ gần đây, xuất hiện nhiều nhân tố có vai trò càng ngày càng quan trọng tới gia tăng tiết kiệm tại các nước, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, đó là sự phát triển mạnh mẽ của các thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng... Đặc biệt, lãi suất càng ngày càng trở thành một nhân tố cơ bản xác định tiết kiệm tư nhân.
Bên cạnh đó, nhiều nhà kinh tế học còn nhấn mạnh đến một số biến giải thích khác như cơ cấu tuổi của các tầng lớp dân cư, tỷ lệ đô thị hoá và mức chi tối thiểu cần thiết của 1 người dân... Thực tế những thay đổi về cơ cấu tuổi của dân cư cũng có những tác động không nhỏ tới tiết kiệm tư nhân tại một số nước. Nhìn chung, tỷ lệ tiết kiệm của nhóm dân cư trẻ tuổi thấp hơn tỷ lệ tiết kiệm của nhóm dân cư cao tuổi hơn. Các gia đình trẻ vừa phải mua sắm đồ đạc, vừa phải nuôi con nhỏ, trong khi thu nhập của họ lại thấp so với lớp người cao tuổi.
Một hiện tượng phổ biến khác là cùng có mức thu nhập như nhau, những người dân nông thôn tiết kiệm nhiều hơn người dân thành thị. Hiện tượng này phù hợp với quan điểm của thuyết thu nhập cố định vì thu nhập của nông dân thường biến động mạnh hơn so với thu nhập của dân thành phố.
Mức thu nhập dùng để thoả mãn những nhu cầu tối thiểu cũng ảnh hưởng tới tỷ lệ tiết kiệm của dân cư. Khi người dân phải dùng phần lớn thu nhập của mình để đáp ứng nhu cầu này thì khả năng tiết kiệm sẽ rất thấp. Ngược lại, khi họ chỉ cần sử dụng một phần nhỏ thu nhập để đáp ứng nhu cầu này thì tỷ lệ tiết kiệm sẽ tăng nhanh.
b) Tiết kiệm của doanh nghiệp (công ty):
Trong khi tồn tại nhiều thuyết khác nhau nhưng tương đối thống nhất về các nhân tố giải thích tiến triển của tiết kiệm tư nhân thì những nghiên cứu xác định các nhân tố giải thích tiến triển của tiết kiệm của các doanh nghiệp không nhiều. Hơn nữa, các nghiên cứu cũng đưa ra cách nhìn rất khác nhau về vấn đề này, nhất là trong trường hợp các nước đang phát triển.
Ở các nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ tiết kiệm của các doanh nghiệp trong tổng thu nhập thường nhỏ hơn 5% và tổng tiết kiệm của các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng không quá 20% tổng tiết kiệm nội địa; ví Liên hợp quốc ước tính tiết kiệm của các công ty Nhật Bản chỉ chiếm 7% tổng tiết kiệm nội địa, ở Bỉ là 12%, ở Úc là 18%, ở Đức là 13% và ở Phần Lan là 18% (Liên hợp quốc, 1999). Tuy nhiên, người ta ít có những số liệu tương tự trong trường hợp các nước đang phát triển, nhưng những thông tin đây đó cho thấy tiết kiệm của các doanh nghiệp tại các nước này thường chiếm tỷ trọng thấp hơn so với trường hợp các nước công nghiệp phát triển.
Đóng góp của tiết kiệm tương đối nhỏ của khu vực doanh nghiệp vào tiết kiệm nội địa tại các nước đang phát triển xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là số lượng, quy mô và phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp còn rất nhỏ. Do hàng loạt các lý do (ví dụ các điều kiện về thành lập doanh nghiệp, về kế toán doanh nghiệp phức tạp, hệ thống luật pháp, toà án, thị trường vốn còn yếu...) nên tại các nước đang phát triển chỉ có rất ít áp lực và biện pháp khuyến khích các hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện dưới hình thức doanh nghiệp. Vì vậy ngoài một số nước đang phát triển đã trở thành các nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Braxin, Singapo, số lượng các doanh nghiệp tại các nước đang phát triển rất ít, ngay cả đối với các nước đang phát triển có thu nhập trung bình khá; các doanh nghiệp không chiếm một tỷ trọng lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân và do đó không chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng tiết kiệm nội địa. Đa số các hoạt động kinh doanh tại các nước đang phát triển được thực hiện theo dạng phi hình thức kiểu sản xuất nhỏ của từng hộ dân cư và tiết kiệm của họ được tính vào tiết kiệm của dân cư.
Ngay cả trong trường hợp những nước đang phát triển có thu nhập vào loại cao nhất hiện nay, người ta cũng thấy phần lớn các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại và nông nghiệp không được thực hiện dưới hình thức doanh nghiệp mà thường dưới dạng các đơn vị sản xuất nhỏ gia đình; phần lớn các đơn vị này có số lao động dưới 10 người nhưng lại tạo ra trên 50% tổng tiết kiệm nội địa và là nơi duy nhất có thặng dư về vốn để tài trợ cho khu vực khác vì tiết kiệm của khu vực này luôn luôn lớn hơn đầu tư. Chính vì vậy, lợi nhuận của các đơn vị sản xuất nhỏ được quản lý trong phạm vi các gia đình, luôn luôn là một bộ phận quan trọng trong tiết kiệm của dân cư chứ không phải là tiết kiệm của doanh nghiệp.
Một đặc trưng khác là lạm phát có xu hướng ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của khu vực tài chính, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới tích luỹ tại các nước đang phát triển (Polak, 1989). Nếu sự phát triển của khu vực tài chính được đo bằng tỷ lệ tiền gửi ngân hàng trên GDP (M2/GDP) thì các nước có khu vực tài chính phát triển nhất đều là những nước có tỷ lệ lạm phát thấp nhất. Phần lớn các nước châu á đã duy trì được tỷ lệ lạm phát tương đối thấp nên khu vực tài chính tương đối phát triển.
Bảng 12: Quan hệ giữa lạm phát và phát triển tài chính (%)
Nước và nhóm nước
|
Lạm phát (1980-1985)
|
M2/GDP (1985
|
4 nước có tỷ lệ lạm phát rất cao
| ||
Achentina
|
342
|
13
|
Braxin
|
148
|
10
|
Peru
|
99
|
16
|
Thổ Nhĩ Kỳ
|
37
|
24
|
4 nước có tỷ lệ lạm phát cao
| ||
Colombia
|
22
|
20
|
Chi Lê
|
19
|
19
|
Philippin
|
19
|
19
|
Srilanka
|
15
|
36
|
3 nước có tỷ lệ lạm phát thấp
| ||
Venezuela
|
9
|
47
|
Pakistan
|
8
|
38
|
ấn Độ
|
8
|
44
|
7 nước có tỷ lệ lạm phát rất thấp
| ||
Trung Quốc
|
2
|
47
|
Miến Điện
|
2
|
32
|
Ethiopia
|
3
|
38
|
Thái Lan
|
3
|
59
|
Malaixia
|
3
|
66
|
Singapo
|
3
|
88
|
Jordani
|
4
|
115
|
Nguồn: Polak (1989)
Mặt khác, để đảm bảo sự vận hành đúng của thị trường tài chính nội địa, cần duy trì được cơ chế lãi suất huy động và lãi suất cho vay luôn luôn dương; nếu không thì cơ chế lãi suất sẽ không thể phân bổ nguồn vốn một cách có hiệu quả tốt nhất vì lãi suất không còn phản ánh đúng quan hệ thị trường về giá vốn. Việc phân phối tín dụng khi đó sẽ không còn theo tín hiệu của thị trường mà do quyết định của những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Nhiều dự án thực sự có hiệu quả sẽ không được phân bổ vốn, song nhiều dự án rất kém hiệu quả lại có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng. Theo ước tính của Feldstein và Horioka (1980), khoảng 1/3 đến 2/3 tổng số vốn sẽ bị phung phú theo nghĩa chúng được phân bổ cho những dự án có lợi nhuận thấp hơn tiềm năng. Bảng dưới đây chỉ ra rằng các nước có lãi suất thực âm không chỉ có tỷ lệ tăng trưởng vốn thấp mà cả tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất nhân tố tổng hợp cũng thấp do sử dụng vốn kém hiệu quả.
Bảng 13: ảnh hưởng của lãi suất thực tới tăng trưởng và đầu tư
Tỷ lệ tăng trưởng tiềm của GDP
|
Đóng góp của
| |||
Vốn
|
Lao động
|
Năng suất nhân tố tổng hợp
| ||
Các nước có lãi suất thực dương
| ||||
1975 - 1982
|
6,1
|
3,4
|
1,2
|
1,5
|
1983 - 1989
|
5,9
|
2,7
|
1,0
|
2,2
|
Các nước có lãi suất thực âm nhẹa
| ||||
1975 - 1982
|
4,4
|
2,8
|
1,6
|
-
|
1983 - 1989
|
2,9
|
1,2
|
1,5
|
0,2
|
Các nước có lãi suất thực âm lớnb
| ||||
1975 - 1982
|
2,4
|
2,2
|
1,5
|
-1,3
|
1983 - 1989
|
1,6
|
0,7
|
1,4
|
-0,5
|
a: Từ -5 đến 0%; b: Dưới -5%
Nguồn: IMF, World Economic Outlook, Washington DC, 10/1990, Table 17
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét