Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Dấn thân và Xã hội

Dấn thân và Xã hội
30/5/2019 Theo Blog TS Nguyễn Huy Vũ
Với nhiều người Việt, làm gì thì làm đừng đụng đến chính trị. Nhưng người ta quên rằng cho dù mình né tránh chính trị thì chính trị cũng sẽ tìm đến mình. Chính trị là mức thuế chúng ta đóng hàng ngày, là chi phí để xây con đường ta đi, là tiền điện, tiền nước, tiền xăng, là y tế, giáo dục, là cảnh sát, là dân phố và quan phường, mà dù muốn dù không chúng ta đều chịu đựng. Do đó, khi nói rằng tôi không quan tâm chính trị đồng nghĩa với nói rằng tôi không quan tâm đến sự phát triển và thay đổi của cộng đồng dù biết rằng mình là một cá thể. Nhưng tâm lý sâu xa của một người dân khi nói tôi không quan tâm đến chính trị là tâm lý của một người dân thấp cổ bé miệng sợ bị rắc rối với chính quyền.
(Ảnh minh họa/Lê Nhật Vương Anh)
Nếu hỏi tôi một học giả Việt Nam hiện đại, người tạo ra những ảnh hưởng lớn lao cho tôi những ngày còn rất trẻ, tôi sẽ không nghĩ mà đáp rằng đó là Nguyễn Hiến Lê. Những quyển sách của ông luôn chứa đựng những bài học và tri thức mà bất cứ ai cũng nên đọc. Ngày còn nhỏ, vì muốn chóng thành công trong cuộc đời mà tôi lùng tìm tất cả những cuốn sách của ông, đọc đi đọc lại với mơ ước trang bị hết cho mình những kỹ năng trước khi vào đời, cái cảm giác giống như một môn sinh võ đạo ráng học hết những công phu của thầy trước khi xuống núi. 

Cuộc đời ông còn là một tấm gương sáng đáng để cho hậu thế ngưỡng mộ. Ông không có một bằng cấp cao nhưng những gì ông để lại và gây ảnh hưởng cho những thế hệ sau nó vĩ đại hơn gấp nhiều lần tấm bằng ông có được mà theo tiểu sử ông mới chỉ tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính ở Hà Nội trước khi vào miền Nam làm việc và gắn bó hết phần còn lại của cuộc đời mình. Cho đến khi ông mất, người ta khó khăn lắm mới tìm được mộ của ông nằm khiêm tốn ở sân vườn một ngôi chùa miền Tây Nam Bộ.

Trong một quyển sách của ông, nhằm lý giải cho con đường mình chọn, ông có kể một câu chuyện như sau. Trong một lần đi xa, giữa trưa ngang qua một cánh đồng trơ trọi, vừa nắng vừa mệt, bỗng ông thấy một gốc cây to tỏa bóng râm mát cả một vùng rộng lớn, hương hoa thoang thoảng thơm trong gió. Ngồi uống ngụm nước ông thầm cám ơn người nào đó đã có công trồng và chăm sóc cây. Sau đó ông tâm sự, ước gì trong xã hội này mỗi người ai cũng cố gắng trồng thêm một cây hẳn cả cộng đồng đều được hưởng thêm nhiều bóng mát. Rồi ông thêm, với mỗi người, làm tốt công việc của mình trong bổn phận của nghề nghiệp và gia đình là chưa đủ mà chúng ta còn có thể làm cho xã hội tốt đẹp hơn bằng việc làm thêm một điều gì đó cho cộng đồng, như người nông dân nào đó đã trồng cái cây để có bóng mát cho người qua đường. Và cũng vì chúng ta là một phần của xã hội, hưởng thụ và trưởng thành từ nó, làm thêm một điều tốt cũng là một cách trả cái ơn cộng đồng đã nuôi ta khôn lớn. Vì nghĩ như vậy mà cả cuộc đời của ông là một tấm gương dấn thân vĩ đại.

Những ngày ở Mỹ, tôi luôn cố gắng tìm hiểu điều gì khiến người Mỹ dựng xây nên một đất nước thành công, và điều gì khiến người Mỹ khác với những tổ tiên họ, những người còn ở châu Âu lục địa hay ở các vùng khác trên toàn thế giới. Cuối cùng tôi nhận ra một điều đó là sự dấn thân. Người Mỹ dấn thân nhiều hơn dân ở các nước khác. Nếu chỉ nhìn ở bảng xếp hạng các quốc gia bố thí nhiều nhất, nơi mà người Mỹ được xếp hạng thứ 2 sau người Miến Điện, nó chỉ cho ra một con số mà chỉ đến khi ở Mỹ và quan sát mới thấy hết ý nghĩa đằng sau của con số đó.

Tinh thần dấn thân của người Mỹ có mặt ở mọi thành phần xã hội. Ở các diễn đàn, trí thức Mỹ tranh luận công khai đủ mọi chủ đề từ kinh tế, văn hóa, chính trị, đến xã hội. Người cho rằng nước Mỹ đi xuống, người bảo nó đi lên. Người bảo Trung Quốc khủng hoảng, người bảo chưa. Người ủng hộ mậu dịch tự do, người phản đối. Người bảo cấm bán súng, người ủng hộ. 

Bất cứ chính sách nào hay ý kiến nào cũng có người ủng hộ và người chống. Nhờ tranh luận công khai như vậy mà người dân và giới làm chính sách hiểu hơn về các vấn đề. Nếu có một hành động nào mà sai lầm thì cũng nhanh chóng được sửa. Ở các hoạt động đời thường, những ai lần đầu đến Mỹ cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của những người bình dị xung quanh và ở các hội đoàn một cách miễn phí và vô vị lợi. Đó là ở những nhà thờ nơi mà bạn có thể nhận được quần áo và các đồ dùng nấu ăn. Đó là những trung tâm dạy tiếng Mỹ hay dạy nấu ăn miễn phí mà đa số đều được vận hành bởi các thiện nguyện viên. Chính vì được đón chào và nhận nhiều như vậy, những người đến Mỹ dần dần cũng tự hình thành nên một văn hóa dấn thân nhiều hơn cho cộng đồng, giúp đỡ những người khác như một cách trả ơn những gì họ đã nhận. Dần dà họ hình thành nên một văn hóa cho nhận mà có đến Mỹ mới thấy họ thân thiện và chân tình.

Nhưng cũng như bất kỳ văn hóa nào, sự dấn thân cần được nuôi dưỡng và động viên. Đọc báo Mỹ chúng ta sẽ bắt gặp các tin các tỉ phú hiến phần lớn tài sản của mình cho công việc thiện nguyện. Từ việc chống đói nghèo ở các nước châu Phi, tới nghiên cứu các căn bệnh khó chữa, đến xây dựng trường học, bệnh viện, thư viện, hay các hoạt động nghiên cứu khác. Sự thiện nguyện của họ được lưu danh bằng cách đặt tên cho các quỹ hay các cơ sở mà họ hiến tặng. Đối với các hành động hiến tặng, người Mỹ ghi ơn rất cẩn thận. Thậm chí ở những sở thú hay bảo tàng, các chậu cây be bé hay các bức tranh được hiến tặng bởi cá nhân hay tổ chức đều được ghi tên rất chỉn chu. Không ai mà không tự hào khi thấy tên của các thế hệ bố mẹ, ông bà mình và biết được rằng họ đã làm những điều thiện nguyện cho cộng đồng.

Trong các sự dấn thân, có một hành động dấn thân lớn lao đó là dấn thân về chính trị. Tại sao gọi là lớn lao? Vì nếu như công việc bố thí hay giúp đỡ vài người bản thân nó chỉ có ảnh hưởng đến một vài người được nhận. Ngược lại, sự dấn thân về chính trị nếu thành công sẽ tác động đến tương lai và cuộc sống của không chỉ một vài người mà là cả một cộng đồng hay đất nước vài chục triệu người và kéo dài hàng thế hệ. Vì vậy mà sự dấn thân chính trị đứng đắn và lương thiện có thể nói là một hành động thiện nguyện lớn lao. Hãy thử hình dung những nhà vận động nhân quyền đem lại quyền bình đẳng cho người Mỹ da đen, hay rất nhiều những cá nhân dấn thân cho những đất nước tự do và thịnh vượng trên toàn thế giới. Họ là những tấm gương đáng ngưỡng mộ.

Với nhiều người Việt, làm gì thì làm đừng đụng đến chính trị. Nhưng người ta quên rằng cho dù mình né tránh chính trị thì chính trị cũng sẽ tìm đến mình. Chính trị là mức thuế chúng ta đóng hàng ngày, là chi phí để xây con đường ta đi, là tiền điện, tiền nước, tiền xăng, là y tế, giáo dục, là cảnh sát, là dân phố và quan phường, mà dù muốn dù không chúng ta đều chịu đựng. Do đó, khi nói rằng tôi không quan tâm chính trị đồng nghĩa với nói rằng tôi không quan tâm đến sự phát triển và thay đổi của cộng đồng dù biết rằng mình là một cá thể. Nhưng tâm lý sâu xa của một người dân khi nói tôi không quan tâm đến chính trị là tâm lý của một người dân thấp cổ bé miệng sợ bị rắc rối với chính quyền.

Đó là một tâm lý mà người Việt cần thay đổi. Vì dấn thân không những là làm một việc thiện nguyện hay là một cách trả ơn cho cộng đồng, mà ở đó bằng cách thúc đẩy những điều tiến bộ trong cộng đồng, chính chúng ta sẽ là những người đầu tiên được hưởng lợi. Đất nước được dựng xây từ chính những hành động của chúng ta ngay hôm nay.

Minneapolis, 26/1/2016

Theo Blog TS Nguyễn Huy Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét