Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

(1) THỬ DỰ BÁO TIẾT KIỆM CỦA DÂN CƯ

Bài viết cũ của tôi:
BÀN VỀ TIẾT KIỆM CỦA DÂN CƯ VÀ THỬ DỰ BÁO TIẾT KIỆM CỦA DÂN CƯ CHO PHÁT TRIỂN TRONG THỜI KỲ 2011-2020
I. MỞ ĐẦU
Vấn đề hình thành và huy động các nguồn tiết kiệm của dân cư vào phát triển kinh tế đang trở thành một trong những nhiệm vụ trung tâm của giai đoạn đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng thị trường trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 để đến cuối giai đoạn này, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên trên thực tế, do nhiều nguyên nhân, việc huy động và sử dụng nguồn tiết kiệm của dân cư để đầu tư đến nay vẫn hết sức hạn chế.
Mục tiêu của nghiên cứu này là nghiên cứu tình hình tiết kiệm của dân cư trong những năm đổi mới vừa qua, trên cơ sở đó rút ra các kinh nghiệm và đề ra những giải pháp để tăng cường hơn nữa việc huy động và sử dụng nguồn tiết kiệm của dân cư để đầu tư phát triển; đồng thời trên cơ sở những thông tin này, sẽ đưa ra một số kịch bản dự báo nhu cầu và khả năng huy động nguồn tiết kiệm của dân cư vào phát triển kinh tế trong thập kỷ tới.
Vì vấn đề tiết kiệm chưa được nghiên cứu rộng rãi ở nước ta, thậm chí những số liệu về tiết kiệm còn hầu như chưa được tính toán, công bố chính thức, nên nghiên cứu này sẽ bắt đầu bằng việc xây dựng các khái niệm cơ bản và tính toán các số liệu về tiết kiệm cho nền kinh tế nước ta.
1) Khái niệm về tiết kiệm:
Khái niệm về tiết kiệm được sử dụng rất khác nhau trong những điều kiện khác nhau. Tuy nhiên, để ngắn gọn, dưới đây chỉ trình bày những khái niệm tiết kiệm được sử dụng phổ biến nhất để trên cơ sở đó chọn lựa một khái niệm có thể sử dụng thích hợp trong điều kiện nước ta.
Một cách khái quát nhất, tiết kiệm được hiểu là thu nhập do đất nước, doanh nghiệp hoặc người dân làm ra song chưa được sử dụng ngay mà để dành để sử dụng cho thời kỳ sau. Như vậy, tiết kiệm thực chất là kết quả cân đối giữa thu nhập tạo ra và sử dụng thu nhập cho mục đích tiêu dùng cuối cùng. Do vậy, sẽ có các khái niệm tiết kiệm cơ bản sau:
(1) Tiết kiệm nội địa là kết quả cân đối giữa tổng sản phẩm trong nước (GDP) và tiêu dùng cuối cùng, tức là chênh lệch giữa GDP và tiêu dùng cuối cùng. Tiết kiệm nội địa còn được gọi là tiết kiệm trong nước. Về mặt toán học, chúng ta có công thức xác định như sau:
                      SD        =      GDP  -  C                                           (1)
trong đó SD là tiết kiệm nội địa hay tiết kiệm trong nước; C là tiêu dùng cuối cùng.
(2) Tiết kiệm quốc gia là kết quả cân đối giữa tổng thu nhập quốc gia (GNI) và tiêu dùng cuối cùng, tức là chênh lệch giữa GNI và tiêu dùng cuối cùng. Về mặt toán học, chúng ta có công thức xác định như sau:
                      SN        =      GNI  -  C                                            (2)
trong đó SN là tiết kiệm quốc gia.
(3) Tiết kiệm quốc gia sẵn có để sử dụng là kết quả cân đối giữa tổng thu nhập quốc gia sẵn có để sử dụng (GDI) và tiêu dùng cuối cùng, tức là chênh lệch giữa GDI và tiêu dùng cuối cùng. Về mặt toán học, chúng ta có công thức xác định như sau:
                      SDI       =      GDI  -  C                                            (3)
trong đó SDI là tiết kiệm quốc gia sẵn có để sử dụng.
Rõ ràng với 3 khái niệm trên, chúng ta chỉ có thể sử dụng khái niệm đầu tiên vì phù hợp với điều kiện số liệu thống kê hiện có. Thực tế, Tổng cục Thống kê mới chỉ tính toán và công bố một cách hệ thống các số liệu về GDP và tiêu dùng cuối cùng, chưa tính toán và công bố có hệ thống các số liệu về GNI và GDI.
Mặt khác, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho trường hợp các nước đang phát triển đã cho thấy khi sử dụng các chỉ tiêu tiết kiệm quốc gia hoặc tiết kiệm quốc gia sẵn có để nghiên cứu quá trình hình thành và vận động của vốn đầu tư thì kết quả cũng tương đương với sử dụng chỉ tiêu tiết kiệm nội địa.
Theo định nghĩa, tiết kiệm quốc gia là khái niệm có nhiều ý nghĩa hơn tiết kiệm nội địa để phân tích, dự báo vốn đầu tư của một quốc gia; song tiến triển của nó thường không chắc chắn do số liệu thống kê liên quan đến hoạt động kinh tế đối ngoại thường thiếu chính xác. Đặc biệt, tại nhiều nước đang phát triển, tiết kiệm quốc gia còn thấp hơn tiết kiệm nội địa vì thường xuyên trong tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế với bên ngoài. Chỉ tại những quốc gia có tỷ lệ huy động vốn nước ngoài cao thì mới có thể đảm bảo tiết kiệm quốc gia lớn hơn tiết kiệm nội địa.
Do vậy, nghiên cứu này sẽ sử dụng khái niệm tiết kiệm nội địa để đo lường trình độ tiết kiệm của Việt Nam.
2) Khái niệm về tiết kiệm của chính phủ và dân cư:
Tiết kiệm nội địa do hai đối tượng tạo ra là chính phủ và dân cư; do đó nó gồm tiết kiệm của chính phủ và tiết kiệm của dân cư.
(1) Tiết kiệm của chính phủ:
Tương tự như định nghĩa tiết kiệm nội địa, tiết kiệm nội địa của chính phủ (gọi tắt là tiết kiệm của chính phủ) được đo bằng chênh lệch giữa tổng thu nhập của chính phủ và tổng chi tiêu thường xuyên. Thông thường tổng thu nhập của chính phủ chính là tổng thu ngân sách. Do vậy, nếu gọi T là tổng thu ngân sách và CG là tổng chi thường xuyên của chính phủ thì tiết kiệm của chính phủ được xác định như sau:
                      SG      =        T  -  CG                                                                       (4)
(2) Tiết kiệm của dân cư
Tương tự, tiết kiệm của dân cư được xác định bằng chênh lệch giữa tổng thu nhập của dân cư và tổng tiêu dùng cuối cùng của dân cư; trong đó tổng thu nhập của dân cư bằng tổng thu nhập của toàn xã hội (GDP) trừ đi phần thu nhập của Chính phủ, đại diện bằng thuế T. Do đó, về mặt toán học, chúng ta có công thức xác định tiết kiệm của dân cư như sau:
                      SP        =      (GDP  -  T)  -   CP                                               (5)
trong đó CP là tiêu dùng của dân cư.
(3) Phương trình tổng hợp:
                      SD        =       SG   +  SP                                           (6)
Nghiên cứu này sử dụng các khái niệm trên để đo lường trình độ tiết kiệm của chính phủ và dân cư. Một số nghiên cứu khác (ví dụ nghiên cứu của đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế) có đưa ra một số số liệu khác về trình độ tiết kiệm của chính phủ và dân cư song không nêu nguồn gốc, cách tính các số liệu.
Trong nhiều nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ tiết kiệm của dân cư thường được đo bằng tiết kiệm của dân cư chia cho GDP đã trừ đi thu ngân sách của chính phủ. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, để thuận tiện, sẽ đo lường tỷ lệ tiết kiệm của dân cư trên cơ sở so sánh tiết kiệm của dân cư trực tiếp với GDP.
3) Tiết kiệm nước ngoài
(1) Để phân tích đóng góp của các thành phần tiết kiệm vào đầu tư, cần phải xét đến tiết kiệm nước ngoài. Xuất phát từ phương trình cân bằng vĩ mô cơ bản:
                      GDP   =    C  +  I   +  E  -   M                                 (7)
trong đó I là vốn đầu tư; E và M lần lượt là xuất và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trong bảng cân đối cán cân thanh toán quốc tế, ta có:
                      GDP   -   C  -  I     =  E  -   M                                 (8)
hay:
                      SD      -         I         =  E  -  M                                  (9)
với (E – M) là cân đối đối ngoại. Như vậy, theo phương trình trên, cân đối giữa tiết kiệm nội địa và đầu tư đúng bằng cán cân thương mại hàng hóa và dịch vụ. Từ công thức trên, ta có:
                      I         =        SD      +  (M  -  E)                               (10)
tức là tổng đầu tư của nền kinh tế bằng tiết kiệm nội địa cộng với chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Theo quan điểm kinh tế, (M-E) được gọi là tiết kiệm nước ngoài vì đó là phần vốn do nước ngoài chưa tiêu dùng mà tiết kiệm rồi chuyển vào nền kinh tế nước ta để chúng ta sử dụng thông qua hoạt động xuất nhập khẩu.
Nếu ký hiệu SF = (M – E) thì ta có:
                      I         =        SD      +        SF                                                      (11)
tức là tổng đầu tư bằng tổng tiết kiệm, trong đó tổng tiết kiệm gồm tiết kiệm nội địa và tiết kiệm nước ngoài.
(2) Để đưa vào quan hệ trên vai trò của tiết kiệm của dân cư và tiết kiệm của chính phủ đối với hình thành nguồn vốn trong nền kinh tế, từ cân bằng tổng quát trên, chúng ta có thể viết lại như sau:
                      I    =       GDP - CP  - CG +  M  - E                         (12)
hay nếu thêm T là tổng thu ngân sách mà khu vực dân cư nộp cho chính phủ, tạo nên nguồn thu nhập của chính phủ, thì khi thêm vào công thức trên, chúng ta có:
            I    =      ( GDP - T - CP ) + ( T - CG) +  (M  - E)              (13)
Trong công thức trên, số hạng đầu tiên bên vế phải là tiết kiệm của khu vực dân cư; số hạng thứ hai là tiết kiệm của chính phủ và số hạng cuối cùng là tiết kiệm của nước ngoài. Đây là những nhân tố cơ bản để tạo ra nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế.
III. TIẾN TRIỂN CỦA TIẾT KIỆM TRONG 2 THẬP KỶ GẦN ĐÂY
Với những khái niệm cơ bản nêu trên để thống nhất nhận thức về tiết kiệm của toàn nền kinh tế nói chung và tiết kiệm của dân cư nói riêng, chúng ta sẽ xây dựng các chuỗi số về tiết kiệm trong khoảng 2 thập kỷ gần đây và phân tích tiến triển của chúng.
1) Tiến triển của tiết kiệm nội địa (theo giá cố định 1994)
Bảng 1 dưới đây thể hiện các thông tin để tính toán và kết quả tính toán tiết kiệm nội địa của Việt Nam thời kỳ 1986-2006. Các số liệu được tính theo giá cố định năm 1994. Số liệu cho thấy, trong thời kỳ đầu đổi mới, do xuất phát điểm rất thấp nên tốc độ tăng trưởng của tiết kiệm nội địa đã tăng lên rất nhanh và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của GDP và của tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên, từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước đến nay, tốc độ tăng trưởng của tiết kiệm nội địa đã chậm lại mặc dù vẫn cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của GDP và của tiêu dùng cuối cùng.
Bảng 1: Số liệu về tiết kiệm nội địa của Việt Nam thời kỳ 1986-2006

Khối lượng (giá cố định 1994)
Tốc độ tăng trưởng

GDP
Tiêu dùng cuối cùng
Tiết kiệm nội địa
GDP
Tiêu dùng cuối cùng
Tiết kiệm nội địa
1986
109189
108736
453



1987
113154
110693
2461
3,6
1,8
443,3
1988
119960
115036
4924
6,0
3,9
100,1
1989
125571
118642
6929
4,7
3,1
40,7
1990
131968
123406
8562
5,1
4,0
23,6
1991
139634
127895
11739
5,8
3,6
37,1
1992
151782
133321
18461
8,7
4,2
57,3
1993
164043
139122
24921
8,1
4,4
35,0
1994
178534
148037
30497
8,8
6,4
22,4
1995
195567
158893
36674
9,5
7,3
20,3
1996
213833
173072
40761
9,3
8,9
11,1
1997
231264
182975
48289
8,2
5,7
18,5
1998
244596
190923
53673
5,8
4,3
11,1
1999
256272
194350
61922
4,8
1,8
15,4
2000
273666
200665
73001
6,8
3,2
17,9
2001
292535
210027
82508
6,9
4,7
13,0
2002
313247
225610
87637
7,1
7,4
6,2
2003
336242
243515
92727
7,3
7,9
5,8
2004
362435
260940
101495
7,8
7,2
9,5
2005
393031
280104
112927
8,4
7,3
11,3
2006
425135
301382
123753
8,2
7,6
9,6
Nguồn số liệu: Niên giám thống kê các năm 2000-2006, Kinh tế Việt Nam trong những năm đổi mới, Nhà xuất bản Thống kê, và tính toán dẫn xuất, bổ sung của tác giả (số liệu về tiết kiệm nội địa).
Để thấy rõ hơn quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiết kiệm nội địa, chúng ta hãy quan sát đồ thị 1 dưới đây. Đồ thị cho thấy trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng tương đối ổn định thì tăng trưởng của tiết kiệm nội địa lại rất biến động, mặc dù có xu hướng chung là chậm dần.
Mặt khác, nếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng có quan hệ khá khăng khít với nhau thì tốc độ tăng trưởng của tiết kiệm nội địa không gắn chặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Như vậy, nếu như tiết kiệm có quan hệ chặt với tăng trưởng kinh tế thì nhân tố tiết kiệm nước ngoài sẽ đóng vai trò bổ sung, hỗ trợ để điều tiết các biến động thất thường của tiết kiệm nội địa nhằm đảo bảo một quá trình tăng trưởng ổn định hơn.
Đồ thị 1: Quan hệ giữa tăng trưởng GDP với tiêu dùng và tiết kiệm nội địa












Để nghiên cứu tiến triển của tiết kiệm của dân cư theo giá cố định, cần xác định các chỉ tiêu liên quan theo giá cố định. Tuy nhiên, do chưa có số liệu điều tra về tiết kiệm của dân cư, đồng thời chưa xác định được thu chi và tiết kiệm của chính phủ theo giá cố định năm 1994 dẫn tới không thể tính toán được chỉ tiêu này theo phương pháp tính gián tiếp qua chỉ tiêu tiết kiệm của chính phủ nên dưới đây sẽ phân tích tiến triển của tiết kiệm của dân cư theo giá hiện hành.
2) Tiết kiệm nội địa, tiết kiệm của chính phủ và tiết kiệm của dân cư (theo giá hiện hành)
(1) Bảng số liệu 2 dưới đây thể hiện các thông tin về tiết kiệm nội địa, tiết kiệm của chính phủ và tiết kiệm của dân cư thời kỳ 1986-2006 theo giá hiện hành; trong đó tiết kiệm nội địa bằng hiệu số của GDP và tiêu dùng cuối cùng; tiết kiệm của chính phủ bằng tổng thu ngân sách trừ đi chi thường xuyên; và tiết kiệm của dân c­ư bằng tiết kiệm nội địa trừ đi tiết kiệm của chính phủ. Các số liệu cho thấy theo giá hiện hành, tiết kiệm của toàn nền kinh tế cũng như của từng khu vực chính phủ, của dân cư hầu như liên tục tăng lên trong suốt 20 năm qua. Đáng chú ý là mặc dù tiết kiệm nội địa liên tục tăng lên song cũng có những năm tiết kiệm của chính phủ (1997, 1999) hoặc tiết kiệm của dân cư (1990) giảm xuống.
Bảng 2: Số liệu về tiết kiệm của Việt Nam thời kỳ 1986-2006 (tỷ đồng)

GDP
Tiêu dùng cuối cùng
Tiết kiệm nội địa
Tổng thu ngân sách
Chi thường xuyên
Tiết kiệm của chính phủ
Tiết kiệm của dân c­ư
1986
599
592
7
86
90
-4
11
1987
2870
2829
41
387
367
20
21
1988
15420
14925
495
1791
1548
243
252
1989
28093
27096
997
3945
3264
681
316
1990
41955
40736
1219
6372
5221
1151
68
1991
76707
68959
7748
10613
8092
2521
5227
1992
110532
95314
15218
21024
13695
7329
7889
1993
140258
116719
23539
32199
23067
9132
14407
1994
178534
148037
30497
41440
31043
10397
20100
1995
228892
187233
41659
53374
39325
14049
27610
1996
272036
225231
46805
62387
43352
19035
27770
1997
313623
250584
63039
65352
49270
16082
46957
1998
361017
283444
77573
72965
50855
22110
55463
1999
399942
301690
98252
69500
48878
20622
77630
2000
441646
321853
119793
90749
61823
28926
90867
2001
481295
342607
138688
103888
71562
32326
106362
2002
535762
382137
153625
123860
78039
45821
107804
2003
613443
445221
168222
152274
95608
56666
111556
2004
715307
511221
204086
190928
107979
82949
121137
2005
839211
584793
254418
228265
134910
93355
161063
2006
973790
668540
305250
272760
162645
110115
195135
Nguồn số liệu: Niên giám thống kê các năm 2000-2006 và tính toán bổ sung của tác giả (số liệu về các loại tiết kiệm).
(2) Vì các số liệu trên chưa phản ánh được quan hệ với kết quả sản xuất và chịu ảnh hưởng của yếu tố giá nên để nghiên cứu biến động của các chỉ tiêu tiết kiệm, cách đơn giản nhất là tính tỷ lệ so với GDP. Kết quả tính toán được nêu trong bảng 3 dưới đây.
Bảng 3 cho thấy cho đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ trên GDP dù liên tục tăng lên song vẫn rất thấp và thường xuyên chỉ dưới 3%, trung bình 5 năm 1986-1990 chỉ đạt 1,35%. Tình hình đối với tiết kiệm của dân cư còn tồi tệ hơn: không chỉ có xu hướng giảm đi mà còn thường xuyên dưới 2%; trung bình 5 năm chỉ khoảng 1,1%.
Trong thập kỷ 90, tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ được cải thiện đáng kể song vẫn ở mức khá thấp và có xu hướng ổn định trì trệ; trung bình 10 năm 1991-2000 chỉ đạt khoảng 5,8%; đỉnh cao nhất cũng chỉ đạt 7% (năm 1996). Ngược lại, tỷ lệ tiết kiệm của dân cư đã có bước chuyển biến rất mạnh mẽ, thể hiện ở sự tăng lên rất nhanh, từ 0,2% năm 1990 lên tới 20,6% năm 2000 và cao nhất là 22,1% năm 2001. Chính sự tăng lên mạnh mẽ của tiết kiệm của dân cư đã làm cho tỷ lệ tiết kiệm nội địa tăng lên nhanh.
Bảng 3: Các tỷ lệ tiết kiệm nội địa so với GDP (%)

Tiết kiệm nội địa
Tiết kiệm của chính phủ
Tiết kiệm của dân c­ư
1986
1,2
-0,7
1,8
1987
1,4
0,7
0,7
1988
3,2
1,6
1,6
1989
3,5
2,4
1,1
1990
2,9
2,7
0,2
1991
10,1
3,3
6,8
1992
13,8
6,6
7,1
1993
16,8
6,5
10,3
1994
17,1
5,8
11,3
1995
18,2
6,1
12,1
1996
17,2
7,0
10,2
1997
20,1
5,1
15,0
1998
21,5
6,1
15,4
1999
24,6
5,2
19,4
2000
27,1
6,5
20,6
2001
28,8
6,7
22,1
2002
28,7
8,6
20,1
2003
27,4
9,2
18,2
2004
28,5
11,6
16,9
2005
30,3
11,1
19,2
2006
31,3
11,3
20,0
Nguồn số liệu: Tính toán của tác giả dựa trên các số liệu đã nêu.
Tuy nhiên, tình hình diễn ra từ đầu thập niên 2000 đã hoàn toàn ngược lại: Trong khi tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ đột nhiên khởi sắc và gia tăng rất nhanh thì tỷ lệ tiết kiệm của dân cư lại chững lại, thậm chí có xu hướng giảm xuống trong các năm 2002-2004.
Đồ thị 2: Tiến triển của các tỷ lệ tiết kiệm so với GDP (%)












Nhìn chung, trong thời kỳ đổi mới, tỷ lệ tiết kiệm của đất nước nói chung và từng khu vực nói riêng đều có sự tăng lên đáng kể, trong đó tiết kiệm của dân cư tăng lên rất nhanh và ngày càng lấn át tiết kiệm của chính phủ. Đồ thị 2 cho thấy ngay từ năm 1991, tỷ lệ tiết kiệm của dân cư đã cao hơn tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ, đồng thời khoảng cách giữa chúng ngày càng doãng ra trong suốt thập kỷ 90 và sau giai đoạn ngắn bị thu hẹp (2002-2004), lại đang trở lại xu hướng doãng ra từ năm 2005.
Đồ thị 2 cho thấy xu hướng vận động của tỷ lệ tiết kiệm nội địa và các thành phần của nó. Mặc dù cả ba tỷ lệ này đều có xu hướng tăng lên khá nhanh trong thời kỳ đổi mới, song có thể thấy quan hệ giữa tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ và tỷ lệ tiết kiệm của dân cư dường như đối lập nhau, tức là có sự thay thế nhau giữa hai loại tiết kiệm này, theo nghĩa khi tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ tăng lên nhanh thì tỷ lệ tiết kiệm của dân cư tăng chậm lại đáng kể, và ngược lại khi tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ tăng chậm lại thì tỷ lệ tiết kiệm của dân cư lại tăng lên mạnh mẽ.
Như vậy, dường như vai trò của chính sách điều tiết thu nhập giữa chính phủ và dân cư đã rất quan trọng để giải thích sự vận động của các dòng tiết kiệm. Thực tế đã xảy ra và nhiều lý thuyết kinh tế cũng đã nghiên cứu trường hợp khi chính phủ tăng cường thu thuế để nâng cao tỷ lệ tiết kiệm của mình nhằm mục tiêu có tiền để đầu tư cho các dự án lớn, thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tiết kiệm của dân cư, làm cho thu nhập thực tế và tỷ lệ tiết kiệm của khu vực này giảm xuống. Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân thuế, có thể còn có nhiều nguyên nhân khác giải thích cho sự vận động trái chiều này. Ví dụ trong trường hợp tỷ lệ tiết kiệm của dân cư giảm xuống, còn có thể có nguyên nhân là tỷ lệ tiêu dùng của dân cư tăng quá nhanh...
Tỷ lệ tiết kiệm của dân cư nói riêng và của toàn nền kinh tế nói chung phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố cơ cấu của các nền kinh tế. Do vậy, dưới đây sẽ xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ lệ tiết kiệm của dân cư để hiểu rõ hơn sự vận động của nó, từ đó có thể đưa ra các giải pháp thúc đẩy tiết kiệm của dân cư và dự báo quá trình phát triển của nó.
(3) Để so sánh tỷ lệ tiết kiệm của nước ta với các nước khác trong giai đoạn tiến tới thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, dưới đây là thông tin về tình hình tiết kiệm tại các nước công nghiệp trong 3 thập kỷ 60, 70 và 80 của thế kỷ trước.
Bảng 4: Các tỷ lệ tiết kiệm nội địa so với GDP (%)
Nước / thời kỳ
Tiết kiệm nội địa
Tiết kiệm của chính phủ
Tiết kiệm của dân c­ư
Mỹ:



Những năm 60
19,7
2,0
17,7
Những năm 70
19,4
0,4
19,1
Những năm 80
16,3
-2,0
18,4
Nhật Bản



Những năm 60
34,5
6,2
28,3
Những năm 70
35,3
4,8
30,5
Những năm 80
31,7
4,9
26,9
Đức



Những năm 60
27,3
6,2
21,1
Những năm 70
24,3
3,9
20,4
Những năm 80
22,5
2,0
20,5
Pháp



Những năm 60
26,2
-
-
Những năm 70
25,8
3,6
22,2
Những năm 80
20,4
1,4
19,0
Italia



Những năm 60
28,1
2,1
26,0
Những năm 70
25,9
-5,1
31,1
Những năm 80
21,9
-6,5
28,4
Anh



Những năm 60
18,4
3,6
18,4
Những năm 70
17,9
2,6
15,3
Những năm 80
16,6
0,5
16,1
Canada



Những năm 60
21,9
3,6
18,2
Những năm 70
22,9
2,7
20,1
Những năm 80
20,7
-1,5
22,2
Áo



Những năm 60
27,7
7,2
20,5
Những năm 70
28,0
6,2
21,8
Những năm 80
24,3
2,7
21,7
Bỉ



Những năm 60
22,4
-
-
Những năm 70
23,1
0,6
22,4
Những năm 80
16,8
-5,9
22,7
Đan Mạch



Những năm 60
23,3
-
-
Những năm 70
20,9
6,0
14,9
Những năm 80
15,5
0,4
15,1
Phần Lan



Những năm 60
25,4
7,3
18,0
Những năm 70
26,9
7,8
19,1
Những năm 80
24,4
4,3
20,1
Hy Lạp



Những năm 60
19,2
3,9
15,3
Những năm 70
25,8
2,3
23,5
Những năm 80
17,4
-7,3
24,7
Iceland



Những năm 60
25,4
-
-
Những năm 70
24,8
8,0
16,9
Những năm 80
18,7
6,8
12,0
Hà Lan



Những năm 60
26,9
4,6
22,1
Những năm 70
24,5
3,3
21,1
Những năm 80
22,2
-0,6
22,7
Na Uy



Những năm 60
27,4
8,1
19,2
Những năm 70
26,8
7,9
18,8
Những năm 80
27,7
8,6
19,1
Thuỵ Điển



Những năm 60
24,0
-
-
Những năm 70
20,9
-
-
Những năm 80
17,2
2,1
15,1
Thuỵ Sĩ



Những năm 60
29,4
4,5
24,9
Những năm 70
28,6
3,9
24,8
Những năm 80
28,5
3,6
24,9
Australia



Những năm 60
24,7
-
-
Những năm 70
24,0
2,9
21,2
Những năm 80
20,7
2,0
18,7
Nguồn số liệu: World Saving – An international survey, Arnold Heertje, BLACKWELL, Oxford UK of Cambridge USA, 1993.
Bảng số liệu trên cho thấy sau giai đoạn tăng cường tích luỹ để phát triển mạnh sau chiến tranh và trở thành nước công nghiệp, tỷ lệ tiết kiệm của các nước trên có xu hướng giảm dần, tức là chuyển dần sang thành xã hội tiêu thụ.
Mặt khác, tại hầu như tất cả các nước, tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ có xu hướng giảm dần trong khi tỷ lệ tiết kiệm của khu vực dân cư có xu hướng tăng lên. Trong trường hợp tỷ lệ tiết kiệm của cả chính phủ và tư nhân giảm đi thì mức giảm hầu như rơi vào tiết kiệm chính phủ, còn tiết kiệm của dân cư giảm không đáng kể. Như vậy, cũng có hiện tượng thay thế lẫn nhau giữa hai loại tiết kiệm như trường hợp của nước ta.
Ngoài ra, các số liệu cũng cho thấy tiết kiệm của chính phủ tại các nước trên trong giai đoạn mới trở thành nước công nghiệp đều rất thấp. Cao nhất là tại Na Uy, Iceland, Áo, Đức và Nhật Bản vào những năm 60, song cũng chỉ ở mức 6-8%. Ngược lại, tiết kiệm của dân cư lại rất cao, thấp nhất cũng khoảng 18-20% (trừ vài trường hợp cá biệt), cao nhất tới trên 30% tại Nhật Bản và Italia.
 Nhìn lại số liệu về tiết kiệm của chính phủ và tiết kiệm của dân cư của nước ta nêu trên, có thể nói tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ của nước ta đã vượt lên quá cao, trong khi tỷ lệ tiết kiệm của dân cư còn khá thấp.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét