Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

(2) THỬ DỰ BÁO TIẾT KIỆM CỦA DÂN CƯ

Bài viết cũ của tôi:
BÀN VỀ TIẾT KIỆM CỦA DÂN CƯ VÀ THỬ DỰ BÁO TIẾT KIỆM CỦA DÂN CƯ CHO PHÁT TRIỂN TRONG THỜI KỲ 2011-2020
IV- MÔ HÌNH DỰ BÁO DÀI HẠN TIẾT KIỆM CỦA DÂN CƯ TRONG ĐIỀU KIỆN NƯỚC TA
1) Các nhân tố ảnh hưởng dài hạn trong điều kiện nước ta
Để nghiên cứu, dự báo tiết kiệm của dân cư ở tầm dài hạn đến năm 2020, cần phải nghiên cứu đặc điểm của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Các đại hội Đảng lần thứ XI và X đã xác định đến năm 2020, nước ta sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Với tình hình phát triển hiện nay, dự báo đến năm 2020, nền kinh tế nước ta sẽ cơ bản vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường. Vì vậy, các nhân tố của kinh tế thị trường sẽ ảnh hưởng quyết định đến tỷ lệ tiết kiệm của dân cư. Tuy nhiên, do đặc trưng xã hội chủ nghĩa, vai trò của kinh tế nhà nước vẫn còn quan trọng nên đối với nước ta, tỷ lệ tiết kiệm của dân cư còn chịu tác động của tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ.
(1) Nhân tố ảnh hưởng chủ yếu: GDP
Tiết kiệm dài hạn của khu vực dân cư thường được giải thích bằng thuyết thu nhập tuyệt đối của của Keynes, thuyết thu nhập tương đối Duesenberry, thuyết thu nhập cố định của Friedman và thuyết các nhóm tiết kiệm dân cư của Kaldor. Tuy có những điểm khác nhau song cả 4 thuyết nay đều coi thu nhập là nhân tố quyết định tới tiến triển của tiết kiệm của khu vực dân cư. Do đó, vấn đề quan trọng hàng đầu để nâng cao tỷ lệ tiết kiệm ở các quốc gia là nâng cao thu nhập, trong đó có thu nhập hiện tại, thu nhập cố định hay thu nhập tương đối và thu nhập của các nhóm dân cư.


Do trong điều kiện nước ta nguồn thông tin về thu nhập của dân cư còn hạn chế nên cũng như đối với các nước đang phát triển khác, nghiên cứu này sẽ sử dụng chỉ tiêu GDP để đại diện cho chỉ tiêu thu nhập của dân cư. GDP tác động tới tiết kiệm của dân cư dưới cả hai góc độ: Cung và cầu.

Về phía cung, khi người dân tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội thì họ có thu nhập. Sau khi chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày, sẽ còn phần để dành, được gọi là tiết kiệm của dân cư.

Về phía cầu, do biết rằng đầu tư phát triển sẽ làm tăng thu nhập trong tương lai nên người dân cũng có ý thức tiết kiệm tiêu dùng, dành nhiều hơn nguồn thu nhập để tiết kiệm, tạo nguồn vốn để gia tăng đầu tư.

Do vậy, quan hệ nhân quả giữa GDP và tiết kiệm của dân cư có thể được thực hiện theo hai chiều. Tuy nhiên, để dự báo dài hạn và căn cứ đặc điểm kinh tế nước ta dần dần chuyển sang phát triển theo mô hình cầu khi tiếp cận trình độ các nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, dự kiến quan hệ nhân quả chủ yếu sẽ theo hướng tiết kiệm của dân cư phụ thuộc vào nhu cầu phát triển, tức là phụ thuộc vào mục tiêu tăng trưởng GDP. Dưới đây, sẽ dự báo tiết kiệm của dân cư theo nhân tố giải thích chủ yếu cho giai đoạn phát triển dài hạn sắp tới là GDP

(2) Nhân tố ảnh hưởng đặc thù trong điều kiện nước ta: Tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ.

Tiết kiệm và đầu tư của chính phủ sẽ vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta trong giai đoạn từ này đến năm 2020, đồng thời như đã phân tích ở trên, trong điều kiện tiết kiệm quốc gia bị ràng buộc bởi thu nhập quốc gia thì tiết kiệm của chính phủ sẽ tiếp tục cạnh tranh với tiết kiệm của dân cư; theo nghĩa nếu chính phủ gia tăng tỷ lệ tiết kiệm của mình trên GDP thì tỷ lệ tiết kiệm của dân cư sẽ bị ảnh hưởng vì về dài hạn, con đường duy nhất để tăng tiết kiệm của chính phủ là tăng thuế đánh vào thu nhập của dân cư dưới các hình thức khác nhau.

Ở đây cũng cần lưu ý về dài hạn, chi ngân sách chính phủ cho tiêu dùng thường xuyên hầu như không thể giảm do nhu cầu hoạt động của chính phủ ngày càng cao và để đảm bảo sự vận hành ổn định của bộ máy chính phủ. Bên cạnh đó, tỷ lệ thâm hụt ngân sách (được dùng để đầu tư) cũng không thể tăng quá các giới hạn cho phép do nhu cầu ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, thuế vẫn là con đường duy nhất để tăng tiết kiệm của chính phủ.

Dưới đây sẽ xây dựng mô hình dự báo tiết kiệm của dân cư ở nước ta đến năm 2020 với hai nhân tố chủ yếu trên.

2) Mô hình lý thuyết dự báo tỷ lệ tiết kiệm của dân cư ở tầm dài hạn

(1) Mô hình tăng trưởng dài hạn

Để nghiên cứu tính khả thi của các mục tiêu tăng trưởng dài hạn, trước tiên, người ta phải phân tích nhu cầu vốn để đạt được mục tiêu tăng trưởng và khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu. Mặc dù có những điểm rất khác nhau về các nhân tố tăng trưởng ngắn hạn, nhưng hầu như tất cả các lý thuyết kinh tế đều thống nhất coi vốn đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư là nhân tố cơ bản xác định tỷ lệ tăng trưởng dài hạn, nhất là đối với các nước đang phát triển; trong khi nguồn vốn đầu tư lại phụ thuộc rất lớn vào khả năng tiết kiệm.

Để xác định cầu đầu tư, người ta thường sử dụng hệ số ICOR, trong khi để xác định cung đầu tư, người ta phải xuất phát từ khả năng tích luỹ của khu vực dân cư, của doanh nghiệp, của chính phủ, của hệ thống ngân hàng và các nguồn vốn khác, kể cả nguồn vốn huy động từ nước ngoài.

Mô hình tăng trưởng truyền thống phân tích, dự báo quá trình tăng trưởng dài hạn và cân bằng xuất phát từ giả thiết tồn tại cân bằng giữa tiết kiệm và đầu tư trong điều kiện sử dụng hết công suất của bộ máy sản xuất. Mô hình tăng trưởng tổng quát gồm 4 phương trình:

                      Y* - Y*(t-1)  =  k * I(t-1)                                        (1)

                      Y(t)   =  C(t)  +  I(t)                                               (2)

                      I(t)     =  s * Y*(t)                                                    (3)

                      C(t)    =  (1-s) * Y*(t)                                              (4)

trong đó:

  Y* là kết quả sản xuất tương ứng với sử dụng các nhân tố sản xuất theo đúng tiềm năng; Y là kết quả sản xuất thực tế; I là vốn đầu tư; C là tiêu dùng toàn xã hội; k là tỷ lệ xác định quan hệ giữa vốn và kết quả sản xuất (từ công thức xác định k, có thể suy ra hệ số ICOR bằng 1/k); s là tỷ lệ giữa đầu tư và sản xuất. Các hệ số k và s đều dương và nhỏ hơn đơn vị.

  Trong mô hình trên, phương trình đầu phản ánh thay đổi khả năng sản xuất phụ thuộc vào đầu tư mới và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số k hay ICOR). Phương trình thứ hai phản ánh kết quả sản xuất thực tế, được xác định theo lý thuyết cầu, tức là sản xuất bằng tổng của tiêu dùng và đầu tư. Phương trình thứ ba giả định cầu đầu tư được xác định từ khả năng sản xuất. Phương trình cuối cùng giả định cầu tiêu dùng là phần còn lại của kết quả sản xuất sau khi đã trừ đi phần được sử dụng để đầu tư.

Về dài hạn, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng; do vậy, Y* = Y. Bằng cách nhóm lại các phương trình, có thể giải ra phương trình xác định kết quả sản xuất như sau:

                      Y(t)     =     (1+k*s) * Y(t-1)                                  (5)

hay                Y(t) / Y(t-1)    =   1 + k*s                                                 (6)

Từ đây suy ra tỷ lệ tăng trưởng kinh tế g sẽ được xác định khi k và s được xác định; công thức xác định g như sau:

                      g  = DY(t) / Y(t-1)     =   k * s   =    s / ICOR                    (7)

tức là về dài hạn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ bằng tỷ lệ đầu tư chia cho hệ số ICOR. Như vậy, theo mô hình, để dự báo khả năng tăng trưởng dài hạn, chỉ cần dự báo tiến triển của các hệ số k và s.

Ngược lại, nếu chúng ta xác định được khả năng tăng trưởng dài hạn, đồng thời biết được hệ số ICOR, thì sẽ xác định được nhu cầu đầu tư phát triển theo công thức :

                      s        =        g * ICOR                                            (8)

Khi sử dụng hệ số ICOR, cần lưu ý rằng ICOR được tính theo giá cố định để loại bỏ ảnh hưởng của nhân tố giá. Mặt khác, có thể tính ICOR theo hai phương pháp sau, nhưng đều cho cùng một kết quả:

Theo phương pháp 1:

                      ICOR(t)       =        I(t-1)/DY(t)                               (9)

Theo phương pháp 2:

                      ICOR(t)       =        s(t-1)/g(t),                                 (10)

trong đó I(t) là tổng vốn đầu tư năm t, DY(t)=Y(t)-Y(t-1), s(t-1) là tỷ lệ đầu tư trên GDP năm t-1, và g(t) là tỷ lệ tăng trưởng của Y năm t.

Vì  theo định nghĩa ICOR = I(t-1)/ DY(t) nên ta có:

            ICOR   =  [I(t-1)/Y(t-1)]/[DY(t)/Y(t-1)]  =  s(t-1)/g(t)      (11)

đúng theo công thức (10); như vậy hai phương pháp trên cho cùng một kết quả.

(2) Mô hình dự báo tiết kiệm dài hạn

Theo lô gíc của mô hình tăng trưởng dài hạn và căn cứ vào các nhân tố ảnh hưởng dài hạn đến tiết kiệm của dân cư, dự báo nhu cầu tiết kiệm của dân cư sẽ dựa chủ yếu vào nhu cầu đầu tư của nền kinh tế. Tuy nhiên, vì nhu cầu đầu tư của nền kinh tế được đáp ứng bằng hai nguồn tích luỹ đều quan trọng ở nước ta trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 là tiết kiệm của chính phủ và tiết kiệm của dân cư nên sẽ có hai nhân tố ảnh hưởng đến tiết kiệm dài hạn của dân cư là tổng nhu cầu đầu tư của nền kinh tế và tiết kiệm của chính phủ (ngoài ra còn có nhân tố tiết kiệm nước ngoài) với các lập luận như đã nêu trên.

Quan hệ giữa các chỉ tiêu trên được thể hiện như sau:

                      s = Sg * TKg + Sp * TKp  +  C                              (12)

          trong đó s là tỷ lệ đầu tư trên GDP, TKg và TKp lần lượt là tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ và tiết kiệm của dân cư trên GDP; Sg và Sp lần lượt là trọng số phản ánh sự tăng lên của 1% tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ và 1% tỷ lệ tiết kiệm của dân cư trên GDP đối với tỷ lệ đầu tư trên GDP; C là hằng số.

  Đây có thể xem là phương trình quan hệ tỷ lệ, không phải là phương trình quan hệ nhân quả giải thích các nhân tố hình thành vốn đầu tư. Ý nghĩa chủ yếu của phương trình này là đầu tư được hình thành chủ yếu từ hai nguồn tiết kiệm của chính phủ và tiết kiệm của dân cư.

Từ phương trình trên, chúng ta có:

                      TKp = (s - Sg * TKg – C) / Sp                               (13)

Dưới đây chúng ta sẽ sử dụng phương trình (8) và phương trình (13) của mô hình này dự báo một số khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thời kỳ 10 năm tới. Trong mô hình thực nghiệm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) được dùng làm chỉ tiêu đại diện cho biến Y trong mô hình lý thuyết.

3) Xác định các hệ số s và ICOR      

Bảng 4 cho thấy tỷ lệ đầu tư trên GDP của nước ta (cả hai chỉ tiêu đầu tư và GDP đều được tính theo giá cố định) đã liên tục tăng lên trong thời kỳ đổi mới, từ 17,9% năm 1990 lên tới 56,4% năm 2006. Tuy nhiên, phân tích kỹ có thể thấy tiến trình này được chia làm 2 giai đoạn rõ rệt. Trong giai đoạn đầu 1991-1996, tỷ lệ đầu tư sau khi tăng mạnh trong 3 năm 1991-1993 đã cơ bản ổn định ở mức 33,5% trong 3 năm 1994-1996. 

Bảng 4: Hệ số s và ICOR toàn nền kinh tế (*)

Năm
GDP (giá 1994)
Vốn đầu tư (giá 1994)
Tỷ lệ tăng trưởng GDP
Tỷ lệ đầu tư trên GDP
ICOR (trễ 1 năm)
ICOR (không tính trễ)
(1)
(2)
(3)
(4)
(5=3:2)
(6=5-1:4)
(6=5:4)
1990
131968
23609
5,1
17,89
3,08
3,51
1991
139634
27966
5,8
20,03
2,30
3,45
1992
151782
42796
8,7
28,20
3,49
3,24
1993
164043
58374
8,1
35,58
4,03
4,41
1994
178534
57806
8,8
32,38
3,39
3,67
1995
195567
64685
9,5
33,08
3,54
3,47
1996
213833
74315
9,3
34,75
4,26
3,72
1997
231264
88607
8,2
38,31
6,65
4,70
1998
244596
90952
5,8
37,18
7,79
6,45
1999
256272
99855
4,8
38,96
5,74
8,16
2000
273666
115109
6,8
42,06
6,10
6,20
2001
292535
129460
6,9
44,25
6,25
6,42
2002
313247
147993
7,1
47,24
6,44
6,67
2003
336242
166814
7,3
49,61
6,37
6,76
2004
362435
189319
7,8
52,24
6,19
6,71
2005
393031
213931
8,4
54,43
6,66
6,45
2006
425135
239813
8,2
56,41
6,64
6,91

Nguồn số liệu để tính: Niên giám Thống kê 2006 (số liệu 1995-2006), số liệu thống kê 1975-2000 (số liệu 1990-1994).

(*): Hai chỉ tiêu đầu tư và GDP trong xác định tỷ lệ đầu tư trên GDP và hệ số ICOR đều được tính theo giá cố định.

Trong giai đoạn 2 từ năm 1997 đến nay, tỷ lệ đầu tư đã liên tục tăng lên với tốc độ gia tăng ngày càng nhanh. Nếu như trong 2 năm 1997-1998, tỷ lệ này mới khoảng 38% thì chỉ sau chưa đến 10 năm, đã tăng đến 56,4% tức tăng thêm gần 20%, là mức tăng lên rất nhanh. Như vậy, đầu tư đã chiếm tới hơn một nửa tổng giá trị sản phẩm tạo ra trong một năm của nước ta tính theo giá cố định (GDP).

Trong so sánh quốc tế, đáng tiếc là không có các số liệu về đầu tư và GDP theo giá cố định của nhiều nước để so sánh vì trên thực tế các số liệu về tỷ lệ đầu tư trên GDP tính theo giá cố định hiếm khi được công bố. Để đơn giản và thuận lợi cho việc so sánh quốc tế, nghiên cứu này sẽ tính ICOR căn cứ vào tỷ lệ đầu tư trên GDP tính theo giá hiện hành mặc dù chỉ tiêu này không phù hợp với cơ sở lý thuyết (như trình bày ở trên) đồng thời không phản ảnh đúng tình hình thực tế do bị tác động của yếu tố giá. Kết quả được thể hiện trong bảng sau.

Bảng 5: Hệ số s và ICOR toàn nền kinh tế (*)

Năm
GDP (giá hiện hành)
Vốn đầu tư (giá hiện hành)
Tỷ lệ tăng trưởng GDP
Tỷ lệ đầu tư trên GDP
ICOR (trễ 1 năm)
ICOR (không tính trễ)
(1)
(2)
(3)
(4)
(5=3:2)
(6=5-1:4)
(6=5:4)
1990
41955
7581
5,1
18,1
3,11
3,55
1991
76707
13471
5,8
17,6
2,02
3,02
1992
110532
24826
8,7
22,5
2,78
2,58
1993
140258
43287
8,1
30,9
3,49
3,82
1994
178534
57104
8,8
32,0
3,35
3,62
1995
228892
72447
9,5
31,7
3,39
3,32
1996
272036
87394
9,3
32,1
3,94
3,44
1997
313623
108370
8,2
34,6
5,99
4,24
1998
361017
117134
5,8
32,4
6,80
5,63
1999
399942
131171
4,8
32,8
4,83
6,87
2000
441646
151183
6,8
34,2
4,96
5,04
2001
481295
170496
6,9
35,4
5,00
5,14
2002
535762
200145
7,1
37,4
5,09
5,28
2003
613443
239246
7,3
39,0
5,01
5,31
2004
715307
290927
7,8
40,7
4,82
5,22
2005
839211
343135
8,4
40,9
5,01
4,84
2006
973790
398900
8,2
41,0
4,82
5,01

Nguồn số liệu để tính: Xem bảng 4. (*): Hai chỉ tiêu đầu tư và GDP trong xác định tỷ lệ đầu tư trên GDP và hệ số ICOR đều được tính theo giá hiện hành.

  Theo kết quả tính toán trong bảng 5, tỷ lệ đầu tư trên GDP theo giá hiện hành thấp đáng kể so với tính theo giá cố định; điều này cũng có nghĩa là tốc độ tăng giá của hàng hóa đầu tư trong hơn một thập kỷ qua thấp đáng kể so với tốc độ tăng giá tiêu dùng và giá xuất nhập khẩu quy ra nội tệ.

  Mặt khác, mặc dù xu hướng tiến triển của chỉ tiêu này theo 2 cách tính khác nhau đều tương đối giống nhau, nhưng chênh lệch giữa chúng đã liên tục tăng lên. Nếu như năm 1994, giá trị của chúng gần như sát nhau (thực ra thì phải bằng nhau vì cùng được tính theo giá cố định 1994), thì đến năm 2006 chênh lệch đã tới 12,1%, tức là rất đáng kể.

4) Xác định tỷ lệ tiết kiệm của dân cư

Số liệu về tỷ lệ tiết kiệm của dân cư đã được tính toán trong bảng 3. Sử dụng kỹ thuật kinh tế lượng để ước lượng phương trình (12) chúng ta có quan hệ giữa tỷ lệ đầu tư trên GDP, tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ và tỷ lệ tiết kiệm của dân cư trên GDP cho thời kỳ 1986-2006 (21 quan sát) như sau:

s = 0,711 * TKp + 1,670 * TKg  +  10,191                      (14)

                 (5,022)             (5,267)               (7,853)

R2 = 0,936              R2a = 0,929          F = 132,34            DW = 1,079

Từ đây suy ra:

            TKp = (s – 1,670 * TKg – 10,191) / 0,711                      (15)

Vì phương trình này được xây dựng với chuỗi số liệu gồm 21 năm nên có thể dùng để dự báo tiết kiệm kéo dài từ nay đến năm 2015. Tuy nhiên, để thuận tiện trong nghiên cứu, phương trình này và hệ số ICOR nêu trên sẽ được sử dụng để dự báo nhu cầu đầu tư và tiết kiệm của dân cư đến năm 2020 dưới đây.

V. DỰ BÁO TIẾT KIỆM CỦA DÂN CƯ ĐẾN NĂM 2020

1) Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nước ta đến năm 2020 đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đề ra và được các Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX và X tái khẳng định là “phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Mặt khác, căn cứ vào dự báo môi trường trong nước và quốc tế trong tương lai xa tương đối thuận lợi, các dự báo sơ bộ đều cho thấy kinh tế Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XXI sẽ tăng trưởng nhanh, trong đó 10 năm 2011-2020 là giai đoạn tốc độ tăng trưởng bình quân có thể tăng lên rất cao.

Nhiều dự báo bước đầu cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ cao và liên tục trong ít nhất 1- 2 thập kỷ tới như kinh nghiệm của Trung Quốc hay nhiều nước trong khu vực Đông Á. Đó là vì mặc dù tiềm ẩn những nhân tố bất ổn lớn, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, song với thành tựu của 25 năm đổi mới (1986-2010), Việt Nam có khả năng vượt qua những thách thức, phát huy được nhiều nhân tố tích cực trong và ngoài nước vào thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.

Do vậy, cần đứng trên tầm nhìn chiến lược để nắm chắc lấy thời cơ và vận hội lớn này nhằm triển khai nhiều việc lớn, tạo ra bước chuyển biến mang tính lịch sử, làm cho đất nước có bước tiến nhảy vọt với lực lượng sản xuất nhanh chóng được hiện đại hóa. Đồng thời, nên coi giai đoạn 2011-2045 là giai đoạn phát triển mới, khác hẳn về chất so với những giai đoạn trước (1945-1975, 1976-1986, 1986-2010); trong đó giai đoạn 2011-2020 là giai đoạn đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển mạnh đất nước từ vị trí khởi đầu ở ngưỡng nước có thu nhập trung bình sang vị trí cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đời sống nhân dân bắt đầu khá giả, nâng cao được sức cạnh tranh và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Xuất phát từ nhận thức trên, có thể dự báo đầu tư, tiết kiệm trên cơ sở ý tưởng về mục tiêu phát triển tổng quát của Việt Nam đến năm 2020 như sau:

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Phấn đấu đưa nước ta từ vị trí khởi đầu ở ngưỡng nước có thu nhập trung bình sang cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đời sống nhân dân bắt đầu khá giả. Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng xây dựng một nền kinh tế sản xuất hàng hoá nhiều thành phần, quy mô lớn; chất lượng và sức cạnh tranh quốc tế được nâng cao rõ rệt, dựa trên khai thác tốt các tiềm năng của đất nước, nhất là tiềm năng về con người. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Khai thác có hiệu quả cao các quan hệ đối ngoại. Hệ thống giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến đột phá về số lượng và chất lượng. Ứng dụng khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường sinh thái và nhân tố con người, và khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển. Xoá bỏ hiện tượng nghèo khổ tuyệt đối; mọi người đều được chăm sóc y tế. Văn hoá, xã hội phát triển vừa hiện đại, vừa mang bản sắc dân tộc và vừa đồng bộ với phát triển kinh tế. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia... Phấn đấu đến năm 2020, đất nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tức là cơ bản hoàn thành bước quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời tiếp tục tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong những năm tiếp theo[1].

Về tăng trưởng kinh tế, mục tiêu cụ thể của Chiến lược 10 năm 2011-2020 là phấn đấu đưa GDP năm 2020 lên ít nhất 2,6-3 lần năm 2010 (tính theo giá cố định); tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt 10-12%/năm.

Mục tiêu tăng trưởng 10-12% được xây dựng dựa trên các căn cứ sau:

- Các định hướng phát triển lớn đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX và X đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010 và những chủ trương, định hướng phát triển mang tính dài hạn đề ra tại các Hội nghị Trung ương khoá IX, X;

- Các dự báo về khả năng phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020;

- Những dư địa lớn còn rất lớn có thể khai thác;

- Khả năng mở rộng rất nhanh các loại thị trường trong nước là hết sức to lớn do dân số đông và trong những năm qua các loại thị trường này chưa được chú trọng khai thác.

- Tốc độ hội nhập quốc tế ngày càng nhanh và sâu sắc; thị trường ngoài nước được mở ra nhanh…, tạo thêm nhiều thuận lợi mới để thực hiện các cân đối vĩ mô theo hướng tăng hiệu quả kinh tế xã hội toàn diện, thúc đẩy quá trình tham gia tích cực, chủ động của nước ta vào phân công lao động quốc tế.

Việc đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP cao tới 10-12%/năm có thể cho phép đạt được mục tiêu do các Đại hội Đảng đề ra. Theo các tính toán sơ bộ, với tốc độ tăng trưởng 8-8,5% cho giai đoạn 2006-2010 và 10-12% cho giai đoạn 2011-2020, đến năm 2020, GDP theo giá cố định 1994 đạt khoảng 1500-1750 nghìn tỷ đồng, gấp 11,4-13,5 lần so với GDP năm 1990, vượt mạnh so với mục tiêu Đại hội lần thứ VIII đề ra; GDP theo giá hiện hành dự kiến đạt khoảng 8900-10500 nghìn tỷ đồng, quy đổi ra USD khoảng 420-500 tỷ USD (chỉ số giá GDP tăng 7%/năm; tỷ giá được điều chỉnh hàng năm tăng 2% so với năm trước); GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 4400-5200 USD.

Nếu chỉ căn cứ vào tiêu chí GDP bình quân đầu người thì đến năm 2020, nước ta vẫn ở mức thấp so với các nước khác khi trở thành nước công nghiệp và tham gia tổ chức các nước hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Các nước này khi tham gia vào tổ chức OECD thường có GDP đầu người trên 8000-9000 USD. Nếu tính theo tỷ giá PPP thì GDP năm 2020 của nước ta có thể đạt cao hơn, khoảng 14.000-16.000 USD/người, song vẫn thấp so với các nước khi trở thành nước công nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, việc so sánh, đánh giá trình độ phát triển của một nước, đặc biệt là ngưỡng để chuyển từ một nước đang phát triển sang một nước công nghiệp phát triển, không thể chỉ dựa vào một tiêu chí duy nhất là GDP bình quân đầu người mà còn phải căn cứ vào nhiều tiêu chí khác. Nếu như trước năm 1960, người ta thường chỉ nhìn vào chỉ tiêu GDP bình quân đầu người thì trong 4 thập kỷ cuối của thế kỷ XX, người ta đã chuyển sang đánh giá theo chỉ số phát triển con người (HDI). Đặc biệt, trong những năm đầu thế kỷ XXI, chỉ số HDI đã được xem là lạc hậu vì được xây dựng chỉ dựa trên 3 tiêu chí (GDP bình quân đầu người, trình độ học vấn và tuổi thọ). Hiện nay, thế giới đang nghiên cứu xây dựng chỉ số mới, xu hướng chung là dựa trên tổng hợp các chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ (MDG). Nếu căn cứ theo phương pháp đánh giá này thì trình độ phát triển của nước ta cao hơn nhiều so với chỉ căn cứ vào một tiêu chí duy nhất là GDP bình quân đầu người.

Mặt khác, công nghiệp hoá là chặng đường phát triển tất yếu của các nền kinh tế đi từ kinh tế tự nhiên, qua kinh tế nông nghiệp, sang kinh tế công nghiệp, đến kinh tế hậu công nghiệp (kinh tế tri thức). Nhưng mỗi nước, nhóm nước lại có những đặc điểm riêng khác nhau, mỗi thời đại có những điều kiện khác nhau, nên con đường công nghiệp hoá mà mỗi nước lựa chọn và thực hiện cũng không giống nhau và khi trở thành nước công nghiệp thì ngưỡng đánh giá cũng không giống nhau... Vì vậy, trong nghiên cứu này, tạm thời dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta giai đoạn 2011-2020 khoảng 10-12%/năm.

2) Dự báo tỷ lệ đầu tư (s)

Trong nghiên cứu này sẽ dự báo tỷ lệ đầu tư trên GDP theo cách tính thông thường hiện nay, tức là tính với đầu tư và GDP đều theo giá hiện hành. Theo nhiều phân tích (không được trình bày lại ở đây), tỷ lệ đầu tư trên GDP theo giá hiện hành của ta hiện nay đã cao hơn nhiều so với trung bình của các nước đang phát triển châu Á trong khi tỷ lệ đầu tư của khu vực châu Á đã và đang dẫn đầu thế giới nên tỷ lệ đầu tư của nền kinh tế nước ta cũng đang vào loại rất cao so với trình độ thế giới; do đó chúng ta khó có thể cứ liên tục nâng tỷ lệ đầu tư lên cao mãi.

Mặt khác, các lý thuyết kinh tế đều cho rằng trong mỗi giai đoạn phát triển, bao giờ cũng tồn tại một quan hệ tỷ lệ tối ưu giữa đầu tư và tiêu dùng (mà Các Mác đã dùng thuật ngữ cấu tạo hữu cơ của tư bản - C/V - để diễn đạt). Khi xảy ra mất cân bằng trong quan hệ tỷ lệ trên, ví dụ đầu tư quá nhiều so với trả công cho người lao động thì hiệu quả vốn đầu tư nói riêng và hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống kinh tế nói chung sẽ phải giảm xuống.

Chính vì vậy, nhiều nước như Trung Quốc, Singapo, Ấn Độ... đã và đang phải điều chỉnh giảm tỷ lệ đầu tư của mình để kìm hãm sự phát triển quá nóng (quá so với tiềm năng dài hạn) của nền kinh tế và tình trạng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư giảm sút. Trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nhiều nước Đông Á đã không giữ tỷ lệ đầu tư - tiêu dùng ở mức tối ưu mà đưa tỷ lệ đầu tư lên những mức rất cao, dẫn tới mất cân đối giữa tiết kiệm trong nước và đầu tư, buộc phải vay mượn vốn nước ngoài quá nhiều, từ đó phát sinh khủng hoảng kinh tế (Thái Lan, Hàn Quốc, Inđônêxia, Philippin và Hồng Kông). Phân tích các số liệu cũng cho thấy các nước công nghiệp duy trì được tỷ lệ đầu tư trên GDP rất ổn định trong suốt 3 thập kỷ 70, 80 và 90 của thế kỷ XX và trong suốt thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI; đây có thể được coi là tỷ lệ đầu tư tối ưu đối với các nước này.

Với những phân tích kể trên, có thể tin rằng tỷ lệ đầu tư của ta sẽ tiếp tục tăng lên song khó có thể tăng mạnh theo xu thế cũ được nữa mặc dù chúng ta đang và sẽ tiếp tục trong giai đoạn tăng tốc, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thực tế, Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IX đã đặt ra tỷ lệ đầu tư tương đối ôn hoà cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005, khoảng 31-32% GDP; với tỷ lệ đầu tư này, Đại hội Đảng dự kiến vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,5%/năm và có công trình gối đầu cho kế hoạch 5 năm tiếp theo. Tỷ lệ đầu tư trên tương ứng với yêu cầu tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế khoảng 28-30% GDP. Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, do nhu cầu phát triển nhanh hơn trong bối cảnh có nhiều thuận lợi hơn, Đại hội Đảng lần thứ X đã đặt ra tỷ lệ đầu tư cao hơn so với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005, lên khoảng 40% GDP. Với tỷ lệ đầu tư này, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 8,5%/năm và có công trình gối đầu cho kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Điều này cũng phù hợp với chủ trương phát triển dài hạn của Đảng vì Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IX cũng đặt ra yêu cầu tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế khoảng trên 30% GDP trong thời kỳ Chiến lược 10 năm 2001-2010. Điều này cũng có nghĩa là tỷ lệ đầu tư trên GDP trung bình trong thời kỳ Chiến lược 10 năm 2001-2010 sẽ khoảng trên 33% và được dồn vào kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.

Như vậy, có thể dự đoán về mặt chính sách, nếu như thực hiện đúng Nghị quyết của Đại hội Đảng và tôn trọng các quy luật khách quan của nền kinh tế, chúng ta sẽ cố gắng đưa tỷ lệ đầu tư trên GDP tăng lên khoảng 40% trong nửa cuối của thập kỷ đầu tiên của thế kỳ XX, và tăng nhẹ trong giai đoạn sau năm 2010. Dự kiến tỷ lệ đầu tư trên GDP trung bình thời kỳ 2011-2020 khoảng 42-45%. Chính sách này đặt ra nhằm tạo ra quan hệ cân đối hơn giữa tích luỹ và tiêu dùng, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

3) Về hệ số ICOR:

Dự báo việc huy động các nguồn vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho 10 năm tới (2011-2020) sẽ cơ bản diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên nhân tố quyết định để đảm bảo đủ nguồn vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho 10 năm tới chính là nâng cao chất lượng đầu tư. Hệ số ICOR hiện nay khoảng là 5 nhưng với những đổi mới mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, về cải cách các thủ tục hành chính..., chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao chất lượng sử dụng vốn đầu tư thêm 15-20% để giảm hệ số ICOR xuống còn 4-4,5 trong giai đoạn đến năm 2020.

Khi đó, với tỷ lệ đầu tư trên GDP tăng lên (có thể tới 42-45% trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa cao tốc) và chất lượng đầu tư được cải thiện, tốc độ tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể cao hơn 10-12%/năm trong suốt thập kỷ tới như kinh nghiệm của Trung Quốc và một số nước khác đã trải qua. 

4) Dự báo nhu cầu tiết kiệm của dân cư đến năm 2020

Để dự báo nhu cầu tiết kiệm của dân cư đến năm 2020, phương án hợp lý nhất là dự báo qua 2 giai đoạn 2007-2010 và 2011-2020 vì nó cho phép tính toán nhu cầu đầu tư và tiết kiệm tương ứng với các giai đoạn cần nghiên cứu. Đối với giai đoạn 2007-2010, dự kiến không có những thay đổi lớn so với tình hình hiện nay; song đối với giai đoạn 2011-2020, có thể có nhiều khả năng khác nhau, trong đó có thể có những thay đổi lớn.

Căn cứ vào các phân tích nêu trên, chúng tôi đề xuất 5 phương án dự báo nhu cầu tiết kiệm của dân cư để đáp ứng mục tiêu đầu tư và tăng trưởng cho giai đoạn 2011-2020 như sau:

Bảng 6: Các tỷ lệ tiết kiệm nội địa so với GDP (%)

Phương án
Tốc độ tăng trưởng GDP (%)
Hệ số ICOR
Tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ trên GDP (%)
1
10
như hiện này là 4,8
10
2
10
4,4
10
3
10
4,0
7
4
12
4,4
10
5
12
4,0
7

Nguồn: Giả định của tác giả.

Trong số 5 phương án trên, ba phương án đầu được xây dựng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế khả thi nhất là 10%/năm. Để đạt được mục tiêu này, hiệu quả đầu tư, thể hiện qua hệ số ICOR, có thể giữ nguyên như tình hình hiện nay, hoặc có thể nâng cao thêm 8,3% hoặc 16,7%. Tương tự, tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ trên GDP cũng có thể giảm nhẹ từ mức hiện nay là trên 11% xuống còn 10% hoặc giảm xuống còn 7% theo đà phát triển mạnh của kinh tế dân doanh.

Hai phương án cuối được xây dựng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế tham vọng hơn là 12%/năm. Đây là mục tiêu phấn đấu rất cao vì tốc độ tăng trưởng này cũng hiếm có nước nào trên thế giới mà bản thân chúng ta cũng chưa bao giờ đạt tới. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải có những thay đổi mạnh mẽ về chất trong mọi hoạt động kinh tế; có như vậy mới có thể nâng cao nhanh và rõ rệt hiệu quả sử dụng các nguồn tiết kiệm và vốn đầu tư. Mặt khác, cũng cần nhanh chóng giảm tỷ lệ tiết kiệm của nhà nước để gia tăng tỷ lệ tiết kiệm của dân cư nhằm sử dụng tiết kiệm quốc gia có hiệu quả hơn. Tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ trên GDP cần giảm mạnh từ mức hiện nay là trên 11% xuống còn 7% hoặc ít hơn theo xu hướng chung của các nước khác trên thế giới.

Dĩ nhiên, trong 5 phương án trên, các phương án thứ 3 và thứ 5 có tính hiệu quả cao nhất. Kết quả dự báo nhu cầu tiết kiệm của dân cư theo 5 phương án trên như sau:

a) Tiết kiệm của dân cư theo phương án 1:

Phương án 1 được xây dựng với giả định tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới đạt 10%/năm, hiệu quả đầu tư (thông qua hệ số ICOR) vẫn giữ nguyên như hiện nay, đồng thời tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ trên GDP giảm nhẹ từ mức hiện nay là trên 11% xuống còn 10% để khuyến khích khu vực dân cư gia tăng tiết kiệm. Kết quả dự báo được nêu trong bảng sau:

Bảng 7: Dự báo tiết kiệm của dân cư theo phương án 1

Năm
GDP (%)
GDP giá 1994
(tỷ đồng)
GDP giá hiện hành
(tỷ đồng)
ICOR
Tỷ lệ đầu tư trên GDP (%)
Tỷ lệ TKCP (%)
Tỷ lệ TKDC (%)
Tiết kiệm dân cư
(tỷ đồng)
2007
8,5
461271
1144257
4,8
40,8
11
20,0
228851
2008
9
502786
1334547
4,8
43,2
11
22,0
293600
2009
9,5
550551
1563622
4,8
45,6
11
24,0
374719
2010
10
605606
1840383
4,8
48
11
27,3
503167
2011
10
666166
2166130
4,8
48
10
29,7
643106
2012
10
732783
2549536
4,8
48
10
29,7
756936
2013
10
806061
3000803
4,8
48
10
29,7
890914
2014
10
886667
3531945
4,8
48
10
29,7
1048605
2015
10
975334
4157100
4,8
48
10
29,7
1234208
2016
10
1072867
4892907
4,8
48
10
29,7
1452663
2017
10
1180154
5758951
4,8
48
10
29,7
1709785
2018
10
1298169
6778285
4,8
48
10
29,7
2012417
2019
10
1427986
7978042
4,8
48
10
29,7
2368614
2020
10
1570785
9390155
4,8
48
10
29,7
2787859

Kết quả dự báo cho thấy trong 10 năm 2011-2020:

(1) Tỷ lệ đầu tư trên GDP sẽ tăng lên rất cao, tương đương 48% GDP. Đây là mức hầu như chưa nước nào trên thế giới đạt tới. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì chỉ tiêu đo lường tổng vốn đầu tư toàn xã hội ở nước ta hiện nay thực ra không giống với chỉ tiêu được sử dụng rộng rãi trên thế giới vì chỉ tiêu này của ta bao gồm cả những chi tiêu không được thế giới phân loại vào đầu tư phát triển mà vào tiêu dùng. Nếu lấy chỉ tiêu tổng tích luỹ tài sản cố định trong cân đối nguồn - sử dụng GDP để làm thước đo tổng vốn đầu tư toàn xã hội thì chênh lệch về đo lường giữa số của nước ta và số tính lại theo phương pháp quốc tế có thể lên tới 15-20%. Do vậy, tỷ lệ đầu tư trên GDP 48% nêu trên chỉ tương đương khoảng 40-42% nếu quy đổi theo cách tính của quốc tế; và do đó vẫn có thể thực hiện được trong khoảng thời gian khá dài theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

(2) Tỷ lệ tiết kiệm của dân cư đạt 29,7%, tức là tăng mạnh so với hiện nay song vẫn nằm trong giới hạn có thể chấp nhận được theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

(3) Về giá trị, tiết kiệm của dân cư sẽ tăng từ 228,8 nghìn tỷ đồng hiện nay lên 2788 nghìn tỷ đồng vào năm 2020 (đều theo giá hiện hành), tức là tăng lên gấp 12,2 lần.

Như vậy, phương án này có tính khả thi vì tỷ lệ đầu tư trên GDP không tăng lên quá cao so với chuẩn mực quốc tế; các tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ và của dân cư cũng hoàn toàn có thể đạt được.

Tuy nhiên, do các chỉ tiêu tích luỹ, đầu tư đều được đẩy lên ở mức tiếp cận giới hạn nên vẫn có nguy cơ tăng trưởng nhanh đi kèm với gia tăng nhanh mất cân đối cơ cấu giữa tích luỹ - tiêu dùng - đầu tư, đồng thời hiệu quả kinh tế thấp. Do đó tăng trưởng có thể không bền vững nếu công tác quản lý kinh tế vĩ mô có lúc không thận trọng.

b) Tiết kiệm của dân cư theo phương án 2:

Phương án 2 được xây dựng với giả định tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới vẫn chỉ đạt 10%/năm như phương án 1 song hiệu quả đầu tư (thông qua hệ số ICOR) tăng 8,3% so với hiện nay, đồng thời tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ trên GDP giảm nhẹ từ mức hiện nay là trên 11% xuống còn 10% để khuyến khích khu vực dân cư gia tăng tiết kiệm.

Bảng 8: Dự báo tiết kiệm của dân cư theo phương án 2

Năm
GDP (%)
GDP giá 1994
(tỷ đồng)
GDP giá hiện hành
(tỷ đồng)
ICOR
Tỷ lệ đầu tư trên GDP (%)
Tỷ lệ TKCP (%)
Tỷ lệ TKDC (%)
Tiết kiệm dân cư
(tỷ đồng)
2007
8,5
461271
1144257
4,8
40,8
11
20,0
228851
2008
9
502786
1334547
4,7
42,3
11
22,0
293600
2009
9,5
550551
1563622
4,6
43,7
11
21,3
332935
2010
10
605606
1840383
4,5
45
11
23,1
425514
2011
10
666166
2166130
4,4
44
10
24,1
521242
2012
10
732783
2549536
4,4
44
10
24,1
613502
2013
10
806061
3000803
4,4
44
10
24,1
722092
2014
10
886667
3531945
4,4
44
10
24,1
849902
2015
10
975334
4157100
4,4
44
10
24,1
1000335
2016
10
1072867
4892907
4,4
44
10
24,1
1177394
2017
10
1180154
5758951
4,4
44
10
24,1
1385793
2018
10
1298169
6778285
4,4
44
10
24,1
1631079
2019
10
1427986
7978042
4,4
44
10
24,1
1919779
2020
10
1570785
9390155
4,4
44
10
24,1
2259580

Kết quả dự báo cho thấy trong 10 năm 2011-2020:

(1) Tỷ lệ đầu tư trên GDP sẽ tăng lên song ở tầm chấp nhận được và phù hợp với tiềm năng của nền kinh tế là 44% GDP. Đây cũng là mức một số nước trên thế giới đã đạt tới và có thể duy trì được trong khoảng 10 năm.

(2) Tỷ lệ tiết kiệm của dân cư đạt 24,1%, tức là tăng nhẹ so với hiện nay. Điều này cho thấy tỷ lệ tiết kiệm của dân cư còn thấp so với tiềm năng và so với  kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

(3) Về giá trị, tiết kiệm của dân cư sẽ tăng từ 228,8 nghìn tỷ đồng hiện nay lên 2260 nghìn tỷ đồng vào năm 2020 (đều theo giá hiện hành), tức là tăng lên gấp 9,88 lần.

Như vậy, phương án này rất khả thi vì tỷ lệ đầu tư trên GDP tăng lên ở tầm chấp nhận được; tỷ lệ tiết kiệm của dân cư thấp... Tuy nhiên, như vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chưa tương xứng với tiềm năng có thể huy động thêm. Nếu thực hiện theo phương án này thì cần chú ý những tình huống ngắn hạn do có thể xảy ra mất cân đối cơ cấu tạm thời giữa tích luỹ - tiêu dùng - đầu tư do tỷ lệ đầu tư trên GDP vẫn khá cao.




[1] Việc xác định rõ các bước đi trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta chưa được các Đại hội Đảng làm rõ. Tuy nhiên, về thời kỳ quá độ, Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã xác định phải qua hai chặng đường: Chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế – xã hội và xây dựng những tiền đề cần thiết cho công nghiệp hóa. Chặng đường thứ hai là đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa. Đại hội Đảng lần thứ VII năm 1991 xác định mục tiêu của Chặng đường đầu tiên là đạt tới trạng thái ổn định, vững chắc, tạo thế phát triển nhanh ở chặng đường tiếp sau. Đại hội Đảng lần thứ VIII năm 1996 đã xác định từ năm 1975 đến 1996, cả nước đã đi qua chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ tiến lên CNXH, đồng thời đã tạo được những tiền đề cần thiết để đẩy nhanh tốc độ công nghịêp hóa đất nước. Đại hội cũng xác định chúng ta đã chuyển sang chặng đường tiếp sau, được gọi là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; "nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hoá đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", “GDP năm 2020 tăng từ 8 đến 10 lần so với năm 1990”. Đặc biệt, tại Đại hội này, lần đầu tiên Đảng ta đã khẳng định “làm được những việc nói trên sẽ là một bước tiến lớn trên con đường quá độ lên CNXH ở nước ta”.
Các đại hội Đảng lần thứ IX năm 2001 và X năm 2006 đã bổ sung, hoàn thiện nhiều quan điểm về CNH, HĐH, hoàn chỉnh đường lối CNH, HĐH và định hướng chiến lược CNH, HĐH trong giai đoạn đến năm 2010, đồng thời tái khẳng định phấn đấu “để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Như vậy, có thể xem thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước kéo dài 25 năm (1996-2020) với những thành tựu to lớn vượt dự kiến của các Đại hội Đảng VIII-X là giai đoạn hoàn thành thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta; đồng thời giai đoạn 25 năm tiếp theo (2021-2045) là giai đoạn đất nước chuyển sang xây dựng CNXH, để đến năm 2045 cơ bản trở thành một nước XHCN.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét