Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

Khái niệm gây ấn tượng của Ấn Độ về hư vô

Khái niệm gây ấn tượng của Ấn Độ về hư vô
Mariellen Ward bbc.com - Ví dụ đầu tiên được biết về số 0 viết dưới dạng chữ số có thể được tìm thấy trong một ngôi đền bên trong pháo đài Gwalior ở Ấn Độ. Việc sáng chế ra con số 0 là một sự phát triển toán học cực kỳ quan trọng, nó là cơ sở cho việc tính toán, làm cho vật lý, kỹ thuật và phần lớn công nghệ hiện đại trở thành khả dĩ. Khái niệm về số 0 là thiết yếu cho một hệ thống mà nó là nền tảng cho máy tính hiện đại, đó là các số nhị phân.
Tại Gwalior, một thành phố đông đúc ở trung tâm Ấn Độ, một pháo đài thế kỷ 8 vươn lên với dáng vẻ thời trung cổ trên một cao nguyên ở chính giữa thị trấn. Pháo đài Gwalior là một trong những pháo đài lớn nhất của Ấn Độ; nhưng hãy nhìn các tòa tháp cao vút mái vòm, với những chạm khắc phức tạp và những bức bích họa đầy màu sắc và bạn sẽ thấy một ngôi đền nhỏ có từ thế kỷ 9 được đục vào vách đá. Đền Chaturbhuj giống như nhiều ngôi đền cổ khác ở Ấn Độ- ngoại trừ việc đây chính là điểm xuất phát của con số 0. Nó nổi tiếng vì đây là ví dụ lâu đời nhất về con số 0 được viết thành một chữ số: được khắc vào tường đền thờ là một dòng chữ thế kỷ 9 có hiển thị rõ ràng con số '270'.

Việc sáng chế ra con số 0 là một sự phát triển toán học cực kỳ quan trọng, nó là cơ sở cho phép tính toán, làm cho vật lý, kỹ thuật và phần lớn công nghệ hiện đại trở thành khả dĩ. Nhưng điều gì của văn hóa Ấn Độ đã tạo ra sự sáng tạo rất quan trọng này đối với Ấn Độ hiện đại- và thế giới hiện đại?
Số 0 từ hư vô

Tôi nhớ lại một bài nói chuyện ở TED của nhà thần thoại học nổi tiếng người Ấn Độ Devdutt Pattanaik, trong đó ông kể một câu chuyện về chuyến đi thăm của Alexander Đại Đế đến Ấn Độ. Nhà chinh phục thế giới hình như đã gặp người mà ông gọi là 'tu sĩ thông thái khổ hạnh'- một người trần truồng, khôn ngoan, có thể là luyện yoga- đang ngồi trên một tảng đá và chằm chằm nhìn bầu trời, và hỏi ông ta, "Ông đang làm gì vậy?".

"Tôi đang trải nghiêm cái hư vô. Còn ông đang làm gì vậy? " tu sĩ nói.

"Tôi đang chinh phục thế giới," Alexander nói.

Cả hai đều cười; người nọ nghĩ người kia là ngu ngốc và đang lãng phí cuộc sống.

Câu chuyện này diễn ra rất lâu trước khi con số 0 đầu tiên được ghi khắc trên tường ngôi đền Gwalior, nhưng việc tư duy sâu sắc của nhà tu sĩ thông thái về sự hư vô trong thực tế đã có liên quan đến phát minh ra chữ số 0. Người Ấn Độ, không giống như những người của nhiều nền văn hóa khác, đã được mở mang về mặt triết học với khái niệm hư vô. Các hệ thống như yoga đã được phát triển để khuyến khích thiền định và sự trống rỗng của tâm trí, trong khi cả Phật giáo và Ấn Độ giáo đưa khái niệm hư vô thành một phần trong giáo lý.

Tiến sĩ Peter Gobets, thư ký của Quỹ ZerOrigIndia có trụ sở tại Hà Lan, hoặc 'Dự Án Zero', nghiên cứu nguồn gốc của chữ số 0, ghi nhận trong một bài viết về sự phát minh số 0 mà "Số 0 toán học" ('shunya'trong tiếng Phạn) có thể đã phát sinh từ triết lý đương thời của sự trống rỗng hay Shunyata (một học thuyết Phật giáo về làm trống rỗng tâm trí mình khỏi những cảm tưởng và suy nghĩ)".

Ngoài ra, quốc gia này từ lâu đã có một niềm đam mê với toán học phức tạp. Các nhà toán học Ấn Độ thời sơ khai đã bị ám ảnh bởi những con số lớn khủng khiếp, họ đếm tới hàng tỷ trong khi người Hy Lạp cổ đại dừng lại ở khoảng 10.000. Họ thậm chí còn có những loại 'vô cực' khác nhau.

Hai nhà thiên văn học và toán học Hindu Aryabhata, sinh năm 476, và Brahmagupta, sinh năm 598, cả hai đều được tin rằng họ đã là những người đầu tiên chính thức mô tả hệ thống giá trị của vị trí số thập phân hiện đại và trình bày những quy tắc của việc sử dụng biểu tượng số 0. Mặc dù thành phố Gwalior từ lâu đã được cho là địa điểm đầu tiên của số 0 được viết như một vòng tròn, nhưng một cuộn viết tay cổ Ấn Độ, gọi là Bhakshali, cho thấy một ký hiệu dấu chấm ở vị trí thập phân, gần đây được xác định niên hạn theo carbon là thuộc thế kỷ thứ 3 hoặc thứ 4. Nay người ta coi đây là sự xuất hiện số 0 sớm nhất được ghi lại.

Marcus du Sautoy, giáo sư toán học tại Đại học Oxford, được trích dẫn trên trang web của trường đại học là đã nói rằng, "Việc tạo ra số 0 như một con số giống như số khác, mà nó được tiến triển từ ký hiệu cái chấm trong hàng số tìm thấy trong bản viết tay Bakhshali , là một trong những đột phá lớn nhất trong lịch sử toán học. Bây giờ chúng ta biết rằng ngay từ thế kỷ thứ 3 các nhà toán học ở Ấn Độ đã gieo hạt giống ý tưởng mà sau này nó trở nên rất cơ bản cho thế giới hiện đại. Những phát hiện này cho thấy toán học ở tiểu lục địa Ấn Độ trong nhiều thế kỷ đã phát triển mạnh mẽ đến mức nào.

Nhưng cũng không kém phần thú vị là lý do tại sao số 0 không được phát triển ở nơi khác. Một giả thuyết cho rằng một số nền văn hóa có quan điểm tiêu cực về khái niệm hư vô. Ví dụ, đã có một thời trong những ngày đầu của Gia Tô giáo ở Châu Âu các nhà lãnh đạo tôn giáo đã cấm sử dụng số không vì họ cảm thấy rằng, do Chúa ở trong mọi thứ, nên một biểu tượng đại diện cho sự hư không sẽ là quỷ quái.

Vì vậy, có thể có một cái gì đó trong những ý tưởng kết nối, trong sự sáng suốt tinh thần của Ấn Độ mà nó đã phát triển việc thiền định và phát minh của số 0. Ngoài ra cũng có một ý tưởng kết nối khác mà nó đã có ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới hiện đại.

Khái niệm về số 0 là thiết yếu cho một hệ thống mà nó là nền tảng cho máy tính hiện đại, đó là các số nhị phân.

Thung lũng Silicon, phong cách Ấn Độ


Khi bạn lái xe ra khỏi sân bay quốc tế Kempegowda của Bengaluru về phía trung tâm thành phố, cách đó khoảng 37km, bạn sẽ được chào đón bởi nhiều biển báo lớn chôn chặt vào đất nông thôn Ấn Độ. Chúng thông báo tên của các vị thần mới của Ấn Độ hiện đại, các công ty đi đầu trong cuộc cách mạng kỹ thuật số. Intel, Google, Apple, Oracle, Microsoft, Adobe, Samsung và Amazon tất cả đều có văn phòng tại Bengaluru, cùng với các anh hùng bản địa như Infosys và Wipro.

Sân bay khang trang và các biển báo sáng loáng là những chỉ dấu đầu tiên của sự thay đổi. Trước khi ngành công nghệ thông tin (CNTT) đến với thành phố Bengaluru, nó có tên là Bangalore, và được biết là Thành Phố Vườn. Bây giờ nó là Bengaluru và được coi là Thung Lũng Silicon của Ấn Độ.

Những gì bắt đầu vào những năm 1970, một khu công nghiệp đơn lẻ, Electronic City, nhằm mở rộng ngành công nghiệp điện tử ở bang Karnataka, đã mở đường cho bùng nổ của ngày nay. Thành phố hiện có nhiều công viên CNTT và là nơi của gần 40% ngành CNTT của đất nước. Bengaluru thậm chí có thể vượt qua Thung Lũng Silicon, với dự đoán cho thấy nó có thể trở thành trung tâm CNTT lớn nhất trên trái đất vào năm 2020, với hai triệu chuyên gia CNTT, sáu triệu việc làm gián tiếp về CNTT và 80 tỷ đô la xuất khẩu về CNTT.

Số nhị phân đã giúp thực hiện được điều này.

Các máy tính kỹ thuật số hiện đại hoạt động theo nguyên tắc của hai trạng thái có thể, 'bật' và 'tắt'. Trạng thái 'bật'mang giá trị '1', trong khi trạng thái 'tắt' mang giá trị '0'.


"Có lẽ không ngạc nhiên gì khi hệ thống số nhị phân cũng được phát minh ở Ấn Độ, vào thế kỷ thứ 2 hoặc thứ 3 trước công nguyên, bởi một nhà âm nhạc học tên là Pingala, mặc dù là để sử dụng cho âm thanh học," Subhash Kak, nhà sử học về khoa học và thiên văn học và giáo sư ở Đại học bang Oklahoma, nói.

Vườn bách thảo Lalbagh nằm ở trung tâm văn hóa và địa lý của Bengaluru, một biểu tượng của 'Bangalore cũ' và là địa điểm đầu tiên mà dân địa phương khuyên nên xem. Ban đầu được thiết kế vào năm 1760 với nhiều lần bổ sung sau này, nó gây cảm giác rõ rệt thời Victoria, gồm 150 loại hoa hồng và một nhà lều bằng kính được làm vào cuối những năm 1800 và phỏng theo Crystal Palace ở Luân Đôn. Lalbagh là kho báu trong một thành phố mà nó là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất Châu Á, và là kỷ niệm đáng yêu của những ngày mà Bengaluru là nơi yêu thích của các công chức Anh nghỉ hưu thời Anh cai trị Ấn Độ. Họ xây dựng những ngôi nhà tranh kỳ lạ có vườn rộng lớn và sống êm ả những năm hưu trí để tận hưởng khí hậu ôn đới và điều kiện lý tưởng của thị trấn tĩnh lặng.

Nhưng Bangalore cổ đang biến mất bên dưới công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết và sự mở rộng đầy tham vọng của thành phố. Trong 10 năm, từ 1991 đến 2001, Bengaluru đã tăng trưởng đáng kể, 38%, và nay là thành phố đông dân thứ 18 trên thế giới với 12 triệu dân. Giao thông được cho là tồi tệ nhất ở Ấn Độ, vì quy hoạch cơ sở hạ tầng không theo kịp với sự phát triển của nhiều công viên CNTT và dòng người không ngừng tới đây làm việc.

Sự hỗn loạn và tắc nghẽn, là dấu ấn của các đô thị của Ấn Độ, đã đạt đến đỉnh cao ở Bengaluru, nơi có thể phải mất một giờ để lái xe được 3km. Tuy nhiên, người dân vẫn tiếp tục phấn đấu dũng cảm, cố gắng sống thật gần khu công nghệ cao- và thậm chí, trong một số trường hợp, sống ngay trong đó- tạo ra các công ty khởi nghiệp, thiết kế phần mềm và cung cấp cho thế giới các sản phẩm và bí quyết về CNTT. 

Thật khó để tưởng tượng được số lượng chip và bit và chương trình máy tính do Bengaluru làm ra, số lượng máy tính và thiết bị được chế tạo và được cấp điện. Và thậm chí càng không thể tưởng tượng nổi số con số 0 của hệ thống nhị phân mà nó đã sử dụng.

Ấy thế mà tất cả những thứ đó đã bắt đầu ở Ấn Độ… đi từ hư vô.

Bài tiếng Anh trên BBC Travel

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét